Menu

Pharmacy in Vietnam – A distance to the Western

Tác giả: ThS. DS. Võ Đăng Khoa, MPharm. MPallCare. MPS, quản lý chuyên môn nhà thuốc Đà Lạt – Da Lat Pharmacy, Pharmacist Intern tại Capital Chemist Group.

Trở lại năm 2012 khi tôi chính thức cầm tấm bằng dược sĩ đại học, tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác hừng hực, háo hức được trở thành một nhân viên y tế, được tham gia vào đội ngũ chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam. Tuy khởi đầu với lĩnh vực thử nghiệm lâm sàng, tôi xin vào học việc tại một nhà thuốc vào ban đêm. Ở đó, tôi bắt đầu nhận ra thực trạng không mấy sáng sủa ở phân khúc chăm sóc sức khỏe ban đầu. Khối nhà thuốc cộng đồng ở thời điểm đó, và thực vẫn chưa khác đi nhiều ở thời điểm này, còn rất nhiều bất cập.

Câu chuyện tuy không nói ra nhưng ai cũng biết, về việc bán kháng sinh gần như 10/10 trường hợp đau họng, hay phối hợp nhiều loại giảm đau kháng viêm cho một cơn đau chưa rõ nguyên nhân…, tôi khá bất ngờ vì sự cắt liều rất “quyết đoán” của nhiều nhân viên bán thuốc, dù không rõ phối hợp có tương tác không, có trùng cơ chế không, hay có tác hại gì lâu dài hay không. Mỗi một lần giao dịch thực chất là một quyết định điều trị mà đòi hỏi người dược sĩ nhà thuốc phải có kiến thức nền vững, có khả năng giao tiếp tốt, hỏi bệnh khéo léo, và sự cân nhắc cẩn trọng giữa lợi ích và nguy cơ trước khi chạm tay vào bất kì lọ thuốc nào trên kệ. Chính tôi cũng lúng túng trước mớ bòng bong nào đủ thứ bệnh thông thường tại nhà thuốc, mà ở nhà trường cơ hội được vận dụng và thực hành lại rất ít. Cả đống câu hỏi về triệu chứng, cách loại suy trường hợp nặng – nhẹ, khi nào cần đi bác sĩ, hay lựa chọn điều trị nào, với liều phối hợp nào là phù hợp với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú… tất cả đều chưa bài bản, chưa sẵn sàng, từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, cho đến khi cầm tấm bằng tốt nghiệp, khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, và đứng trước mặt bệnh nhân suy nghĩ về một quyết định điều trị tại nhà thuốc.

Vậy là năm 2015, tôi đặt chân đến New Zealand. Song song với chương trình thạc sĩ về Chăm sóc giảm nhẹ được chính phủ New Zealand tài trợ, tôi xin đi làm thêm ở vài nhà thuốc bên này. Nếu phải nhận định ngắn gọn trong vài câu chữ, thì tôi chỉ có thể nói rằng đó là một môi trường hoàn toàn khác. Thuốc được phân loại rất rõ theo nhiều cấp bậc, loại thông thường bán không cần toa, loại chỉ dược sĩ đại học mới được bán, và loại chỉ bán theo toa bác sĩ. Mỗi một phân loại, khi bán đều có hệ thống vi tính giao dịch đi kèm, và có thể dễ dàng kiểm tra, truy cập từ Hội đồng Dược quốc gia khi đi thanh tra. Ngoài ra, qui định bắt buộc các dược sĩ mới ra trường phải thực tập đủ 1824 giờ có giám sát, với hai kì thi sát hạch gắt gao của chính phủ, để có chứng chỉ hành nghề làm việc độc lập. Với tổng số giờ thực tập và học thi liên tục, dược sĩ khi chính thức nhận chứng chỉ hành nghề sẽ đủ khả năng đánh giá và ra quyết định điều trị tại nhà thuốc, hoặc chuyển bệnh nhân đi bác sĩ. Sự khác nhau đó, về cơ bản, nằm ở hai tuyến chính. Tuyến đào tạo cần đẩy mạnh số giờ thực hành, thực tế lâm sàng, song song với việc thường xuyên kiểm tra, đánh giá năng lực chuyên môn và kĩ năng giao tiếp. Tuyến quản lý cần phát triển hệ thống giám sát chặt chẽ hơn, đảm bảo việc bán thuốc đúng phân loại, đúng qui trình, và có biện pháp chế tài khắt khe, minh bạch. Cụ thể việc áp dụng hệ thống phần mềm Viettel gần đây, tuy có nhiều tranh cãi về bảo mật thông tin, nhưng đây có thể là công cụ giám sát hiệu quả trong thực hành bán lẻ hợp pháp tại nhà thuốc.

Sự thay đổi lớn tiếp theo, rất nên là một cuộc cải cách giáo dục trong ngành dược. Thời gian đào tạo dược sĩ đại học tại các trường lớn hiện tại là 5 năm. Tuy đủ dài, nhưng lại thiếu. Hai năm đầu chiếm phần nhiều về khoa học cơ bản. Ba năm còn lại thì xen kẽ giữa kiểm nghiệm, bào chế, dược liệu và cả dược lý, dược lâm sàng.. Sự ôm đồm không cần thiết đã làm giảm rất nhiều nhu cầu được thực hành lâm sàng tại khối nhà thuốc và bệnh viện, vô tình tạo ra một khoảng trống rất lớn trong đào tạo hành nghề dược sĩ lâm sàng tại Việt Nam. Sự thay đổi này tuy phức tạp, nhưng hoàn toàn có thể làm được khi có sự quyết tâm cao từ những người đứng đầu trong hệ thống đào tạo của ngành. Nền tảng giáo dục chúng ta đã có sẵn, chỉ cần một tầm nhìn khác đi, và chú trọng hơn cho mảng hành nghề dược lâm sàng tại Việt Nam. Và dĩ nhiên, song song đó là khâu quản lý các dược sĩ có chứng chỉ hành nghề, đi kèm với yêu cầu bắt buộc về đào tạo liên tục hằng năm. Một điển hình là tại Úc, nơi tôi đang làm việc, mỗi dược sĩ hành nghề đều có số đăng kí hành nghề với Cơ quan quản lý nhân lực y tế Úc. Người dân có thể nhanh chóng tra cứu tên của tôi, trạng thái chứng nhận hành nghề của tôi, nơi tôi đang làm việc và bất kì điều khoản đi kèm nào với chứng chỉ hành nghề được cấp của tôi chỉ qua vài thao tác google. Sự kiểm soát chặt chẽ, suy cho cùng, là để bảo vệ người dân, khi chúng tôi là những người trực tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe của họ.

Sự thay đổi này cần thời gian, sự kiên nhẫn, và chấp nhận đánh đổi. Và hành trình trải nghiệm, chia sẻ, và góp phần thay đổi dù rất nhỏ của chính tôi vẫn chưa dừng lại.

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.