Tính an toàn của các thuốc kháng Histamin đối với phụ nữ có thai và cho con bú
Người dịch: DS. Nguyễn Quỳnh Anh, BV An Sinh.
Hiệu đính: DS. Hoàng Thị Hồng Thanh – Cựu SV ĐH Dược Hà Nội
Tóm tắt
Câu hỏi: Có rất nhiều phụ nữ có thai và cho con bú phải trải qua tình trạng dị ứng, những bệnh nhân này thường hỏi bác sĩ về tính an toàn của các thuốc kháng Histamin trong thời kì mang thai và cho con bú. Bác sĩ có nên khuyên những bệnh nhân này sử dụng các thuốc thế hệ cũ có tác dụng an thần? Chúng có an toàn hơn nhóm thuốc thế hệ mới không có tác dụng an thần. Hoặc có những thuốc mới hơn đã được nghiên cứu là tốt?
Trả lời: Các thuốc kháng histamin thế hệ một được coi là an toàn để sử dụng trong thai kì. Có tương đối ít dữ liệu về các thuốc kháng histamin thế hệ hai không có tác dụng an thần; tuy nhiên các nghiên cứu đã được công bố được đảm bảo. Tất cả các thuốc kháng histamin được cho là an toàn để sử dụng trong thời kì cho con bú, bởi vì lượng tối thiểu được bài tiết qua sữa mẹ và sẽ không gây ra bất kì tác dụng không mong muốn nào đối với trẻ đang bú sữa mẹ.
Các triệu chứng phổ biến của viêm mũi dị ứng bao gồm nghẹt mũi, chảy nước mũi và ngứa, cũng như các triệu chứng liên quan đến mắt như viêm kết mạc, sưng và chảy nước mắt quá mức. Những triệu chứng này thường được kích hoạt bởi các tác nhân gây dị ứng trong không khí (như phấn hoa từ cây, cỏ, cỏ dại); tuy nhiên các tác nhân gây dị ứng trong gia đình như mạt bụi hoặc lông động vật lại là những tác nhân phổ biến.1 Các bệnh dị ứng được ước tính ảnh hưởng đến 20% – 30% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, làm cho chúng trở thành tình trạng bệnh lí phổ biến nhất gây biến chứng thai kì.2 Hơn nữa, trong khi mang thai, có tới 10% – 30% phụ nữ bị viêm mũi dị ứng trước đó báo cáo có triệu chứng gia tăng.1 Điều này được giải thích có thể là do tăng lưu lượng máu lưu thông, tắc nghẽn mạch máu mũi, tăng tiết từ niêm mạc mũi do ảnh hưởng của nội tiết tố.1
Các thuốc kháng Histamin thế hệ một
Các thuốc kháng Histamin thường được sử dụng trong viêm mũi dị ứng tác động vào các thụ thể Histamin H1. Ví dụ về các thuốc kháng histamin thế hệ 1 là brompheniramin, chlopheniramin, dimenhydrinat, diphenhydramin, doxylamin, hydroxyzin, và pheniramin. Ngoại trừ doxylamin và dimenhydrinat được sử dụng trong điều trị nôn và buồn nôn, cùng với hydroxyzin là thuốc bán theo đơn, thì các kháng Histamin còn lại hầu hết có thể tìm thấy một cách phổ biến mà không cần đơn trong thành phần các thuốc điều trị dị ứng và cảm cúm. Không có thuốc nào trong nhóm này được báo cáo về việc tăng nguy cơ cho thai nhi khi sử dụng vào bất kì thời điểm nào khi mang thai.2 Dữ liệu về dịch tễ ủng hộ sự an toàn trong thai kì sớm,3 với phân tích tổng hợp bao gồm hơn 200000 người tham gia kết luận rằng không có sự gia tăng trong bất kì loại dị tật bẩm sinh nào.4
Thuốc kháng histamin thế hệ hai
Hiện nay, các loại thuốc thuộc nhóm này được ưa thích vì chúng không gây ra tác dụng phụ lên hệ thần kinh trung ương (ví dụ như buồn ngủ) và chúng có sẵn mà không cần kê đơn. Ví dụ về các thuốc kháng Histamin thế hệ hai là cetirizin, desloratadin, fexofenadin, và loratadin.
Cetirizin
Cetirizin là chất chuyển hóa có hoạt tính của hydroxyzin. Một nghiên cứu so sánh nhỏ trong tương lai được thực hiện bởi Motherisk sau khi 120 phụ nữ phơi nhiễm với hydrozyzin và 39 phụ nữ với cetirizin (37 người trong 3 tháng đầu thai kì) không tìm thấy sự khác biệt về kết quả mang thai giữa nhóm phơi nhiễm và nhóm so sánh.5 Dữ liệu về kết quả mang thai từ cơ quan đăng kí khai sinh Thụy Điển (từ năm 1995 đến năm 1999) trong số 17766 phụ nữ phơi nhiễm với các thuốc kháng histamin, trong đó có 917 người sử dụng cetirizin, không cho thấy nguy cơ dị tật hoặc kết quả bất lợi khi sinh đẻ so với dân số nói chung.6 Năm 2004, một nghiên cứu khác kiểm tra 144 lần phơi nhiễm trong ba tháng đầu thai kì đã xác nhận kết quả trước đó, không có kết quả thai kì nào bất lợi do thuốc.7 Dữ liệu gần đây là từ dịch vụ thông tin quái thai Berlin, với 196 phụ nữ bị phơi nhiễm vào thời điểm bất kì trong 3 tháng thai kì (11% trong 3 tháng đầu), cũng không cho thấy nguy cơ dị tật bẩm sinh hoặc các kết quả bất lợi khác.8
Fexofenadin
Fexofenadin là chất chuyển hóa có hoạt tính của terfenadin,9 một thuốc chẹn H1 thế hệ thứ hai không còn có sẵn ở thị trường Canada do gây kéo dài khoảng QT đáng kể trên lâm sàng.Mặc dù các nghiên cứu trên động vật không cho thấy việc gây quái thai, nhưng giảm trọng lượng và tỉ lệ sống ở chó con đã được quan sát. Không có dữ liệu trên người của fexofenadin; tuy nhiên dữ liệu hạn chế từ terfenadin không tìm thấy nguy cơ dị tật lớn.3
Loratadin và desloratadin
Desloratadin là chất chuyển hóa chính của loratadin; do đó dữ liệu liên quan đến tính an toàn của loratadin có thể được ngoại suy thành desloratadin.10 Một nghiên cứu đăng kí tại Thụy Điển liên quan đến 292 phụ nữ phơi nhiễm với loratadin không cho thấy nguy cơ dị tật lớn.6 Một nghiên cứu triển vọng của Motherisk theo dõi 161 phụ nữ phơi nhiễm với loratadin và một lượng bằng nhau của nhóm chứng không phơi nhiễm với loratadin đã xác nhận sự an toàn của việc sử dụng thuốc này khi mang thai.11 Một nghiên cứu khác so sánh 210 phụ nữ mang thai phơi nhiễm với loratadin và 267 phụ nữ phơi nhiễm với các thuốc kháng Histamin khác so với 929 phụ nữ trong nhóm chứng cũng không cho thấy mối liên hệ với loratadin.12 Tuy nhiên, một phân tích sâu hơn từ cơ quan đăng kí Thụy Điển báo cáo tăng nguy cơ lỗ tiểu lệch thấp,13 mặc dù mối liên hệ này chưa được xác nhận bởi các nghiên cứu khác.3,14 Hơn nữa, một phân tích tổng hợp gần đây được thực hiện bởi Motherisk đã so sánh 2694 trẻ sơ sinh nam có tiếp xúc với loratadin khi còn trong tử cung của người mẹ với 450413 trẻ sơ sinh trong nhóm chứng không có phơi nhiễm với loratadin cũng không xác nhận mối liên hệ như vậy.15
Các thuốc kháng histamin đối với phụ nữ cho con bú
Mặc dù dữ liệu về việc sử dụng nhóm thuốc kháng histamin thế hệ một đối với phụ nữ cho con bú còn hạn chế, nhưng chỉ một lượng nhỏ các loại thuốc này được báo cáo là có tiết ra trong sữa mẹ.16,17 Trong một nghiên cứu theo dõi qua điện thoại được thực hiện bởi Motherisk, 10% các bà mẹ báo cáo các triệu chứng đau bụng và kích thích ở trẻ sơ sinh có phơi nhiễm với các loại thuốc kháng Histamin khác nhau, trình trạng ngủ gà ngủ gật đã được báo cáo ở 1,6% trẻ sơ sinh. Nhưng không có bất kì phản ứng nào cần can thiệp y tế. Do đó, việc sử dụng thuốc kháng histamin thế hệ cũ trong thời gian ngắn hoặc không thường xuyên sẽ không gây lo ngại đối với phụ nữ cho con bú.
Trong số các thuốc chẹn H1 thế hệ thứ hai, dữ liệu về nồng độ thuốc trong sữa mẹ có sẵn đối với loratadin, desloratadin và fexofenadin. Dược động học của loratadin và chất chuyển hoá của nó desloratadin trong sữa mẹ đã được nghiên cứu ở 6 phụ nữ cho con bú sau khi uống 40mg liều đơn của loratadin,19 gấp 4 lần liều điều trị tiêu chuẩn hiện nay. Giả sử lượng tiêu thụ sữa mẹ của trẻ sơ sinh hằng ngày là 150mL/kg, liều tương đương của loratadin tối đa cho trẻ sơ sinh dựa trên nồng độ cao nhất của loratadin và desloratadin trong sữa mẹ được ước tính là 7.3µg/kg mỗi ngày (nghĩa là 1,1% liều hằng ngày được cung cấp cho người mẹ tính bằng mg/kg). Dược động học của fexofenadin trong sữa mẹ đã được nghiên cứu ở 4 phụ nữ cho con bú sau khi uống 60mg terfenadin mỗi 12h.20 Liều tối đa cho trẻ sơ sinh của fexofenadin dựa trên nồng độ cao nhất của fexofenadin trong sữa mẹ là 9µg/kg mỗi ngày (nghĩa là 0.45% liều hằng ngày được cung cấp cho người mẹ tính bằng mg/kg). Xem xét mức độ phơi nhiễm tối thiểu của trẻ bú mẹ đối với các loại thuốc thông qua sữa mẹ, việc sử dụng loratadin, desloratadin, hoặc fexofenadin ở liều điều trị tiêu chuẩn hiện nay khó có thể dẫn đến tác dụng phụ cho trẻ và có thể được coi là phù hợp đối với phụ nữ cho con bú.
Kết luận
Mặc dù dị ứng theo mùa không phải là tình trạng y tế đe dọa tính mạng, nhưng nó có thể gây rắc rối cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Dựa vào các bằng chứng hiện tại trên người, với số lượng lớn, thuốc chẹn H1 thế hệ một không liên quan đến việc tăng nguy cơ dị tật lớn hoặc bất kì ảnh hưởng xấu nào đến thai nhi. Mặc dù có ít bằng chứng hơn về các thuốc chẹn H1 thế hệ hai nhưng chúng cũng không liên quan tới kết quả thai kì bất lợi. Ngoài ra, không có thuốc kháng Histamin nào được bài tiết trong sữa mẹ với số lượng đáng kể để gây ra tác dụng không mong muốn cho trẻ bú sữa mẹ. Do đó, phụ nữ có thai và cho con bú có thể yên tâm rằng họ có thể làm giảm bớt các triệu chứng của mình mà không làm tăng nguy cơ cho thai nhi và trẻ sơ sinh.
Tài liệu
1. Incaudo GA, Takach P. The diagnosis and treatment of allergic rhinitis during pregnancy and lactation. Immunol Allergy Clin North Am 2006;26(1):137-54.
2. Buhimschi CS, Weiner CP. Medications in pregnancy and lactation: part 2. Drugs with minimal or unknown human teratogenic effect. Obstet Gynecol 2009;113(2 Pt 1):417-32.
3. Gilbert C, Mazzotta P, Loebstein R, Koren G. Fetal safety of drugs used in the treatment of allergic rhinitis: a critical review. Drug Saf 2005;28(8):707-19.
4. Seto A, Einarson T, Koren G. Pregnancy outcome following
5. Einarson A, Bailey B, Jung G, Spizzirri D, Baillie M, Koren G. Prospective controlled study of hydroxyzine and cetirizine in pregnancy. Ann Allergy Asthma Immunol 1997;78(2):183-6.
6. Källén B. Use of antihistamine drugs in early pregnancy and delivery outcome. J Matern Fetal Neonatal Med 2002;11(3):146-52.
7. NATO Advanced Research Workshop on “Drugs in pregnancy: consensus conference on teratogen information services,” Prague, 16–18 April 2004 [Abstract]. Reprod Toxicol 2004;19(2):258. 8. Weber-Schoendorfer C, Schaefer C. The safety of cetirizine during pregnancy. A prospective observational cohort study. Reprod Toxicol 2008;26(1):19-23. Epub 2008 May 13.
9. Allegra [product monograph]. Laval, QC: SanofAventis Canada Inc; 2006.
10. Aerius [product monograph]. Montreal, QC: Schering-Plough Canada Inc; 2006.
11. Moretti ME, Caprara D, Coutinho CJ, Bar-Oz B, Berkovitch M, Addis A, et al. Fetal
12. Diav-Citrin O, Shechtman S, Aharonovich A, Moerman L, Arnon J, Wajnberg R, et al. Pregnancy outcome after gestational exposure to loratadine or antihistamines: a prospective controlled study. J Allergy Clin Immunol 2003;111(6):1239-43.
13. Kallen B, Olausson PO. Monitoring of maternal drug use and infant congenital malformations. Does loratadine cause hypospadias? Int J Risk Saf Med 2001;14:115-9.
14. Gilboa SM, Strickland MJ, Olshan AF, Werler MM, Correa A; National Birth Defects Prevention Study. Use of antihistamine medications during early pregnancy and isolated major malformations. Birth Defects Res A Clin Mol Teratol 2009;85(2):137-50.
15. Schwarz EB, Moretti ME, Nayak S, Koren G. Risk of hypospadias in offspring of women using loratadine during pregnancy: a systematic review and meta-analysis. Drug Saf 2008;31(9):775-88.
16. Rindi V. La
17. Findlay JW, Butz RF, Sailstad JM, Warren JT, Welch RM. Pseudoephedrine and triprolidine in plasma and breast milk of nursing mothers. Br J Clin Pharmacol 1984;18(6):901-6.
18. Ito S, Blajchman A, Stephenson M, Eliopoulos C, Koren G. Prospective follow-up of adverse
19. Hilbert J, Radwanski E, Affrime MB, Perentesis G, Symchowicz S, Zampaglione N. Excretion of loratadine in human breast milk. J Clin Pharmacol 1988;28(3):234-9.
20. Lucas BD Jr, Purdy CY, Scarim SK, Benjamin S, Abel SR, Hilleman DE. Terfenadine pharmacokinetics in breast milk in lactating women. Clin Pharmacol Ther 1995;57(4):398-402.