Menu

CLS chảy máu sinh dục ở PNCT

CHẢY MÁU SINH DỤC

“Tôi bị đau ở vùng bụng dưới”

Nguồn: Pr Jacques Lepercq. Hémorragies génitales “J’ai des douleurs dans le bas du ventrel”. Le Moniteur des pharmacies. Link: https://drive.google.com/file/d/0Bx4vzBSUjB4ea3hNZDI5M0R2aTA/view

Người dịch: SVD4. Trần Tố Loan, Đại học Dược Hà Nội.

Hiệu đính: ThS.DS. Nguyễn Duy Hưng

 

Cô L., 24 tuổi, tay ôm bụng, đến yêu cầu tư vấn:

  • Tôi đã làm test thử thai ngày hôm qua và cho kết quả dương tính, tuy nhiên từ sáng nay tôi bị đau và chảy máu nhẹ. Tôi chỉ có thể gặp bác sỹ phụ khoa vào tuần tới, tôi nên làm gì?
  • Chị cần phải đi cấp cứu ngay. Chị có nguy cơ bị chửa ngoài tử cung và cần được xử trí nhanh chóng.

QUÝ I

Thai ngoài tử cung

Từ 10 đến 20% phụ nữ mang thai bị chảy máu hoặc đau vùng chậu trong ba tháng đầu của thai kỳ. Trong hầu hết các trường hợp, đó là biểu hiện của việc thai trong tử cung đang tiến triển thuận lợi. Tuy nhiên trong 5-10% trường hợp, đó có thể là chửa ngoài tử cung.

Triệu chứng

Các biểu hiện đau vùng chậu và chảy máu là không đặc hiệu. Có thể bị đau ở bên, tuy nhiên không phải lúc nào cũng xuất hiện. Việc chảy máu thường ít và tối màu (nâu đen).

Yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ chính là tuổi (> 40 tuổi), hút thuốc lá, tiền sử nhiễm trùng sinh dục hay phẫu thuật ống dẫn trứng, tiền sử có thai ngoài tử cung, vô sinh được hỗ trợ sinh sản bằng y học.

Phải làm gì

  • Cần phải tiến hành xét nghiệm nước tiểu và kèm theo đó là khám bác sỹ phụ khoa.
  • Khi xuất hiện các dấu hiệu nghiêm trọng (mệt mỏi, xanh xao, bụng sưng và đau), phải liên lạc ngay với dịch vụ y tế khẩn cấp (nguy cơ vỡ ống dẫn trứng).

Sảy thai

  • Khi có nguy cơ sảy thai , có thể xuất hiện chảy máu vừa đôi khi đi kèm với các cơn đau giống như đau bụng kinh.
  • Việc sảy thai tự nhiên dẫn đến các cơn đau và chảy máu nghiêm trọng. Điều này thường do quá trình đào thải một phôi thai bất thường.
  • Trong mọi trường hợp, cần phải tư vấn y tế khẩn cấp.

QUÝ II VÀ QUÝ III

Hai nguyên nhân nghiêm trọng nhất gây chảy máu là nhau tiền đạo và nhau bong non (cấp cứu sản khoa).

Nhau tiền đạo

  • Nhau thai bám vào đoạn dưới tử cung và không di chuyển lên trên như bình thường. Sự xuất hiện của các cơn co thắt tử cung dẫn đến chảy máu.
  • Tần suất của nhau tiền đạo dao động trong khoảng 0,3 đến 2,6% các trường hợp mang thai.
  • Các yếu tố nguy cơ chính: mang thai nhiều lần, thai phụ cao tuổi, mang thai đôi, hút thuốc, tiền sử các can thiệp tử cung (nạo hút, sinh mổ…) hoặc nhau thai bám thấp.
  • Cần phải nhập viện. Nghỉ ngơi tại giường và dùng thuốc chống co thắt tử cung (tocolytiques). Bệnh nhân sẽ được mổ lấy thai trước thời hạn sinh.

Nhau bong non

  • Đó là hiện tượng một nhau thai bám bình thường bị bong non.
  • Thường gặp đau bụng dữ dội và đột ngột. Chảy máu thường ít gặp hơn.
  • Yếu tố nguy cơ: tiền sản giật, thai chậm phát triển trong tử cung, tiền sử nhau bong non, chấn thương, hút thuốc, dùng cocain.
  • Chỉ số sinh tồn của mẹ và thai nhi sẽ bị ảnh hưởng trong trường hợp không can thiệp kịp thời.

Nguyên nhân khác

Như trong quý I, chảy máu cũng có thể xuất hiện ở cổ tử cung (do nhiễm trùng, khối u, ung thư cổ tử cung).

Khâu vòng cổ tử cung

Khâu vòng cổ tử cung là việc đặt một đường khâu bằng chỉ không hấp thụ xung quanh cổ tử cung để duy trì tình trạng đóng. Thủ thuật này thường được thực hiện khi bệnh nhân được gây mê toàn thân. Đường khâu sẽ được cắt vào cuối tháng thứ 8 của thai kỳ (thủ thuật không đau không cần gây mê) hoặc trước đó trong trường hợp đe dọa sinh (nguy cơ rách cổ tử cung). Khâu vòng cổ tử cung có thể được thực hiện như một biện pháp phòng ngừa trong trường hợp cổ tử cung không đủ khả năng đóng, khi bệnh nhân có tiền sử sinh non hoặc sảy thai muộn, và trong trường hợp khẩn cấp đe dọa sảy thai muộn.

Tự kiểm tra

Đúng hay sai?

Việc có thai ngoài tử cung luôn xuất hiện chảy máu ồ ạt và đâu dữ dội ở bên.

Trả lời : Sai

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.