Menu

Các digitalis

CÁC DIGITALIS

Nguồn: Qualité de la prise en charge médicamenteuses en EHPAD, Fiche 10 – Digitaliques.

Người dịch: ThS. Nguyễn Duy Hưng

Hiệu đính: TS. Võ Thị Hà

 

Danh sách các thuốc liên quan

Digoxin

 

1. Các vấn đề chính:

  • Digitalis là các thuốc có khoảng điều trị hẹp và cần phải theo dõi chặt chẽ.
  • Thuốc có khả năng cao gây ngộ độc hoặc quà liều, có thể dẫn đến nhập viện hoặc tử vong.

2. Các điểm quan trọng:

  • Các digitalis hỗ trợ hoạt động của tim theo nguyên tắc 3R: Tăng cường (Renforcer) co bóp, Giảm (Ralentir) nhịp tim và Điều hòa (Régulariser) cung lượng tim. Thuốc được chỉ định cho các trường hợp:
    • Suy tim tâm thu
    • Loạn nhịp trên thất, rung nhĩ và cuồng động nhĩ (đối với chỉ định này, hiệu quả của thuốc thấp hơn trên bệnh nhân cao tuổi).

CÁC KHUYẾN CÁO

  • Phải giảm một nửa liều thường dùng trên người trưởng thành khi dùng thuốc trên người cao tuổi và phải giảm hơn nữa trong trường hợp bệnh nhân suy giảm chức năng thận, mất nước hoặc có dấu hiệu quá liều.
  • Cần phải cấp cứu nếu bệnh nhân ngộ độc digitalis. Bệnh nhân phải được dùng thuốc giải độc tại bệnh viện. Các dấu hiệu quá liều bao gồm: Rối loạn dẫn truyền và tính kích thích tim, nhìn thấy màu vàng, chán ăn, buồn nôn, nôn, chóng mặt, đau đầu, lú lẫn, ảo giác.
  • Liều dùng trên bệnh nhân cao tuổi:
    • Nếu độ thanh thải creatinine >60 mL/phút: 0,125 mg/ngày (tương đương ½ viên nén hoặc ¼ ống thuốc/ngày)
    • Nếu độ thanh thải creatinine từ 10-30 mL/phút: Giảm ½ liều dùng còn 0,0625 mg/ngày (tương đương ¼ viên nén hoặc 1/8 ống thuốc/ngày)
    • Nếu độ thanh thải creatinine dưới 10 mL/phút: Chỉ dùng 10-20% liều dùng (ví dụ ½ viên nén/tuần hoặc 0,125 mg/tuần dưới dạng giọt)
  • Thuốc không đem lại lợi ích gì thêm khi dùngliều trên 0,125 mg/ngày.
  • Cần phải giảm liều trong trường hợp:
    • Suy giảm chức năng thận: Giám sát độ thanh thải creatinine
    • Bệnh nhân có bệnh tim
    • Bệnh nhân suy giáp
    • Bệnh nhân thiếu oxy do suy giảm hô hấp
  • Chống chỉ định dùng các digitalis cùng với các thuốc làm chậm nhịp tim và chống loạn nhịp (thuốc chẹn beta, verapamil, amiodarone, quinidine, flecainide, disopyramid, diltiazem). Đặc biệt chú ý tới atropine và thuốc chẹn beta dạng thuốc nhỏ mắt.
  • Tránh dùng cam thảo đen do nó có thể là nguyên nhân gây nhịp tim không đều.

GIÁM SÁT

  • Cần phải đánh giá thường xuyên nồng độ digoxin trong máu kể từ ngày thứ 7 sau khi dùng thuốc. Nồng độ digoxin trong máu phải nằm trong khoảng 0,4-0,8 ng/mL.
  • Nồng độ digoxin trong máu có thể tăng khi:
    • Suy giảm chức năng thận: Giám sát độ thanh thải creatinine
    • Bệnh nhân suy giáp
    • Bệnh nhân thiếu oxy do suy giảm hô hấp
    • Dùng kèm các thuốc như macrolid, tramadol, verapamil, amiodarone.
  • Nồng độ digoxin trong máu có thể giảm khi dùng kèm với một thuốc đường tiêu hóa tác dụng tại chỗ, thuốc kháng acid (thuốc không kê đơn).
  • Giám sát nồng độ các chất điện gải (natri, creatinine, và đặc biệt là kali: giảm kali máu là dấu hiệu của ngộ độc digitalis):
    • Cần giám sát nồng độ kali trong máu khi dùng thêm bất cứ thuốc nào có khả năng tương tác với các thuốc điều trị hạ kali máu (Ví dụ: thuốc lợi tiểu làm giảm kali máu, thuốc nhuận tràng kích thích, các corticoid …)
    • Cần xử lý ngay các trường hợp có thể gây hạ kali máu.
  • Giám sát các dấu hiệu ngộ độc digitalis khi dùng thêm các thuốc có thể ảnh hưởng đến nhịp tim (verapamil, amiodarone, quinidine, flecainide, disopyramid).
  • Hạn chế lưu trữ và/hoặc hạn chế sử dụng các thuốc trên để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc.

 

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.