Menu

VAI TRÒ CỦA CÔNG NGHỆ TRONG NGÀNH DƯỢC

VAI TRÒ CỦA CÔNG NGHỆ TRONG NGÀNH DƯỢC: HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI

Ngày nay để hoàn thành những công việc phức tạp, Dược sĩ phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ. Qua bài viết này tác giả sẽ cho chúng ta cái nhìn tổng quan về những công nghệ (ứng dụng trong ngành dược) hiện có trên thị trường.

Hơn 40 năm qua, công nghệ thông tin đã tác động rất lớn đến đời sống hàng triệu người. Nhiều nghiên cứu đã ứng dụng công nghệ máy tính bởi vì lợi ích từ quá trình tự động của nó. Chúng có thể thực hiện thường xuyên các nhiệm vụ đơn điệu, lặp đi lặp lại với độ chính xác cao; tiêu chuẩn hóa, thống nhất sử dụng các thuật ngữ, danh pháp; và có thể tùy chỉnh (cung cấp dịch vụ cho một số lượng lớn, nhưng có thể được tùy chỉnh theo các cá nhân).

Đối với bác sĩ và dược sĩ, công nghệ thông tin giúp lưu trữ hồ sơ bệnh nhân theo cấu trúc, tạo thuận lợi cho việc kê đơn điện tử, phân phát và quản lý các loại thuốc, tự động xử lý thuốc trong chuỗi cung ứng và cung cấp các công cụ để giám sát việc sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả. Do đó công nghệ thông tin có thể đảm bảo an toàn người bệnh, cho phép các chuyên gia cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng cao và giúp bệnh nhân tận dụng tối đa lợi ích từ các dược phẩm mà họ đang sử dụng.

TẬN DỤNG TỐI ĐA HỆ THỐNG

Hiện nay, hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) được sử dụng rộng rãi để hỗ trợ cho công việc chuyên môn của các dược sĩ. Khi cân nhắc việc ứng dụng các thiết bị CNTT để phát triển các hoạt động thực hành, dược sĩ nên xem xét các chức năng mà hệ thống CNTT này mang lại.

Ví dụ, mọi nhà thuốc sử dụng “hệ thống quản lý dược” để lưu trữ các đơn thuốc, cấp phát thuốc, ghi nhãn, đặt hàng và quản lý tồn kho. Tuy nhiên, rất nhiều nhà thuốc không sử dụng hết các chức năng có sẵn của hệ thống, ví dụ, những chức năng liên quan đến bệnh nhân như  quản lý dịch vụ theo dõi và chăm sóc bệnh nhân, xem xét việc sử dụng thuốc hoặc can thiệp vào việc kê đơn của bác sĩ.

Các dược sĩ cũng nên tận dụng tối đa các dịch vụ có sẵn tại cơ sở của mình, ví dụ như hệ thống kê đơn điện tử (electronic prescription service EPS). Việc lựa chọn và áp dụng EPS sẵn có tại cơ sở có thể trợ giúp quá trình cấp phát thuốc và thanh toán bảo hiểm được hiệu quả hơn đối với các dược sĩ cộng đồng.

Truy cập vào hệ thống hồ sơ của bệnh nhân sẽ hỗ trợ các dược sĩ đưa ra quyết định liên quan đến chuyên môn khi cung cấp các dịch vụ chăm sóc bệnh nhân. Thực tế, các bệnh án tóm tắt của bệnh nhân hiện nay đã có ở nhiều nơi và rất có ích với các dược sĩ bệnh viện khi muốn đối chiếu thuốc (medicines reconciliation: một quy trình để đối chiếu thuốc dùng của bệnh nhân bởi các bác sĩ, hay cơ sở y tế khác nhau nhằm tránh nguy cơ sai sót thuốc như bỏ sót, trùng lắp thuốc, sai liều, tương tác thuốc… ). Trong tương lai, dược sĩ cộng đồng cũng có thể sử dụng hệ thống này. Những hồ sơ bệnh án điện tử của bệnh nhân cục bộ cũng như ở tầm quốc gia sẽ giúp cho dược sĩ tư vấn sử dụng thuốc tốt hơn.  

 SỨC MẠNH CỦA INTERNET

Internet đã được áp dụng rộng rãi cho truyền thông doanh nghiệp và xã hội. Trong tương lai, khi việc sử dụng internet trở nên phổ quát, có thể có sự gia tăng về số lượng các nhà thuốc sử dụng internet để hiển thị và phổ biến thông tin về các loại thuốc và sức khỏe. Hiện nay, các ứng dụng chạy trên nền tảng web được phân phối từ nhiều nhà cung cấp khác nhau mục đích để hỗ trợ dịch vụ y dược và phổ biến các sáng kiến sức khỏe cộng đồng. Việc sử dụng internet sẽ tăng lên và các ứng dụng chạy trên nền tảng web sẽ được sử dụng như là một cổng thông tin truyền thông cung cấp thông tin cho các dược sĩ từ các hệ thống chăm sóc y tế khác (ví dụ thông tin xuất viện).

KÊ ĐƠN ĐIỆN TỬ VÀ XUẤT VIỆN ĐIỆN TỬ

Hệ thống kê đơn điện tử (Electronic prescribing – EP) giúp kê đơn với sự hỗ trợ tự động của máy tính, cho thấy làm giảm sai sót y tế, tăng an toàn của người bệnh. Tuy nhiên, tác dụng giảm thiểu sai sót phụ thuộc nhiều vào việc thiết kế hệ thống kê đơn điện tử như thế nào. Cần lưu ý là nếu triển khai hệ thống mới này không tốt có thể làm tăng tỷ lệ sai sót. 

Hình 1: Kê đơn điện tử bằng tablette

Hệ thống EP ứng dụng tiên phong tại Hoa Kỳ vào đầu những năm 1990, nhưng vẫn tương đối ít bệnh viện Anh có hệ thống EP toàn bệnh viện. Theo thông báo của Chính phủ vào tháng 5 năm 2013, Quỹ Công nghệ sẽ tăng việc tiếp nhận và sử dụng EP trong các bệnh viện. 

Việc chuyển giao kịp thời và chính xác đơn thuốc xuất viện của bệnh nhan từ cơ sở chăm sóc tuyến dưới lên tuyến trên là quan trọng để đảm bảo bệnh nhân được chăm sóc liên tục và cũng tránh sai sót xuất hiện do thiếu thông tin liên lạc. Gần đây, nhiều bệnh viện đã chấp thuận hệ thống xuất viện điện tử. Tuy nhiên, hệ thống đó có chức năng hỗ trợ quyết định không đầy đủ, và các trường dữ liệu không theo một định dạng chuẩn. Hơn nữa, hệ thống cho phép gửi thông tin xuất viện đến các bác sĩ điều trị của bệnh nhân tại cộng đồng, mà không gửi đến được cho dược sĩ cộng đồng.

Nhiều sáng kiến địa phương và quốc gia đang được phát triển để giải quyết những vấn đề này, chẳng hạn Công cụ NHS Connecting for Health Electronic Discharge Implementation Toolkit cho phép gửi thông tin xuất viện đến cho dược sĩ cộng đồng.

XÁC ĐỊNH THUỐC BẰNG MÃ VẠCH

Xác định thuốc bằng mã vạch đã được dùng trong hệ thống kê đơn điện tử và cho thấy giảm sai sót dùng thuốc cũng như giúp hoàn chỉnh tiền sử dùng thuốc của bệnh nhân.

Hệ thống phát hiện thuốc giả (Falsified Medicines Directive) dự định sẽ áp dụng năm 2017, với đặc điểm mỗi thuốc sẽ có một nhận dạng duy nhất (có thể đó mà một mã vạch barcode) khi phân phối trên cả nước để chống lại hàng giả.  

Hình 2: Xác định thuốc bằng mã vạch

CÔNG NGHỆ DI ĐỘNG

Điện thoại di động ngày càng được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Một vài nhân viên dược đang dùng cách nhắn tin để nhắc nhở bệnh nhân tuân thủ y lệnh hay để cung cấp dịch vụ, nhưng những ứng dụng phức tạp này mới chỉ được phát triển để theo dõi bệnh, ví dụ ghi nhận lại lưu lượng đỉnh thở ra trong bệnh hen, theo dõi nồng độ glucose máu, hỗ trợ tuân thủ thuốc và giáo dục sức khỏe. Những ứng dụng này sẽ có tác động to lớn hơn đến lĩnh vực thực hành Dược trong tương lai.

Hình 3: Máy di động cùng với phần mềm giành cho bác sĩ và bệnh nhân

KIỂM TRA MỨC ĐỘ TUÂN THỦ

Nhiều công nghệ hiện nay có thể hỗ trợ đánh giá mức độ tuân thủ của bệnh nhân. Nhiều nhà cung cấp đã phát triển loại vỉ “thông minh” gắn microchip để biết được khi nào viên thuốc được lấy ra và nhắc bệnh nhân ghi lại thông tin tác dụng phụ của thuốc. Những dữ liệu này có thể được chuyển qua điện thoại di động hoặc máy tính bảng đến bệnh viện.

Hình 4: Vỉ thuốc “thông minh”

Một công nghệ giám sát độ tuân thủ mang tính xâm lấn hơn là viên thuốc “thông minh”, như hệ thống Lifenote đang được thử nghiệm quy mô nhỏ bởi Lloyspharmacy. Quá trình xảy ra khi viên thuốc cảm ứng được uống bởi bệnh nhân, khi đó dữ liệu về liều dùng, nhịp tim, tư thế sẽ được chuyển vào di động hoặc máy tính bảng thông qua miếng dán nhận dữ liệu trên da bệnh nhân. Hiện nay người ta chỉ đang thử trên những viên thuốc giả, khi thành công sẽ đưa lên áp dụng trên các loại thuốc chữa bệnh.

CHĂM SÓC TỪ XA

Chăm sóc từ xa (telemedecine) là việc sử dụng công nghệ giao tiếp số (qua các thiêt bị nghe nhìn) trong tư vấn và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa cho bệnh nhân. Chăm sóc từ xa đem lại nhiều lợi ích khác nhau như: bệnh nhân sẽ là trung tâm của chăm sóc sức khỏe và giúp cho việc cá thể hóa điều trị; tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe do bệnh nhân không nhất thiết phải đến bệnh viện (đặc biệt là cho những người khả năng đi lại bị hạn chế hoặc ở vùng sâu vùng xa); và có thể giảm phí đi lại cũng như phí khám bệnh. 

Hình 5: Chăm sóc từ xa

Tuy nhiên, lợi ích cụ thể của chăm sóc từ xa thay đổi theo cách áp dụng và tình huống chăm sóc khác nhau, và hiện nay các tài liệu vẫn cần nhiều bằng chứng hơn về lợi ích điều trị, và nhiều dữ liệu hơn về đánh giá so sánh chi phí – hiệu quả điều trị nhằm khẳng định mức độ cần thiết của việc đầu tư hơn nữa vào chăm sóc từ xa.

Ở nhà thuốc, sử dụng tư vấn từ xa cùng với hệ thống kê đơn điện tử và dịch vụ cung ứng dược qua internet, có thể thay đổi cách thức dịch vụ dược đang được cung cấp. Tuy nhiên, dịch vụ chăm sóc từ xa trong ngành dược có được chấp thuận hay không sẽ phụ thuộc vào sự hiện diện của phương thức giao tiếp đáng tin cậy và nền tảng kết hợp giữa sự sẵn lòng đầu tư của các cấp quản lý dược và việc đồng bộ sử dụng công nghệ số trong quản lý dữ liệu về nhân khẩu học của bệnh nhân.

KẾT LUẬN

Có hàng loạt các hệ thống và công nghệ có khả năng hỗ trợ quá trình cung ứng và sử dụng thuốc. Tuy nhiên, người dược sỹ sẽ cần phải đảm bảo việc khai thác công nghệ theo cách hữu ích cho công việc chuyên môn và không bỏ qua các sáng kiến công nghệ thông tin.

Tổ chức dịch và hiệu đính bởi các cộng tác viên của Hội dược sĩ bệnh viện Tp. Hồ Chí Minh:

Nguyễn Mỹ Chân, Trương Thị Minh Hương, Vũ Thị Huyền, Bùi Thị Trà, Đặng Thị Huyền Trang, Nguyễn Thị Ngọc (ĐH Dược Hà Nội). DS. Mai Tuyết Nhung (BV Ung thư Đà Nẵng), Lê Thị Hương (ĐH Y Thái Bình).DS. Lý Thị Kim Dung (BV ĐHYD TP. HCM), Phan Thúy Diễm (ĐH Tây Đô), Lê Thị Hoàng Lan (Oxford University Clinical Research Unit – Vietnam, HCMC), DS. Nguyễn Đức Chung (BV ĐK Hà Tĩnh), DS. Nguyễn Thị Khánh Nam (Cty Aguettant).

Nguồn: Stephen Goundrey-Smith. Examining the role of new technology in pharmacy: now and in the future. 2014. Link: http://bit.ly/1Gyp71N

Link bài dịch gốc của Hội: http://hcpa.vn/hpahcmc/Trangch%E1%BB%A7/Th%C3%B4ngtint%E1%BB%95ngh%E1%BB%A3p/tabid/70/ItemId/78/vw/1/Default.aspx

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.