Hướng dẫn cách pha tiêm kháng sinh ?
Câu hỏi:
Hiện tại, mình đang xây dựng hướng dẫn pha thuốc tiêm, truyền kháng sinh áp dụng cho bệnh nhân sơ sinh, tuy nhiên theo một số tài liệu như: Dược thư quốc gia năm 2015, Hướng dẫn sử dụng kháng sinh của Bộ y tế năm 2015, “Handbook on Injectable Drugs” hoặc theo Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc…. thì chưa có hướng dẫn riêng cách pha thuốc tiêm dùng cho trẻ sơ sinh. Vấn đề cụ thể như sau:
Tại bệnh viện mình, các bác sỹ đang sử dụng một số loại kháng sinh như: Ampicillin1g; Ampicillin + Sulbactam 0,75g; Tobramycin 80mg/2ml; Amikacin 250mg/2ml; kháng sinh nhóm Cephalosporin… để điều trị cho các trẻ sơ sinh gặp phải một số bệnh lý cần phải sử dụng với đường dùng tiêm.
Một ví dụ cụ thể:
Bác sỹ chỉ định tiêm tĩnh mạch Ampicillin 1g cho trẻ sơ sinh với liều lượng mỗi lần là 1/3 lọ, ngày tiêm 02 lần lúc 09h và 16h, điều dưỡng thực hiện cách pha thuốc tiêm như sau:
- Pha lần 1: lấy 1g Ampicillin pha trong 6ml NaCl 0,9 % (lúc 9 h)
-
Pha lần 2: lấy V1 = 2ml dịch đã pha của lần 1 (1/3 lọ = 333mg Ampicillin) + V2 = 2ml NaCl 0,9%; và thực hiện tiêm tĩnh mạch 4ml dịch vừa pha (lúc 9 h).
Lúc 16h lặp lại như lúc 9h. Lý do pha lần 2: để số thể tích thuốc tiêm (ml /lần) không quá ít, tránh được lượng thuốc bám ở bơm tiêm hoặc dây truyền, tránh sốc.
Xin trao đổi thông tin:
- Hiện nay bệnh viện của em pha tiêm kháng sinh cho trẻ sơ sinh thế nào?
Quan điểm của em:
- Về mặt chủ trương, các thuốc bột pha tiêm có được thực hiện như cách pha trên và có được thực hiện 2 lần pha hay không ? Nếu được thì có thể pha loãng theo tỉ lệ ( V1 : V2 = 1:1) không hay V2 phụ thuộc từng thuốc cụ thể?
- 2. Các thuốc tiêm bào chế sẵn dưới dạng dung dịch có được pha loãng lần 2 để tiêm như vậy không ?
- Có tài liệu nào liên quan về pha thuốc tiêm, truyền cho bệnh nhân sơ sinh để mình xin tham khảo thêm nhằm xây dựng hướng dẫn trên.
Trả lời:
Nguyên tắc chung thì thuốc bột pha tiêm thường sẽ qua 2 giai đoạn: hòa tan với một lượng dung môi, sau đó pha loãng với dung môi. Tùy theo là đường tiêm IV nhanh (cần khoảng 10ml), truyền IV (thể tích lớn từ 100ml trở lên) hay IM (3-5ml) mà đòi hỏi các thể tích cuối cùng là khác nhau. Ví dụ như pha để tiêm bắp thì chỉ cần giai đoạn hòa tan, nhưng với IV nhanh và đặc biệt truyền IV thì đòi hỏi phải thêm công đoạn pha loãng. V dung môi trong quá trình hòa tan hay pha loãng thường đã được nhà sản xuất hay sách hướng dẫn quy định.
Cách làm của điều dưỡng trên pha với 6ml vào lọ 1g thì phải chú ý là khi hòa tan như thế thì thể tích dung dịch sau khi hòa tan thu được sẽ không phải là 6ml mà là lớn hơn 6ml, có thể là 6,6ml (do thể tích hòa tan chất rắn của thuốc). Như vậy nếu rút 2ml có thể thiếu thuốc cho trẻ. Thay vì vậy có thể rút 2,2ml chẳng hạn. Việc điều dưỡng sau đó hòa tan thêm 2ml để dung dịch loãng hơn có phù hợp hay không phụ thuốc vào khuyến cáo về nồng độ tối đa khi tiêm IV. Với ampiciliin thì nồng độ tối đa khi tiêm IV là 250mg/ml, như vậy với 333mg thì cần hòa tan ít nhất trong 1,3ml. Vậy điều dưỡng hòa tan trong tổng 4ml trên là thỏa mãn.
Một số tài liệu tham khảo pha thuốc tiêm cho trẻ em:
http://www.globalrph.com/ampicillin_dilution.htm
DS. Võ Thị Hà