Menu

Các chất bổ sung OTC cho người có Cholesterol cao

Dịch bài: Nguyễn Bảo San, Phan Thắng, Mai Lê Tư

Hiệu đính: Nguyễn Duy Hưng

 

Bệnh tim mạch vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và bệnh tật ở Hoa Kỳ, trong đó bệnh mạch vành (CAD) là nguyên nhân gây tử vong số một. Chứng rối loạn lipid máu là một yếu tố chính đóng góp vào sự phát triển của CAD và các dạng xơ vữa động mạch khác;những người có mức cholesterol toàn phần cao (≥240 mg / dL) có nguy cơ mắc bệnh tim cao gấp 2 lần. Khoảng 100 triệu người trưởng thành ở Mỹ có mức cholesterol toàn phần > 200 mg / dL (giới hạn trên), và gần 74 triệu người có cholesterol lipoprotein tỉ trọng thấp (LDL-C) ở mức cao. Người trưởng thành trên 20 tuổi nên kiểm tra cholesterol ít nhất 5 năm một lần.

 

Hướng dẫn điều trị

Có rất nhiều thuốc điều trị chứng rối loạn lipid máu, bao gồm sử dụng các chất ức chế HMG-CoA reductase hay còn gọi là các statin, các chất ức chế hấp thu cholesterol, niacin, các chất ức chế acid mật, các fibrate và axit béo omega-3; tuy nhiên, các statin là thuốc điều trị chính. Vào năm 2013, Trường Tim mạch Hoa Kỳ (American College of Cardiology – ACC) và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association – AHA) đã đưa ra hướng dẫn điều trị cholesterol máu Thay vì cung cấp các chỉ tiêu cholesterol cụ thể, các hướng dẫn hiện nay tập trung vào cường độ điều trị statin ở bốn nhóm khác nhau (BẢNG 1) . Sự thay đổi trong điều trị này có thể làm tăng số người lớn đủ điều kiện dùng statins đến 12,8. Các khuyến cáo của Hiệp hội Lipid Quốc gia đưa ra vào năm 2014 cung cấp các mục tiêu về cholesterol không có lipoprotein tỉ trọng cao (non-HDL-C), nhưng cũng giống như hướng dẫn của ACC / AHA, sự tập trung chủ yếu vào statin như là tác nhân điều trị chính

Bảng 1. HƯỚNG DẪN ĐIỀU TRỊ CHOLESTEROL MÁU NĂM 2013 CỦA ACC/AHA

Nhóm

Khuyến cáo

Bênh nhân mắc bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch ≤ 75 tuổi: dùng statin liều cao

> 75 tuổi hoặc không dung nạp statin liều cao: statin liều trung bình

Nồng độ LDL-C ≥ 190 mg/dL Dùng statin liều cao (dùng liều trung bình nếu không dung nạp)
Bệnh nhân đái tháo đường từ 40-75 tuổi và LDL-C từ 70-189 mg/dL Nguy cơ mắc bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch trong 10 năm < 7,5%: Statin liều trung bình

Nguy cơ mắc bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch trong 10 năm ≥ 7,5%: Statin liều cao

Người lớn 40-75 tuổi, LDL-C từ 70-189 mg/dL và nguy cơ mắc bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch Statin liều trung bình đến cao

Mặc dù vậy, có đến gần một nửa số người đủ điều kiện điều trị không dùng thuốc hạ cholesterol. Điều này có thể là do nhiều nguyên nhân, bao gồm cả chi phí, sự nhận thức với các nguy cơ tim mạch, và, phổ biến nhất,nỗi sợ và lo ngại về độ an toàn và các tác dụng phụ của thuốc

 

Các chế phẩm bổ sung không kê đơn

Một số bệnh nhân có thể đang tìm kiếm các cách khác để giảm cholesterol và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch của họ. Khoảng 34% người trưởng thành ở Hoa Kỳ đang sử dụng một số loại thuốc bổ sung và thay thế (CAM). Cholesterol được coi là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu khiến người ta sử dụng CAM Dầu cá và tỏi, hai chất bổ sung thường được sử dụng để giảm cholesterol cao, là một trong 10 sản phẩm tự nhiên hàng đầu được sử dụng nhiều nhất. Dược sĩ là một vị trí lý tưởng để giáo dục bệnh nhân về việc sử dụng các sản phẩm OTC để quản lý cholesterol. Họ có thể giúp bệnh nhân đưa ra quyết định dựa trên số liệu sẵn có. Sau đây sẽ bàn luận về các thuốc OTC phổ biến hơn được sử dụng trong quản lý chứng rối loạn lipid máu.

Tỏi: Tỏi đã được sử dụng như một tác nhân chữa bệnh trong hàng ngàn năm. Ngày nay, nhiều người sử dụng tỏi vì các lợi ích cho tim mạch của nó, như giảm huyết áp và cholesterol. Tỏi chứa axit amin anilin. Khi bị nghiền nát, alliin được chuyển thành allicin, một chất ức chế tổng hợp cholesterol; tuy nhiên, các nghiên cứu lâm sàng đã cho các kết quả trái ngược nhau. Trong các phân tích tổng hợp các nghiên cứu, tỏi đã được chứng minh là cải thiện triglyceride và cholesterol toàn phần, nhưng không có ảnh hưởng đến LDL-C hoặc HDL-C. Tuy nhiên, một phân tích tổng hợp gần đây cho thấy tỏi có tác dụng có lợi lên cholesterol huyết thanh toàn phần và LDL-C, làm giảm 17 ± 6 mg / dL và 9 ± 6 mg / dL tương ứng. Tác dụng này được thấy khi sử dụng tỏi trong ít nhất 2 tháng. Dữ liệu cho thấy những lợi ích của tỏi trên cholesterol có thể là ngắn hạn, không có lợi ích đáng kể sau 6 tháng

Tỏi có liên quan đến một số tác dụng phụ và tương tác thuốc. Các tác dụng phụ thường gặp nhất gồm hôi miệng và mùi cơ thể, đau bụng và ợ nóng. Tỏi có tác dụng chống kết tập tiểu cầu và có thể làm tăng nguy cơ chảy máu của bệnh nhân. Bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu và thuốc chống kết tập tiểu cầu nên được cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn này.

Niacin (Vitamin B3 ): Niacin là một trong những chất làm tăng nồng độ HDL-C hiệu quả nhất; lên gần 35%. Niacin cũng làm giảm nồng độ LDL-C lên đến 25% và triglyceride từ 20% đến 50%. Hiệu quả này liên quan đến liều, cần dùng từ 1 đến 4 g/ngày. Có rất nhiều dạng bào chế của niacin như: dạng giải phóng tức thì, dạng có tác  dụng lâu dài (giải phóng chậm, giải phóng có kiểm soát hoặc giải phóng theo thời điểm), và dạng giải phóng kéo dài. Hai dạng bào chế đầu tiên không cần ghi toa, trong khi các dạng bào chế phóng thích kéo dài cần phải kê toa. Ngoài ra còn có một công thức OTC không gây ửng đỏ ở mặt; tuy nhiên, thành phần hoạt chất không phải là niacin, mà là inositol hexaniacinate, một chất không có tác dụng hạ lipid. Nicotinamide (niacinamide) không nên được sử dụng thay cho niacin bởi vì nó không làm giảm mức cholesterol hoặc triglyceride một cách có hiệu quả.

Niacin có một số tác dụng phụ. Nó có thể gây tăng đường huyết và làm việc kiểm soát HbA1C trở nên khó khăn, nhưng mức tăng thường không đáng kể về mặt lâm sàng hoặc có thể điều trị dễ dàng.Bệnh nhân đái tháo đường có thể dung nạp lên đến 2.000 mg niacin/ngày mà chỉ tăng nhẹ ở nồng độ Glucose máu khi đói (FPG).Các tác dụng phụ khác được báo cáo bao gồm tăng acid uric huyết, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và hạ huyết áp.Nhiễm độc gan và đỏ mặt cũng liên quan đến việc sử dụng thuốc, nhưng những tác dụng này phụ thuộc vào công thức bào chế. Không nên sử dụng các dạng bào chế tác dụng kéo dài vì chúng có liên quan đến nhiễm độc gan, biểu hiện bằng việc chỉ số men gan bất thường, và vàng da trong trường hợp nặng.

Đỏ ửng mặt (Flushing) do Niacin là một rào cản lớn đối với việc dùng thuốc; tác dụng này làm hạn chế việc sử dụng niacin và dẫn đến không đạt được liều điều trị. Hầu hết các bệnh nhân sẽ bị đỏ bừng vùng mặt,tác dụng phụ này thường nặng hơn khi bắt đầu dùng thuốc, nhưng thường giảm xuống khi tiếp tục sử dụng. Bệnh nhân dùng niacin dạng giải phóng tức thì cần được hướng dẫn tăng liều thuốc từ từ, dùng chungvới bữa ăn, và sử dụng trước aspirin để làmgiảm thiểu sự xuất hiện của đỏ mặt.

Axit béo Omega-3 / Dầu cá: Các axit béo Omega-3 là sản phẩm tự nhiên được sử dụng nhiều nhất ở người lớn, với mức tiêu thụ tăng gần 10 lần trong thập kỷ qua.Axit béo omega-3 bao gồm axit alpha-linolenic (ALA), axit eicosapentaenoic (EPA), và axit docosahexaenoic (DHA). Các dạng axit béo omega-3 được nghiên cứu nhiều nhất là EPA và DHA. Chúng đã cho thấy tác dụng làm giảm triglycerides huyết thanh đến 50%; tuy nhiên, DHA có thể làm tăng LDL-C và HDL-C.

Hiện có hơn 400 sản phẩm OTC đang được bán trên thị trường dưới dạng thực phẩm chức năng bổ sung dầu cá omega-3.Các sản phẩm này không chỉ chứa EPA và DHA, mà còn có thể bao gồm chất béo bão hòa, vitamin tan trong dầu, và cholesterol.Nồng độ EPA và DHA trong các chế phẩm dầu cá rất đa dạng, dao động từ 20% đếntrên80%. AHA khuyến cáo dùng từ 2 đến 4 g EPA kèm theovới DHA mỗi ngày để giảm triglyceride; nếu bệnh nhân cần nhiều hơn 3 g thì phải theo sự giám sát của bác sĩ. Trung bình, bệnh nhân cần phải dùng11,2 phần ăn một ngày (từ 1 đến 3 viên/khẩu phần) để đạt được liều cao hơn. Nhiều bệnh nhân sẽ gặp khó khăn với số lượng thuốc lớn như vậy; họ nên nói chuyện với nhân viên y tế của họ để được dùng các sản phẩm omega-3 kê đơn.

Những sản phẩm này nói chung dung nạp tốt. Các tác dụng phụ thường gặp nhất bao gồm khó chịu dạ dày, tiêu chảy và trào ngược. Nhiều bệnh nhân sẽ phàn nàn về mùi “cá”, đặc biệt khi dùng liều cao. Việc dùng các chế phẩm bọc niêm mạc ruột hoặc đóng băng các viên nang trước khi uống có thể giúp giảm bớt tình trạng này. Một tác dụng phụ khác của việc bổ sung omega-3 là chảy máu quá mức. Bệnh nhân về thuốc chống đông máu hoặc thuốc chống kết tập tiểu cầu nên sử dụng axit béo omega-3 một cách thận trọng.

Gạo nấm men đỏ (Red Yeast Rice – RYR): RYR được sản xuất bằng cách nuôi cấy một loại nấm men, Monascus purpureus, trên gạo trắng. Nền văn hóa Trung Quốc đã sử dụng chúng như một chất bảo quản thực phẩm và chất màu thực phẩm, và để làm rượu gạo. Sản phẩm lên men này chứa một nhóm các hợp chất gọi là monacolins, chất ức chế tổng hợp cholesterol thông qua HMG-CoA reductase. Một trong những loại monacolins được sản xuất, monacolin K, là một chất tương tự như lovastatin được FDA chấp thuận. Các thử nghiệm lâm sàng đã cho thấy tác dụng làm giảm đáng kể lượng cholesterol toàn phần, LDL-C, và triglycerides và làm tăng HDL-C.Tuy nhiên, FDA đã xác định rằng bất kỳ sản phẩm nếu có chứa nhiều hơn một vết monacolin K không thể được coi là thực phẩm bổ sung.

Có rất nhiều chế phẩm OTC có chứa RYR; tuy nhiên không rõ là những chất này có tác dụng hạ cholesterol hay không. Để tránh bị coi là thuốc, các nhà sản xuất không công bố lượng monacolin trong sản phẩm của họ. Một mối quan tâm khác là không có tiêu chuẩn chung nào giữa các nhà sản xuất. Sản phẩm được lên men không đúng cáchsẽ sinh ra citrinin, một chất gây độc cho thận. Các nghiên cứu đã phân tích các sản phẩm có chứa RYR khác nhau và đã cho thấy sự đa dạng về hàm lượng monacolin và citrinin trong các chế phẩm này.Một số sản phẩm nếu dùng hàng ngày, sẽ cung cấp tương đương với lovastatin 20,5 mg mỗi ngày.Đây có thể là một mối lo ngại, đặc biệt nếu bệnh nhân đang dùng statin hoặc thuốc có thể làm tăng nguy cơ gặp các phản ứng phụ liên quan đến cơ. Không nên dùng các sản phẩm này cho đến khi có sự giám sát chặt chẽ hơn từ FDA và các sản phẩm được tiêu chuẩn hóa nhằm đảm bảo sự tương đương của các thành phần hoạt chất và hạn chế các sản phẩm phụ có hại.

Chất xơ hòa tan: Việc sử dụng các chất xơ hòa tan, như yến mạch, psyllium, pectin, và gôm guar, làm giảm cholesterol và LDL-C.Sợi xơ Psyllium dường như là một trong những loại chất xơ hòa tan có hiệu quả nhất và có ít tác dụng phụ nhất. Dùng 7 đến 10 g psyllium mỗi ngày cho thấy mức giảm cholesterol toàn phần là từ 4% đến15% và mức LDL-C từ 6% đến 18%. Mặc dù dùng đơn lẻ chất xơ sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu hầu hết cá nhân, tốt nhất là nên kết hợp với các liệu pháp khác.

Lượng khẩu phần chất xơ hàng ngày được khuyến nghị là 25 đến 38g; hầu hết mọi người chỉ ăn được khoảng một nửa lượng đó. Những ví dụ về thực phẩm giàu chất xơ bao gồm các loại ngũ cốc nguyên hạt, yến mạch, trái cây và rau. Chất bổ sung chất xơ có thể hữu ích cho những bệnh nhân không đạt được mục tiêu hàng ngày này. Mặc dù có một số dữ liệu cho thấy rằng inulin có thể có tác dụng làm giảm mức cholesterol, dược sĩ cần phải đảm bảo rằng bệnh nhân đang được dùng các chất bổ sung chất xơ có chứa chất xơ hòa tan nhớt và có khả năng tạo gel (psyllium).

Tác dụng phụ của chất bổ sung chất xơ gồm có khó chịu đường tiêu hóa, đầy hơi, tiêu chảy, táo bón, và đầy hơi. Nên sử dụng với liều tăng dần và kèm theo nhiều nước. Bệnh nhân cũng nên được cho bổ sung chất xơ cách xa thời điểm dùng các loại thuốc khác ít nhất là 2 giờ để tránh tương tác thuốc có thể xảy ra.

Kết luận

Chứng rối loạn lipid máu là một tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến hơn 100 triệu bệnh nhân và có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ phát triển bệnh tim mạch. Vì lý do này, nhiều người đang tìm cách khác nhau để giảm mức cholesterol.Dược sĩ có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình này bằng cách giáo dục bệnh nhân và giúp họ đưa ra các quyết định sáng suốt về việc sử dụng các chất bổ sung có sẵn khác nhau.

Các chất bổ sung đã có bằng chứng và hướng dẫn lâm sàng rõ ràng về tác dụng bao gồm niacin, axit béo omega-3, và chất xơ hòa tan. Tuy nhiên, các dược sĩ nên lưu ý rằng không có các quy định chặt chẽ của FDA về các sản phẩm này và có thể có sự không thống nhất giữa các nhà sản xuất và lô khác nhau. Các dược sĩ cũng nên tránh khuyên bệnh nhân dùng tỏi, RYR, niacin dạng giải phóng chậm, niacin dạng không gây đỏ mặt và niacinamid do thiếu hiệu quả hoặc do các tác dụng bất lợi của chúng. Cần nhấn mạnh đến lợi ích của việc thay đổi lối sống khi điều trị, chẳng hạn như duy trì cân nặng khỏe mạnh, ăn một chế độ ăn ít chất béo, cholesterol thấp, chất xơ cao và tập thể dục đều đặn. Cũng nên nhắc bệnh nhân thông báo cho nhân viên y tế về bất kỳ chất bổ sung nào mà họ đang dùng.

 

THÔNG TIN CHO BỆNH NHÂN

Sự thật về Cholesterol

Nồng độ cholesterol cao là một trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến các bệnh về tim, đau tim và đột quỵ. Bạn có thể giảm nồng độ cholesterol và nguy cơ mắc các bệnh tim mạch bằng việc kết hợp lối sống khỏe mạnh và sử dụng thuốc (cả thuốc kê đơn và không kê đơn)  

 

1. Cholesterol là gì?

Cholesterol là chất mà cơ thể bạn cần để duy trì sức khỏe. Có hai nguồn cung cấp cholesterol: cơ thể chúng ta và thực phẩm chúng ta ăn, như thịt, gia cầm, và các sản phẩm từ sữa. Quá nhiều cholesterol có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

2. Sự khác biệt giữa Cholesterol “Tốt” và “xấu” là gì?

Cholesterol “xấu”, còn được gọi là lipoprotein tỉ trọng  thấp(LDL), sẽ tích tụ trong các thành động mạch của bạn, làm cho chúng hẹp đi. Điều này làm chậm lưu thông máu. Nếu các mảng này bám vỡ ra, sẽ hình thành một cục máu đông mà có thể ngăn chặn dòng chảy của máu, gây ra cơn đau tim.

Cholesterol “Tốt”, còn được gọi là lipoprotein tỉ trọng cao (HDL), giúp bảo vệ chúng ta khỏi các cơn đau tim và đột qụy. Loại này giúp loại bỏ cholesterol xấu ra khỏi các động mạch.

3. Thế nào là Cholesterol “bình thường” ?

Mỗingười từ 20 tuổi trở lên nên kiểm tra mức cholesterol của mình ít nhất 5 năm/lần. Xét nghiệm nên được thực hiện sau khi nhịn ăn từ 9 đến 12 giờ.

Bạn nên nhắm tới mức cholesterol toàn phần <200 mg/dL. Các mức 240 mg/dL trở lên được coi là cao. Nồng độ LDL càng thấp càng tốt, và mục tiêu là dưới 130 mg/dL, với <100 mg/dL là tối ưu. Nồng độ HDL càng cao càng tốt. HDL <40 mg/dL là một yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim. Mức HDL 60 mg/dL hoặc cao hơn sẽgiúp giảm nguy cơ này.

4. Làm thế nào tôi có thể cải thiện mức Cholesterol của tôi?

Ăn các thực phẩm lành mạnh, duy trì cân nặng khỏe mạnh và hoạt động thể chất là cách để cải thiện cholesterol.

5. Tôi nên ăn gì? Tôi nên Tránh những thức ăn nào?

Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp làm giảm cholesterol của bạn. Các loại thực phẩm nên ăn bao gồm trái cây và rau; ngũ cốc; các sản phẩm sữa không béo, 1% hoặc ít chất béo; gia cầm không có da và thịt nạc; cá có chứa chất béo như cá hồi, cá ngừ albacore và cá mòi; và các loại hạt và đậu không tẩm muối.

Nên tránh chế độ ăn giàu cholesterol, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Cũng bao gồm thực phẩm có hàm lượng natri cao; đồ uống ngọt hoặc đồ có đường; các loại thịt đỏ, béo hay đã qua chế biến; các sản phẩm sữa nguyên chất béo; các sản phẩm nướng có chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa (ví dụ: bánh ngọt, bánh quy); mỡ hoặc thức ăn chiên; và dầu thủy phân và dầu bão hòa.

6. Các chất bổ sung có tác dụng không?

Có một vài loạibạn có thể dùngđể giúp giảm cholesterol, nhưng bạn nên nói chuyện với nhân viên y tế trước khi bắt đầu. Các chất bổ sung có lợi bao gồm niacin dạng giải phóng ngay, axit béo omega-3/dầu cá và chất xơ hòa tan (psyllium). Cần tránh gạo nấm men đỏ, tỏi, niacin dạng giải phóng chậm, niacin không gây đỏ mặt và niacinamide. Không có dữ liệu về tác dụng hạ cholesterol của những chất này hoặc chúng có thể gây tổn thương gan.

 

Hãy nhớ rằng, nếu bạn có thắc mắc, hãy tham khảo ý kiến ​​dược sĩ.

 

 

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.