Tư vấn tại quầy thuốc – Giun kim
Dịch: Nhóm dịch sách NCDLS
Nguồn: Alison Blenkinsopp, Paul Paxton and John Blenkinsopp (2014). Symptoms in the Pharmacy – A Guide to management of common illnesses 7th
Giun kim là bệnh khá phổ biến ở trẻ em. Cũng như chấy rận ở trẻ em, nhiều bậc ba mẹ cảm thấy xấu hổ khi con cái họ bị giun kim hoặc khi nhắc tới vấn đề này. Dược sỹ nên trấn an họ rằng giun kim là một bệnh lý rất phổ biến. Ngoài việc kê thuốc OTC để điều trị, dược sỹ cũng nên tư vấn về vấn đề giữ gìn vệ sinh để ngăn ngừa khả năng tái nhiễm.
Những điều cần biết |
• Tuổi
• Dấu hiệu của giun kim • Ngứa hậu môn • Sự có mặt của giun kim • Các triệu chứng khác • Thời gian mắc • Các chuyến du lịch gần • Các thành viên trong gia đình • Điều trị |
Những câu hỏi và trả lời quan trọng
Tuổi
Giun kim rất phổ biến ở trẻ em trong độ tuổi đến trường.
Dấu hiệu nhiễm giun kim
Thông thường, biểu hiện đầu tiên có thể thấy là đứa trẻ rất hay gãi vùng hậu môn. Ngứa hậu môn là triệu chứng điển hình của nhiễm giun kim. Điều đó do phản ứng dị ứng với giun kim và trứng của chúng. Các phản ứng miễn dịch cần có thời gian thì mới gây tới những triệu chứng trên lâm sàng, do đó, trong các trường hợp nhiễm giun kim lần đầu, có thể không có dấu hiệu ngứa hậu môn. Triệu chứng ngứa này càng nặng hơn vào ban đêm. Bởi vì, vào ban đêm giun cái sẽ bò ra và đẻ trứng xung quanh vùng hậu môn. Khi đẻ trứng, chúng tiết ra một chất lỏng dính kích thích vùng da hậu môn. Ngứa dai dẳng có thể dẫn đến nhiễm khuẩn thứ phát. Nếu vùng da hậu môn bị tổn thương và có dấu hiệu rỉ nước, khi đó khuyên bệnh nhân đến khám bác sĩ và cân nhắc việc sử dụng kháng sinh. Mất ngủ do ngứa vào ban đêm có thể dẫn đến trạng thái mệt mỏi và hay cáu giận. Ngứa mà không có dấu hiệu điển hình của nhiễm giun kim có thể là do nguyên nhân khác, ví dụ như dị ứng hoặc bị viêm da kích thích do xà phòng hoặc các phương pháp điều trị ngứa truyền thống. Ở một số bệnh nhân, ngứa hậu môn có thể là do nấm hoặc ghẻ.
Sự hiện diện của giun kim
Giun kim có thể thấy trong phân với hình dạng giống sợi chỉ màu trắng hoặc màu kem, dài khoảng 10mm, tiết diện khoảng 0,5mm. Kích thước giun đực nhỏ hơn so với giun cái. Giun kim có thể tồn tại được bên ngoài vật chủ trong một thời gian ngắn và do đó, chúng ta có thể nhìn thấy chúng di chuyển được. Đôi khi có thể nhìn thấy khi chúng nhô đầu ra ngoài vùng hậu môn.
Các triệu chứng khác
Một số trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị tiêu chảy, ở nữ giới có thể ngứa âm đạo.
Thời gian mắc bệnh
Khi đã xác nhận bệnh nhân bị nhiễm giun kim, dược sỹ cần biết các triệu chứng đã xuất hiện được bao lâu rồi để xem xét các hướng điều trị.
Chuyến du lịch gần đây
Khi nghi ngờ nhiễm trùng mà không phải là do giun kim, bệnh nhân nên đi khám bác sĩ. Nếu bệnh nhân vừa mới đi du lịch về, thông tin này rất có ích để xác định loại giun mà bệnh nhân mắc phải.
Các thành viên khác trong gia đình
Dược sỹ nên hỏi liệu có thành viên nào trong gia đình đã từng mắc các triệu chứng tương tự chưa. Tuy nhiên, không có dấu hiệu ngứa hậu môn hoặc không nhìn thấy giun kim trong phân không có nghĩa là không bị nhiễm giun kim. Cần phải nhớ rằng, trong giai đoạn mới nhiễm, các triệu chứng này có thể không có.
Thuốc điều trị
Dược sỹ nên hỏi rõ về các thuốc đã sử dụng để điều trị các triệu chứng mắc phải.Với bất kì thuốc trị giun nào, để điều trị thành công thì việc sử dụng thuốc đúng cách là rất quan trọng. Dược sỹ cũng nên hỏi xem thuốc đó được sử dụng như thế nào để xác định đâu là nguyên nhân dẫn đến điều trị thất bại.
Điều trị
Khi đưa ra khuyến cáo điều trị, điều quan trọng là dược sỹ phải nhấn mạnh vào cách sử dụng và thời gian sử dụng thuốc cho bệnh nhân thuốc được sử dụng khi nào và như thế nào. Ngoài ra, dược sỹ cần đưa ra cách phòng tránh tái nhiễm được nêu trong mục “Các điểm quan trọng” phía dưới. Mebendazole được dược thư Anh khuyến cáo là thích hợp để điều trị cho mọi lứa tuổi. Nếu các triệu chứng không giảm sau khi sử dụng đúng thuốc và đúng cách thì bệnh nhân nên đi khám bác sĩ.
Mebendazole
Mebendazole là thuốc hiệu quả để điều trị giun kim, thuốc sử dụng một liều duy nhất. Mebendazole cũng có tác dụng đối với các loại giun tóc, giun móc và giun đũa. Bệnh nhân dễ dàng tuân thủ điều trị vì thuốc chỉ sử dụng một liều duy nhất. Mebendazole được bào chế dưới dạng hỗn dịch hoặc viên nén có thể sử dụng cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên, sử dụng liều thứ hai sau 2 đến 3 tuần để phòng tình trạng tái nhiễm. Đôi khi xảy ra tác dụng không mong muốn như tiêu chảy và đau bụng. Không khuyến cáo sử dụng Mebendazole cho phụ nữ có thai.
Piperazine
Piperazine rất hiệu quả đối với giun kim và giun đũa. Piperazine được bào chế thành dạng cốm. Cơ chế tác dụng có thể là làm tê liệt giun kim trong ổ bụng, sau đó, thuốc nhuận tràng phối hợp trong công thức (senna) có tác dụng thải trừ chúng ra khỏi cơ thể qua phân.
Cách sử dụng
Chỉ cần sử dụng 2 liều. Sử dụng liều thứ hai sau 2 tuần để diệt hoàn toàn số giun nở và phát triển sau lần sử dụng đầu tiên.
Tác dụng không mong muốn
Tác dụng không mong muốn của piperazine bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy và đau bụng, nhưng các triệu chứng này không phổ biến. Các phản ứng có hại ở thần kinh trung ương bao gồm đau đầu và chóng mặt, nhưng hiếm khi xảy ra.
Chống chỉ định
Piperazine có thể sử dụng cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở nên mà không cần đơn của bác sỹ. Không khuyến cáo sử dụng trên phụ nữ có thai. Mặc dù không có mối quan hệ nhân quả trực tiếp, nhưng có một số báo cáo trường hợp dị tật thai nhi.
Piperazine chống chỉ định cho bệnh nhân động kinh do khả năng gây ra các cơn động kinh lớn trên những bệnh nhân này. Ở một số nước châu Âu, piperazine bị thu hồi khỏi thị trường do các phản ứng có hại.
Tác dụng không mong muốn phổ biến nhất là buồn nôn, nôn và tiêu chảy.
Điều trị không dùng thuốc
Một số ba mẹ có thể ưu tiên sử dụng các phương pháp không dùng thuốc hơn. Các phương pháp loại bỏ trứng giun bao gồm rửa vùng hậu môn vào buổi sáng và rửa hoặc lau ướt hậu môn trong toàn bộ ngày. Lý tưởng nhất là 3 tiếng một lần, nhưng thực tế nhất là 2 lần một ngày.
Các điểm quan trọng
- Các bậc ba mẹ thường cảm thấy lo lắng và xấu hổ khi con cái họ bị nhiễm giun do họ nghĩ rằng việc thiếu vệ sinh gây ra. Dược sỹ cần khẳng định với họ rằng: nhiễm giun kim là vô cùng phổ biến và bất kì đứa trẻ nào cũng có thể mắc phải. Nhiễm giun kim không phải là biểu hiện của việc thiếu chăm sóc và thiếu vệ sinh.
-
Cần điều trị cho tất cả các thành viên trong gia đình cùng một lúc, ngay cả khi chỉ có một người có triệu chứng bệnh. Điều này do các thành viên khác có thể mới mắc lần đầu mà không có triệu chứng. Nếu không, tái nhiễm có thể xảy ra.
-
Có thể ngăn chặn sự lây nhiễm hoặc tái nhiễm giun kim bằng các phương pháp sau:
- Cắt ngắn móng tay để ngăn ngừa lây nhiễm trứng giun. Phải rửa tay và móng tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh và trước khi chuẩn bị ăn uống hoặc khi ăn uống. Đường lây nhiễm từ tay lên miệng rất phổ biến. Trứng có thể lây nhiễm từ ngón tay trong khi ăn hoặc trên bề mặt thức ăn trong quá trình chuẩn bị. Trứng giun kim có thể tồn tại ngoại sinh trong vòng 1 tuần.
- Trẻ em mặc đồ ngủ để chúng không gãi trực tiếp lên da được vào ban đêm. Có thể mặc quần lót bên trong quần áo ngủ.
Những người liên quan nên tắm vào mỗi buổi sáng để loại sạch trứng giun bám vào trong đêm trước.