Menu

CLS đau thắt lưng ở phụ nữ có thai

ĐAU THẮT LƯNG

Dịch: ThS. Nguyễn Duy Hưng

Nguồn: Le Moniteur des Pharmacies Formation. Cahier 2 du n2959 du 1e décembre 2012.

DÙNG IBUPROFEN ĐỂ ĐIỀU TRỊ ĐAU LƯNG

Cô G, mang thai tháng thứ 7:

  • Tôi bị đau lưng 1 vài hôm nay. Tôi muốn mua ibuprofen.
  • Ibuprofen chống chỉ định với phụ nữ có thai. Chị nên dùng paracetamol thay thế.
  • Tôi đã dùng rồi nhưng không có tác dụng.
  • Vậy thì tôi khuyên chị nên đi khám bác sỹ để tìm ra nguyên nhân gây đau và áp dụng biện pháp điều trị tốt hơn.

Cứ 2 phụ nữ có thai thì có 1 người bị đau lưng. Cơn đau lưng thường xuất hiện vào khoảng tháng thứ 4 và đạt đỉnh điểm vào khoảng từ tháng thứ 5 đến tháng thứ 7.

SINH LÝ BỆNH

  • Yếu tố cơ học: sự tăng cân, tăng kích cỡ tử cung và ngực, sự căng của cơ bụng khiến cho phụ nữ có thai có dáng quá ưỡn (làm thận cong quá mức)
  • Yếu tố hormone: sự tăng tiết relaxine (hormone tiết ra từ hoàng thể và nội mạc tử cung trong quá trình mang thai) làm giãn các mô liên kết và dây chẳng ở cổ và lưng, các khớp ở khung chậu cũng như làm giảm sự thay mới collagen.

CÁC TRƯỜNG HỢP CẦN KHÁM BÁC SỸ

Cần đi khám bác sỹ nếu:

  • Đau buốt tăng dần qua ngày (nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu trên)
  • Chấn thương (do ngã)
  • Đau vùng chậu
  • Sốt, chóng mặt, suy giảm thể trạng chung
  • Gặp vấn đề về tiết niệu
  • Rối loạn cảm giác chi dưới
  • Các triệu chứng không cải thiện trong vòng 48 giờ sau khi điều trị.

BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ

Biện pháp không dùng thuốc

  • Nghỉ ngơi
  • Ngủ ở chỗ thoải mái, tránh nằm sấp
  • Chườm nóng để thư giãn các cơ bắp (dùng túi chườm)
  • Tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên (đi bộ, bơi, thể dục nhịp điệu …)
  • Cơ quan quản lý sức khỏe tối cao (La Haute Autorité de la Santé – HAS) khuyến cáo nên tập các bài tập dưới nước, mát xa, và các khóa học học cách làm giảm đau lưng.
  • Đeo thắt lưng hỗ trợ phù hợp với phụ nữ có thai (Lombamum Thuasne, Obstemix Velpeau …) làm giảm đau thắt lưng. Cần tham khảo ý kiến bác sỹ.
  • Không nên dùng các miếng dán sưởi ấm có chứa hay không chứa HE (Thermacare, Synthol-kyné …).

BẠN NÊN TRẢ LỜI NHƯ THẾ NÀO?
Cô V, mang thai tháng thứ 7:

  • Tôi nghĩ là tôi bị đau thần kinh tọa. Tôi đã dùng thuốc giảm đau nhưng không có tác dụng. Một người bạn đã nói với tôi về biện pháp nắn xương. Có thể làm việc đó trong khi mang thai không?
  • Không, do điều đó có thể kích thích co tử cung dẫn đến sinh non.

Đồng nghiệp của bạn đúng hay sai?

Sai, nắn xương có thể được thực hiện trong suốt thời kỳ mang thai. Các nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh nó có thể làm giảm cơn đau trong các đợt đau lưng. Tuy nhiên, chỉ nên thực hiện nắn xương sau khi đã được bác sỹ cho phép, trừ phi người nắn xương cũng là bác sỹ. Những người không phải bác sỹ hoặc không có kiến thức về y học không được thực hiện nắn xương cho phụ nữ có thai.

 

Các hành động cần tránh

  • Tránh cử động mạnh, vặn người, mang vác vật nặng, ngồi lâu.
  • Tránh dùng giày cao gót
  • Tránh tăng quá nhiều cân.

Các thuốc điều trị đường uống

Thông tin quan trọng:

  • NSAID và aspirin với liều trên 500mg: chống chỉ đinh dùng ở phụ nữ có thai từ tháng thứ 6 và khuyến cáo không nên dùng trong suốt thời gian mang thai.
  • Paracetamol và codein dùng được với phụ nữ có thai (codein chống chỉ định với phụ nữ sắp sinh)

Lựa chọn đầu tay

  • Nên dùng paracetamol như là liệu pháp điều trị đầu tay.
  • Một nghiên cứu xuất bản vào năm 2010 đã chỉ ra mối liên hệ giữa paracetamol và sự tăng hội chứng tinh hoàn ẩn ở trẻ em bị phơi nhiễm với paracetamol trong tử cung trong thời gian dài (trên 15 ngày) trong thời gian 3 tháng hoặc 6 tháng đầu tiên. Một nghiên cứu thuần tập lớn hơn không cho thấy điều này.
  • Lợi ích của việc sử dụng paracetamol trong thời kỳ mang thai vẫn được coi là vượt trội so với nguy cơ.

*HỘI CHỨNG TINH HOÀN ẨN là việc thiếu 1 hoặc 2 tinh hoàn trong bìu. Xuất hiện ở khoảng 5% trẻ sơ sinh. Thường tự khỏi do tinh hoàn sẽ tự di chuyển về vị trí trong tháng đầu tiên sau sinh.

Lựa chọn thay thế

  • Nếu dùng đơn độc paracetamol không có hiệu quả, nên phối hợp với codein (thuốc giảm đau opioid cấp 2).
  • Không nên dùng codein vào cuối thai kỳ do có nguy cơ làm nhiễm độc thai nhi (an thần gây ức chế hô hấp) do cơ quan thải trừ thuốc chưa phát triển.
  • Khi dùng với liều cao hơn liều điều trị, có thể xuất hiện hội chứng cai thuốc ở trẻ sơ sinh
  • Cafein làm tăng tác dụng giảm đau của paracetamol.  (Migralgine, Prontangine …). Nên dùng cafein một cách hợp lý (không quá 300mg/ngày)
  • Nguy cơ sảy thai đã được đề cập đến khi dùng cafein tuy nhiên cho đến nay chưa có bằng chứng xác thực.
  • Đã quan sát thấy rối loạn nhịp tim và tăng kích thích ở trẻ sơ sinh khi mẹ dùng liều cao (>500mg)
  • Nên chú ý cả đồ uống đã dùng (Một cốc cafe chứa khoảng 100mg cafein và 1 cốc cola 50mg).

Đôc tính của NSAIDs

  • Sử dụng thường xuyên hoặc lâu dài tất cả các NSAID (bao gồm cả dùng trên 500mg aspirin hoặc thuốc ức chế COX-2) dưới bất kỳ đường dùng nào là chống chỉ định kể từ tháng thứ 5 của thai kỳ, tức là 24 tuần kể từ lúc phát hiện mất kinh.
  • Vẫn có thể dùng các thuốc chống kết tập tiểu cầu đối với một vài chỉ định đặc biệt.
  • Ở thai nhi, ống động mạch được giữ luôn mở bởi prostagladine thai nhi. Khi dùng NSAID hoặc aspirin liều cao, chúng có thể ức chế sự tổng hợp prostagladine thai nhi dẫn đến co thắt 1 phần hoặc toàn phần ống động mạch, gây ra suy tim phải ở thai nhi kèm theo tăng huyết áp động mạch phổi và gây chết lưu.

*ỐNG ĐỘNG MẠCH: Ở thai nhi, động mạch phổi nối với động mạch chủ thông qua ống động mạch, ngăn máu tĩnh mạch không đi qua phổi khi phổi chưa hoạt động.

  • Các NSAID có thể gây co mạch thận do thận ở trẻ sơ sinh chưa hoạt động. Độc tính này sẽ nặng hơn nếu dùng thuốc trong thời gian dài. Tuy nhiên, biến cố nặng có thể xảy ra với chỉ 1 lần dùng thuốc.
  • Chú ý, Céphyl không phải là một thuốc vi lượng đồng căn, mỗi viên nén có chứa 330mg aspirin.
  • Nghi ngờ có nguy cơ sảy thai hoặc dị tật khi dùng NSAID trong vòng 3 tháng đầu của thai kỳ
  • Tốt nhất là tránh dùng NSAID đường dùng toàn thân trong suốt thời kỳ mang thai.

Ở PHÒNG KHÁM

  • Tramadol, thuốc giảm đau opioid cấp 2, có thể được dùng như một lựa chọn thay thế cho codein do codein đã được đánh giá toàn diện hơn trên phụ nữ có thai. Nếu cần phải dùng một thuốc giảm đau opioid cấp 3, có thể dùng morphin như là lựa chọn đầu tay. Nếu dùng gần lúc sinh, các opioid cũng có khả năng gây độc trên thai nhi giống như codein.
  • Nếu cần dùng thuốc giãn cơ, nên dùng tetrazepam ở liều thấp nhất có tác dụng. Thiocolchicoside (Coltramine) chống chỉ định dùng cho phụ nữ có thai. Không nên dùng methocarbamol (Lumirelax) cho phụ nữ có thai do thiếu dữ liệu.

Điều trị tại chỗ

  • Các NSAID dùng tại chỗ: không nên dùng trong khi mang thai, chống chỉ định cho phụ nữ có thai từ tháng thứ 6.
  • Không nên dùng kem bôi ngoài da có chứa dẫn xuất salicylate, tinh dầu, dẫn xuất terpen (Décontractyl, Lumirelax …)

ĐỘC TÍNH CỦA THUỐC THEO THAI KỲ

12 NGÀY ĐẦU

NGÀY 13-56

NGÀY 57 – LÚC SINH

SAU SINH

Sự cấy phôi

Giai đoạn phôi

Độc tính trên phôi

Giai đoạn thai

Độc tính trên thai

Độc tính trên trẻ sơ sinh

Chưa có nhiều sự trao đổi giữa mẹ và con. Nguy cơ trên phôi thấp

Có khả năng gây dị tật ở phôi: ảnh hưởng đến các cơ quan đang trong quá trình hình thành

Có khả năng gây độc thai nhi ở trong tử cung: Ảnh hưởng đến sự phát triển và trưởng thành về mô hoặc chức năng của các cơ quan đã được hình thành.

Các thuốc dùng vào cuối thời kỳ mang thai có khả năng gây độc trên trẻ sơ sinh do các cơ quan thải trừ chưa phát triển (thận, gan)

 

Ví dụ: Acid valproic, acitretine, methotrexate, cyclophosphamide, isotretinoin đường uống, mycophenolate, thalidomide …

Ví dụ: Sự đóng sớm ống động mạch do NSAID, độc tính trên thận và kém phát triển xương sọ do thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc chẹn angiotensin II …

Ví dụ: Ức chế thần kinh dẫn đến suy hô hấp do các thuốc opioid.

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.