Menu

Sai sót trong sử dụng thuốc: Metronidazol nhầm lẫn với Metformin

TS.DS. Võ Thị Hà

Dưới đây xin trình bày một trường hợp sai sót trong dùng thuốc được thu thập từ y văn.

Ca lâm sàng

Bệnh nhân A, nữ, 47 tuổi, đến khám bác sỹ và được chẩn đoán loét dạ dày tá tràng.

Điều trị:

(Omeprazole 20mg + Clarithromycin 500mg + Metronidazole 500 mg) × 2 lần ngày, 14 ngày.

Ngày tiếp theo, sau khi đi làm về, chồng A phát hiện cô ấy nằm trên giường với tình trạng lơ mơ và hơi thở yếu. Đội cấp cứu được gọi đến và trong quá trình sơ cứu ban đầu họ phát hiện một lọ thuốc metformin bên cạnh giường ngủ nhưng chồng A phủ nhận việc cô ấy bị tiểu đường. Nồng độ glucose máu đo được là 35mg/dL.

Xử trí: truyền 25 mg dextrose 50% và chuyển ngay đến khoa cấp cứu bệnh viện.

Trường hợp của bệnh nhân A được xác định là do dược sỹ đưa nhầm metformin thay vì metronidazole như đã kê toa cho A. Hậu quả của sai sót trong sử dụng thuốc (medication error)  ở trường hợp này là bệnh nhân A bị hạ đường huyết nghiêm trọng.

 

          Bàn luận

Một sai sót trong sử dụng thuốc được hiểu là bất kỳ sai sót có khả năng ngăn ngừa được xảy ra do kê đơn hoặc dùng thuốc không hợp lý. Những tổn thương mắc phải do ME được gọi là các biến cố bất lợi của thuốc (adverse drug events-ADE). Hàng năm có hơn 700.000 ca cấp cứu và 120.000 ca nhập viện có liên quan đến ADE tại Mỹ. ADE có thể gây ra bởi nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Các thuốc “nhìn giống nhau, đọc giống nhau “(look-alike/sound-alike -LASA)
  • Chữ viết tay của bác sỹ khó đọc, lỗi sao chép tên thuốc, lỗi nhập máy tính
  • Những hiểu lầm của bệnh nhân liên quan đến cách sử dụng thuốc.

Trong trường hợp bệnh nhân trên, ADE xảy ra do nhầm lẫn giữa hai thuốc LASA là metronidazol và metformin. Chiếm  tỷ lệ lớn trong ADE, có tới hơn 26.000 trường hợp sai sót trong sử dụng thuốc có liên quan đến các cặp thuốc LASA đã được báo cáo lên hội đồng dược điển Mỹ (USP) từ năm 2003 cho đến 2006. Do đó, sự nỗ lực hết sức của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe để giảm thiểu sự xuất hiện của những sai sót này hiện nay càng cấp thiết.

Các biện pháp ngăn ngừa ME liên quan đến các thuốc LASA gồm:

  • Xây dựng danh mục thuốc LASA kèm hình ảnh tại bệnh viện và phổ biên cho nhân viên y tế.
  • Sắp xếp, phân loại các sản phẩm có tên tương tự nhau trên các giá/tủ hoặc ở các khu vực khác nhau ở kho, nhà thuốc hay khoa phòng lâm sàng để tránh nhầm lẫn.
  • Nếu bác sĩ ra y lệnh bằng lời nói và điều dưỡng chịu trách nhiệm ghi chép đơn thuốc hay đánh máy đơn thuốc, cần yêu cầu bác sĩ kiểm tra lại đơn thuốc.
  • Thúc đẩy việc sử dụng chữ TALL-man trong nhãn thuốc và đơn thuốc. Chữ TALL-man là cách sử dụng cả chữ thường và chữ IN HOA để tạo sự chú ý vào phần không giống nhau trong tên thuốc. Ví dụ như, theo ý kiến của ISMP thì sai sót sử dụng thuốc trong case trên có thể tránh khỏi nếu nhãn thuốc được viết là metroNIDAZOLEmetFORMIN. Thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra sử dụng chữ TALL-man có thể giúp các thuốc LASA ít bị nhầm lẫn hơn.

Người kê đơn nên:

  • Giáo dục bệnh nhân về các thuốc điều trị của họ, bao gồm giải thích công dụng của từng loại thuốc.
  • Viết cụ thể cách sử dụng cho từng loại thuốc vào đơn.

 

Tài liệu tham khảo: PRIME. Case studies.

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.