Menu

Tư vấn phòng và trị biến chứng đái tháo đường

TỰ CHĂM SÓC Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Nguồn: Pharmacytimes. elf-Care for patients with diabetes.

Người dịch: DS. Nguyễn Phương Dung

Case 1: Khi bệnh nhân tiểu đường bị cảm lạnh và ho

Hỏi: Một người phụ nữ 69 tuổi có thể trạng béo phì đến xin tư vấn tại nhà thuốc. Cô ấy nói rằng mình mắc bệnh tiểu đường khó kiểm soát (brittle diabetic). Ban đầu, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc đái tháo đường đường uống để kiểm soát glucose máu, tuy nhiên trong vài năm gần đây, bệnh nhân đã phải sử dụng insulin. Mặc dù sử dụng liệu pháp gồm tiêm insulin nền (basal insulin) và tiêm trước bữa ăn bolus insulin. Tuy nhiên, đường huyết vẫn không thể kiểm soát ổn định, nồng độ glycated hemoglobin (HbA1c) trong lần kiểm tra gần đây nhất của cô ấy là 8,5%. Cô ấy than phiền về việc ho khan khó chịu ảnh hưởng đến giấc ngủ vào đêm hôm trước; do đó, cô ấy muốn được tư vấn cho một thuốc điều trị ho không đường để tránh nguy cơ tăng đường huyết. Dựa vào thông tin khai thác được từ người bệnh, dược sỹ nhà thuốc biết được cô ấy đang uống valsartan  và hydrochlorothiazid  để điều trị bệnh huyết áp cao, rosuvastatin điều trị rối loạn mỡ máu và thêm oxycodone/acetaminophen cần thiết cho chứng đau mãn tính; trong các thuốc trên không có thuốc nào mới được sử dụng hay điều chỉnh gần đây. Dược sỹ nhà thuốc nên tư vấn những thông tin quan trọng nào cho bệnh nhân để điều trị triệu chứng ho của cô ấy?

Trả lời:

Nguyên tắc điều trị ho khan, rát họng và không có đờm theo thông lệ sẽ là các thuốc ức chế cơn ho hoặc thuốc giảm ho. Dựa vào các triệu chứng của người bệnh thì cô ấy có thể thích hợp với việc tự điều trị do không sốt, các triệu chứng được mô tả chưa kéo dài hơn bảy ngày, ho dường như không liên quan đến các thuốc đang sử dụng và không có đờm/dịch nhầy. Các thuốc điều trị ho không đường không cần kê đơn, bao gồm các thuốc dạng lỏng có chứa hoạt chất giảm ho như dextromethorphan hoặc một kháng histamin (ví dụ như diphenhydramine, cetirizine, loratadin) hoặc thuốc dùng tại chỗ (ví dụ như các thuốc ngậm chứa pectin, mentol hoặc các hoạt chất giảm ho khác), có thể được cân nhắc sử dụng. Dược sỹ nhà thuốc nên cân nhắc giúp người bệnh lựa chọn thuốc phù hợp với khả năng chi trả của họ và liều đã được chia sẵn để người bệnh có thể tuân thủ việc dùng thuốc. Dựa trên triệu chứng được mô tả, người bệnh không bị ho có đờm nên khuyên người bệnh không dùng các chế phẩm dạng phối hợp có chứa guaifenesin, vì hoạt chất này không phù hợp với các triệu chứng của cô ấy.

 

Case 2: Ngăn ngừa tiến triển bệnh võng mạc đái tháo đường (diabetic retinopathy)

Hỏi:

Một người phụ nữ 68 tuổi tìm đến nhà thuốc để xin tư vấn về bệnh đái tháo đường và bệnh mắt. Cô ấy nói rằng hàng ngày đang uống hydrochlorothiazide 50mg để điều trị tăng huyết áp và atorvastatin 20mg để điều trị tăng lipid máu. Dạo gần đây cô ấy được chẩn đoán mắc đái tháo đường typ 2 (T2D), bắt đầu điều trị bằng thuốc đường uống và được sắp xếp để tham gia vào một khóa học tư vấn toàn diện về bệnh đái tháo đường tại một bệnh viện địa phương; tuy nhiên, khi hỏi thăm bạn bè và tìm kiếm thông tin trên mạng internet về T2D, cô ấy đọc được các biến chứng của T2D trên mắt. Được biết người bệnh có đeo kính, tiền sử gia đình có một trường hợp bị bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt (macular degeneration) và cô ấy rất quan tâm đến tình trạng mắt của mình và muốn xin lời khuyên để bảo vệ đôi mắt. Dược sỹ nhà thuốc nên cung cấp những thông tin nào cho người bệnh?

Trả lời:

Bệnh võng mạc đái tháo đường là một biến chứng mạch máu nhỏ của bệnh đái tháo đường có liên quan đến nhiều yếu tố, bao gồm thời gian mắc bệnh dài, mức độ kiểm soát chỉ số đường huyết (glycemic-GI), và các biến chứng mạch máu nhỏ khác như bệnh lý thần kinh; rối loạn mỡ máu và tăng huyết áp cũng có thể làm tăng nguy cơ tiến triển các biến chứng trên mạch máu. Khuyến cáo toàn diện chú trọng đến việc ngăn chặn và điều trị các biến chứng mạch máu lớn của đái tháo đường, bao gồm cả bệnh lý võng mạc. Để ngăn chặn và làm chậm quá trình tiến triển các triệu chứng của bệnh lý võng mạc, nhắc nhở với người bệnh rằng việc tốt nhất mà cô ấy có thể làm là kiểm soát đường huyết ở mức tối ưu bằng cách kiên trì với chế độ ăn kiêng, tuân thủ việc uống thuốc theo hướng dẫn, thay đổi lối sống theo khuyến cáo của bác sỹ và khuyến khích người bệnh tham gia lớp học tư vấn về bệnh tiểu đường. Cô ấy cũng nên kiểm soát tình trạng tăng huyết áp và tăng lipid máu của mình. Những bệnh nhân bị đái tháo đường typ 2 nên bắt đầu đi kiểm tra mắt toàn diện bởi chuyên gia chăm sóc mắt khi được chẩn đoán mắc đái tháo đường, tiếp đó là kiểm tra giãn võng mạc bởi chuyên gia nhãn khoa ít nhất một năm một lần nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh lý võng mạc đái tháo đường. Nếu người bệnh có dấu hiệu nặng hơn trong việc giảm tầm nhìn hoặc đau mắt cần gặp ngay bác sỹ nhãn khoa để đánh giá tình trạng sức khỏe mắt.

Case 3: Vệ sinh bàn chân đối với bệnh nhân tiểu đường

Hỏi:

Một người đàn ông 60 tuổi tìm đến nhà thuốc để xin lời khuyên về kem bôi chân. Ông ấy có tiền sử huyết áp cao, mỡ máu cao, bệnh động mạch ngoại biên (peripheral vascular disease), gout, và đái tháo đường typ 2 và đang dùng một số thuốc để điều trị các bệnh trên. Ông ấy nói rằng bệnh đái tháo đường đang được kiểm soát khá tốt nhưng ngón chân ông lại khô, có vảy và ngứa. Mặc dù ông ấy nhớ rằng phải chăm sóc các ngón chân cẩn thận khi mắc bệnh tiểu đường, nhưng lại không thể nhớ được hướng dẫn cụ thể của bác sỹ là chú ý cách dùng thuốc như thế nào hoặc loại nào thì tốt nhất đối với trường hợp của ông. Dựa trên bệnh sử của người bệnh, người dược sỹ nên khuyên người bệnh chăm sóc và dưỡng ẩm bàn chân như thế nào?

Trả lời:

Bệnh nhân tiểu đường có thể dễ mắc nhiều rối loạn về da và bàn chân, như lở loét, nhiễm khuẩn hoặc nấm, chứng ngứa do tuần hoàn máu kém tới vùng xa tim như tay, chân. Để giúp cải thiện được các tình trạng cấp tính của người bệnh, dược sỹ khuyên họ hạn chế việc thường xuyên tắm rửa; nên sử dụng các chất tẩy rửa hoặc xà phòng dịu nhẹ khi rửa chân, sử dụng kem dưỡng ẩm da sau khi tắm rửa. Người bệnh nên bôi một lớp dưỡng ẩm mỏng nhẹ lên bề mặt da các ngón chân sau mỗi lần tắm rửa; để giảm nguy cơ nhiễm nấm, không được bôi kem dưỡng ẩm vào các vị trí kẽ ngón chân. Cẩn thận nhắc nhở người bệnh tầm quan trọng của việc giữ vệ sinh bàn chân, thường xuyên kiểm tra để phát hiện các bất thường trên bàn chân và da như các vết thương hở, vết chai, vết phồng rộp, vết loét; luôn đi tất và giày; cắt tỉa móng chân cẩn thận; định kỳ hàng năm khám bàn chân tổng quát để đảm bảo người bệnh làm mọi thứ có thể để hạn chế biến chứng bàn chân tiểu đường.

 

Case 4: Bệnh lý thần kinh ở bệnh nhân đái tháo đường

Hỏi:

Một người đàn ông 37 tuổi muốn dược sỹ nhà thuốc tư vấn cho thuốc OTC để trị cơn đau của anh ấy. Người bệnh có tiền sử bị đái tháo đường typ 1 từ lúc nhỏ, trong một vài năm bệnh tình của anh ấy không được kiểm soát tốt do không dùng thuốc theo chỉ định và không tiếp tục điều trị vì khó khăn tài chính do việc anh ấy mất việc và bảo hiểm sức khỏe. Hiện bây giờ anh ấy muốn tìm kiếm thuốc OTC để điều trị triệu chứng đau nhói dây thần kinh ở bàn tay và bàn chân của mình, điều làm người bệnh khó chịu thời gian gần đây. Triệu chứng đau này thực sự khiến anh khó chịu và thức giấc giữa đêm. Anh ấy đã thử dùng ibuprofen, acetaminophen và các thuốc hỗ trợ ngủ OTC, nhưng đều không làm giảm triệu chứng đau. Dược sỹ nên tư vấn gì cho người bệnh để kiểm soát triệu chứng đau thần kinh?

Trả lời:                                

Đau thần kinh có thể làm giảm khả năng hoạt động và gây ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng cuộc sống của người bị tiểu đường. Đây chính là lý do để giáo dục cho bệnh nhân nhận thức được chứng đau nhói thần kinh anh ấy đang phải trải qua có thể là một triệu chứng của biến chứng thần kinh ngoại biên đái tháo đường, vấn đề nên được đánh giá bởi bác sỹ chăm sóc sức khỏe ban đầu (PCP) của anh ấy. Trong hoàn cảnh của người bệnh, nếu anh ấy không có bác sỹ chăm sóc sức khỏe ban đầu, hướng dẫn anh ấy tới nguồn giúp đỡ bệnh nhân phù hợp với hoàn cảnh của anh ấy, bao gồm các chương trình được điều hành thông qua tổ chức an sinh xã hội (Social Security Administration) như chương trình do chính phủ phủ Mỹ về việc chăm sóc sức khỏe cho người già trên 65 tuổi và các chương trình quốc gia ( ví dụ như chương trình chăm sóc sức khỏe do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ). Với tình trạng của người bệnh hiện giờ, không phương án đặc trị nào để bảo tồn được tổn thương trên hệ thần kinh, mặc dù có một vài thuốc kê đơn như pregabalin, duloxetine, tapentadol, đã được thông qua cho chỉ định giảm đau trong trường hợp đau thần kinh. Có các thuốc điều trị khác bao gồm thuốc chống trầm cảm ba vòngcapsaicin dùng tại chỗ, đã được dùng để giảm đau. Có thể việc dùng capsaicin OTC để giảm đau ở tay sẽ ít có tác dụng. Ngoài ra yêu cầu sự giúp đỡ của bác sỹ để đánh giá các triệu chứng mới của người bệnh, nhắc nhở người bệnh chú trọng kiểm soát đường huyết để có thể cải thiện các biến chứng thần kinh ngoại biên của bệnh tiểu đường

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.