Chảy máu do thuốc chống đông đường uống tác dụng trực tiếp (DOAC) có liên quan đến tăng đáng kể nguy cơ ung thư
Dịch: Nguyễn Thảo – ĐH Dược Hà Nội
Hiệu đính: DS. Quản Thị Thùy Linh
Nguồn: https://www.uspharmacist.com/article/doacrelated-bleeding-linked-to-significantly-higher-cancer-risks
Các dược sĩ đều tìm cách tránh các biến cố bất lợi của thuốc nhiều nhất có thể, tuy nhiên đôi khi các biến cố này lại cung cấp các thông tin quan trọng.
Một ví dụ, các đợt chảy máu ở bệnh nhân sử dụng thuốc chống đông máu có thể là một chỉ dấu cho việc tăng nguy cơ ung thư, theo một nghiên cứu đã được trình bày tại Hội nghị Tim mạch Châu Âu gần đây ở Munich, Đức. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi các kết cục tim mạch của những người tham gia thử nghiệm sử dụng thuốc chống đông máu (COMPASS).
“Ở những bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành ổn định hoặc bệnh động mạch ngoại biên, việc xuất hiện xuất huyết tiêu hóa nghiêm trọng liên quan đến tăng đáng kể chẩn đoán ung thư đường tiêu hóa mới, và chảy máu đường niệu- sinh dục nghiêm trọng liên quan đến tăng đáng kể chẩn đoán ung thư đường niệu- sinh dục”, theo bác sĩ John Eikelboom – điều tra viên chính của thử nghiệm COMPASS.
Nhóm nghiên cứu COMPASS đã báo cáo trong Tạp chí Y học New England Journal of Medicine vào năm ngoái rằng, ở những bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành hoặc bệnh động mạch ngoại biên, việc kết hợp 2,5 mg rivaroxaban x 2lần/ ngày (rivaroxaban – một thuốc chống đông đường uống tác dụng trực tiếp) và aspirin sẽ làm giảm các biến cố tim mạch tốt hơn so với chỉ dùng aspirin. Tuy nhiên, việc kết hợp thuốc lại dẫn đến nguy cơ chảy máu cao hơn.
Thử nghiệm này gồm 27.395 bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành ổn định hoặc động mạch ngoại biên từ 602 trung tâm ở 33 quốc gia. Những người tham gia được chia ngẫu nhiên thành ba nhóm:
- Rivaroxaban 2,5mg x 2 lần/ngày kết hợp với aspirin 100mg x 1lần/ngày;
- Rivaroxaban 5mg x 2 lần/ngày;
- Hoặc aspirin 100mg x 1 lần/ngày
Thời gian theo dõi trung bình là 23 tháng. Kết quả được so sánh với nhóm dùng aspirin đơn độc.
Chảy máu nghiêm trọng tăng lên ở nhóm sử dụng kết hợp so với nhóm chỉ dùng aspirin (3,1% vs 1,9%, HR 1,70, khoảng tin cậy 95% [CI] 1,40-2,05, P< 0,0001). Tỷ lệ chảy máu nội sọ (0,3% vs 0,3%, HR 1,16; 95% [CI] 0,67-2,00, P= 0,60) hoặc chảy máu gây tử vong (0,2% vs 0,1%, HR 1,49; 95% [CI] 0,67-3,33, P= 0,32) không tăng đáng kể.
Phân tích mới xem xét mối liên hệ giữa việc có chảy máu và chẩn đoán ung thư sau đó. Một kết quả gây bất ngờ, các nhà điều tra đã tiết lộ rằng, xuất huyết tiêu hóa nghiêm trọng có liên quan tới tăng 20 lần chẩn đoán ung thư đường tiêu hóa mới (9,3% vs 0,7%, HR 22,6; 95% [CI] 14,9-34,3, P< 0,0001) và tăng gấp hai lần ung thư không thuộc đường tiêu hóa (4,6% vs 3,1%, HR 2,55; 95% [CI] 1,47-4,42, P< 0,0001).
Đồng thời, xuất huyết không thuộc đường tiêu hóa nghiêm trọng liên quan đến tăng 5 lần các ung thư không thuộc đường tiêu hóa mới (9,4% vs 3,0%, HR 5,49; 95% [CI] 3,95-7,62, P< 0,0001), nhưng không liên quan đến ung thư đường tiêu hóa mới (0,5% vs 0,8%, HR 0,85, 95% CI 0,21-3,45; P= 0,82).
Eikelboom, người thuộc Viện nghiên cứu sức khỏe dân số, tại Đại học McMaster ở Hamilton, Canada cho biết “Hơn một trong mười bệnh nhân bị chảy máu nghiêm trọng được chẩn đoán ung thư sau đó, và hơn 20% các ca chẩn đoán ung thư mới nằm trên những bệnh nhân có tiền sử chảy máu”. “Sự kết hợp của rivaroxaban và aspirin đã tạo ra lợi ích rõ ràng khi giảm các biến cố tim mạch và tử vong nghiêm trọng, và nếu xuất huyết là chỉ dấu cho ung thư, điều này sẽ là có ích cho bác sĩ để chẩn đoán và góp phần giúp cho các kết cục ung thư được cải thiện”.