Tháng chín 27, 2016
CLS – Tác dụng không mong muốn khi dùng kháng sinh
TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN CỦA KHÁNG SINH
Người dịch: Nguyễn Tùng Sơn & Nguyễn Đỗ Quang Trung, SVD4, Trường Đại học Dược Hà Nội.
Hiệu đính: ThS.DS. Lê Bá Hải, ĐH Dược HN
Nguồn: Le Moniteur des Pharmacies, cahier 2 du 2964/2965 du 12 janvier 2013
Ca 1: Phát ban đáng ngờ
Ba ngày trước, chị H. Đưa con gái, 6 tuổi, đến phòng khám vì cháu bé thấy đau họng và sốt. Sáng hôm sau, chị H. tới nhà thuốc mua amoxicillin 500 mg/5 ml, (ngày 2 lần, mỗi lần 1 thìa trong 6 ngày) theo đơn bác sĩ. Hôm nay, chị H. gọi điện tới nhà thuốc thắc mắc vì thấy cháu bé có vẻ mệt, luôn sốt và xuất hiện các nốt trên ngực và vai. Chị H. muốn biết liệu rằng con gái có dị ứng với kháng sinh hay không.
Liệu rằng cháu bé có dị ứng với amoxicillin?
Ban đỏ xảy ra khi đang dùng amoxicillin có thể do các nguyên nhân khác.
PHÂN TÍCH:
Các penicillin, có cấu trúc vòng betalactam, là nhóm kháng sinh thường gây ra các phản ứng dị ứng nhất. Phản ứng dị ứng penicillin có thể xuất hiện sớm, thậm chí ngay lập tức, ví dụ như nổi mày đay (có thể có hoặc không có ngứa, xuất hiện vào ngày đầu tiên điều trị hay ngay sau khi dùng thuốc), phù Quinke hay sốc phản vệ; hoặc thông qua các phản ứng muộn như bệnh huyết thanh (thể hiện trên lâm sàng bằng các triệu chứng: nổi mề đay, đau khớp và có thể có sốt). Vì vậy, việc nghĩ đến sự xuất hiện của một phản ứng dị ứng sớm trong trường hợp này là hoàn toàn có cơ sở.
Tuy nhiên, không thể loại trừ những nguyên nhân khác. Amoxicillin có thể gây ra những phản ứng trên da nghiêm trọng, như ban da mụn mủ cấp tính được nghi nghờ giống biểu hiện ban da kèm sốt khi khởi đầu điều trị ở bệnh nhân. Các phản ứng nhiễm độc da khác như Hội chứng Lyell, Hội chứng Stevens-Johnson cũng được báo cáo, tuy nhiên chúng thường xuất hiện sau ít nhất một tuần sau khi dùng thuốc. Những hội chứng này đặc trưng bởi sự lan tỏa các tổn thương nhanh chóng trên toàn cơ thể bệnh nhân, hình thành các tổn thương bọng nước hoặc các vết loét da. Điều này có thể dấn đến tình trạng rối loạn nước-điện giải, đe dọa tiên lượng bệnh của bệnh nhân. Nguy cơ xuất hiện các triệu chứng này tăng lên khi phối hợp amoxicillin với allopurinol.
Mặt khác, ở những bệnh nhân nhiễm khuẩn tăng bạch cầu đơn nhân (cũng như trong trường hợp nhiễm vi khuẩn nội bào mycoplasma), amoxicillin có thể gây hồng ban đa dạng. Việc tăng bạch cầu đơn nhân có thể gây ra tình trạng đau thắt ngực. Bác sĩ khám cho cháu bé có thể đã chỉ định kháng sinh mà chưa làm Strepto-test. Nếu cháu không có triệu chứng đau thắt ngực do nhiễm khuẩn, nhưng có tăng bạch cầu đơn nhân, việc dùng amoxicillin đã có thể hoạt hóa sự phát ban trên da, do đó có thể gây nhầm lẫn với một phản ứng dị ứng. Việc bệnh nhân luôn sốt sau 48 giờ dùng kháng sinh và cô bé luôn thấy mệt mỏi, có lẽ phù hợp với chẩn đoán này hơn.
XỬ TRÍ:
Bất kể cơ chế bệnh sinh nào đã gây ra hiện tượng phát ban, nó vẫn có thể là một phản ứng có hại của thuốc. Cần dừng amoxicillin ngay lập tức và liên lạc với bác sĩ nhi khoa.
GHI NHỚ:
Betalactam là nhóm kháng sinh thường gây các phản ứng dị ứng nhất. Sự xuất hiện của các phản ứng trên da, đôi khi ở dạng nghiêm trọng, do tác động của amoxicillin, cũng có thể bị tăng lên do một bệnh cảnh nhiễm trùng hoặc do tương tác với allopurinol.
Ghi chú: Xét nghiệm Strepto-test là một thử nghiệm phát hiện nhanh kháng nguyên được sử dụng rộng rãi tại các bệnh viện để hỗ trợ trong việc chẩn đoán viêm họng do vi khuẩn gây ra bởi nhóm liên cầu Streptococcus nhóm A.
DỊ ỨNG BETALACTAM:
Tần suất lưu hành: theo một công bố của Afssaps năm 2015, tỷ lệ dị ứng betalactam (penicillin và cephalosporin) đã bị ước tính quá cao, với hơn 80% bệnh nhân có các biểu hiện nhưng không thực sự là dị ứng. Tuy vậy vẫn có nguy cơ tử vong từ những phản ứng dị ứng này và vì thế nó cần được chẩn đoán, đặc biệt khi betalactam chiếm 2/3 lượng kháng sinh được sử dụng trên thực tế.
Chẩn đoán: dấu hiệu gợi ý dị ứng penicillin theo typ IgE bao gồm: trước đó đã từng sử dụng thuốc đó mà không có vấn đề gì, phản ứng sớm (ngay sau khi khởi đầu điều trị), và có những dấu hiệu của sốc phản vệ, mày đay và/hoặc phù mạch. Chẩn đoán xác định thông qua test dị nguyên trên da hoặc “test lẩy da”, những xét nghiệm này được khuyến cáo khi có các phản ứng sớm và/hoặc có sốc phản vệ.
Dị ứng chéo: Nguy cơ dị ứng chéo giữa các penicillin và cephalosporin từ 1 – 10%, và nguy cơ này thấp hơn khi sử dụng cephalosporin thế hệ 2 – 3 so với thế hệ 1. Do đó, khi có dị ứng với penicillin thể nhẹ thoáng qua, không có chống chỉ định với cephalosporin thế hệ 2 và 3. Tuy vậy khi kết quả test lẩy da dương tính với penicillin hoặc tiền sử dị ứng nặng với penicillin, chống chỉ định sử dụng cephalosporin.
|
Ca 2: Mông bị đỏ
Chị T. muốn mua một tuýp thuốc Mitosyl [Kẽm oxyd] cho bé C, 6 tuổi. Chị A. giải thích rằng vì mông của bé C rất đỏ và dù sử dụng Bepanthen (dexpanthenol– để trị hăm) nhưng không có hiệu quả. Chị ấy muốn thử dùng loại khác. Chị T. cũng hỏi dược sĩ về những đốm trắng trong miệng của bé C xuất hiện từ vài ngày nay. Dược sĩ nhớ ra là gần đây đã cho C dùng Zinnat 125 mg (cefuroxim, một cephalosporin thế hệ 2) để điều trị bệnh viêm tai, theo đơn của bác sĩ.
Suy nghĩ gì về những tổn thương trong khoang miệng?
Những đốm trắng là dấu hiệu của nhiễm nấm Candida khoang miệng, rất có thể có liên quan đến việc sử dụng kháng sinh.
PHÂN TÍCH:
Các kháng sinh betalactam làm mất cân bằng hệ vi khuẩn chí và có thể gây nhiễm nấm ở khoang miệng, tiêu hóa hoặc âm đạo. Tác nhân chính gây nhiễm nấm khoang miệng là Candida albicans. Theo thông tin từ tờ thông tin đặc tính sản phẩm của nhà sản xuất, sự tăng sinh Candida là tác dụng không mong muốn thường gặp của cefuroxim (tỉ lệ trên 1%).
Tổn thương quan sát được trên bé C có vẻ rất đặc trưng gây bởi tình trạng nhiễm nấm Candida. Tuy nhiên, việc bệnh nhân yêu cầu một loại kem cho ban đỏ kháng trị ở mông đã gây chú ý cho dược sĩ. Dược sĩ nghi ngờ rằng đó cùng là một tổn thương do nhiễm nấm. Thật vậy, có khả năng nấm đã lan rộng khắp toàn ống tiêu hóa.
XỬ TRÍ:
Dược sĩ khuyên nên đi khám bác sĩ nhi khoa, không chỉ để xác định chẩn đoán nhiễm nấm khoang miệng (sẽ yêu cầu chỉ định thuốc chống nấm) mà còn để kiểm tra tình trạng ban đỏ kháng trị ở mông của bé C.
GHI NHỚ:
Betalactam thường gây ra nhiễm nấm khoang miệng hoặc âm đạo. Sự xuất hiện ban đỏ ở mông của trẻ nhũ nhi có thể là do nhiễm nấm.
Ca 3: Đau mắt cá chân.
Đầu tuần, bà M 66 tuổi, bị viêm phế quản, đến nhà thuốc để mua ciprofloxacin 500 mg x 2 lần/ngày trong 10 ngày, và acetylcystein theo đơn bác sĩ. Hôm nay, bà ấy quay trở lại nhà thuốc để mua miếng dán và cao, vì cảm thấy đau ở đầu gối và mắt cá chân trái. Bà M rất băn khoăn, không hiểu lý do tại sao mình bị đau dù không bị trật mắt cá chân.
Có phải bà M bị trẹo xương?
Đau mắt cá chân xuất hiện ở bệnh nhân đang sử dụng fluoroquinolon cần phải được lưu ý vì nó có thể là biểu hiện nghi ngờ liên quan tới phản ứng có hại của thuốc.
PHÂN TÍCH:
Các fluoroquinolon gây ra các tổn thương gân khớp, một bên hoặc hai bên, theo kiểu đau cơ, đau khớp, và/hoặc viêm gân, đôi khi biểu hiện nặng rõ rệt; có thể xuất hiện vào hai ngày đầu điều trị, ở nhiều vị trí trong đó có gân Achille. Nguy cơ viêm gân, đứt gân của fluoroquinolon tăng lên ở những bệnh nhân chơi thể thao, vận động mạnh, hơn 65 tuổi, hoặc đang được điều trị bằng liệu pháp corticoid. Pefloxacin là thuốc gây viêm gân nhiều nhất trong nhóm, thậm chí khi dùng ở liều đơn.
XỬ TRÍ:
Chắc chắn cần phải cảnh báo những cơn đau này cho bác sĩ, vì nếu nguyên nhân được xác định là do phản ứng có hại của thuốc, thì cần phải dừng thuốc để tránh nguy cơ đứt gân. Tối hôm đó, bà M quay lại với đơn thuốc mới, trong đó yêu cầu dừng ciprofloxacin, thay bằng josamycin, và nẹp mắt cá (để gân Achille nghỉ ngơi). Tình trạng đau sẽ còn tồn tại trong vài tháng. Khi xảy ra viêm gân do fluoroquinolon, cần chống chỉ định dùng các thuốc nhóm này sau đó.
GHI NHỚ:
Các fluoroquinolon gây ra các tổn thương gân khớp nặng, cần dừng thuốc và chống chỉ định dùng lại cho những lần sau.
Ca 4: “Vợ tôi chưa được tiêm!”
Bà C (71 tuổi) được chẩn đoán viêm bể thận, cần được nhập viện điều trị. Tuy nhiên bà và gia đình từ chối và muốn được điều trị tại nhà. Hai ngày nay, bà được nhân viên y tế đến điều trị theo đơn: ceftriaxon 1 g, tiêm tĩnh mạch 1 mũi buổi tối và gentamicin 80 mg tiêm bắp 2 lần/ngày, trong 3 ngày, sau đó sẽ xem xét chuyển qua đường uống. Đầu giờ chiều ngày thứ 3, dược sĩ thấy ông D, chồng bà C, tới hiệu thuốc mua một túi đựng đồ vệ sinh cho bà C đang nằm viện. Ông D. cho dược sĩ biết rằng từ hôm trước, vợ ông kêu chóng mặt và sáng nay, bà ấy đi hơi loạng choạng khi mở cửa cho y tá tới tiêm gentamicin. Người y tá này đã ngay lập tức gọi điện thông báo tình hình cho bác sĩ và bác sĩ đã quyết định phải cho bà C nhập viện. Ông D. cho biết thêm, ông cảm thấy rất ngạc nhiên và không hiểu nhiều thứ trong hoàn cảnh này: “Vợ tôi phải vào viện chỉ để làm các xét nghiệm mà không được điều trị gì theo đơn kê bình thường”
Chuyện gì đã xảy ra?
Có khả năng rất cao đây là do tác dụng không mong muốn của gentamicin và cần phải dừng thuốc ngay lập tức. Việc nằm viện trở nên cần thiết không chỉ để điều trị viêm bể thận cho bà C. mà còn để có thể theo dõi, giám sát tình trạng sức khỏe của bà C trong điều kiện tốt nhất.
PHÂN TÍCH:
Các aminoglycoside có độc tính với đôi dây thần kinh sọ VII (thính giác) và với tai. Những yếu tố làm tăng nguy cơ xảy ra của các tác dụng không mong muốn trên bao gồm: tuổi, thay đổi chức năng thận, độ dài của đợt điều trị, một đợt điều trị trước đó với aminoglycoside cũng như kết hợp với các thuốc khác cũng có độc tính trên tai (dẫn chất platin,…).
Chứng rối loạn thăng bằng ở bà C đã cảnh báo người y tá. Thật vậy, đó là một dấu hiệu tổn thương tiền đình, nó có thể tiếp tục tiến triển thành tình trạng tổn thương ốc tai nặng không hồi phục. Tổn thương ốc tai có liên quan đến sự kích thích receptor NMDA (N-methyl-D-aspartate), và sự phả hủy tế bào lông, kết quả là gây mất thính lực ở các tần số cao, và có thể dẫn tới điếc hoàn toàn.
Do đó, khi có những dấu hiệu đầu tiên của tổn thương tiền đình (ù tai, chóng mặt) thì cần phải dừng điều trị bằng aminoglycosid, để tránh dẫn tới điếc. Đó là lí do tại sao mũi tiêm gentamicin sáng nay không được thực hiện. Kèm theo đó, bác sĩ quyết định cho bà D. nhập viện để xem xét chiến lược điều trị viêm bể thận theo kháng sinh đồ. Và cũng là để bác sĩ có thể theo dõi, giám sát, đánh giá tình trạng suy giảm thính lực, tổn thương tiền đình và xem xét chức năng thận ở bệnh nhân (aminoglycosid cũng gây tổn thương thận).
XỬ TRÍ:
Sau khi nghe ông D. kể chuyện, dược sĩ đã giải thích lí do mà gentamicin không được tiêm sáng nay. Dược sĩ cẩn thận làm yên lòng ông rằng: bệnh viêm bể thận từ nay sẽ được điều trị trong bệnh viện, dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ. Mặt khác, dược sĩ ghi lại trong tiền sử của bà C: các lần điều trị sau bằng aminoglycosid sẽ phải cân nhắc hết sức thận trọng để tránh độc tính trên tai (độc tính phụ thuộc liều và có tích lũy).
CHÚ Ý:
Aminoglycoside là nhóm kháng sinh gây độc với thần kinh và tai. Tất cả các dấu hiệu của tổn thương tiền đình (ù tai, chóng mặt, rối loạn thăng bằng) cần phải được báo ngay cho dược sĩ, bác sĩ và cần đánh giá lại quá trình điều trị.
CHÚ Ý KHI SỬ DỤNG AMINOGLYCOSID DÙNG NGOÀI!
Trước khi kê toa thuốc nhỏ tai chứa kháng sinh nhóm aminoglycoside, phải chắc chắn màng nhĩ còn nguyên vẹn. Thật vậy, trong trường hợp màng nhĩ bị thủng, aminoglycoside có thể tiếp xúc trực tiếp với các cấu trúc của tai giữa và tai trong và gây ra các độc tính trên tiền đình hoặc ốc tai (rối loạn thăng bằng, điếc) không hồi phục.
Như vậy, các aminoglycosid đặc biệt là dạng dùng tại chỗ như neomycin (Antibio-Synalar, Panotile, Polydexa) hoặc framycetin (Framyxone) là chống chỉ định ở bệnh nhân viêm tai hở màng nhĩ và những bệnh nhân có các ống xuyên màng nhĩ.
Thuốc nhỏ tai chứa kháng sinh chỉ được chỉ định trong trường chảy mủ trong viêm tai hở màng nhĩ mạn tính.
|
Ca 5: “Tôi có thể cho L dùng Imodium không?”
Ba ngày trước, sau khi đến khám bác sĩ nhi khoa, con trai của bà T., 5 tuổi, 22 kg đã được chẩn đoán bị viêm tai trái và được kê đơn Amoxicilin + acid clavulanic 500/62,5 (1 gói x 3 lần/ngày, trong 8 ngày) và Doliprane 300 mg (paracetamol – 1 gói mỗi 6 giờ nếu có sốt hoặc đau). Hôm nay, dược sĩ nhận được cuộc gọi từ bà T. thông báo rằng con trai bà (tên L) bị tiêu chảy nặng. Bà ấy muốn hỏi liệu rằng có thể cho con bà dùng Imodium (loperamid) dạng hỗn dịch uống có sẵn ở nhà thuốc được không.
Đây có phải là một ý kiến hay ?
Không! Loperamid không nên được sử dụng trong trường hợp tiêu chảy khi đang điều trị kháng sinh phổ rộng.
PHÂN TÍCH:
Các kháng sinh có thể gây ra tiêu chảy do sự mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Tiêu chảy thông thường khá lành tính, tuy nhiên nó có thể có biến chứng (rất hiếm gặp) do sự tăng sinh của Clostridium difficile, trực khuẩn kỵ khí Gram dương tiết ra độc tố gây viêm đại tràng giả mạc. Viêm đại tràng xảy ra trong khi điều trị kháng sinh hoặc 6 tuần sau đó, có biểu hiện là tiêu chảy phân xanh, có thể có xuất huyết, kèm theo xuất hiện các màng giả cùng với sốt và suy nhược cơ thể.
Các loại thuốc kháng sinh có khả năng gây ra viêm đại tràng giả mạc nhất là các kháng sinh phổ rộng (lincomycin, clindamycin, amoxicilin và các cephalosporin…). Các trường hợp tương tự cũng được báo cáo với fluoroquinolon và co-trimoxazol. Một vài loại thuốc khác cũng tạo thuận lợi cho Clostridium difficile phát triển. Chúng là các thuốc làm giảm nhu động ruột, gây ra ứ phân, thuốc ức chế bơm proton – làm giảm nồng độ acid dạ dày và cho phép vi khuẩn gây bệnh phát triển.
XỬ TRÍ:
Sau khi trao đổi với bà T. và xác minh rằng L không có sốt và có máu trong phân, dược sĩ khuyên dứt khoát không nên sử dụng Imodium để dừng tiêu chảy cho L mà nên sử dụng chế phẩm probiotic (loại Lactéol hoặc Ultra-levure). Đồng thời, dược sĩ cũng giải thích cho bà T. rằng: những chế phẩm này có thể giúp khắc phục tình trạng mất cân bằng của hệ vi sinh vật đường ruột gây ra do thuốc kháng sinh và chúng có sẵn ở hiệu thuốc, không cần kê đơn. Nếu như các chế phẩm này không làm giảm tình trạng tiêu chảy của cháu L, thuốc có tác dụng bao đường ruột (loại Smecta) cũng có thể được sử dụng và lưu ý nên dùng thuốc này cách một khoảng thời gian là 2 giờ với các thuốc khác.
Dược sĩ cũng đưa cho bà mẹ trẻ những lời khuyên về vệ sinh thực phẩm và chế độ dinh dưỡng nên được sử dụng trong trường hợp bị tiêu chảy.
Cuối cùng, dược sĩ cảnh báo bà T. rằng nếu cháu L xuất hiện tình trạng tiêu chảy nhớt và sốt trong những ngày tới và/hoặc khi điều trị kháng sinh kết thúc, nên tham khảo ý kiến một bác sĩ.
GHI NHỚ:
Để tránh bị viêm đại tràng giả mạc do Clostridium difficile, các thuốc làm giảm nhu động ruột không nên được sử dụng để dừng tiêu chảy do sử dụng một kháng sinh phổ rộng.
ĐIỀU TRỊ VIÊM ĐẠI TRÀNG DO Clostridium difficile
Chẩn đoán: một vài dấu hiệu lâm sàng có thể gợi ý đến bệnh viêm đại tràng giả mạc như tiêu chảy phân xanh kiểu lỵ, thỉnh thoảng có nhầy máu, đau bụng, sốt, suy nhược cơ thể. Xét nghiệm máu cho thấy có tình trạng tăng bạch cầu, tốc độ máu lắng và protein phản ứng C tăng cao cùng với giảm albumin. Chẩn đoán xác định bằng nội soi và tìm độc tố A và B của Clostridium difficile trong phân.
Tiên lượng: viêm đại tràng giả mạc do Clostridium difficile có thể tiến triển đến sốc nhiễm trùng (tỉ lệ tử vong trong 10-30% số trường hợp).
Điều trị: dừng ngay kháng sinh đang sử dụng và bù trừ điện giải qua đường uống hoặc truyền tĩnh mạch tùy tình trạng bệnh nhân. Thuốc đầu tay trong điều trị là metronidazol đường uống (250 mg, 4 lần/ngày, trong 10 ngày). Tại bệnh viện, vancomycin đường uống (một số dạng bào chế có sẵn ở Khoa Dược bệnh viện) được sử dụng dự phòng trong trường hợp chống chỉ định với metronidazol hoặc trong trường hợp tái phát.
|
Ca 6: Bệnh viêm bàng quang trở nặng!
Bệnh nhân P, nữ, 32 tuổi, bị viêm bàng quang, được kê đơn norfloxacin 400 mg 1 viên x 2 lần/ngày, trong 3 ngày. Cô ấy phàn nàn với dược sĩ rằng cô ấy e sợ tình trạng có thể xấu đi và việc sử dụng thuốc có thể phá hỏng kỳ nghỉ của cô ấy vào ngày hôm sau do tác dụng không mong muốn của thuốc.
Kì nghỉ của P có thể bị phá hỏng vì việc điều trị này không?
Không, nhưng trong khi điều trị bằng fluoroquinolon thì phải có một vài lưu ý.
PHÂN TÍCH:
Giống như các tetracyclin và các sulfonamid, các fluoroquinolon là các thuốc làm cho da trở nên nhạy cảm với ánh sáng, khi tiếp xúc với tia cực tím (ánh sáng mặt trời hoặc nhân tạo), có thể gây ra bệnh da nhạy cảm ánh sáng. Tình trạng này đặc trưng bởi hình ảnh ban đỏ xuất hiện có kèm đau nhức, có giới hạn là vùng da tiếp xúc với ánh sáng, xuất hiện trong vài giờ sau khi tiếp xúc hoặc thể hiện bằng những tổn thương kiểu eczema (liên quan đến bệnh dị ứng ánh sáng). Tuy nhiên, đôi khi chúng có thể lan rộng ra ngoài vùng da tiếp xúc và đột ngột xảy ra sau nhiều ngày tiếp xúc.
XỬ TRÍ:
Dược sĩ trấn an bệnh nhân P yên tâm về lý do sử dụng thuốc này và lưu ý theo dõi hiệu quả điều trị. Việc điều trị bằng kháng sinh sẽ làm cải thiện nhanh các triệu chứng của bệnh lý này. Tuy nhiên, nếu các dấu hiệu lâm sàng tồn tại dai dẳng thì nên đến khám bác sĩ và thực hiện xét nghiệm phân tích nước tiểu.
Dược sĩ nhấn mạnh nguy cơ gia tăng nhạy cảm ánh sáng và khuyên P nên tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong kì nghỉ (đội mũ và mặc quần áo che nắng). Hơn nữa, cô ấy còn giải thích cho cô P rằng nếu bị đau gân Achille thì nên đến khám bác sĩ.
GHI NHỚ
Fluoroquinolon, tetracyclin và sulfonamid là các chất nhạy cảm với ánh sáng. Không nên để bệnh nhân tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong khi điều trị và nên sử dụng kem chống nắng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Ca 7 – Ông B. vẫn còn ốm
Mười ngày trước, ông B., 56 tuổi, bị nhiễm trùng tuyến tiền liệt, trước đó đã được điều trị ban đầu bằng ceftriaxon đường tiêm, được điều trị tiếp bằng cotrimoxazol 800/160, uống 3 viên/ngày trong vòng 2 tuần. Hôm nay, bà B. đến hiệu thuốc yêu cầu một hộp paracetamol 500 và những viên ngậm họng tetracain (thuốc tê). Bà ấy giải thích với dược sĩ rằng những loại thuốc này đã được kê cho cho chồng bà, người mà không muốn quay lại gặp bác sĩ nữa.
Ông B. có thể không đi khám lần này không?
Không! Viêm họng kèm theo sốt là dấu hiệu của tình trạng giảm bạch cầu do cotrimoxazol và cần đi tái khám bác sĩ.
PHÂN TÍCH:
Các sulfonamid có thể gây ra các bệnh về máu (giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt, thiếu máu bất sản, thiếu máu tan huyết) theo cơ chế dị ứng miễn dịch. Ở đối tượng người cao tuổi hoặc thiếu acid folic, các bệnh này có tần suất xảy ra cao hơn và liên quan tới tác dụng gây độc tủy sống của thuốc (tác dụng này phụ thuộc liều và phụ thuộc thời gian, thông qua tác động lên sự chuyển hóa acid folic).
XỬ TRÍ:
Mặc dù ông B. không phải là đối tượng nguy cơ cao nhưng thời gian điều trị và liều sulfonamid có thể liên quan tới nguy cơ độc tính huyết học. Dược sĩ khuyên ông B. nhất quyết không nên tự điều trị và đề nghị ông ấy bắt buộc phải hỏi ý kiến của bác sĩ. Ông ấy đã gọi cho bác sĩ để thảo luận về vấn đề của mình và nhanh chóng có một buổi hẹn khám. Bác sĩ quyết định tiến hành khẩn cấp xét nghiệm công thức máu đầy đủ. Nếu xác định được là tình trạng giảm bạch cầu, cotrimoxazol sẽ bị dừng sử dụng ngay lập tức và vĩnh viễn.
CHÚ Ý:
Nếu một bệnh nhân đang sử dụng sulfonamid bị viêm họng thì nên nghi ngờ bệnh nhân bị giảm bạch cầu.