Hiệu quả của N-Hyoscine-ButylBromid và Drotaverin trong quá trình chuyển dạ ?
CÂU HỎI:
Trong đợt đấu thầu Thuốc năm 2017 của bệnh viện, chế phẩm chứa N-Hyoscine-ButylBromid (đường tiêm) không vó nhà thầu tham gia. Hiện tại, nhóm chống co thắt cơ trơn tại bệnh viện chỉ có chế phẩm chứa Drotaverin (đường tiêm). So sánh hiệu quả của N-Hyoscine-ButylBromid và Drotaverin trong quá trình chuyển dạ. Có thể thay thế N-Hyoscine-ButylBromid bằng Drotaverin được không?
TRẢ LỜI:
Việc sử dụng thuốc chống co thắt trong chuyển dạ giúp sự giãn nở tử cung nhanh hơn và hiệu quả hơn. Các thuốc chống co thắt cơ trơn bao gồm các thuốc tác động trực tiếp lên cơ trơn (thường có cấu trúc papaverin như Drotaverin…) và thuốc tác động lên thần kinh (đối kháng với acetyl choline ở thụ thể muscarinic như N-Hyoscine-Butylbromid, Valethamate bromide) [1].
Tại Ấn Độ, Drotaverin là một thuốc chống co thắt cơ trơn nằm trong “Quản lý chuyển dạ theo chương trình” (Programmed Labor Protocol) của họ để giảm đau và rút ngắn thời gian chuyển dạ. Drotaverin thường được sử dụng kết hợp với Oxytocin [1].
Một bài tổng quan về so sánh hiệu quả chống co thắt khi chuyển dạ trong 21 nghiên cứu lâm sàng cho thấy: các thuốc được dùng để chống co thắt là valethamate bromide, hyoscine butyl-bromide, drotaverine hydrochloride, rociverine and camylofin dihydrochloride [1].
Trong đó, có 3 nghiên cứu so sánh hiệu quả của Drotaverin và Hyoscin-butylbromid: Bindiya G. 2008, Kumkum S. 2015 và Tehalia MK 2008. Kết quả của 03 nghiên cứu:
1. Hiệu quả rút ngắn thời gian chuyển dạ
Nghiên cứu của Kumkum S. 2015 và Tehalia MK. 2008 cho thấy, thuốc chống co thắt cơ trơn làm giảm đáng kể thời gian của giai đoạn đầu tiên trong chuyển dạ cũng như tổng thời gian chuyển dạ so với giả dược. Trong đó, nhóm sử dụng Hyoscin-butylbromid cho hiệu quả tốt hơn Drotaverin (3h34 ± 1h09 và 3h40 ± 1h34). Thời gian của giai đoạn thứ hai và thứ ba của chuyển dạ không bị ảnh hưởng bởi thuốc chống co thắt cơ trơn. Trong khi nghiên cứu của Bindiya G. 2008 thì không có sự khác biệt giữa 2 nhóm.
2. Tác dụng có hại của thuốc trên mẹ
Các tác dụng có hại được báo cáo gồm nhịp tim nhanh, khô miệng, nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, choáng váng, rách cổ tử cung, đỏ bừng mặt và xuất huyết sau sinh. Nhìn chung, tỷ lệ xuất hiện tác dụng phụ ở nhóm sử dụng Hyoscine-butylbromid ít được báo cáo. Các phản ứng chủ yếu là tăng nhẹ nhịp tim. Tỷ lệ báo cáo nhiều hơn ở nhóm sử dụng Drotaverin với tăng nhịp tim, chóng mặt, buồn nôn.
3. Tác dụng có hại trên trẻ mới sinh
Tác dụng có hại của thuốc trên trẻ mới sinh đòi hỏi phải chuyển sang đơn vị chăm sóc tích cực (ICU) gồm suy thai, chậm nhịp tim của thai nhi, tim đập nhanh của thai nhi, chỉ số Apgar 1 phút, 5 phút dưới 7 và sự hiện diện của nước ối phân su. Các tác dụng này xuất hiện với tỷ lệ thấp ở cả 2 nhóm.
Qua các kết quả trên cho thấy, Drotaverin có thể thay thế được Hyoscin-butylbromid trong các trường hợp chuyển dạ tại Khoa Sản.
DS. Trần Thị Kiều Hân – Khoa Dược – BV Đa Khoa Giá Rai
1.Anke CR et al. (2013), Antispasmodics for labour, Cochrane library.
- Bindiya G. et al (2008), Drotaverine hydrochloride versus hyoscine-N-butylbromide in augmentation of labor, International Journal of Gynecology and Obstetrics,100, p244-247.
- Kumkum S. et al. (2015). A comparative study of the effect of drotaverine hydrochloride with hyoscine butylbromide in first stage of labor. International Journal of Basic & Clinical Pharmacology.
- Tehalia MK et al. A comparative study of hyoscine butylbromide versus drotaverine hydrochloride in first stage of labour. J Obstet Gynecol India. 2008;58(3):230-4.