Tháng chín 27, 2016
Dùng thuốc hết hạn, tác hại không lường
DS. Lại Thị Phương Liên Trường đại học Y Dược Thái Nguyên
Bài đã được đăng trên báo Sức khỏe và Đời sống:
Vào năm 1979, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã bắt đầu yêu cầu phải có hạn dùng trên những loại thuốc bán theo đơn và cả các thuốc không cần kê đơn.
Các bất lợi khi sử dụng thuốc hết hạn
Thuốc đã hết hạn không chỉ làm giảm hiệu quả điều trị mà còn có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng do có thể có sự thay đổi trong thành phần hóa học của thuốc. Thuốc kháng sinh khi hết hạn có nguy cơ gây phát triển vi khuẩn và có thể gây thất bại trong điều trị nhiễm trùng, dẫn đến hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc (nhờn thuốc). Một số dược chất khi hết hạn có thể phân hủy tạo ra một số chất độc cho cơ thể hoặc tạo ra các chất gây dị ứng, sốc phản vệ (trong trường hợp thuốc tiêm). Một khi thuốc đã quá hạn sử dụng, không có gì đảm bảo rằng thuốc sẽ còn an toàn và hiệu quả. Nếu thuốc của bạn đã hết hạn, hãy ngưng sử dụng chúng.
Cách xác định hạn dùng của thuốc
Ở Việt Nam, Bộ Y tế có quy định: “Hạn dùng của thuốc là thời gian sử dụng được ấn định cho một lô thuốc mà sau thời hạn này thuốc không được phép sử dụng.” Nói một cách khác, hạn dùng của thuốc là thời hạn được ấn định cho một lô sản phẩm mà trước thời hạn đó sản phẩm vẫn còn đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, còn đạt hiệu quả điểu trị trong điều kiện nếu được bảo quản đúng quy định.
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bản thân, người bệnh nên tập thói quen kiểm tra hạn dùng của thuốc trước khi sử dụng. Hạn dùng thường được in trên bao bì của thuốc, trên các nhãn dính trên chai, lọ đựng thuốc, dập trên vỉ thuốc,…và được ghi theo thứ tự ngày, tháng, năm của năm dương lịch. Số chỉ ngày, tháng gồm hai con số hoặc tên tháng bằng chữ và số chỉ năm ghi bằng bốn chữ số hoặc hai con số cuối của năm. Ngày sản xuất, hạn dùng ghi trên nhãn được ghi đầy đủ hoặc ghi tắt bằng chữ in hoa là: NSX, HD, Mfg Date, Exp Date… tùy từng nhà sản xuất.
Ví dụ: Một lô thuốc có hạn dùng được ghi là HD: 050716 hoặc HD: 05072016 có nghĩa là trước ngày 05 tháng 07 năm 2016 nếu được bảo quản theo đúng các điều kiện quy định, thuốc vẫn còn đảm bảo các yêu cầu về chất lượng và do đó được phép sử dụng.
Trên bao bì thuốc thường gặp các cách ghi hạn dùng sau đây:
Đối với thuốc phải sử dụng nhiều lần như: thuốc nhỏ mắt, mũi, tai… hoặc các loại thuốc dung dịch, hỗn dịch; các loại thuốc tiêm, phải dùng nhiều liều, nhiều lần mới hết một lọ thì còn có thêm một hạn dùng cho thuốc sau khi đã mở nắp, đã pha thuốc. Hạn sử dụng này thường tùy vào hướng dẫn của nhà sản xuất, có thể là: 1 hoặc 2 ngày, 1 tuần, 1 tháng… hoặc phải hủy ngay, chúng ta cần chú ý không dùng quá hạn dùng thứ hai này để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Vì vậy cũng có trường hợp hạn dùng trên bao bì của thuốc vẫn còn nhưng thuốc đã không còn sử dụng được nữa.
Bảo quản thuốc đúng cách
Lưu trữ thuốc ở nơi thích hợp là một cách để giúp đảm bảo các loại thuốc sẽ vẫn an toàn và hiệu quả cho đến ngày hết hạn dùng của chúng. Để chắc chắn, nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản của nhà sản xuất. Một số loại thuốc cần phải được bảo quản trong điều kiện đặc biệt như trong ngăn mát tủ lạnh (thuốc tiểu đường dạng tiêm insulin …), không được tiếp xúc với nhiệt độ cao, hoặc tránh ánh sáng chiếu vào…
Khi bảo quản thuốc trong gia đình hãy chắc chắn tránh xa các thiết bị nóng và nơi có nhiều bụi bẩn, ẩm thấp do thay đổi nhiệt độ và độ ẩm có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của thuốc. Một số người có thói quen để thuốc trong phòng tắm điều này có thể gây ảnh hưởng tới tác dụng củathuốc.
Nên bảo quản thuốc ở nơi khô mát, chẳng hạn như một tủ thuốc riêng, nếu không có điều kiện thì có thể bảo quản trong hộp lưu trữ, hoặc một ngăn kéo riêng trong tủ của gia đình.Cần chú ý khóa lại vì trẻ em có nguy cơ bị ngộ độc thuốc hoặc những người khác có thể lạm dụng hoặc sử dụng sai.
Nếu thuốc có bao bì thì nên để trong bao bì nguyên bản của thuốc, kể cả tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Nên ghi chú thuốc cho trẻ em và người lớn riêng. Nếu thuốc quá hạn dùng phải bỏ đi, thay thuốc mới vào.
Mỗi gia đình nên có một tủ thuốc riêng để bảo quản thuốc
Nên sắp xếp thuốc theo từng nhu cầu sử dụng, ghi chú tác dụng và hạn dùng của các loại thuốc
Cách sử lý với thuốc hết hạn trong gia đình
Thực tế, các thuốc được cất giữ trong tủ thuốc tại nhà rất dễ bị lãng quên, sử dụng sai, và lạm dụng. Theo FDA, Mỹ :”Tỷ lệ lạm dụng thuốc kê đơn ở nước này đang ở mức đáng báo động, đặc biệt là số lượng các vụ ngộ độc ngẫu nhiên và quá liều do những loại thuốc này. Nghiên cứu cho thấy rằng nhiều loại thuốc kê đơn bị lạm dụng thu được từ gia đình và bạn bè, kể cả từ các tủ thuốc gia đình “.
Cuối cùng, những thuốc hết hạn này không chỉ có thể gây nguy hiểm đối với những người mà họ kê đơn cho, mà còn có thể gây nguy hiểm cho trẻ em và vật nuôi nếu nhầm lẫn dùng phải. Với tất cả những lý do này, việc xử lý thích hợp các loại thuốc không cần dùng đến là cần thiết!
FDA khuyến cáo rằng chỉ một số ít các loại thuốc là có thể được xử lý bằng cách xả xuống bồn rửa hoặc nhà vệ sinh vì khi tình cờ tiếp xúc các loại thuốc này có thể gây hại hoặc đôi khi gây tử vong như các thuốc…
Ngoài ra bạn có thể xử lý hầu hết các loại thuốc đã hết hạn trong thùng rác hộ gia đình. Trộn thuốc với một số chất như bụi bẩn, phân mèo hoặc bã cà phê… Đặt hỗn hợp vào trong một túi nilon hoặc túi nhựa bịt kín, và ném chúng trong thùng rác hộ gia đình.
Tài liệu tham khảo:
Don’t Be Tempted to Use Expired Medicines, FDA,9/2/2016, <http://goo.gl/LdlP3q>
Dược thư, Bộ Y tế, 12/10/2012, <http://goo.gl/RWnbQ9>