Nhóm thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển Na-Glucose 2 (SGLT2) trị ĐTĐ typ 2
Người dịch: DS. Đỗ Thu Hiền, Trung tâm y tế thị xã Dĩ An
Người hiệu đính: DS. Võ Ngọc Thanh, BV Truyền máu Huyết học, TP. HCM
Đái tháo đường gây ra nhiều biến chứng như bệnh tim mạch, tổn thương mắt, suy thận, cụt chi dưới. Chế độ ăn uống hợp lí, tập thể dục và thuốc là cần thiết để kiểm soát đường huyết. Hiện nay, có nhiều nhóm thuốc có thể sử dụng điều trị đái tháo đường type 2 (ĐTĐT2), trong đó các thuốc ức chế đồng vận chuyển natri-glucose 2 (Sodium-GLucose co-Transpoter 2: SGLT2) là nhóm thuốc mới giúp hạ đường huyết và cải thiện việc kiểm soát đường huyết. Cho đến nay, ba thuốc thuộc nhóm ức chế SGLT2 được FDA phê duyệt là canagliflozin (Invokana, Janssen), dapagliflozin (Farxiga, AstraZeneca), và empagliflozin (Jardiance, Boehringer Ingelheim). Canagliflozin là thuốc ức chế SGLT2 đầu tiên được chấp thuận vào tháng 3 năm 2013.
ĐẶC TÍNH DƯỢC LÝ
SGLT2 là kênh vận chuyển ở ống lượn gần có vai trò trong tái hấp thu glucose từ ống thận. Khi ức chế kênh vận chuyển này, glucose sẽ không được tái hấp thu từ ống thận và sẽ tăng cường thải trừ qua nước tiểu, do đó làm giảm nồng độ glucose trong máu.
ĐIỀU TRỊ: SỬ DỤNG, LIỀU, ĐƯỜNG DÙNG
Nhóm thuốc ức chế SGLT2 được FDA chấp thuận để cải thiện kiểm soát đường huyết ở người lớn bị ĐTĐT2 kết hợp với chế độ ăn uống và tập thể dục. Những thuốc này được dùng đường uống 1 lần 1 ngày. Liều khởi đầu của canagliflozin, dapagliflozin, empagliflozin lần lượt là 100 mg, 5 mg, 10 mg. Liều có thể tăng đến 300mg, 10mg và 25mg một ngày nếu không đạt HbA1c mục tiêu. Canagliflozin nên được uống trước bữa ăn đầu tiên trong ngày, dapagliflozin và empagliflozin nên được uống vào buổi sáng, không uống chung với thức ăn. Bệnh nhân suy gan hay suy thận nên được giảm liều hay ngưng điều trị.
SO SÁNH HIỆU QUẢ
Hiện nay, chưa có các nghiên cứu so sánh trực tiếp giữa các thuốc trong nhóm ức chế SGLT2, nhưng một số phân tích gộp gần đây đã so sánh tính hiệu quả và an toàn giữa các thuốc này. Một phân tích gộp tiến hành trên 38 thử nghiệm kéo dài ít nhất 24 tuần so sánh liều của canagliflozin, dapagliflozin, empagliflozin với giả dược hoặc thuốc hạ đường huyết khác ở người trưởng thành mắc ĐTĐT2. Một vài thử nghiệm khác tiến hành so sánh hiệu quả khi sử dụng thuốc ức chế SGLT2 đơn trị và kết hợp thuốc hạ đường huyết khác. Tiêu chí đánh giá chính là HbA1c, mức độ giảm cân và khả năng nhiễm trùng niệu sinh dục so với các phương pháp khác.
HbA1c được đánh giá trong tất cả các thử nghiệm, kết quả cho thấy thuốc ức chế SGLT2 giảm đáng kể HbA1c khi so với giả dược. Lượng HbA1c trung bình giảm được tổng hợp trong bảng sau:
Bảng: HbA1c giảm so với giả dược |
|
Thuốc |
Lượng HbA1c giảm trung bình |
Canagliflozin 300mg |
-0,86% (-0,96 đến -0,76) |
Canagliflozin 100mg |
-0,76% (-0,86 đến -0.66) |
Dapagliflozin 10mg |
-0,66% (-0,74 đến -0,58) |
Dapagliflozin 5mg |
-0,56% (-0.76 đến -0,44) |
Empagliflozin 25mg |
-0,66% (-0,76 đến -0,56) |
Empagliflozin 10mg |
-0,60% (-0,70 đến -0,50) |
Canagliflozin 300 mg được chứng minh làm giảm HbA1c vượt trội hơn so với dapagliflozin và empagliflozin (P < 0,05). Thuốc ức chế SGLT2 cũng làm giảm đáng kể cân nặng (P < 0,05), trung bình giảm từ 1,58 kg (dapagliflozin 5 mg) đến 2,47 kg (canagliflozin 300 mg). Dữ liệu an toàn cho thấy thuốc ức chế SGLT2 làm tăng nguy cơ nhiễm trùng niệu sinh dục với sự khác nhau không ý nghĩa giữa các loại thuốc trong nhóm. OR dao động từ 4,2 (95% CI, 2,7 – 6,3) đối với empagliflozin 10 mg đến 5,9 (95% CI, 4,0 – 8,3) đối với canagliflozin 300 mg. Nhìn chung, thuốc ức chế SLGT2 làm giảm HbA1c với canagliflozin vượt trội hơn các thuốc còn lại. Ngoài ra các thuốc này cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng sinh dục so với giả dược.
CẢNH BÁO/ PHẢN ỨNG CÓ HẠI
Thuốc có thể gây hạ huyết áp, nhiễm ceton acid, suy thận, viêm bể thận, nhiễm khuẩn niệu, hạ đường huyết do tăng tiết insulin, nhiễm nấm sinh dục và làm tăng LDL cholesterol (2,9% – 8,0%). Thuốc ức chế SGLT2 có thể gây nhiễm trùng niệu sinh dục và tăng lượng nước tiểu do làm tăng đào thải glucose qua nước tiểu. Trong tờ hướng dẫn đính kèm đã cảnh báo về nguy cơ gãy xương liên quan đến thuốc này nhưng một phân tích gộp với 38 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng trên 30.384 bệnh nhân (theo dõi ít nhất 24 tuần) không tìm thấy bằng chứng có ý nghĩa thống kê là thuốc ức chế SGLT2 tăng nguy cơ gãy xương (OR, 1,02; 95% CI, 0,84 – 1,23). Dapagliflozin có thể liên quan đến ung thư bàng quang dù chưa đầy đủ bằng chứng chứng minh mối liên hệ này. Gần đây, FDA đã ban hành cảnh báo về nhiễm ceton acid và nhiễm trùng đường tiết niệu.
TƯƠNG TÁC THUỐC
Nồng độ thuốc ức chế SGLT2 được đánh giá bằng xét nghiệm glucose trong nước tiểu và định lượng 1,5-anhydroglucitol, ngoài ra một số phương pháp khác cũng được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu. Thuốc gây cảm ứng enzym Uridine’5 diphospho-glucuronosyl transferase (UGT) (như rifampin) sẽ làm giảm nồng độ dẫn đến giảm hiệu quả điều trị của các thuốc ức chế SGLT-2 khi dùng chung. Canagliflozin có thể làm tăng nồng độ của digoxin; do đó nên tiến hành theo dõi chặt chẽ ở bệnh sử dụng đồng thời 2 thuốc này..
LIỆU TRÌNH ĐIỀU TRỊ
Hiệp hội đái tháo đường Mỹ (ADA) khuyến cáo sử dụng metformin điều trị khởi đầu cho bệnh nhân ĐTĐT2 và thuốc ức chế SGLT2 có thể xem xét điều trị bổ sung nếu bệnh nhân có HbA1c không đạt mục tiêu sau 3 tháng. Mức độ ưu tiên sử dụng các loại thuốc trị đái tháo đường phải được xem xét giữa các thuốc ức chế SGLT2, sulfonylurea, nhóm thiazolidinedione, thuốc ức chế dipeptidyl peptidase-4, chất chủ vận thụ thể glucagon-like peptide-1 hoặc insulin. Lợi ích của thuốc ức chế SGLT2 bao gồm giảm nguy cơ gây hạ đường huyết và giúp giảm cân vừa phải nhưng gia tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu và chi phí cao.
Giá bán trung bình của các liều canagliflozin, dapagliflozin, và empagliflozin là 470 USD 1 lọ 30 viên. Cần được cân nhắc giữa chi phí và lợi ích một cách cẩn thận khi quyết định lựa chọn thuốc ức chế SGLT2 để điều trị cho bệnh nhân. FDA yêu cầu nghiên cứu hậu mãi (post-marketing) nhằm đánh giá các khía cạnh về tim mạch, ung thư bàng quang, viêm tụy, bất thường về gan, an toàn về xương và sử dụng ở trẻ em; các nghiên cứu này có thể ảnh hưởng đến lợi ích của việc sử dụng thuốc ức chế SGLT2 trong tương lai.
Nguồn: Sodium-Glucose Cotransporter-2 Inhibitors for Treating Type 2 Diabetes [Link]
nguoi benh tieu duong co duong trong nuoc tieu, benh nhan su dung thuoc uc che SGLT- cung xuat hien duong trong nuoc tieu? vay co su khac biet gi khong a?