Menu

Đái tháo đường typ 1 – Điều trị

Dịch: DS. Dương Khánh Linh, Tốt nghiệp ĐH Dược Hà Nội

Hiệu đính: DS. Đào Thu Trang

Nguồn: Le Moniteur des pharmacies- Cahier 2 du no 3014 du 11 janvier 2014
 ĐIỀU TRỊ: Làm thế nào để điều trị bệnh đái tháo đường typ 1?
Điều trị bệnh đái tháo đường typ 1 bao gồm : Liệu pháp insulin giúp ổn định đường huyết, chế độ ăn uống cân bằng, luyện tập thể dục thường xuyên cùng với phát hiện và hạn chế các yếu tố nguy cơ tim mạch.
CHIẾN LƯỢC ĐIỀU TRỊ
Mục tiêu chung
– Mục tiêu ngắn hạn của liệu pháp insulin là nhằm bù đắp sự thiếu hụt insulin để đạt được mức đường huyết mục tiêu (0,7 đến 1,20 g/L trước bữa ăn), ngăn ngừa hạ đường huyết và nhiễm toan ceton. Về lâu dài, insulin giúp làm ổn định bệnh lý đái tháo đường nhằm ngăn chặn và giảm các biến chứng liên quan đến tăng đường huyết kéo dài.
– Sau khi phát hiện bệnh lý đái tháo đường typ 1, bệnh nhân cần nhập viện để được tiến hành điều trị bằng liệu pháp insulin. Việc điều trị này cần được đi kèm với việc giáo dục người bệnh: thực hành tiêm insulin, chế độ dùng thuốc, hiệu chỉnh liều, tự giám sát đường huyết (ASG), ngăn ngừa và phát hiện hiện tượng hạ đường huyết và nhiễm toan ceton, đánh giá chế độ sinh hoạt, trợ giúp về tâm lý. Bệnh nhân cần được nhập viện khẩn cấp khi có nhiễm toan ceton và mất nước.
Đánh giá chế độ sinh hoạt                 
– Bệnh nhân đái tháo đường typ 1 cần có một chế độ dinh dưỡng cân bằng như tất cả những bệnh nhân khác. Thông thường, thành phần dinh dưỡng được khuyến cáo bao gồm  40% glucid (ưu tiên các loại phức hợp và thực phẩm giàu chất xơ), 20% protein và 40% lipid. Chế độ dinh dưỡng được khuyến cáo phải giúp bệnh nhân lấy lại được cân nặng hợp lý, tránh tăng cân quá mức (chỉ số khối cơ thể (BMI) <25).
– Bệnh nhân cần phải tập thể dục thường xuyên: 30 đến 60 phút 2 – 3 lần mỗi tuần, tùy theo khả năng vận động của bệnh nhân. Điều này giúp bệnh nhân cải thiện độ nhạy với insulin ngoại sinh và cho phép giảm liều lượng insulin với một cân bằng chuyển hóa tốt hơn. Trong trường hợp bệnh nhân vận động nặng ngoài dự kiến, bệnh nhân cần ăn nhẹ trong hoặc sau khi vận động gắng sức để tránh hạ đường huyết.
– Bệnh nhân cần phải cai thuốc lá để hạn chế các nguy cơ tim mạch.
Liệu pháp insulin
– Mục tiêu của liệu pháp insulin là mô phỏng phù hợp nhất mức bài tiết insulin sinh lý. Nhu cầu insulin tùy thuộc vào từng bệnh nhân, vào hoàn cảnh sống và các hoạt động thường ngày: ăn uống, tập thể dục. Tác dụng của insulin phụ thuộc vào nồng độ insulin trong máu và cả tính kháng insulin của bệnh nhân, điều này khác nhau trong từng hoàn cảnh khác nhau. Thông thường, nhu cầu hàng ngày về insulin vào khoảng 0,5 đến 1 UI/kg/ngày với người có cân nặng bình thường.
– Trong những tuần đầu tiên điều trị bằng liệu pháp insulin, liều insulin cần dùng có thể giảm một cách nhanh chóng: đây là giai đoạn “trăng mật”, cần phải tự theo dõi đường huyết thường xuyên hơn để phát hiện. Sau đó, nhu cầu insulin tăng theo thời gian, sự tăng khác nhau theo từng bệnh nhân.
Các phác đồ khác nhau của liệu pháp insulin
– Phác đồ cơ bản-bữa ăn 4-5 lần tiêm/ngày: insulin tác dụng nhanh (hoặc chất tương tự insulin tác dụng nhanh) trước mỗi bữa ăn và 1-2 lần tiêm insulin tác dụng trung bình mỗi ngày hoặc 1 lần tiêm chất tương tự insulin tác dụng chậm buổi tối trước khi đi ngủ.
– Phác đồ cơ bản-bữa ăn có dùng bơm: bơm insulin cho phép đưa insulin vào cơ thể với tốc độ cố định để duy trì mức nền hoặc thay đổi theo thời điểm trong ngày (ngày, đêm), cùng với một 1 mũi tác dụng nhanh trước khi ăn. Bơm cho phép insulin được khuếch tán liên tục qua một catheter Teflon đặt dưới da cùng với một kim tiêm. Catheter được thay 3 ngày một lần, thay đồng thời với bình chứa insulin (1,8 đến 3mL insulin tùy loại bơm, tương đương với 180 đến 300 đơn vị).
Nhà cung cấp bơm insulin cũng như các thiết bị đưa insulin (catheter, bình chứa insulin, pin…) cần đảm bảo hướng dẫn sử dụng bệnh nhân và bảo trì thiết bị.
Phác đồ này cho phép điều trị tốt bằng liệu pháp insulin. Đây là một kỹ thuật cần được giáo dục để đạt được sự thích ứng tối ưu với liều cơ bản và liều trước bữa ăn ở bệnh nhân dùng phác đồ insulin cơ bản-bữa ăn hay sử dụng bơm insulin. Điều này giúp cải thiện việc cân bằng đường huyết và chất lượng sống của bệnh nhân. Cùng với việc tiến hành các test thử khi đói và sau ăn, bệnh nhân xác định được nhu cầu riêng cho lượng insulin cơ bản và sau ăn. Bệnh nhân học cách định lượng lượng glucid mỗi bữa ăn, nhằm lựa chọn được liều insulin tối ưu nhất. Các khóa thực tập thực hành liệu pháp insulin được tổ chức bởi phần lớn các hiệp hội về đái tháo đường.
– Hiếm gặp hơn, phác đồ 3 lần tiêm : hỗn hợp insulin tác dụng nhanh (hoặc chất tương tự insulin tác dụng nhanh) và insulin tác dụng trung bình vào buổi sáng và tối, insulin tác dụng nhanh trước bữa trưa.
Phác đồ 2 lần tiêm: hỗn hợp insulin tác dụng nhanh (hoặc chất tương tự insulin tác dụng nhanh) và insulin tác dụng trung bình vào buổi sáng và tối.
Lựa chọn phác đồ
Phác đồ phù hợp với bệnh nhân đái tháo đường phụ thuộc vào sự dung nạp và đặc điểm mỗi bệnh nhân (tuổi, cân nặng, lịch sinh hoạt, đã bị đái tháo đường bao lâu và tính ổn định của bệnh đái tháo đường) và chất lượng của việc kiểm soát đường huyết. Khi bệnh nhân có HbA1c cao liên tục dù đã tiêm nhiều mũi, hạ đường huyết tái diễn và đường huyết thay đổi nhiều sẽ định hướng đến việc lựa chọn bơm insulin, ví dụ như ở trẻ em hay phụ nữ có thai.
Thao tác tiêm
– Insulin đi vào máu và phát huy tác dụng phụ thuộc vào bản chất của insulin cũng như kỹ thuật tiêm insulin. Insulin phải được tiêm vào mô dưới da sâu, ngay trên lớp cơ, với một góc tiêm 90 độ (hoặc 45 độ), có hoặc không có kéo da. Tốc độ khuếch tán của insulin phụ thuộc vào độ sâu và khu vực tiêm: phần da thành bụng dưới, phần da cẳng tay trên, phần da mặt trước đùi và phần da mông trên. Trong thực tiễn, các mũi tiêm insulin nhanh được thực hiện trên các vùng “nhanh” (bụng và cẳng tay) trong khi insulin tác dụng kéo dài được tiêm vào những vùng “chậm” (đùi và mông) và có sự thay đổi luân phiên quay vòng các vùng da tiêm (khoảng cách giữa 2 vị trí tiêm liên tiếp là 3 cm) để tránh loạn dưỡng mỡ. Saukhi tiêm, bệnh nhân được khuyến cáo đợi khoảng 5-10 giây mới nhấc mũi kim ra để insulin không thoát ra ngoài. Kỹ thuật tiêm có thể khác nhau tùy vị trí tiêm trên cơ thể. Mũi kim ngắn (tối đa 6mm) thường được ưu tiên sử dụng để tránh tiêm thuốc vào cơ. Sự dung nạp với việc tiêm thuốc cũng tốt hơn.
– Khi dùng bơm tiêm insulin, người bệnh được cấy một catheter vào bụng dưới và được thay catheter sau mỗi 2-3 ngày, đồng thời với mỗi lần nạp thuốc vào bơm tiêm.
Tự giám sát đường huyết
Việc tự giám sát đường huyết nhiều lần hàng ngày (thường là 4-6 lần mỗi ngày hoặc nhiều hơn) là cần thiết để kiểm soát đáp ứng đường huyết với việc tiêm insulin và giúp hiệu chỉnh liều tiêm hợp lý. Bệnh nhân sử dụng thiết bị tự đo chích một giọt máu (thường ở phần da đầu ngón tay). Máy sẽ đo lượng đường huyết mao mạch, đọc lượng đường huyết của bệnh nhân, tối thiểu đo trước mỗi lần tiêm thuốc và trước khi đi ngủ.
Bệnh nhân điều chỉnh việc điều trị của mình phù hợp với chế độ sống (ăn uống, tập thể dục), không làm ngược lại.
Một số trường hợp cần tăng số lần tự theo dõi đường huyết của bệnh nhân gồm có: đổi loại insulin, dùng thêm các thuốc khác, bệnh nhân có sốt, nhiễm khuẩn, … Việc tự theo dõi đường huyết cần được thực hiện hết sức chặt chẽ trong trường hợp bệnh nhân dùng bơm tiêm insulin vì cơ thể người bệnh không có insulin dự trữ. Bất kỳ vấn đề nào về bơm hay catheter có thể gây ra tăng đường huyết rất nhanh. Tuy nhiên bơm thuốc đã được trang bị một chuông báo động khi xảy ra bất thường hay rối loạn chức năng.
Hiệu chỉnh liều
Việc tự theo dõi đường huyết (ASG) nhiều lần mỗi ngày là cần thiết để giám sát đáp ứng đường huyết với việc tiêm insulin và hiệu chỉnh liều tiêm cho bệnh nhân.
Hiệu chỉnh dự kiến: việc hiệu chỉnh này là bắt buộc, dựa trên kết quả có được khi tiêm các liều insulin vào cùng một giờ trong các ngày trước đó. Liều sẽ được hiệu chỉnh nếu đường huyết sau khi tiêm khác nhau, không xác định được nguyên nhân.
Hiệu chỉnh trước: Tính đến những hoạt động của người bệnh diễn ra trong các giờ sau đó. Ví dụ: tăng một liều insulin trước bữa ăn nhiều glucid hay giảm liều trước khi vận động thể lực.
Hiệu chỉnh theo đường huyết: việc thay đổi liều được sử dụng để điều chỉnh đường huyết khi quá thấp hay quá cao về đúng mức đường huyết mục tiêu. Việc hiệu chỉnh liều insulin cần tính đến 3 khía cạnh sau. Việc hiệu chỉnh phải thực hiện từ từ mỗi 1-2 đơn vị tùy vào kết quả tự theo dõi đường huyết. Trong trường hợp có hạ hoặc tăng đường huyết có thể xác định được nguyên nhân, việc thay đổi liều insulin không được khuyến cáo. Ngược lại, khi có hạ đường huyết không giải thích được, cần phải giảm liều insulin bao phủ được cơn mệt mỏi do hạ đường huyết. Còn với trường hợp tăng đường huyết không rõ nguyên nhân, insulin được khuyến cáo tăng liều sau khi đã có khẳng định bằng các đo lường trong nhiều ngày liên tiếp.
Điều trị đái tháo đường typ 1
Phát hiện có đái tháo đường typ 1
Đường huyết >2 g/L +/- ceton niệu, tiểu nhiều, khát nhiều, gầy nhiều, suy nhược
Nhập viện (khẩn cấp nếu có nhiễm toan ceton)
                                                                                                          
Tiến hành liệu pháp insulin + bù nước
+ Giáo dục bệnh nhân: cách tiêm insulin, phác đồ điều trị, tự theo dõi đường huyết và hiệu chỉnh liều, ngăn ngừa và cách xử trí hạ đường huyết hay nhiễm toan ceton
+ điều chỉnh chế độ ăn uống sinh hoạt
+ theo dõi tâm lý
Mỗi 3-6 tháng, đánh giá hiệu quả của phác đồ insulin. Hiệu chỉnh liều nếu cần. Đo HbA1c 3 tháng/lần
Theo dõi thường niên để phát hiện các biến chứng nếu có.
– Hóa sinh: xét nghiệm lipid, creatinin, microalbumin niệu
– Lâm sàng: huyết áp động mạch, điện tâm đồ, mắt, thận…
Nguồn: theo VidalRecos, tháng 6/2013
THUỐC ĐIỀU TRỊ
Insulin đang là thuốc duy nhất điều trị đái tháo đường typ 1. Hormon làm hạ đường huyết và kích thích đồng hóa này giúp glucose và kali thấm vào trong tế bào cũng như giúp dự trữ đường dưới dạng glycogen.
Các loại insulin khác nhau
Các loại insulin được sản xuất bằng kỹ thuật tái tổ hợp ADN của Saccharomyces cerevisiae. Các insulin nhanh và tác dụng trung bình là insulin người trong khi chất tương tự insulin nhanh hay chậm có thêm một số biến đổi.
Insulin được chia liều 100 UI/mL và được bào chế thành các ống, lọ hay bút chứa có thể tiêm (xem bảng trang 11). Các loại được phân biệt bởi đặc tính dược động học.
Insulin nhanh bắt đầu có tác dụng trong 30 đến 60 phút, đỉnh đạt sau 2 đến 4 giờ và kéo dài tác dụng từ 4 đến 6 giờ. Dung dịch này cần được tiêm dưới da 20 đến 30 phút trước bữa ăn, có thể dùng cả đường tĩnh mạch hay tiêm bắp.
Chất tương tự insulin tác dụng nhanh (hoặc insulin cực nhanh) có một thay đổi nhỏ trong các acid amin trên chuỗi peptid làm thay đổi các thông số dược động học của insulin: bắt đầu tác dụng trong 15 đến 35 phút, đạt đỉnh trong 1 đến 3 giờ với thời gian tác dụng kéo dài từ 3 đến 5 giờ. Dung dịch này chỉ được tiêm dưới da ngay trước khi bắt đầu bữa ăn. Việc thêm protamin vào cấu trúc insulin khiến dạng này kéo dài tác dụng nhưng chế phẩm này chỉ được sử dụng ở dạng phối hợp.
Insulin tác dụng trung bình (insulin isophan hay NPH: neutral protamine Hagedorn) bắt đầu tác dụng sau tiêm từ 2 đến 4 giờ và tác dụng kéo dài khoảng 12 giờ. Loại insulin này nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu insulin nền chứ không phải tại mỗi bữa ăn. Các hỗn dịch này cần được làm đồng nhất bằng cách dốc ngược trước mỗi lần tiêm thuốc.
Insulin hỗn hợp có 2 loại: insulin và insulin NPH với một tỷ lệ xác định (Mixtard và Umuline), hoặc insulin cực nhanh và insulin được gắn protamin, với một tỷ lệ xác định và đa dạng (Humalog Mix, Novomix). Tên của các chế phẩm này có phần trăm của insulin nhanh hoặc cực nhanh trong hỗn hợp. Việc bắt đầu tác dụng của chế phẩm phụ thuộc vào loại insulin (nhanh hay cực nhanh) có trong thuốc. Các hỗn dịch này có thể được sử dụng khi tỷ lệ insulin nhanh/insulin tác dung trung bình ổn định nhưng không cho phép hiệu chỉnh liều của insulin nhanh.
Chất tương tự insulin tác dụng chậm cũng có mục đích đáp ứng nhu cầu insulin nền và cần được sử dụng cùng với các mũi insulin nhanh trước mỗi bữa ăn. Insulin glargin, thu được từ việc biến đổi các acid amin trên chuỗi peptid, bắt đầu tác dụng trong 2 đến 4 giờ và kéo dài tác dụng trong khoảng 24 giờ. Insulin detemir, gắn trên albumin huyết tương, có thời gian tác dụng từ 12 đến 24 giờ; tùy từng cá thể sẽ cần tiêm 1-2 lần/ngày.
Bảo quản
Insulin cần được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh ở nhiệt độ 2 đến 8oC, ngoại trừ insulin đang được sử dụng có thể để 30 ngày ở nhiệt độ thường. Khi bảo quản không tốt (để ở ngăn đá tủ lạnh hay để ở nơi quá nóng), insulin sẽ mất hoạt tính.
Các tác dụng không mong muốn thường gặp
Insulin gây ra ít tác dụng không mong muốn. Các tác dụng khó chịu nhất gây khó khăn trong việc hiệu chỉnh liều:
Tăng cân khi dùng quá liều kéo dài, hậu quả của tác dụng đồng hóa của insulin;
Loạn dưỡng mỡ, với những đám mô mỡ thường tập trung ở vị trí tiêm lặp lại của insulin, thay đổi đặc tính dược lực học của insulin. Để ngăn điều đó, nên thay đổi vị trí tiêm mỗi lần tiêm, cách vị trí cũ 3cm (vùng thắt lưng, đùi, …);
Hạ đường huyết: đây có thể là hậu quả của chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, vận động thể lực quá mức, hiệu chỉnh liều không đúng hay dùng sai liều insulin;
Tăng đường huyết: cũng có thể là hậu quả của việc thay đổi chế độ dinh dưỡng, quên dùng hay không hiệu chỉnh liều insulin, nhưng cũng có thể do các tình trạng mắc kèm (sốt, nhiễm khuẩn) làm thay đổi tính kháng insulin.
Xử trí hạ đường huyết
Các dấu hiệu cường giao cảm (đổ mồ hôi, run, đánh trông ngực) và thiếu glucose não (rối loạn thị giác, thăng bằng và ý thức) thường đa dạng giữa các cá thể và hoàn cảnh khác nhau. Đo đường huyết mao mạch cho phép chẩn đoán nhanh và xử trí hợp lý. Khi đường huyết thấp hơn 4 mmol/L, bệnh nhân còn tỉnh táo cần được bổ sung đường nhanh qua đường uống, với 15 g glucose (3 muỗng đường hoặc 2 thìa café mứt), sau đó đo lại đường huyết sau 15 phút.
Khi bệnh nhân mất ý thức do hạ đường huyết nặng, cần tiêm bắp 1 mg glucagon (0,5 mg ở trẻ em < 25kg). Tác dụng tăng đường huyết có được sau 10-15 phút và bù đường qua đường uống khi bệnh nhân đã tỉnh trở lại. Trong trường hợp glucagon không có tác dụng, việc tiêm mũi thứ 2 là vô ích (tuy không nguy hiểm) và cần truyền đường huyết thanh cho bệnh nhân.
Xử trí tăng đường huyết
Khi đường huyết bệnh nhân > 2,5 g/L, bắt buộc xác định tình trạng nhiễm toan ceton cho bệnh nhân. Việc thiếu hụt insulin có thể dẫn đến:
– Tăng đường huyết bởi giảm sử dụng glucose, với glucose niệu khi đường huyết trên 1,8 g/L. Việc này làm gia tăng thể tích nước tiểu dẫn đến mất nước;
– Tăng chuyển hóa acid béo với các sản phẩm ở thể cetonic. Nhiễm toan ceton xuất hiện nhanh chóng và một khi đường huyết > 2,5 g/L, bắt buộc phải xét nghiệm thể cetonic trong máu (băng đo Bêta-Cétone trên máy Optium Xceed) hay nước tiểu (Keto-Diabur, Keto-Diastix). Trong trường hợp ceton niệu là + hoặc ++, bệnh nhân phải được tiến hành phác đồ xử trí tiêm lặp đi lặp lại insulin. Nếu ceton niệu từ +++ trở lên, cần nhanh chóng nhập viện do có nguy cơ hôn mê do đái tháo đường. Trong tất cả các trường hợp, theo dõi y tế là cần thiết để tìm hiểu nguyên nhân xuất hiện ceton máu.
Các tương tác tránh phối hợp
Chỉ có danazol được khuyến cáo không sử dụng do tác dụng gây đái tháo đường. Với các thuốc khác có ảnh hưởng đến đường huyết (ức chế men chuyển, cường beta 2, …) hoặc che dấu các dấu hiệu của hạ đường huyết (chẹn beta), việc tự theo dõi đường huyết sẽ được tăng cường.
Giám sát điều trị
Để ngăn chặn việc xuất hiện nhiều biến chứng trên động mạch và bệnh lý trên thận, việc giám sát điều trị bằng các xét nghiệm sinh hóa và các dấu hiệu trên lâm sàng và theo dõi các biến chứng là bắt buộc.
Xét nghiệm sinh hóa
– Glycohemoglobin HbA1c được đo mỗi 3 tháng: phản ánh về đường huyết trong khoảng thời gian 2 tháng và đảm bảo giám sát hiệu quả điều trị. Mức mục tiêu là < 7.5%, có thể thay đổi tùy thuộc đối tượng bệnh nhân và thường đạt được, với mỗi 1% giảm đi của HbA1c là có thể giảm đi 20% tần suất gặp các biến chứng của đái tháo đường.
– Xét nghiệm hóa sinh hàng năm với các xét nghiệm lipid, chức năng thận: protein niệu (băng đo), microalbumin niệu và creatinin máu (nhằm phát hiện bệnh thận do đái tháo đường).
Theo dõi trên lâm sàng
Trong vòng 6 tháng sau chẩn đoán, liên lạc y tế (tư vấn, gọi điện thoại) cần được thực hiện thường xuyên nhằm đảm bảo giáo dục bệnh nhân, đảm bảo giữ được tâm lý tốt cho người bệnh và đánh giá việc xuất hiện hạ đường huyết cùng chất lượng sống của người bệnh. Sau đó, việc khám sức khỏe được khuyến cáo mỗi 3 tháng để đảm bảo kiểm soát bệnh lý, phát hiện và theo dõi các biến chứng
– kiểm tra mắt hằng năm thông qua soi đáy mắt (phát hiện bệnh lý võng mạc),
– kiểm tra chân bệnh nhân: quan sát mỗi lần khám và dùng máy thử 1 sợi hàng năm (phát hiện bệnh thần kinh do đái tháo đường)
– kiểm tra tim mạch bằng điện tâm đồ hàng năm
– kiểm tra răng hàng năm.
CƠ CHẾ TÁC DỤNG CỦA INSULIN
Glucose vào tế bào thông qua các kênh vận chuyển:
– Kênh vận chuyển phụ thuộc insulin (GLUT 4) có ở cơ vân và tế bào mỡ
– Kênh vận chuyển không phụ thuộc insulin có ở gan, tụy, thận, ruột non, hồng cầu, nhau thai, nơron, …
Sau khi ăn, insulin đảm bảo cho việc tạo thành glycogen, tức là dạng dự trữ glucose tại gan và cơ. Với bữa ăn lớn, insulin cũng kích thích tạo thành acid béo từ glucid, dự trữ trong các tế bào của mô mỡ.
Ngoài bữa ăn, sự giảm tiết insulin cho phép phân giải glycogen từ gan dưới tác dụng của glucagon. Đường huyết giữa các bữa ăn do vậy được đảm bảo bởi sự giải phóng glucose từ gan. Glucagon có thể tiêm khẩn cấp cho bệnh nhân hạ đường huyết mất ý thức để kích hoạt việc phân giải glycogen. Đường được dự trữ trong cơ chỉ có thể được dùng cho cơ, không được giải phóng vào máu.
Trong trường hợp đái tháo đường typ 1
Sự thiếu hụt insulin gây ra giảm lượng glucose đi vào trong tế bào cơ và các mô mỡ, khiến cho giảm lượng glucose nội bào và đồng thời với tăng đường huyết. Lượng mỡ dự trữ do vậy được các cơ quan sử dụng như nguồn nguyên liệu dự phòng không cần đến insulin, nhưng lại tạo ra những sản phẩm là các chất ở thể cetonic, trong đó chất cơ bản là aceton, có thể gây nên rối loạn điện giải nghiêm trọng thậm chí dẫn đến tử vong.
ĐIỀU TRỊ CƠ BẢN CHO BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYP 1
Hoạt chất
Biệt dược
Dạng bào chế
Lưu ý
INSULIN TÁC DỤNG NHANH
Insulin
Actrapid
Chai 10 mL; ống Penfill 3 mL
– Thời gian duy trì tác dụng phụ thuộc liều
– Tiêm 15 đến 20 phút trước ăn
Insuman Rapid
Ống Infusat 3mL; bút Optiset 3 mL
Umuline Rapide
Chai 10mL; ống 3 mL
CHẤT TƯƠNG TỰ INSULIN TÁC DỤNG RẤT NHANH
Insulin aspart
Novorapid
Chai 10 mL; ống Penfill 3 mL; bút Flexpen 3 mL
– Thời gian duy trì tác dụng ít phụ thuộc liều và ngắn hơn so với insulin nhanh
– Tiêm ngay trước ăn
Insulin lispro
Humalog
Chai 10 mL; bút Kwikpen 3 mL
Insulin glulisin
Apidra
Chai 10 mL; ống Penfill 3 mL; bút Solostar 3 mL
INSULIN TÁC DỤNG TRUNG BÌNH
Insulin NPH
Insulatard
Chai 10 mL; ống Penfill 3 mL; bút Flexpen 3 mL; ; bút Innolet 3 mL
– Dốc ngược chai hoặc ống 10 lần để đưa chế phẩm về dạng dịch treo
Umuline NPH
Chai 10 mL; ống 3 mL
INSULIN HỖN HỢP
Insulin + Insulin NPH
Mixtard 30
Chai 10 mL
– Dốc ngược chai hoặc ống 10 lần để đưa chế phẩm về dạng dịch treo
– Số trong tên biểu diễn tỷ lệ insulin nhanh hay cực nhanh trong hỗn hợp
Insulin + Insulin NPH
Umuline Profil 30
Chai 10 mL; ống 3 mL; bút Kwikpen 3 mL
Insulin lispro + Insulin lispro protamin dạng dịch treo
Humalog Mix 25, 50
Chai 10 mL; bút Kwikpen 3 mL
Insulin aspart + Insulin aspart protamin dạngtinh thể
Novomix 30, 50, 70
Ống Penfill 3mL (30)
Bút Flexpen 3 mL
CHẤT TƯƠNG TỰ INSULIN TÁC DỤNG CHẬM
Insulin glargin
Lantus
Chai 10 mL; ống 3 mL; bút Solostar 3 mL
Tiêm buổi tối trước khi đi ngủ
Insulin detemir
Levemir
Ống Penfill 3 mL; bút Flexpen 3 mL; bút Innolet 3 mL
Có thể tiêm 2 lần/ngày nếu cần
* Tất cả các dạng insulin đều được bào chế với nồng độ 100 UI/mL

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.