Menu

CLS viêm tế bào và tăng đường huyết buổi sáng

Người dịch: Phan Thúy Diễm

Hiệu đính: Lê Thị Liên – HV Cao học 21 –  ĐH Dược Hà Nội

Nguồn: Albert Zichichi.Case studies. PharmacyTimes.  http://www.pharmacytimes.com/publications/issue/2016/december2016/case-studies-december-2016

 

1. Ca 1

M – một phụ nữ 68 tuổi, được bác sĩ chẩn đoán bị viêm tế bào trên bắp chân trái. M có tiền sử cao huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, suy tim, và còn bị nhiễm trùng đường tiết niệu đã được điều trị với levofloxacin 2 tuần trước. Bác sĩ giải thích tình trạng viêm tế bào trên chân có chảy mủ và có nhiều khả năng dẫn đến u nang bã nhờn. Bác sĩ đã chọ hút dịch và kê đơn cephalexin 500 mg, liều dùng 500mg uống mỗi 6 giờ trong 5 ngày.

Với vai trò là một Dược sĩ, bạn sẽ đề xuất liệu trình kháng sinh như thế nào?

2. Ca 2

T – một phụ nữ 54 tuổi đến phòng khám để theo dõi về chế độ điều trị insulin của mình. Gần đây, T được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường typ 2, với HbA1C 10,2%. Liệu trình điều trị insulin của cô bao gồm insulin lispro 2 đơn vị, dùng 3 lần/ngày, dùng 5 phút trước bữa ăn và insulin NPH 5 đơn vị trước bữa ăn sáng và 10 đơn vị trước khi ngủ. Sau khi xem kết quả chỉ số đường huyết được cô đo tại nhà, bác sĩ đưa ra nhận xét, tất cả các chỉ số trong ngày đều ở mức bình thường, trừ kết quả được đo lúc sáng sớm luôn ở mức cao (198-240 mg /dL) trong suốt 1 đến 2 tuần. T nói rằng cô đã tuân thủ nghiêm ngặt chế độ điều trị insulin mà bác sĩ đã cho và không có bất cứ thay đổi nào đáng kể đến chế độ ăn uống. Bác sĩ muốn tăng liều dùng insulin cho T, nhưng không biết chắc chắn bao nhiêu?

Với vai trò là một dược sĩ, bạn sẽ đưa ra lời khuyên sử dụng liệu pháp insulin như thế nào?

 

Trả lời

1. Ca 1

Staphylococcus aureus là tác nhân phổ biến nhất gây viêm tế bào có mủ. Do đó, khi được chẩn đoán, điều quan trọng là phải xem xét các yếu tố nguy cơ của bệnh nhân liệu có mắc MRSA (tụ cầu vàng kháng methicillin), bao gồm có nhiễm MRSA trước đây, và nhập viện gần đây, hoặc có sử dụng kháng sinh hay không? Vì M bị viêm tế bào có mủ và gần đây cô cũng có uống kháng sinh (levofloxacin khi điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu).Theo kinh nghiệm điều trị nên sử dụng các kháng sinh có phổ có thể tiêu diệt được MRSA như trimethoprim-sulfamethoxazole, doxycycline hoặc minocycline, linezolid hoặc clindamycin. Với vai trò là một dược sĩ, bạn có thể đề nghị uống doxycycline 100 mg, 2 lần/ngày.

2. Ca 2

Các dược sĩ cần đề nghị bác sĩ, tốt nhất nên thu thập thêm thông tin trước khi tăng liều insulin cho T, vì có rất nhiều lý do tại sao đường huyết của T bị tăng vào buổi sáng. Cụ thể, T có thể đang trải qua “hiệu ứng Somogyi” hay “hiện tượng bình minh”. “Hiện tượng bình minh” là sự gia tăng đường máu khi thức dậy do không cung cấp đủ insulin nền cho cơ thể tối trước đó. “Hiệu ứng Somogyi” xảy ra khi cung cấp quá nhiều insulin vào tối trước đó, gây hạ đường huyết và sau đó là tăng đường huyết dội ngược khi thức dậy. Nên giải thích thêm cách để phân biệt giữa hai hiện tượng này, bằng cách lấy máu mao mạch ở đầu ngón tay vào buổi sáng sớm lúc (02:00-03:00). Nếu các giá trị đường huyết luôn cao, bệnh nhân có khả năng trải qua “hiện tượng bình minh”. Nếu những trị số đường huyết thấp, bệnh nhân có thể gặp “hiệu ứng Somogyi”. Khi đó cần điều chỉnh liều insulin nền vào buổi tối (tăng liều hay giảm liều tương ứng).

 

2 Comments

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.