Menu

Phòng tránh lây nhiễm COVID-19 cho người cao tuổi, người mắc các bệnh mạn tính tại cộng đồng

 

Nguồn: “Hướng dẫn tạm thời quản lý sức khỏe người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính tại tuyến y tế cơ sở trong bối cảnh dịch Covid-19 – Bộ Y tế 2020”

Cán bộ Y tế cơ sở thực hiện tư vấn, hướng dẫn và giám sát, hỗ trợ các hộ gia đình thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm COVID-19 cho người cao tuổi (NCT), người mắc bệnh mạn tính tại cộng đồng trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan nhanh.

1. Hướng dẫn và giám sát thực hiện biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội đối với NCT và bệnh nhân mắc bệnh mạn tính

Thực hiện hạn chế tiếp xúc xã hội (hay giãn cách xã hội) đối với NCT, người mắc bệnh mạn tính giúp làm giảm lây truyền bệnh trong cộng đồng, và điều quan trọng nhất là trì hoãn đỉnh điểm dịch và giảm thiểu sự lây lan sang các nhóm nguy cơ cao.

Cán bộ Y tế cơ sở hướng dẫn và giám sát NCT, người mắc bệnh mạn tính thực hiện các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội sau đây cho đến khi có hướng dẫn mới:

  • Thực hiện khẩu hiệu “hãy ở trong nhà, không ra ngoài đường”. NCT, người mắc bệnh mạn tính cần ở nhà trong suốt thời gian xảy ra dịch, chỉ đi ra ngoài khi thật sự cấp bách.
  • Nếu bắt buộc phải ra ngoài, hãy sử dụng phương tiện cá nhân, không sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt, taxi; tránh các địa điểm công cộng, nơi tập trung đông người. Thực hiện nghiêm túc việc “đeo khẩu trang đúng cách; giữ khoảng cách an toàn ít nhất 02 mét”.
  • Trong sinh hoạt hằng ngày, chỉ nên duy trì các tiếp xúc trực tiếp trong gia đình ở mức tối thiểu. Tuyệt đối tránh tiếp xúc với những người nghi ngờ nhiễm, có nguy cơ cao nhiễm COVID-19 hoặc phải cách ly tại nhà. Tránh tham gia các sự kiện gia đình có đông người như thăm hỏi, gặp gỡ, liên hoan, hội hè, hiếu hỉ,.… Hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc với những người vẫn phải đi làm, có tiếp xúc xã hội.
  • Mỗi gia đình nên bố trí người chăm sóc chính cho NCT, người mắc bệnh mạn tính, nhất là với những người cần hỗ trợ chăm sóc cuộc sống hằng ngày. Chọn người chăm sóc chính khoẻ mạnh, ít tiếp xúc xã hội. Người chăm sóc nên mang khẩu trang khi tiếp xúc, chăm sóc NCT, bệnh nhân mạn tính. Cung cấp thông tin của người chăm sóc, đầu mối liên lạc với hộ gia đình khi cần.
  • Bố trí cho NCT ăn riêng; có phòng nghỉ ngơi, sinh hoạt riêng nếu được. Tuyệt đối không sử dụng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải, khăn tắm,… với các thành viên khác trong gia đình.
  • Chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm và thuốc men thiết yếu cho NCT, người mắc bệnh mạn tính thực hiện giãn cách xã hội và khi phải cách ly, phong toả theo yêu cầu.
  • Tăng cường các giao tiếp gián tiếp qua điện thoại, email, mạng xã hội thay thế cho các tiếp xúc trực tiếp khi cần liên hệ mua sắm, khai báo thông tin, trao đổi với bạn bè,… Quan tâm đời sống tinh thần của NCT trong điều kiện cách ly, hạn chế tiếp xúc xã hội.

2. Hướng dẫn thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, phòng tránh lây nhiễm bệnh

Trong quá trình sinh hoạt hằng ngày, NCT, người mắc bệnh mạn tính cần:

  • Thực hiện phương châm “vệ sinh nhà cửa, rửa tay thường xuyên”. Giữ nhà cửa vệ sinh, thoáng mát, tránh gió lùa. Thường xuyên khử khuẩn, vệ sinh nhà cửa theo khuyến cáo phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt với các đồ dùng hay sử dụng như điện thoại, điều khiển ti vi, tay nắm cửa, sàn nhà, phòng vệ sinh,…. Thực hành rửa tay thường xuyên, đúng cách, ít nhất 20 giây (ví dụ thời gian rửa tay khi hát hết một lượt bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”) với xà phòng hoặc dung dịch vệ sinh tay có chứa cồn. Chuẩn bị sẵn xà phòng, dung dịch vệ sinh tay có chứa cồn, nồng độ cồn từ 60% đến dưới 90% để cả gia đình cùng rửa tay.
  • Súc họng thường xuyên bằng các dung dịch nước súc họng trước mỗi lần ra khỏi nhà, sau khi tiếp xúc gần với người khác.
  • Tránh chạm tay lên mắt, mũi, miệng.
  • Nếu có triệu chứng ho, hắt hơi cần đeo khẩu trang; sử dụng giấy che miệng, mũi khi ho, hắt hơi hoặc ho vào khuỷu tay.

3. Hướng dẫn NCT, người mắc bệnh mạn tính thực hiện lối sống lành mạnh

Nhằm dự phòng và nâng cao sức khoẻ phòng tránh dịch COVID nói riêng và bệnh tật nói chung, trong thời gian giãn cách xã hội tại nhà, NCT, người mắc bệnh mạn tính cần:

  • Thay đổi các hành vi, lối sống có hại cho sức khoẻ: bỏ thuốc lá, giảm sử dụng rượu bia.
  • Thực hiện chế độ ăn đủ dinh dưỡng (1700-1900 Kcal/ngày), cân đối, lành mạnh (đủ cả tinh bột, đạm, chất béo cả động vật và thực vật, vi-ta-min và khoáng chất), nhiều rau xanh.
  • Đảm bảo ăn 3-4 bữa mỗi ngày, ăn nóng, thức ăn nên luộc, hấp nấu chín mềm. Nếu ăn không đủ nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng, từ 1-2 cốc mỗi ngày.
  • Nên ăn ít thịt, thay bằng cá, tôm, cua. Mỗi tuần nên ăn ít nhất 3 bữa cá, 3 quả trứng ăn thêm sữa chua. Nên ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật, trong đó chất béo thực vật chiếm khoảng 35% tổng lượng chất béo trở lên.
  • Những người đang mắc các bệnh mạn tính: như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh gout,… cần thực hiện nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng bệnh lý theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
  • Bảo đảm an toàn thực phẩm trong chế biến thức ăn cho NCT, người mắc các bệnh mạn tính.
  • Uống đủ lượng nước cần thiết hằng ngày (khoảng 1200ml -1800ml/ngày).
  • Bổ sung thêm các vi-ta-min C, D để tăng cường sức khoẻ trong điều kiện cách ly, hạn chế tiếp xúc xã hội dài ngày.
  • Tăng cường các hoạt động trong nhà, ngoài trời, quanh nhà trong phạm vi sức khoẻ cho phép như đi bộ, tập thể dục quanh nhà, làm vườn với thời lượng ít nhất 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần.
  • Với những người bị hạn chế vận động, cần tăng cường luyện tập tại chỗ trên giường tuỳ theo điều kiện cho phép; hướng dẫn người chăm sóc xoa bóp, hỗ trợ tập luyện, phục hồi chức năng.

4. Hướng dẫn hộ gia đình có người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính thực hiện khai báo thông tin sức khoẻ

Hướng dẫn hộ gia đình thường xuyên theo dõi, cập nhật các thông tin về phòng chống dịch COVID-19 trên các kênh thông tin chính thống. Thông báo ngay cho cán bộ y tế khi có bất cứ thành viên trong hộ gia đình có tiền sử tiếp xúc hay có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID-19 như sốt, ho, hắt hơi,… để được tư vấn, hướng dẫn xử trí phù hợp.

 

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.