Menu

Chia sẻ về ngành Dược ở Việt Nam và ở Úc

người chia sẻ:ThS. DS. Võ Đăng Khoa

Người phỏng vấn:      Sinh viên dược Châu Hoàng Long – Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Sinh viên dược Lê Đặng Việt Cường – Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Sinh viên dược Lê Ngọc Quỳnh Như – ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

     Du học ngành Dược chắc hẳn không còn là một chủ đề xa lạ với sinh viên nước ta, khi việc học tập ngành này ở nước ngoài mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp giá trị cao trên toàn thế giới cho các bạn trẻ. Một trong những điểm đến tiêu biểu trong danh sách các quốc gia lựa chọn du học ngành Dược ta không thể không nhắc đến chính là Úc. Để mọi người biết rõ hơn về sự khác nhau trong học tập và làm việc ngành Dược ở Úc so với ở Việt Nam, vào ngày 09 tháng 05  năm 2019, nhóm Nhịp cầu Dược lâm sàng quyết định mời ThS. DS. Võ Đăng Khoa, MPharm. MPallCare. MPS, hiện đang quản lý chuyên môn nhà thuốc Đà Lạt – Da Lat Pharmacy, và đồng thời thực tập Pharmacist Intern tại Capital Chemist Group., tham gia buổi phỏng vấn để chia sẻ vài điều về. Sau đây là bài phỏng vấn DS. Khoa:

     Câu hỏi: Anh có thể cho biết về những khác biệt về đào tạo dược sĩ ở Úc so với nước ta không ạ?

     Trả lời: Đầu tiên về thời gian là gần như nhau.

Ở Úc chương trình chính quy là 4 năm đối với Cử nhân Dược. Nếu bạn nào muốn làm thêm 1 đề tài ra trường hoặc đề tài tốt nghiệp thì sẽ phải làm thêm 1 năm nữa và sẽ lấy bằng Danh dự. Nghĩa là cũng là Cử nhân Dược nhưng có bằng Danh dự thì có thể sẽ mất 5 năm. Những người học nhanh có thể hoàn tất trong 4 năm, nhưng thường số lượng dồn dập nên thường là sẽ kéo dài lên đến 5 năm đối với bằng Danh dự.

Việt Nam chúng ta thì chương trình chính quy là 5 năm. Do sau này ra nhiều chương trình Dược khác nên bắt đầu có chương trình Cử nhân Dược 4 năm. Ở Úc có một hướng bắt đầu dành cho những bạn đã học xong một bằng Cử nhân về Khoa học Y tế, hoặc bất kì ngành nào ví dụ như: Điều dưỡng, Kĩ thuật viên,… mà đã có kiến thức nền về Giải phẫu, Sinh lý rồi thì có thể học tiếp hai năm Thạc sĩ Dược. Khi học 2 năm này, các bạn chỉ học toàn bộ những môn về lâm sàng như: Dược lý, Dược lâm sàng, Thực hành Dược hay Bào chế… và tập trung đi bệnh viện nhà thuốc để có bằng này. Tấm bằng này chỉ trong vòng 2 năm thôi, tương đương với một Thạc sĩ, và sẽ có một cái đề tài nhỏ bao gồm cộng với việc viết báo một số bài tương đương với trình độ Thạc sĩ. Sau khi các bạn học xong chương trình 2 năm này rồi các bạn cũng có thể nộp đơn xin tín chỉ hành nghề tới đây thì có nhiều khác biệt so với Việt Nam.

Đối với Việt Nam mình thì học xong ra trường ta có thể đi làm luôn và được công nhận là Dược sĩ. Còn ở Úc khi các bạn học xong chương trình Pharmacy hay Master Pharmacy các bạn cũng chỉ được gọi là Cử nhân Dược thôi chứ chưa được gọi là Dược sĩ. Lúc này các bạn bắt buộc phải nộp đơn xin chứng chỉ hành nghề tạm thời và xin đi làm việc tối thiểu là 1824 giờ cho một nhà thuốc hoặc là bệnh viện. Trong 1824 giờ này sẽ có giám sát, do đó, bạn phải xin luôn một người nào đó đăng kí làm đại diện giám sát cho bạn tại nhà thuốc hoặc bệnh viện bạn làm việc. Thì số giờ giám sát này mỗi ngày bạn đi làm bao nhiêu giờ phải ghi lại cho tới khi nào bạn đủ 1824 giờ. Trong khoảng thời gian thực tập sinh, ngoài việc bạn phải tích lũy đủ số giờ bạn còn phải thi 2 kì thi gọi là 2 kì thi thực tập sinh. Kì thi thứ nhất là kì thi viết gồm 125 câu hỏi trắc nghiệm thi trong vòng 3 giờ. Nếu đậu kì thi này thì sau 3 đến 4 tháng nữa các mà đã đủ 75% số giờ của 1824 giờ rồi thì các bạn sẽ được thi vấn đáp. Trong kì thi vấn đáp các bạn sẽ vào từng phòng và trong mỗi phòng sẽ có bệnh nhân giả, bác sĩ giả cùng với giám khảo chấm điểm thì mỗi một phòng như vậy là một tình huống lâm sàng. Các bạn sẽ đi từ phòng này qua phòng khác cho đến khi hết tất cả các phòng thì các bạn sẽ hoàn thành kì thi vấn đáp. Nếu đậu kì thi vấn đáp, bạn sẽ phải tiếp tục làm việc cho tới khi đủ 1824 giờ cộng với việc bạn học thêm một số tín chỉ sao cho đủ 40 tín chỉ còn được họi là tín chỉ đào tạo liên tục trong đó có 20 tín chỉ là học phần kiểm tra. Khi tất cả các điều kiện trên thỏa mãn cùng với việc đậu 2 kì thi thì các bạn có thể nộp đơn xin tín chỉ hành nghề chính thức thì tới lúc này khi có được tín chỉ hành nghề chính thức thì các bạn mới được coi là Dược sĩ.

     Câu hỏi: Theo anh ngành Dược nước ta còn những hạn chế hay tiềm năng gì chưa được phát huy và hướng khắc phục là như thế nào ạ?

     Trả lời: Thường thì sẽ có 3 mảng chính: đào tạo, pháp lí và con người

Thứ nhất là đào tạo:Thông thường trong học kì đầu của năm đầu tiên các trường ở nước ta thường cho sinh viên học những môn về Kinh tế, Chính trị, Quân sự,.. Đây sẽ là học kì không liên quan đến kiến thức Dược. Một năm rưỡi nữa ta sẽ học những môn căn bản, sau đó 3 năm tiếp theo thay vì tập trung học chung vào tây y thì mình sẽ phải học một nửa Tây y và một nửa Đông y cho nên thời lượng đào tạo về Tây y và dược lâm sàng là quá ít cộng với việc phải học thêm nhiều thứ khác nên việc bạn tập trung vào Tây y nó sẽ giảm đi rất nhiều. Chính vì vậy, kiến thức ngành nghề của các bạn khi ra trường thường sẽ chưa vững. Ngoài ra thì trong 5 năm học tính chất đào tạo của chúng ta là giảng bài quá nhiều, ít có thời gian thực tập ở bệnh viện. Vì vậy, các bạn không thể áp dụng kiến thức của mình vào thực tế. Cho nên, khi ra trường thì khi các bạn ra nhà thuốc, các bạn sẽ chưa thể bán thuốc được hay khi đi bệnh viện ngồi cùng bác sĩ hay tham gia mấy công việc chuyên môn thì vẫn chưa thể làm được. Do đó khi bạn cầm tấm bằng Dược sĩ ở Việt Nam rồi đi ra nhà thuốc, bệnh viện thì vẫn phải đào tạo lại. Nếu thực sự mình muốn phát triển Dược lâm sàng nhiều hơn thì đặt biệt là hướng Tây y thì nên tách ra một cái chương trình riêng về Tây y, ví dụ như những Dược sĩ nào muốn đi làm Đông y thì trong 3 năm đó nên tập trung vào mảng Dược liệu, Bào chế, Chiết xuất hay đi thực hành bên bệnh viện Y học cổ truyền chẳng hạn. Còn những bạn muốn theo Tây y thì nên tách những phần liên quan đến Đông y mà tập trung vào Tây y, đi bệnh viện và nhà thuốc. Cùng với đó thời gian học trên lớp cũng như đi bệnh viện, nhà thuốc phải đủ nhiều để khi ra trường thì tay nghề của bạn sẽ “cứng cáp” hơn.

Thứ hai là pháp lý: Ở Việt Nam mình cũng có chứng chỉ hành nghề nhưng là chứng chỉ hành nghề về kinh  doanh. Thời của anh ta phải ra làm đủ 5 năm thì mới cấp chứng chỉ hành nghề về kinh doanh dược, kinh doanh nhà thuốc. Do đó trong 5 năm đầu tiên các bạn làm việc mà không có chứng chỉ hành nghề thì khái niệm này rất lạ so với Úc và New Zealand. Vì thế thực tế ta vẫn chưa có tín chỉ hành nghề đúng nghĩa cho cả bác sĩ, nha sĩ và dược sĩ. Như vậy thì việc đầu tiên là bên pháp lý phải xây dựng một hệ thống mà qui trình sao cho tất cả các dược sĩ ra trường muốn hành nghề cho bệnh nhân hay làm ở nhà thuốc, bệnh viện thì bắt buộc phải có tín chỉ hành nghề. Tín chỉ hành nghề này không đơn thuần là một tờ giấy mà ta được cấp mà nó có một cái mã số và mã số này theo các bạn suốt đời. Mỗi Dược sĩ sẽ có một mã số. Mã số này có thể truy cập lên một hệ thống trung tâm và hệ thống này sẽ thấy được Dược sĩ này đang làm ở nhà thuốc nào, bệnh viện nào, tình trạng hành nghề của Dược sĩ này như thế nào, làm được bao nhiêu năm rồi hay trong quá trình hành nghề có bị sai sót gì hay không. Hệ thống này sẽ tạo một đường hotline với bệnh nhân. Nếu bệnh nhân cảm thấy trong quá trình điều trị, Dược sĩ này điều trị không tốt thì có thể gửi một phàn nàn theo các đường hotline này và các sở y tế, bộ y tế hay các ngành. Các ban khi nhận được các phàn nàn này sẽ điều tra đàng hoàng và khi có kết luận rồi thì sẽ tạo một cái code trên hồ sơ hành nghề của Dược sĩ đó trên dữ liệu trung tâm. Và bất kì người dân nào muốn biết hồ sơ Dược sĩ này có trong sạch hay không thì có thể lên hệ thống trung tâm này xem. Khi tạo ra một hệ thống pháp lý chặt chẽ như vậy thì mình bắt buộc phải cẩn trọng hơn đối với từng lời nói cho bệnh nhân. Nhưng hiện tại không có ai kiểm soát, do đó nếu không biết thì có thể “nói đại”. Do đó, mảng pháp lý rất quan trọng – khép mọi người vô một cái khuôn – cái này chúng ta chưa có.

Cuối cùng là con người: Khi mà mình đã xây dựng một hệ thống đào tạo bài bản, bản thân khi ra trường đã đủ cứng cõi để làm việc rồi và mình cũng có một cái hành lang Pháp lý đảm bảo Dược sĩ đứng ở nhà thuốc, bệnh viện nói chuyện với bệnh nhân thì Dược sĩ đó đã đăng kí hành nghề, có mã số hành nghề có thể kiểm tra thì lúc này yếu tố con người trong xã hội như báo chí, kênh tivi, mạng xã hội làm sao nâng cao hình ảnh người Dược sĩ mình lên để thay đổi cách nhìn của người dân đối với Dược sĩ tích cực hơn. Người dân sẽ nhận thức đúng đắn hơn vai trò của người Dược sĩ và mỗi khi có bất cứ thắc mắc gì về thuốc men thì người dân sẽ tìm đến Dược sĩ chứ không phải là bác sĩ, do đó có thể giảm tải gánh nặng cho bác sĩ cũng như nâng tầm cho dược sĩ.

     Câu hỏi: Nếu một sinh viên dược Việt Nam sau khi ra trường muốn đi du học sau đại học như anh thì chúng em cần chuẩn bị những gì? Anh có thể chia sẻ học bổng ngành dược của anh không ạ?

     Trả lời: Đầu tiên, các bạn đi du học phải có tiếng anh, dù chương trình đại học có nặng đi chăng nữa các bạn muốn đi du học thì các bạn phải học tiếng anh từ lúc còn ở nhà trường. Đi song song với việc đó là việc học của các bạn, cũng như thành tích phải tốt; ngoài ra các bạn cũng phải cố gắng tranh thủ tham gia các hoạt động ngoại khóa, xã hội. Nó không chỉ làm đẹp cho hồ sơ mà còn giúp bạn cải thiện khả năng giao tiếp, có thêm kinh nghiệm, giải quyết các tình huống mà khi phỏng vấn đưa ra dễ dàng hơn. Trình độ tiếng anh trung bình của bạn là phải được 7.5 ielts. Nếu bạn muốn du học ngành dược bên Úc thì ielts yêu cầu phải là 7.5 và tất cả các kĩ năng nghe nói đọc viết phải từ 7 trở lên thì họ mới cấp một cái xuất cho bạn qua làm việc.

Thứ hai, là theo anh sau khi ra trường các bạn nên đi làm vài năm để lấy kinh nghiệm, xác định được mình muốn gì, thích gì và khi đã quyết tâm xin một suất du học các bạn nên viết một bức thư thể hiện mong muốn của các bạn muốn học cái ngành đó, tại sao lại muốn học? Thì khi đó các bạn đã có mục đích của các bạn sau một khoảng thời gian đi làm rồi thì các bạn sẽ viết là thư đó thuyết phục hơn và người ta sẽ dễ dàng nhận các bạn hơn. Thì khi các bạn bước chân qua bên đó học thì bạn sẽ học đúng thứ mình muốn, con đường học của bạn sẽ rõ ràng hơn.

Còn về học bổng, đầu tiên ta phải xác định được chuyên ngành mình muốn đi theo và xem xét chuyên ngành đó phát triển nhất ở đâu, những nước nào có nhóm ngành đó, tiêu biểu cho nhóm ngành đó thì mình sẽ đi xin học bổng ở những nước đó. Học bổng toàn phần thì chỉ có thể xin từ các tổ chức lớn, từ chính phủ. Ở châu Âu thì mình có học bỗng của Liên minh châu Âu là Erasmus Mundus, ở Nhật Bản thì có học bổng Mext là của chính phủ Nhật Bản, ở Mỹ thì có học bổng Fullbright, ở Canada thì là học bổng của trường chứ không có của chính phủ, còn ở Úc thì có học bổng chính phủ Úc. Khi đã xác định muốn có học bổng toàn phần ta phải xem xét điều kiện nộp hồ sơ của từng học bỗng là như thế nào rồi chuẩn bị hồ sơ để nộp vào. Cái đầu tiên của tất cả các hồ sơ xin học bổng là một cái bằng ielts hay toefl phải còn trong hạn và điểm tiếng anh đạt yêu cầu thì các bạn có hai năm để có thể xin học bỗng đi nước ngoài trước khi cái bằng tiếng anh của mình hết hạn và phải thi lại bằng mới.

Các bạn cần phải biết thời điểm nộp hồ sơ là khi nào, cần chuẩn bị những gì, deadline là khi nào, cần công chứng bao nhiêu giấy tờ, bản điểm phải như thế nào. Do đó bạn cần phải lên một cái kế hoạch nó khá là chi tiết. Khi hồ sơ đã xong thì sẽ chuyển qua phỏng vấn rồi lúc này sẽ có kết quả.

     Câu hỏi: Anh có lời khuyên gì dành cho các bạn sinh viên dược đang ngồi trên ghế nhà trường không ạ?

     Trả lời: Nếu như các bạn xác định là ra trường các bạn đi làm thí dụ như trình dược viên hoặc tương tự vậy thôi thì mục tiêu các bạn học ở đó là đủ. Vì theo anh biết hiện tại 5 điểm là đậu, hoặc là bây giờ như Đại học Y Dược là 1 số môn bắt buộc phải 70% tức là 7 điểm thì mới đậu. Ví dụ như là Dược lâm sàng chẳng hạn, cái đó thì nước ngoài đã có rồi, mình bắt đầu làm cái đó là tốt. Còn nếu bạn nào có xác định làm lâu dài, du học hoặc là đi chuyển đổi hành nghề ở các nước phát triển như là Úc, New Zealand, Canada, Mỹ… thì xác định là các bạn học cho tốt đặc biệt là những môn lâm sàng, những môn chuyên ngành. Ngoài ra để xin được học bổng hoặc làm cho bộ hồ sơ của các bạn đẹp hơn thì ngoài thời gian học các bạn phải tích cực tham gia một số các hoạt động phong trào các bạn thích như CLB Tiếng Anh, Công Tác Xã Hội, Kĩ Năng… các bạn nên tập trung chuyên về cái đó vì các bạn không thể nào làm quá nhiều hoạt động mà cũng phải học tốt nữa và xác định luôn khi các bạn có một mục tiêu rõ ràng cho tương lai mặc dù là mình chưa biết rằng mình sẽ đi hành nghề ở một nước khác hoặc là mình sẽ đi du học hoặc là mình sẽ xin học bổng toàn phần, mình chỉ cần có 1 trong các ý định đó thôi thì bắt đầu từ bây giờ học tập cho đúng, hoạt động nặng nổ. Nếu như không có thời gian thì tạo ra thêm thời gian. Nhiều người nói là đừng học quá nhiều rồi có bạn bị đột tử thì cái đó đúng, anh đồng ý, nhưng quan điểm của anh là nếu đã xác định làm rồi thì “Đừng ngủ, Đừng ăn” nếu các bạn không có thời gian rồi thì đi làm công tác xã hội bên ngoài ban ngày, tối về học đến 3-4 giờ sáng xong 7 giờ đi vô phòng thi thi, nên học hết sức, chơi hết mình, thì cho đến khi ra trường các bạn có bảng điểm tốt và thành tích hoạt động phong trào tốt lúc đó cái nền tảng các bạn đi tới đâu cũng không quay đầu lại.

     CTV: Em xin chân thành cảm ơn những lời chia sẻ đầy tâm huyết và bổ ích của anh. Chúc anh luôn thành công trong công việc và tiếp tục theo đuổi niềm đam mê với ngành Dược không chỉ ở Việt Nam mà còn ở những quốc gia khác nữa! Mong rằng sẽ được gặp lại anh ở những chuyên mục tiếp theo của Nhịp cầu dược lâm sàng ạ!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.