Menu

Những câu hỏi thường gặp về thực hành an toàn tiêm truyền

Ds.Nguyễn Thị Hồng Yến – team Fertility – công ty Merck Export GMBH

Nguồn: https://www.cdc.gov/injectionsafety/providers/provider_faqs.html

 

Tổng quan

An toàn tiêm truyền, hoặc thực hành an toàn tiêm truyền, là một tổ hợp các biện pháp nhằm thực hiện tiêm truyền theo cách an toàn tối ưu cho bệnh nhân, nhân viên y tế, và những người khác.

Cần nhắc nhở nhân viên y tế thực hành: Không bao giờ tiêm truyền thuốc từ cùng một ống tiêm cho hơn một bệnh nhân, thậm chí nếu đã thay đổi kim hay bạn đang tiêm qua một dây truyền tĩnh mạch.

  • Không đưa vào trong một lọ, túi hay chai thuốc bằng một ống tiêm hoặc kim tiêm đã được sử dụng.
  • Không bao giờ sử dụng thuốc được đóng gói như đơn liều và liều duy nhất cho nhiều bệnh nhân bao gồm cả ống, túi và chai dịch tiêm truyền tĩnh mạch.
  • Luôn luôn sử dụng kỹ thuật vô trùng khi chuẩn bị và tiêm truyền

Câu hỏi chung

1. An toàn tiêm truyền là gì?

Tiêm truyền an toàn bao gồm các biện pháp thực hành nhằm mục đích ngăn ngừa lây truyền các bệnh truyền nhiễm từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác, hoặc từ bệnh nhân sang nhân viên y tế, và đồng thời cũng để ngăn ngừa các nguy cơ do chấn thương từ kim tiêm.

2. Kỹ thuật vô trùng là gì?

Trong nội dung của bài này, kỹ thuật vô trùng dùng để chỉ cách thức xử lý, chuẩn bị, và bảo quản thuốc và vật dụng/vật tư dùng để tiêm (ví dụ, ống tiêm, kim tiêm và ống tĩnh mạch) để phòng ngừa nhiễm khuẩn.

3. Có những thực hành tiêm truyền không an toàn nào đã gây ra việc lây truyền mầm bệnh không?

Các trường hợp phổ biến nhất dẫn đến lây truyền virus viêm gan C (HCV), vi rút viêm gan B (HBV) và / hoặc các mầm bệnh khác bao gồm:

  • Sử dụng cùng một bơm tiêm để tiêm thuốc cho nhiều hơn một bệnh nhân, thậm chí nếu có đổi kim tiêm hoặc tiêm truyền thông qua một đường dây truyền tĩnh mạch dài [1,2];
  • Sử dụng cùng một bơm tiêm đã được sử dụng trước đó cho bệnh nhân để đưa vào một lọ hoặc túi thuốc, sau đó tái sử dụng dung dịch thuốc từ lọ hoặc túi thuốc đó cho một bệnh nhân khác [3-6];
  • Sử dụng thuốc được đóng gói dưới dạng đơn liều hoặc liều duy nhất cho nhiều hơn một bệnh nhân [7-9];
  • Không tuân thủ kỹ thuật vô trùng khi chuẩn bị thuốc và tiêm truyền thuốc[10-12].

4. Có quy trình nào thường liên quan đến thực hành tiêm truyền không an toàn không?

Thực hành tiêm không an toàn đặt bệnh nhân trước nguy cơ bị nhiễm viêm gan B, viêm gan C và các nhiễm trùng khác đã được xác định trong nhiều loại quy trình khác nhau. Ví dụ như:

  • Tiêm truyền thuốc an thần và thuốc gây mê trong phẫu thuật, chẩn đoán, và các quy trình kiểm soát cơn đau.
  • Tiêm truyền các ​​thuốc hóa trị liệu, quy trình làm đẹp, và các liệu pháp y học thay thế;
  • Sử dụng nước muối để làm sạch đường ống tĩnh mạch và ống thông;
  • Tiêm bắp (IM) vắc-xin.

Các thuốc được sử dụng trong các quy trình này thường ở trong các lọ thuốc đơn liều, lọ đa liều, và túi thuốc. Chúng có những điểm chung là lọ hoặc túi thuốc đã được sử dụng cho nhiều hơn một bệnh nhân và được sử dụng với cùng một bơm tiêm đã được sử dụng cho bệnh nhân; hoặc bơm tiêm đã được sử dụng cho nhiều hơn một bệnh nhân.

5. Những thực hành tiêm không an toàn này cũng có thể gây ra lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh không?

Có. Những trường hợp thực hành tiêm không an toàn đặt bệnh nhân trước nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn, nấm, virus, và ký sinh trùng.

6. Có thể kiểm tra trực quan bơm tiêm để xác định xem liệu nó bị nhiễm bẩn hoặc có thể được sử dụng lại không?

Không. Các tác nhân gây bệnh bao gồm cả virus viêm gan B, viêm gan C, và vi rút suy giảm miễn dịch ở người (HIV) có thể hiện diện với số lượng đủ để gây bệnh kể cả khi chúng ta không hề nhận ra sự hiện diện của máu trong đó. Tương tự như vậy, vi khuẩn và các vi khuẩn khác cũng có thể có mặt kể cả khi không có vẩn đục hoặc bằng chứng về nhiễm bẩn có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Không có sự hiện diện của máu hoặc bằng chứng khác không có nghĩa là vật dụng đó không có các tác nhân gây bệnh. Tất cả các vật dụng và vật tư liên quan đến tiêm đã được sử dụng đều có khả năng nhiễm bẩn và cần được bỏ đi.

7. Làm thế nào nhân viên y tế có thể chắc chắn rằng việc tiêm truyền được thực hiện một cách chính xác?

Để giúp đảm bảo chắc chắn rằng tất cả các nhân viên y tế hiểu và tuân thủ thực hành tiêm truyền an toàn, chúng tôi khuyến cáo:

  1. Chỉ định một người nào đó để giám sát liên tục về các vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn;
  2. Xây dựng chính sách kiểm soát nhiễm khuẩn bằng văn bản;
  3. Thực hiện việc đào tạo;
  4. Tiến hành các đánh giá đảm bảo chất lượng.

 

Câu Hỏi Về Quá Trình Chuẩn Bị Thuốc

1. Tôi nên lấy thuốc ra khỏi lọ như thế nào?

Các thuốc tiêm nên được tiếp cận một cách vô trùng. Bao gồm chỉ sử dụng một ống tiêm và kim tiêm vô trùng mới để lấy thuốc đồng thời ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa các vật liệu dùng để tiêm và môi trường không vô trùng. Nên thực hiện vệ sinh tay đúng cách trước khi xử lý thuốc và vách ngăn cao su của lọ thuốc phải được khử trùng bằng cồn trước khi đâm thủng nó.

2. Tôi nên lấy thuốc ra khỏi lọ ở đâu?

Nên lấy thuốc ra khỏi lọ trong một khu vực sạch chuyên biệt, không gần kề với nơi có các vật dụng bị nhiễm bẩn. Ví dụ các vật dụng bị nhiễm bẩn không nên được đặt trong hoặc gần khu vực chuẩn bị thuốc bao gồm: các vật dụng đã sử dụng như ống tiêm, kim tiêm, ống tĩnh mạch (IV tubing), ống thu gom máu, kẹp kim (ví dụ, kẹp kim Vacutainer®), hoặc các vật dụng nhiễm bẩn khác đã được sử dụng trong quy trình. Nói chung, bất kỳ vật dụng nào có thể đã tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể không nên đặt trong khu vực chuẩn bị thuốc.

3. Có thể chấp nhận việc bỏ lại kim tiêm hoặc một thiết bị khác cắm vào trong vách ngăn cao su của lọ thuốc để rút thuốc nhiều lần?

Không. Kim tiêm hoặc thiết bị khác không bao giờ được bỏ cắm vào trong vách cao su của thuốc lọ để sử dụng nhiều lần. Điều đó sẽ tạo ra một con đường trực tiếp cho các vi sinh vật xâm nhập vào lọ và làm nhiễm bẩn dung dịch thuốc.

4. Có thể chấp nhận việc sử dụng bơm tiêm (chưa được sử dụng cho bệnh nhân) để lấy thuốc và trộn lẫn thuốc từ nhiều lọ thuốc khác nhau?

Biện pháp thực hành an toàn nhất là luôn sử dụng một bơm tiêm và kim tiêm vô trùng để đưa vào trong lọ thuốc. Đã có ít nhất một trường hợp sai sót do nhân viên y tế sử dụng một kim tiêm và ống tiêm chung để đưa vào các lọ đa liều nhằm mục đích trộn lẫn các dung dịch thuốc vào chung một bơm tiêm [14]. Nếu một lọ bị nhiễm bẩn, cách này có thể làm nhiễm bẩn cho những lọ khác, kéo dài sự hiện diện của mầm bệnh và gia tăng nguy cơ lây truyền bệnh. Việc tái sử dụng bơm tiêm theo cách này cũng có thể là một nguyên nhân cho các trường hợp sai sót khác.

Mặc dù không khuyến cáo sử dụng cùng một kim tiêm và ống tiêm để đưa vào nhiều hơn một lọ thuốc vì có nguy cơ được nêu ở trên, tuy nhiên có những trường hợp cùng một kim tiêm và ống tiêm có thể được sử dụng cho nhiều hơn một lọ (ví dụ, khi pha loãng thuốc hoặc vắc-xin). Trong những trường hợp này, nên tuân thủ chặt chẽ kỹ thuật vô trùng và việc pha loãng nên được thực hiện trong một khu vực pha thuốc sạch chuyên biệt, không gần kề với nơi có đặt các vật dụng có thể bị nhiễm bẩn.

Câu Hỏi Về Cách Sử Dụng Thuốc

1. Có thể chấp nhận việc sử dụng cùng một ống tiêm để tiêm thuốc cho nhiều hơn một bệnh nhân nếu tôi thay kim tiêm cho mỗi bệnh nhân?

Không. Một khi được sử dụng, ống tiêm và kim tiêm đều bị nhiễm bẩn và phải được bỏ đi. Sử dụng một bơm tiêm và kim tiêm vô trùng mới cho mỗi bệnh nhân.

2. Có thể chấp nhận việc sử dụng cùng một ống tiêm để tiêm thuốc cho nhiều hơn một bệnh nhân nếu tôi thay kim tiêm cho mỗi bệnh nhân và tôi không rút ngược bơm tiêm lại trước khi tiêm?

Không. Vẫn có một lượng nhỏ máu có thể chảy vào trong kim tiêm và ống tiêm, ngay cả khi chỉ có một áp lực dương hướng ra ngoài. Các ống tiêm và kim tiêm đều bị nhiễm bẩn và phải được bỏ đi.

3. Nếu tôi sử dụng một ống tiêm chỉ để tiêm thuốc vào một cổng dây truyền dịch cách vị trí đặt ống thông tĩnh mạch của bệnh nhân 1 đoạn, liệu có thể chấp nhận được khi sử dụng cùng một bơm tiêm đó cho bệnh nhân khác?

Không. Tất cả mọi thứ từ túi đựng thuốc vào ống thông của bệnh nhân là một đơn vị độc lập liên kết với nhau. Tất cả các thành phần tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với máu của bệnh nhân và không thể được sử dụng cho các bệnh nhân khác. Một ống tiêm để tiêm thuốc vào cổng của dây truyền dịch hoặc túi cũng sẽ bị nhiễm bẩn và không thể được sử dụng cho các bệnh nhân khác. Cách ly từ tĩnh mạch của bệnh nhân bởi khoảng cách, trọng lực và/hoặc áp lực truyền dương không đảm bảo chắc chắn rằng không có một lượng nhỏ máu hiện diện trong những vật dụng này.

4. Có thể chấp nhận việc tái sử dụng một bơm tiêm và/hoặc kim tiêm đưa vào một lọ thuốc cho cùng một bệnh nhân nếu lọ thuốc và bơm tiêm sẽ được bỏ đi sau khi hoàn thành và không sử dụng chúng cho bệnh nhân khác?

Biện pháp thực hành an toàn nhất là phải luôn luôn sử dụng một kim tiêm và bơm tiêm vô trùng để đưa vào trong lọ thuốc, ngay cả khi bệnh nhân đó cần thêm một liều thuốc bổ sung. Biện pháp này đảm bảo tăng cường thêm một lớp an toàn trong trường hợp, vì một lý do nào đó, những lọ thuốc này không bị bỏ đi khi sử dụng xong và vô tình được sử dụng cho một bệnh nhân khác.

Đã có nhiều trường hợp sai sót do nhân viên y tế tái sử dụng lại ống tiêm để lấy thuốc cho một bệnh nhân và sau đó lại sử dụng thuốc từ lọ hoặc túi thuốc đó cho bệnh nhân tiếp theo [3-4] .Trong một số trường hợp, nhân viên y tế tin rằng họ đã rất cẩn thận và họ biết cần loại bỏ các lọ hoặc túi thuốc sau khi kết thúc quy trình; tuy nhiên, điều này không phải khi nào cũng luôn luôn xảy ra và thuốc từ các lọ hoặc túi thuốc đã được vô tình sử dụng cho bệnh nhân khác [5].

5. Có thể chấp nhận việc sử dụng ống tiêm và/hoặc kim tiêm để tiêm nhiều lần cho cùng một bệnh nhân (ví dụ, trong trường hợp gây tê một vùng rộng lớn của da hoặc để đưa thêm liều thuốc bổ sung)?

Biện pháp thực hành an toàn nhất là mỗi ống tiêm và kim tiêm chỉ nên được sử dụng một lần duy nhất để tiêm thuốc cho một bệnh nhân, sau đó ống tiêm và kim tiêm nên được bỏ đi. Biện pháp này giúp ngăn ngừa việc tái sử dụng một cách vô ý bơm tiêm và đồng thời bảo vệ nhân viên y tế khỏi các nguy cơ do chấn thương khi kim tiêm đâm phải.

Tuy nhiên, nếu biện pháp là không khả thi (ví dụ, tiêm thêm liều bổ sung cho một bệnh nhân mà bơm tiêm đó là một phần trong một quy trình), việc tái sử dụng cùng một bơm tiêm và kim tiêm cho cùng một bệnh nhân nên diễn ra như một phần trong một quy trình và nên tuân thủ nghiêm ngặt về kĩ thuật vô trùng. Trong trường hợp này, quan trọng là các bơm tiêm không bao giờ được để một cách vô ý và nó nên được bỏ đi ngay lập tức khi kết thúc quy trình.

Đã có trường hợp về việc lây truyền bệnh và các trường hợp thông báo cho bệnh nhân gần đây do việc tái sử dụng bơm tiêm một cách vô ý sau khi bơm tiêm đó không được loại bỏ ngay lập tức sau khi sử dụng cho bệnh nhân.

Các câu hỏi về lọ liều đơn/ lọ dùng một lần

  1.   Lọ liều đơn/ lọ dùng một lần là gì?

Một lọ liều đơn/ lọ dùng một lần là một lọ thuốc lỏng dùng để tiêm truyền (tiêm hoặc truyền) sử dụng cho một bệnh nhân trong một ca / thủ thuật /lần tiêm duy nhất. Lọ liều đơn/ lọ dùng một lần được dán nhãn bởi các nhà sản xuất và thường chúng không có chất bảo quản kháng khuẩn.

  1. Lọ liều đơn/ lọ dùng một lần có thể được sử dụng cho hơn một bệnh nhân không?

Câu trả lời là không. Những lọ thuốc được gắn nhãn này chỉ nên được sử dụng cho một bệnh nhân trong một ca / thủ thuật /lần tiêm duy nhất. Đã có nhiều sự bùng phát do nhân viên y tế sử dụng lọ liều đơn/ lọ dùng một lần cho nhiều bệnh nhân [3,6-9].

Thậm chí nếu lọ liều đơn/ lọ dùng một lần chứa nhiều liều hay chứa nhiều thuốc lượng cần dùng cho một bệnh nhân, thì lọ thuốc đó cũng không nên được sử dụng cho nhiều hơn một bệnh nhân cũng như không được phép lưu trữ để sử dụng trong tương lai trên cùng một bệnh nhân.

Để tránh lãng phí không cần thiết và tránh sự cám dỗ sử dụng thuốc từ lọ liều đơn/ lọ dùng một lần cho nhiều hơn một bệnh nhân, nhân viên y tế nên chọn lọ nhỏ nhất cần cho nhu cầu của họ.

  1. Mỗi lọ liều đơn/ lọ dùng một lần có thể được xâm nhập bao nhiêu lần khi dùng cho một bệnh nhân?

Việc thực hành an toàn nhất là đâm kim vào lọ liều đơn/ lọ dùng một lần chỉ một lần để khỏi sơ xuất làm nhiễm bẩn cho lọ thuốc cũng như lây truyền nhiễm trùng. Lọ liều đơn/ lọ dùng một lần nên được sử dụng cho một bệnh nhân duy nhất và trong một ca / thủ thuật /lần tiêm duy nhất. Do đó, đòi hỏi chỉ có một lần xâm nhập duy nhất vào lọ thuốc.

Tuy nhiên, trong những tình huống nhất định, nhân viên y tế có thể cho rằng việc hút toàn bộ thuốc của lọ thuốc vào ống tiêm duy nhất sẽ không thể chuẩn độ an toàn và chính xác về liều lượng (ví dụ, dùng liều thuốc cho trẻ em trong một thủ thuật ngoại khoa) .Trong những trường hợp này, nhân viên y tế phải xem xét nguy cơ khi xâm nhập nhiều lần vào một lọ liều đơn/ lọ dùng một lần đối với bệnh nhân/ thủ thuật đó.

Nếu lọ liều đơn/ lọ dùng một lần bị xâm nhập nhiều hơn một lần cho một bệnh nhân như một phần của thủ thuật, nó nên được dùng với một cây kim và ống tiêm mới, các lọ này phải được loại bỏ vào cuối các thủ thuật và không được lưu trữ để sử dụng trong tương lai.

  1. được phép dồn thuốc còn sót lại từ các lọ liều đơn/ lọ dùng một lần hay không?

Không.  Đừng dồn còn lại của các lọ liều đơn/ lọ dùng một lần hoặc lưu trữ lọ liều đơn/ lọ dùng một lần để dùng lần sau. Các lọ này được quy định chỉ để sử dụng trên một bệnh nhân duy nhất cho một ca/ thủ thuật duy nhất. Đã có những bùng phát bệnh do dồn thuốc của lọ liều đơn/ lọ dùng một lần và / hoặc lưu trữ thuốc cũ để sử dụng lại. [8].

  1. Khi nào lọ liều đơn/ lọ dùng một lần sẽ bị loại bỏ?

Các lọ thuốc nên luôn luôn bị loại bỏ bất cứ khi nào sự vô trùng bị xâm phạm hoặc có sự nghi ngờ.

Ngoài ra, các khuyến cáo sau đây được đưa ra để xử lý các lọ liều đơn/ lọ dùng một lần:

Nếu lọ liều đơn/ lọ dùng một lần đã được mở hoặc xâm nhập (ví dụ, đâm kim) thì lọ đó cần được loại bỏ theo thời gian các nhà sản xuất chỉ định cho các lọ đã mở hoặc ở cuối thủ thuật mà nó đang được sử dụng, tùy điều kiện nào đến trước. Không nên lưu trữ các lọ này để sử dụng trong tương lai.

Nếu lọ liều đơn/ lọ dùng một lần không bị mở hay xâm nhập (ví dụ, đâm kim), thì nó bị loại bỏ theo hạn sử dụng của nhà sản xuất.

Các câu hỏi về lọ đa liều

  1. Một lọ đa liều là gì?

Một lọ đa liều là một lọ thuốc lỏng dùng để tiêm truyền (tiêm hoặc truyền) có chứa nhiều hơn một liều. Một lọ đa liều được dán nhãn bởi các nhà sản xuất và thường chứa một chất bảo quản chống vi khuẩn để giúp ngăn chặn sự tăng trưởng của vi khuẩn. Các chất bảo quản không có hiệu lực về virus và không bảo vệ chống lại sự nhiễm bẩn khi nhân viên y tế không tuân thủ thực hành tiêm an toàn.

  1. Một lọ đa liều có thể được sử dụng cho nhiều hơn một bệnh nhân hay không? Bằng cách nào?

Một lọ đa liều dùng nên được dành riêng cho một bệnh nhân duy nhất bất cứ khi nào có thể. Nếu lọ đa liều buộc phải được sử dụng ở hơn một bệnh nhân, chúng chỉ cần được lưu giữ và tiếp cận trong một khu vực dành riêng cho việc pha chế thuốc (ví dụ, buồng tiêm), cách xa khu vực trực tiếp điều trị bệnh. Điều này là để ngăn ngừa nhiễm bẩn do sơ xuất tới lọ thuốc thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các bề mặt hoặc các thiết bị có khả năng bị nhiễm bẩn sau đó có thể dẫn đến nhiễm trùng ở bệnh nhân tiếp theo. Nếu đem một lọ đa liều vào khu vực trực tiếp điều trị bệnh nhân, nó nên được sử dụng cho một bệnh nhân duy nhất.

  1. Ví dụ về các “khu vực trực tiếp điều trị bệnh nhân” là gì?

Ví dụ về các khu vực trực tiếp điều trị bệnh nhân bao gồm phòng mổ và phòng thủ thuật, xe gây mê và xe thủ thuật, và phòng bệnh nhân hoặc vịnh bệnh nhân.

  1. Bệnh viện chúng tôi sử dụng công nghệ mã vạch yêu cầu quét lọ thuốc và sạc thuốc trong phòng bệnh nhân. Nếu lọ đa liều (ví dụ, insulin) được dành riêng cho một bệnh nhân duy nhất, thuốc có thể được lấy ngay trong phòng bệnh nhân không?

Lý tưởng nhất, từ góc độ kiểm soát nhiễm khuẩn, tất cả việc chuẩn bị thuốc nên thực hiện trong một khu vực pha chế thuốc chuyên dụng (ví dụ, buồng tiêm) cách xa khu vực trực tiếp điều trị bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu cần phải lấy thuốc từ các lọ đa liều ngay trong phòng bệnh nhân (ví dụ, cho các mục đích quản lý thuốc mã vạch) thì lọ phải được dành riêng cho bệnh nhân sử dụng duy nhất mà thôi, bệnh nhân cần được bố trí trong phòng riêng, và tất cả việc chuẩn bị thuốc nên được thực hiện trong một khu vực sạch sẽ được thiết kế không tiếp giáp với các nguồn ô nhiễm tiềm năng (ví dụ, bồn rửa, thiết bị đã sử dụng). Sau pha chế thuốc, lọ nên được lưu trữ, theo hướng dẫn của nhà sản xuất, theo phương thức để ngăn chặn sử dụng sơ xuất cho nhiều bệnh nhân và / hoặc lây nhiễm chéo.

  1. Khi nào thì lọ đa liều cần được loại bỏ?

Các lọ thuốc nên luôn luôn bị loại bỏ bất cứ khi nào tính vô trùng bị xâm phạm hoặc bị nghi ngờ.

Ngoài ra, Dược điển Hoa Kỳ (USP) Chương 797 [16] khuyến cáo cho chế phẩm đa liều vô trùng như sau:

Nếu một lọ đa liều đã được mở hoặc xâm nhập (ví dụ, đâm kim) lọ đó nên được ghi  ngày và loại bỏ trong vòng 28 ngày trừ khi các nhà sản xuất chỉ định một ngày khác (ngắn hơn hoặc dài hơn).

Nếu một lọ đa liều không bị mở hay xâm nhập (ví dụ, đâm kim), nó cần được loại bỏ theo ngày hết hạn của nhà sản xuất.

Ngày hết hạn của nhà sản xuất dùng để chỉ ngày mà sau đó một lọ đa liều chưa mở không nên sử dụng nữa. Ngày gia hạn dùng để chỉ ngày mà sau đó một lọ đa liều đã mở không nên được sử dụng nữa. Ngày gia hạn không bao giờ được vượt quá ngày hết hạn ban đầu của nhà sản xuất.

One Comment

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.