Tháng chín 27, 2016
Chứng Sổ mũi (3)
CA 1: CÁC CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Dolirhumepro và tăng nhãn áp
Bà V. hoảng hốt đến hiệu thuốc. Chồng bà hôm qua đã uống vài viên Dolirhumepro (pseudoephedrin + doxylamin) mua ở hiệu thuốc khác để chữa bệnh cảm lạnh. Luôn cảnh giác, bà đọc thấy trong hướng dẫn sử dụng không dùng thuốc “trong trường hợp tăng nhãn áp”. Tuy nhiên, chồng bà lại đang sử dụng Cosopt hàng ngày để điều trị bệnh tăng nhãn áp.
Bà V. có lý do đểlo lắng?
Cosopt (dorzolamid + timolol) là một thuốc nhỏ mắt được sử dụng trong điều trị bệnh tăng nhãn áp góc mở, là một bệnh không có chống chỉ định với thuốc co mạch và thuốc kháng histamin (ngược lại với bệnh tăng nhãn áp góc đóng thì chống chỉ định với thuốc co mạch và thuốc kháng histamin).
Phân tích ca
Trong bệnh tăng nhãn áp góc mở của ông V., sự mở góc giữa mống mắt và giác mạc là bình thường, nhưng sự bịt lại của các thớ cơ có thể ngăn chặn thủy dịch thoát ra tự do.
Trong trường hợp tăng nhãn áp góc đóng, đó là việc đóng của góc giữa mống mắt và giác mạc làm giữ lại thủy dịch sau mống mắt, dẫn đến tăng áp đột ngột nội nhãn. Dolirhumepro chứa chất co mạch (pseudoephedrin) và một thuốc kháng histamin kháng cholinergic (doxylamin) ngăn chặn sự ảnh hưởng của hệ phó giao cảm trên mắt, gây giãn đồng tử với tăng đường kính của mống mắt, gây cản trở bài xuất thủy dịch.
Do đó, cả hai thuốc trên đều chống chỉ định trong các trường hợp tăng nhãn áp góc đóng.
Xử trí
Các dược sĩ cam đoan với bà V. rằng chống chỉ định này chỉ với bệnh nhân tăng nhãn áp góc đóng hoặc có thể bị tăng nhãn áp góc đóng, chứ không phải là trường hợp của ông V.
Ghi nhớ
Các lưu ý trên tờ hướng dẫn sử dụng thường không rõ ràng. Chỉ có tăng nhãn áp góc đóng mới chống chỉ định sử dụng các thuốc co mạch và thuốc kháng histamin H1.
CA 2: CÁC CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Ông P. bị u tuyến tiền liệt
Ông P., 65 tuổi, là một bệnh nhân thường xuyên của nhà thuốc, điều trị phì đại tuyến tiền liệt lành tính từ vài năm nay. Ông đưa cho dược sĩ đơn thuốc có Omix LP 0,4 mg (tamsulosin) và còn hỏi mua một hộp Actifed ngày và đêm (clorpheniramin maleat + phenylephrin) mà ông biết qua quảng cáo trên tivi. Hàng xóm của ông gần đây cũng dùng thuốc này để điều trị sổ mũi và bệnh đã nhanh chóng thuyên giảm.
Ông P. có thể dùng thuốc này?
Không. Thuốc này chứa cả một thuốc co mạch và thuốc kháng histamin kháng cholinergic, cả 2 thuốc này đều chống chỉ định trong trường hợp u tuyến tiền liệt.
Phân tích ca
Ông P. đang được điều trị phì đại nhẹ tuyến tiền liệt bằng tamsulosin (Omix) để chẹn các thụ thể alpha-1-adrenergic của nang tuyến tiền liệt và làm giãn cơ bàng quang và tuyến tiền liệt. Actifed lại có chống chỉ định trong trường hợp u tuyến tiền liệt do có chứa 2 thuốc. Thứ nhất, pseudoephedrin kích thích thụ thể alpha-1 trong cơ thắt bàng quang, gây ra co cơ trơn và bí tiểu. Mặt khác, tác dụng atropin của diphenhydramin cũng có thể làm trầm trọng thêm các bệnh đường tiết niệu, do tăng trương lực của cơ vòng trong và dãn bàng quang.
Xử trí
Dược sĩ giải thích với ông P. rằng sẽ không bán thuốc chống cảm lạnh vì nó không thích hợp cho bệnh u tuyến tiền liệt. Nhưng dược sĩ có thể tư vấn cho ông cách điều trị khác (rửa mũi, dùng thuốc nhỏ mũi không có chất co mạch, dùng phương pháp vi lượng đồng căn). Dược sĩ nhấn mạnh tránh tự dùng thuốc và luôn luôn tham khảo lời khuyên của bác sĩ hay dược sĩ trước khi dùng thuốc.
Chú ý: các thuốc giống giao cảm và kháng cholin chống chỉ định ở bệnh nhân u tuyến tiền liệt vì có thể gây ra bí tiểu.
CA 3: CÁC CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Bệnh nhân có chức năng tuyến giáp không ổn định
Kể từ khi bắt đầu điều trị suy giáp 4 tháng trước, cô N., 32 tuổi, phàn nàn về việc phải thường xuyên thay đổi liều lượng thuốc. Kết quả xét nghiệm sinh học mới đây của cô đòi hỏi phải giảm liều Levothyrox. Lần mua thuốc này cô yêu cầu mua thêm một hộp Dolirhume (paracetamol + pseudoephedrine).
Có thể bán thuốc cho bệnh nhân không?
Cường giápđược đề cập là trường hợp cần thận trọng trong sử dụng trên tờ hướng dẫn sử dụng thuốc của Dolirhume.
Phân tích ca
Hiện nay, không một tương tác thuốc nào được mô tả giữa pseudoephedrine với các hormon tuyến giáp hoặc thuốc kháng giáp trạng tổng hợp. Tuy nhiên, các biến chứng của cường giáp là chủ yếu trên tim mạch (nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim, suy tim), và việc dùng pseudoephedrin sẽ làm trầm trọng thêm các biến chứng này. Mặc dù cô N. được điều trị suy giáp, nhưng cô cũng có thể bị trạng thái cường giáp do điều trị, do đó cần điều chỉnh liều lượng.
Xử trí
Tốt hơn hết không nên sử dụng thuốc co mạch mà không có tư vấn y tế ở bệnh nhân đang điều trị bệnh tuyến giáp, hơn nữa chức năng tuyến giáp của cô N. lại không ổn định. Đề nghị một cách điều trị khác (vệ sinh mũi, dùng thuốc không có chưa chất co mạch, dùng vi lượng đồng căn).
Chú ý: các thuốc co mạch phải dùng thận trọng trong trường hợp có bệnh lý tuyến giáp do các ảnh hưởng trên tim mạch của nó
CA 4: CÁC CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Ông G. bị tai biến mạch máu não
Ông bà G., đã nghỉ hưu, 72 tuổi, bước vào hiệu thuốc và trông mệt mỏi hơn bình thường. Ông G. ngồi trên ghế trong khi vợ mình đi đến quầy thuốc. Bà G. kể rằng họ vừa rời khỏi bệnh viện nơi ông đã nằm 12 ngày vì một cơn đột quỵ. Bà G. hơi lúng túng với đơn thuốc mới: Co-Renitec (enalapril + hydrochlorothiazid) 20 mg/12,5 mg, Plavix (clopidogrel) 75 mg x 1 viên/ngày, Crestor (rosuvastatin) 10 mg, 1 viên buổi tối. Trước đây ông G. chỉ dùng một thuốc điều trị cholesterol: Lipanor (ciprofibrat) 100 mg /ngày, nay được thay thế bằng Crestor. Bà G. cũng giải thích rằng chồng mình bắt đầu nghẹt mũi và muốn mua loại thuốc vẫn hay dùng. Bà không nhớ chính xác tên nhưng “nó giống Doliprane”. Dược sĩ hiểu ngay rằng bà G. ám chỉ Dolirhume (paracetamol 500 mg + pseudoephedrin 30 mg).
Ông G. có thể dùng Dolirhume thường xuyên không?
Không, pseudoephedrin chứa trong Dolirhume chống chỉ định ở những bệnh nhân có tiền sử tai biến mạch máu não, và thậm chí trong trường hợp tăng huyết áp mức độ nặng và bệnh mạch vành nặng.
Phân tích ca
Tác dụng giao cảm của pseudoephedrin trên tim mạch làm tăng nhịp và cung lượng tim, huyết áp động mạch và sức cản thành mạch, có thể sẽ là nghiêm trọng ở những bệnh nhân đã có tai biến mạch máu (nguy cơ đột quỵ, tăng vọt huyết áp).
Xử trí
Các dược sĩ giải thích cho bà G. các thông tin liên quan đến việc điều trị mới của chồng bà: ngừng Lipanor, thiết lập một kế hoạch dùng thuốc, lối sống và ăn uống theo quy định; đặc biệt là liên quan đến chế độ ăn uống, tầm quan trọng của tuân thủ và theo dõi thường xuyên (lipid và cholesterol, đo huyết áp). Dược sĩ nhấn mạnh rằng cần ngừng một số loại thuốc mà bệnh nhân thường dùng trước, vì có nguy cơ gây cho bệnh nhân một cơn đột quỵ mới.
Đây chính là trường hợp đặc biệt cần ghi nhớ của các thuốc trị cảm vốn có thể mua mà không cần đơn thuốc. Dược sĩ đề nghị một phương pháp điều trị khác (rửa mũi, thuốc nhỏ mũi mà không có chất co mạch, vi lượng đồng căn).
Chú ý: tác dụng trên thụ thể alpha của hệ giao cảm của các thuốc co mạch đường uống và tại chỗ dẫn đến chống chỉ định của các thuốc này trong trường hợp: tiền sử đột quỵ hoặc có các yếu tố nguy cơ nhạy cảm làm gia tăng xuất hiện đột quỵ.
Nguồn :Iatrogénie. Les antirhumes : 17 cas pratiques
Le Moniteur des pharmacies, N° 2879, Cahier 2, 23 avril 2011, 1:16.
Người dịch : Trần Phương Thảo – SV Dược 4- CLB tiếng Pháp ĐH Dược Hà Nội
Hiệu đính: DS. Đỗ Thị Hà, BV Roanne, Pháp