Menu

Nhân trào lưu mua “Tylenol” để chữa COVID-19 tại nhà: Tìm hiểu về thuốc Paracetamol

 

SVD. Nguyễn Huỳnh Thảo Vy1, TS. Võ Thị Hà1,2

1ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, 2BV Nguyễn Tri Phương

TYLENOL LÀ THUỐC GÌ?

Tylenol là tên biệt dược của một loại thuốc có chứa hoạt chất chính là paracetamol (hay còn gọi là acetaminophen). Paracetamol là loại thuốc thông dụng nhất để giảm đauhạ sốt.

BIỆT DƯỢC VÀ HOẠT CHẤT KHÁC NHAU THẾ NÀO ?

Nhiều hãng dược khác nhau có thể sản xuất nhiều sản phẩm khác nhau cùng chứa chung một hoạt chất thuốc. Mỗi sản phẩm đó hãng dược có thể chọn đặt tên riêng hoặc lấy tên hoạt chất làm tên gọi. Ví dụ: các sản phẩm Panadol, Paracetamol, Hapacol, Efferalgan đều là tên biệt dược của các sản phẩm có cùng chung hoạt chất paracetamol do các hãng dược khác nhau sản xuất. Nếu áp dụng cho lĩnh vực thực phẩm thì tên hoạt chất là “nước mắm” còn Chinsu và Kim Ngưu sẽ được gọi là tên biệt dược.

Các biệt dược khi đưa ra thị trường đã phải trải qua các quá trình kiểm định để bảo đảm chứa cùng loại và hàm lượng hoạt chất thuốc tương tự nhau, tức phải đạt được tương đương về bào chế. Ngoài ra, các chế phẩm còn có thể đòi hỏi phải tiến hành các nghiện cứu đo nồng độ thuốc trong máu sau khi uống các sản phẩm khác nhau để bảo đảm là nồng độ thuốc hấp thu vào máu của các chế phẩm là tương tự nhau. Yêu cầu này được gọi là tương đương về dược động học.

Do đó, trong nhiều trường hợp, có thể thay thế các biệt dược khác nhau để điều trị (tương đương về điều trị) với yêu cầu hai biệt dược chứa cùng loại hoạt chất, dạng bào chế, hàm lượng.

PARACETAMOL CÓ TÁC DỤNG GÌ ?

Vì Tylenol là biệt dược chứa paracetamol. Nên tác dụng điều trị của nó sẽ giống với các chế phẩm thuốc chứa cùng hoạt chất là paracetamol.

Paracetamol có tác dụng giảm đau, hạ sốt tốt. Do đó, paracetamol được sử dụng để điều trị:

  • Các triệu chứng đau: như đau đầu, đau cơ, viêm khớp, đau lưng, đau răng, đau họng…
  • Sốt
  • Hoặc các bệnh có cả triệu chứng đau và sốt như viêm họng, cảm lạnh, cúm, các triệu chứng của nhiễm COVID-19…

CÓ CÁC SẢN PHẨM CHỨA PARACETAMOL NÀO TRÊN THỊ TRƯỜNG ?

Viên 500mg, 1000mg

Hỗn dịch 80mg/2,5ml

Gói cốm để pha hỗn dịch 80mg, 125 mg, 250mg, 325 mg

LIỀU DÙNG CỦA PARACETAMOL LÀ BAO NHIÊU ?

  • Người lớn: Liều uống thường dùng là 0,5-1 g/lần, uống cách nhau ít nhất 4-6 giờ một lần; tối đa là 4 g/ngày.
  • Tuy nhiên, ở bệnh nhân nghiện rượu, bị bệnh gan, suy dinh dưỡng mạn, bị mất nước thì liều tối đa là 3 g/ngày.
  • Liều dùng đường uống đối với trẻ em được tính theo cân nặng hoặc tuổi.
  • Nếu tính liều theo cân nặng thì liều tương ứng là 10-15mg/kg cho mỗi lần dùng. Nhắc lại sau ít nhất 4 – 6 giờ nếu cần. Tối đa 75mg/kg/ngày. Ví dụ: trẻ nặng 10kg thì liều sẽ là 100-150mg mỗi lần. Tối đa là 750mg/ngày.
  • Nếu tính liều theo tuổi thì dựa vào bảng dưới
Độ tuổi Liều (mg) cho một lần dùng Lưu ý
1-3 tháng tuổi 30 – 60 Chỉ uống nhắc lại sau 8
giờ nếu cần
3-6 tháng tuổi 60 Uống nhắc lại sau ít nhất 4 – 6 giờ nếu cần, tối đa 4 liều/24 giờ
6 tháng- 2 tuổi 120
2-4 tuổi 180
4-6 tuổi 240
6-8 tuổi 240-250
8-10 tuổi 360-375
10-12 tuổi 480-500
12-16 tuổi 480-750
16-18 tuổi tuổi 500 – 1000

 

PARACETAMOL CÓ AN TOÀN KHÔNG ?

Nếu dùng liều phù hợp, paracetamol là một thuốc khá “hiền”, và khá an toàn. Paracetamol ít tác động đến hệ tim mạch và hô hấp, không gây kích ứng, loét hoặc chảy máu dạ dày, không gây rối loạn chất điện giải trong cơ thể bạn.

LƯU Ý NHẤT KHI DÙNG PARACETAMOL LÀ GÌ ?

Tuy nhiên, nếu dùng quá liều paracetamol có thể dẫn đến hoại tử gan, thậm chí là tử vong. Trong thực tế, không phải thuốc nào uống quá liều cũng có thể gây tử vong. Nhưng riêng với paracetamol thì nếu uống quá 8g/ngày thì nguy cơ tử vong là khá cao.

Hoại tử gan do dùng quá liều paracetamol, dù cố ý hay không cố ý, là nguyên nhân phổ biến nhất của tổn thương gan do thuốc ở nhiều nước.

CÁC NGUYÊN NHÂN NÀO THƯỜNG DẪN ĐẾN QUÁ LIỀU PARACETAMOL ?

Nguyên nhân cố ý là do bệnh nhân cố ý dùng quá liều paracetamol để tự tử.

Nguyên nhân khác khá phổ biến là do bệnh nhân không hiểu rõ và uống nhiều biệt dược khác nhau cùng chứa hoạt chất paracetamol, gây quá liều tối đa mỗi ngày. Ví dụ: một bệnh nhân uống Panadol viên nén 500mg x 2 viên x 3 lần/ngày (3g/ngày) phối hợp với Efferalgan viên sủi 500mg x 1 viên x 3 lần/ngày (1,5g/ngày). Như vậy, tổng liều bệnh nhân đã uống là 4,5g paracetamol/ngày. Liều này đã vượt quá mức liều cho phép mỗi ngày là 4g/ngày. Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu bệnh nhân uống nhiều ngày liên tiếp.

Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ quá liều paracetamol gồm:

  • bệnh nhân uống rượu (vì rượu cũng gây độc cho gan và cạnh tranh với paracetamol để được gan thải độc),
  • tuổi cao (vì chức năng thải độc của gan bị giảm)
  • suy dinh dưỡng
  • bị bệnh gan
  • dùng kèm một số thuốc khác cũng gây độc trên gan hay cạnh tranh thải độc bởi gan

Các yếu tố khiến gia tăng độc tính acetaminophen

 

CÁC DẤU HIỆU NÀO CHO THẤY BẠN BỊ NGỘ ĐỘC HAY QUÁ LIỀU PARACETAMOL ?

Các dấu hiệu có thể gồm:

  • Buồn nôn, đau bụng trên, ngứa, chán ăn.
  • Nước tiểu sẫm màu, phân màu đất sét.
  • Vàng da (vàng da hoặc mắt).

Nếu bạn có bất kỳ các dấu hiệu trên hoặc nghi ngờ mình quá liều paracetamol, bạn nên gọi hay khám bác sĩ ngay. Bác sĩ sẽ chỉ định đo nồng độ paracetamol trong máu để khẳng định và cho bạn uống thuốc giải độc đặc hiệu.

KẾT LUẬN

  • Paracetamol là thuốc thông dụng để trị các triệu chứng đau, sốt. Thuốc rất hiệu quả làm giảm nhanh chóng triệu chứng, giúp hết đau, hết sốt. Tuy nhiên, đặc biệt lưu ý là dùng đúng liều và chỉ khi có triệu chứng đau, sốt. Hết sốt, hết đau thì dừng thuốc. Không dùng quá liều, đặc biệt trên các bệnh nhân uống rượu, bệnh gan, suy dinh dưỡng, mất nước…vì nguy cơ hoạt tử gan và có thể dẫn đến tử vong.
  • Tylenol có tác dụng điều trị tương tự như bao biệt dược khác chứa cùng hoạt chất paracetamol.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ y tế. Dược thư quốc gia.
  2. Laura Rotundo, and Nikolaos Pyrsopoulos (2020). Liver injury induced by paracetamol and challenges associated with intentional and unintentional use.

 

 

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.