Đái tháo đường typ 2 và chế độ ăn uống
Đái tháo đường typ 2 và chế độ ăn uống
Nguồn: Patient Education: Type 2 diabetes mellitus and diet (Beyond the Basics) – UpToDate
Người dịch: ThS. Nguyễn Duy Hưng
TỔNG QUAN VỀ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYP 2
Chế độ ăn uống và tập thể dục có vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát nồng độ HBA1c, Huyết áp và nồng độ Cholesterol trên bệnh nhân đái tháo đường typ 2.
Để kiểm soát một cách có hiệu quả HBA1c và đường huyết, cần phải hiểu rõ làm thế nào để cân bằng lượng giữa thức ăn ăn vào, hoạt động thể chất và dùng thuốc. Việc lựa chọn những đồ ăn tốt cho sức khỏe hàng ngày có hiệu quả tức thời và về lâu dài. Bệnh nhân có thể vừa ăn ngon và kiểm soát tốt đường huyết với sự giáo dục và trợ giúp từ một chuyên gia dinh dưỡng và/hoặc một chuyên gia về đái tháo đường (ĐTĐ).
Tài liệu này bàn luận về vai trò của chế độ ăn uống trong việc kiếm soát ĐTĐ typ 2. Vai trò của chế độ ăn uống và hoạt động thể lực trong quản lý huyết áp và cholesterol sẽ được xem xét riêng ở các tài liệu khác.
Ngoài ra cũng có những tài liệu thảo luận về các khía cạnh khác của ĐTĐ typ 2.
VÌ SAO CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG LẠI QUAN TRỌNG?
Có rất nhiều yếu tố liên quan đến kiểm soát ĐTĐ. Trong các yếu tố đó, nhiều yếu tố có thể kiểm soát được bởi bệnh nhân, bao gồm số lượng và loại đồ ăn ăn vào, tần suất kiểm tra đường huyết, mức độ hoạt động thể lực và độ chính xác và đồng nhất trong việc dùng thuốc. Một thay đổi nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến đường huyết.
Ăn một lượng vừa phải hàng ngày và uống thuốc theo hướng dẫn giúp kiểm soát tốt đường huyết và làm giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng của ĐTĐ, như là bệnh mạch vành, bệnh thận và tổn thương thần kinh. Thêm vào đó, những điều trên cũng ảnh hưởng đến việc kiểm soát cân nặng. Một chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp lập kế hoạch ăn uống phù hợp với nhu cầu, lối sống và tính cách của từng người.
ĐTĐ TYP 2 VÀ THỜI ĐIỂM ĂN
Ăn vào một thời điểm cố định hàng ngày có vai trò rất quan trọng trên một số đối tượng bệnh nhân, đặc biệt là những người dùng insulin tác dụng chậm (ví dụ NPH insulin) và các thuốc giảm đường huyết đường uống (sulfonylurea hoặc megnitilid). Khi đang dùng các thuốc trên mà bỏ bữa hoặc ăn muộn hơn so với bình thường, bệnh nhân có thể bị hạ đường huyết.
Những bệnh nhân đang dùng liệu pháp insulin tích cực (dùng nhiều lần mỗi ngày) và các bệnh nhân dùng các nhóm thuốc điều trị ĐTĐ đường uống khác (như là metformin) có thời gian ăn linh động hơn. Việc bỏ bữa hoặc ăn muộn thường không gây hạ đường huyết.
Thỉnh thoảng có thể ăn những đồ ăn có lượng chất béo cao (ví dụ, pizza), tuy nhiên cần kiểm soát chặt chẽ đường huyết. Đồ ăn nhiều chất béo tiêu hóa chậm hơn đồ ăn ít chất béo. Nếu dùng insulin tác dụng nhanh trước bữa ăn giàu chất béo, đường huyết có thể giảm trong khoảng thời gian sau khi ăn và tăng trở lại vài giờ sau đó.
Giảm cân
Nhiều bệnh nhân mắc ĐTĐ typ 2 bị quá cân. Cơ thể sẽ sản sinh và sử dụng insulin hiệu quả hơn nếu bệnh nhân giảm cân (5-10% tổng khối lượng cơ thể). Thực tế là ăn ít calo hơn có thể làm hạ đường huyết trước khi khối lượng cơ thể giảm đi.
Có rất nhiều phương pháp giúp giảm cân, bao gồm giảm lượng calo ăn vào, tập thể dục, dùng thuốc giảm cân và phẫu thuật giúp giảm cân.
Khuyến cáo về lượng calo hấp thu
Lượng calo cần để duy trì khối lượng cơ thể phụ thuộc vào tuổi, giới tính, chiều cao, cân nặng và mức độ hoạt động của bệnh nhân. Nhìn chung:
- Đàn ông/Phụ nữ hay vận động: 15 cal/pound
- Phụ nữ, đàn ông ít vận động, người trên 55 tuổi: 13 cal/pound
- Phụ nữ ít vận động, người béo phì: 10 cal/pound
- Phụ nữ có thai và cho con bú: 15-17 cal/pound
Để có thể giảm 1-2 pound/tuần, cần cắt giảm 500-1000 calo từ tổng lượng calo cần để duy trì cân nặng.
Ví dụ, một người đàn ông béo phì nặng 250 pound cần 2500 cal/ngày để duy trì cân nặng. Để giảm 1-2 pound/tuần, người đó nên ăn 1500-2000 cal/ngày. Khi cân nặng giảm đi, cần tính lại lượng calo hấp thu. 1 poun = 0,45kg.
ĐTĐ TYP 2, CHẾ ĐỘ ĂN VÀ CÂN NẶNG
Cân nặng của bạn phản ánh lượng đồ ăn bạn ăn vào và mức độ hoạt động của bạn. Ăn vào một lượng calo thích hợp mỗi ngày giúp duy trì đường huyết và cân nặng. Đối với những bệnh nhân quá cân hoặc béo phì, giảm cân bằng cách giảm lượng calo hấp thu hoặc tăng hoạt động thể chất có thể giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn cũng như hạ huyết áp và giảm cholesterol.
Tránh tăng cân
Tăng cân có thể là một tác dụng phụ của liệu pháp insulin tích cực hoặc một số thuốc đường uống trên bệnh nhân ĐTĐ typ 2. Để tránh tăng cân cần phải:
- Giám sát cân nặng thường xuyên (1 tuần/lần). Nếu tăng khoảng 2-3 pound, cần phải giảm lượng calo ăn vào hoặc tăng vận động. Đừng để đến khi tăng 10 pound mới bắt đầu hành động.
- Khi đã kiểm soát đường huyết tốt, nên giảm lượng calo ăn vào hàng ngày 250-300 calo để tránh tăng cân.
- Nếu đường huyết thường thấp vào một thời điểm cố định trong ngày, ưu tiên giảm liều thuốc điều trị ĐTĐ đang dùng hơn là ăn thêm đồ ăn.
Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm cân và tránh tăng cân trở lại. Nên tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày vào hầu hết các ngày trong tuần.
Bệnh nhân dùng insulin hoặc thuốc hạ đường huyết đường uống nên đo đường huyết trước và sau khi tập thể dục. Nếu hoạt động mạnh và trong thời gian dài (trên 30 phút), nên đo đường huyết mỗi 15 phút (nếu áp dụng chế độ tập mới). Việc theo dõi đường huyết thường xuyên giúp ta có thể hình dung được tác dụng của việc luyện tập lên đường huyết.
Nếu hạ đường huyết trong khi đang luyện tập, nên ăn tuân theo hướng dẫn sau:
- Nếu đường huyết từ 51-70 mg/dL (2,8-3,8 mmol/L), ăn 10-15 g carbohydrat tác dụng nhanh (ví dụ, ½ cốc nước quả, 6-8 viên kẹo, 3-4 viên đường)
- Nếu đường huyết dưới 50 mg/dL (2,7 mmol/L), ăn 20-30 g carbohydrat tác dụng nhanh.
Nghỉ 15 phút và ăn thêm nếu đường huyết vẫn tiếp tục thấp. Nếu còn hơn 1 giờ nữa mới đến bữa ăn, ăn thêm 15 g carbohydrat và 30g protein (ví dụ, bánh qui phô mai hoặc ½ cái sandwich kèm bơ lạc). Không được ăn quá nhiều do có thể làm tăng đường huyết trên mức mục tiêu và dẫn đến tăng cân trong thời gian dài.
Chỉnh liều insulin khi tập thể dục
Những bệnh nhân dùng thuốc hạ đường huyết đường uống không phải chỉnh liều khi tập thể dục.
Bệnh nhân dùng insulin có thể phải giảm liều insulin dùng trước khi tập thể dục để tránh hạ đường huyết. Nên tham khảo ý kiến của bác sỹ, chuyên gia về ĐTĐ, chuyên gia dinh dưỡng hoặc huấn luyện viên để xác định cách điều chỉnh liều insulin tốt nhất trước, trong và sau khi tập thể dục.
ĐTĐ TYP 2 VÀ RƯỢU
Uống một lượng rượu vừa phải (1 chén/ngày với phụ nữ và 2 chén/ngày với đàn ông) kèm thức ăn không làm ảnh hưởng đến đường huyết. Rượu có thể làm tăng nhẹ đường huyết rồi làm giảm đường huyết nhiều giờ sau đó. Do đó, cần giám sát ảnh hưởng của rượu tới đường huyết để xác định có cần phải chỉnh liều insulin hay không.
Đồ uống trộn, như là nước hoa quả hoặc cola, có thể làm tăng đường huyết và làm tăng lượng calo hấp thu trong ngày. Mặc dù calo trong rượu ít có giá trinh dinh dưỡng, nó có thể gây ảnh hưởng đến nỗ lực giảm cân hoặc làm tăng cân. Nếu bạn dùng thuốc điều trị ĐTĐ đường uống, không cần phải chỉnh liều thuốc nếu bạn uống rượu ở mức vừa phải kèm với đồ ăn.
ĐTĐ TYP 2 VÀ CARBOHYDRAT
Carbohydrat là nguồn năng lượng chính của mỗi bữa ăn, bao gồm tinh bột, rau, hoa quả, sản phẩm từ sữa và đường. Hầu hết thịt và chất béo không chứa carbohydrat.
Carbohydrat có ảnh hưởng trực tiếp đến đường huyết trong khi protein và chất béo thì không. Ăn một lượng cố định carbohydrat mỗi bữa sẽ giúp kiểm soát đường huyết, đặc biệt ở những bệnh nhân dùng thuốc điều trị ĐTĐ đường uống và insulin tác dụng chậm (ví dụ, NPH insulin).
Bệnh nhân ĐTĐ typ 2 nên tập trung giảm lượng calo hấp thu và tăng hoạt động thể chất, đặc biệt là ở những người mới được chẩn đoán hoặc ở những người mà tụy vẫn còn khả năng tiết insulin. Những bệnh nhân ĐTĐ typ 2 không muốn giảm cân có thể tập trung vào việc duy trì cân nặng bằng phương pháp đếm carbohydrate. Đếm carbohydrat cũng có thể có ích trên những bệnh nhân tiêm thuốc nhiều lần trong ngày.
Đếm carbohydrat – Một chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn tính lượng carbohydrat bạn cần mỗi bữa ăn, dựa trên thói quen ăn uống cá nhân, thuốc điều trị ĐTĐ đang dùng, cân nặng, mục tiêu dinh dưỡng và mức độ vận động. Ở hầu hết mọi người, khoảng 45-55% lượng calo hấp thu hàng ngày đến từ carbohydrat; tuy nhiên vẫn có những tranh cãi về lượng carbohydrat tối ưu cho cơ thể. Cách chia lượng carbohydrat ăn vào mỗi bữa phụ thuộc vào sở thích từng người, thời điểm ăn và khoảng cách giữa các bữ, và loại thuốc điều trị ĐTĐ đang dùng.
Có thể biết lượng carbohydrate trong mỗi thực phẩm bằng cách đọc thành phần dinh dưỡng trên nhãn, tham khảo trong sách hoặc website, tra trên cơ sở dữ liệu trong điện thoại hoặc dùng Hệ thống Trao đổi (Exchange System – là hệ thống nhóm những thực phẩm có cùng lượng calo, carbohydrat, chất béo hoặc protein vào một nhóm, do đó các thức ăn trong cùng 1 nhóm có thể thay thế được cho nhau). Các nhà hàng thường sẽ cung cấp những thông tin này nếu được yêu cầu.
Cần phải ghi lại kích thước khẩu phần ăn và lượng chất xơ (theo gam) khi đếm carbohydrat. Ăn nhiều hơn 1 khẩu phần sẽ làm tăng lượng calo hấp thu và làm tăng liều insulin cần dùng để tiêu hóa hết bữa ăn đó. Ví dụ, một vài loại snack đóng gói sẵn có chứa từ 2 khẩu phần trở lên. Để tính toán chính xác lượng carbohydrat trong gói snack, cần phải nhân số lượng khẩu phần với lượng carbohydrat mỗi khẩu phần.
Khi một khẩu phần ăn có trên 5g chất xơ, cần phải trừ lượng chất xơ từ tổng lượng carbohydrat khí tính liều insulin.
Kế hoạch thay đổi thức ăn
Trong Hệ thống Trao đổi, tất cả đồ ăn sẽ được xếp vào nhóm carbohydrat, thịt hoặc sản phẩm thay thế cho thịt và chất béo. Trong hệ thống này, 1 khẩu phần carbohydrat (ví dụ, một quả táo nhỏ) có thể được thay thế bằng bất cứ môt khẩu phần carbohydrat nào (ví dụ, 1/3 chén pasta) bởi vì cả 2 đều chứa khoảng 15g carbohydrat. Bạn có thể dễ dàng xác định được lượng carbohydrat có trong đồ ăn bằng việc sử dụng Hệ thống Trao đổi.
Hệ thống Trao đổi cũng liệt kê những đồ ăn là nguồn cung cấp chất xơ, và những đồ ăn có hàm lượng natri cao. Chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn xác định số khẩu phần ăn bạn cần ăn ở mỗi nhóm trong mỗi bữa ăn và lượng carbohydrat có trong mỗi bữa.
Liệu pháp insulin tích cực
Những bệnh nhân phải tiêm nhiều mũi insulin tác dụng nhanh trong ngày có thể điều chỉnh liều của mũi insulin tiêm trước bữa ăn dựa trên lượng carbohydrat dự định ăn và đường huyết trước khi ăn. Điều này cần tính toán một chút.
Liều insulin tiêm trước bữa ăn được tính bằng cách chia lượng carbohydrat dự định ăn bởi lượng carbohydrat có thể tiêu hóa bởi 1 đơn vị liều insulin (tỷ số chuyển đổi insulin-carbohydrat). Liều insulin sau đó sẽ được chỉnh dựa trên đường huyết trước khi ăn như sau:
- Tỷ số chuyển đổi insulin-carbohydrat: Tỷ số này được xác định bởi chuyên gia đinh dưỡng hoặc chuyên gia ĐTĐ. Nó cho phép bệnh nhân có thể tính nhanh liều insulin tác dụng nhanh cần tiêm để tiêu hóa hết 1 bữa ăn.
Ví dụ, nếu tỷ số là 1-10, bệnh nhân cần tiêm 1 đơn vị insulin để tiêu hóa hết 10g carbohydrat ăn vào. Nếu bữa ăn của bệnh nhân có 70g carbohydrat, liều insulin cần phải tiêm là 7 đơn vị.
- Hệ số hiệu chỉnh: Liều insulin trước khi ăn có thể được điều chỉnh dựa trên đường huyết trước khi ăn bởi hệ số hiểu chỉnh. Hệ số hiệu chỉnh được xác định bởi chuyên gia dinh dưỡng hoặc chuyên gia về ĐTĐ.
Ví dụ, hệ số hiệu chỉnh được xác định là 30. Đường huyết trước khi ăn của bệnh nhân là 240 mg/dL và đường huyết mục tiêu là 120 mg/dL, cần phải giảm 120 mg/dL. Do đó cần phải tiêm thêm 120 / 30 = 4 đơn vị insulin để đưa đường huyết về bình thường.
TÔI NÊN ĂN GÌ
Không có chế độ ăn uống tối ưu dành cho bệnh nhân ĐTĐ. Tỷ lệ carbohydrat, chất béo và protein nên được các thể hóa trên từng bệnh nhân dựa trên tình trạng chuyển hóa của cơ thể (số kg cần giảm, nồng độ lipid, chức năng thận và huyết áp) và khẩu vị của từng người. Mặc dù protein và chất béo không gây ảnh hưởng rõ rệt đến đường huyết, chúng cũng góp phần vào lượng calo hấp thu. Ăn một lượng hợp lý calo hàng ngày giúp duy trì cân nặng cơ thể. Khuyến cáo về lượng calo ăn vào hàng ngày đã được bàn luận ở trên.
Các khuyến cáo chung
Để giúp kiểm soát tốt nồng độ HBA1c, huyết áp và cholesterol, đồng thời khuyến khích lối sống lành mạnh, Hiệp hội ĐTĐ Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo nên giảm lượng calo hấp thu, tăng hoạt động thể lực để giảm cân và kiểm soát tượng carbohydrate ăn vào hàng ngày. Hướng dẫn dinh dưỡng của ADA không đưa ra một mục tiêu dinh dưỡng cụ thể nào trừ những khuyến cáo sau đây:
- Nên ăn một bữa ăn bao gồm carbohydrat từ hoa quả, rau, ngũ cốc, các loại đậu, và sữa ít chất béo.
Không có lượng carbohydrate tối ưu ăn vào hàng ngày. Tuy nhiên kiểm soát lượng carbohydrate ăn vào (bằng phương pháp đếm carbohydrate hoặc ước lượng dựa trên kinh nghiệm bản thân) đóng vai trò quan trọng với bệnh nhân ĐTĐ, do lượng carbohydrate ăn vào có ảnh hưởng trực tiếp đến đường huyết sau bữa trưa, và việc điều chỉnh liều insulin dựa trên lượng carbohydrate đã ăn vào là yếu tố quan trọng nhất giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả.
Thêm vào đó, bên cạnh việc theo dõi tổng lượng carbohydrate, việc dùng chỉ số đường huyết (glycemic index) và tải lượng đường huyết (glycermic load) cũng góp phần giups kiểm soát đường huyết tốt hơn.
- Có thể áp dụng các chế độ ăn khác nhau (ít chất béo, ít carbohydrate, Địa Trung Hải, ăn chay). Việc lựa chọn chế độ ăn dựa trên thói quen ăn uống và khẩu vị của bệnh nhân góp phần cải thiện sự tuân thủ theo chế độ ăn uống.
- Chất lượng chất béo quan trọng hơn số lượng chất béo. Chất béo bão hòa và chất béo dạng trans góp phần gây bệnh mạch vành, trong khi chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa lại giúp bảo vệ tim mạch. Chất béo bão hòa và chất béo dạng trans có trong phomat, thịt đỏ, bơ, magarin và shortening. Có thể thay thế chất béo bão hòa bằng các acid béo không bão hòa đơn và acid béo không bão hòa đa (ví dụ, trong cá, dầu olive, các loại hạt). Nên ăn các chất béo dạng trans càng ít càng tốt. Bệnh nhân ĐTĐ thường có nguy cơ cao gặp các biến cố tim mạch, và việc ăn ít chất béo bão hòa, chất béo dạng trans và cholesterol giúp giảm nồng độ cholesterol và giảm các nguy cơ trên.
- Lượng cholesterol ăn vào hàng ngày nên dưới 300mg. Nguồn cholesterol chủ yếu trong bữa ăn hàng ngày là các loại nội tạng và lòng đỏ trứng. Tôm và mực cũng có lượng cholesterol tương đối cao nhưng vẫn có thể đưa vào bữa ăn hàng ngày do chúng có ít chất béo.
- Vai trò của việc hạn chế ăn protein chưa rõ ràng, đặc biệt là trong vấn đề tuân thủ ở những bệnh nhân đã hạn chế ăn chất béo bão hòa và carbohydrat. Hơn nữa, tác dụng của việc hạn chế ăn protein trong việc giảm nguy cơ tim mạch và bảo vệ chức năng thận so sánh với các biện pháp khác, như là dùng thuốc ức chế men chuyển (ACEI) và kiểm soát chặt chẽ huyết áp và đường huyết, là chưa rõ ràng. Do đó, hạn mức protein ăn vào hàng ngày là tùy thuộc vào từng bệnh nhân. Không khuyến cáo việc giảm lượng protein ăn vào dưới mức protein ăn hàng ngày trên những bệnh nhân mắc bệnh thận do ĐTĐ. Lượng protein ăn vào hàng ngày nên chiếm khoảng 10-25% của tổng lượng calo hấp thu. Bệnh nhân nên được khuyến khích ăn thịt nạc, cá, trứng, đậu, đỗ, sản phẩm từ đậu nành, các loại hạt thay cho thịt đỏ.
- Chế độ ăn nhiều chất xơ (25-30 g/ngày) có thể giúp kiểm soát đường huyết và HBA1c.
- Chế độ ăn ít natri (dưới 2300 mg/ngày) và nhiều hoa quả, rau và ít các sản phẩm từ sữa có chất béo có thể giúp kiểm soát huyết áp. Trên những bệnh nhân ĐTĐ kèm suy tim, có thể cần phải giảm lượng natri ăn vào hơn nữa.
- Các chất tạo ngọt nhân tạo không làm ảnh hưởng đến đường huyết và có thể ăn với một lượng vừa phải. Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) đã kiểm tra và phê duyệt các chất sau: aspartame (Equal, NutraSweet), saccharin (Sweet’N Low, Sweet Twin), acesulfame-K (Sunnet, Sweet One), neotame và sucralose (Splenda). Stevia (tên khác Rebaudiosid hoặc rebiana) có nguồn gốc từ cây stevia và được FDA coi là an toàn và có thể được dùng như là phụ gia thực phẩm hoặc chất tạo ngọt. Khi một chất được FDA cho là an toàn, tức là các chuyên gia đã đồng ý là chất đó an toàn khi dùng với một lượng vừa phải.
Các loại đường có gốc rượu (sorbitol, xylitol, lactilol, mannitol và maltitol) thường được dùng trong các loại kẹo và kẹo cao su ngọt không đường, và có khả năng làm tăng đường huyết nhẹ. Khi tính lượng carbohydrate trong thức ăn, nên cộng thêm ½ lượng đường gốc rượu vào tổng lượng carbohydrate. Ăn quá nhiều đường gốc rượu có thể gây chuột rút, đánh hơi, và tiêu chảy.
- Trước đây, bệnh nhân ĐTĐ được khuyên là nên tránh tất cả các đồ ăn chứa đường. Tuy nhiên hiện nay, có thể ăn đường với lượng vừa phải. Nếu bạn dùng insulin, bạn nên tính liều dựa trên tổng lượng carbohydrat trong đồ ăn, bao gồm cả lượng đường như đã mô tả ở trên.
- Những sản phẩm “không đường” hoặc “không chất béo” chưa chắc đã có lượng calo hay carbohydrate thấp. Đọc kỹ thành phần dinh dưỡng ở trên nhãn và so sánh với các thực phẩm khác mà không phải “không đường” hoặc “không chất béo” để xem loại nào có sự cân bằng tốt nhất giữa kích cỡ khẩu phần và lượng calo, carbohydrate, chất béo và chất xơ. Bất cứ đồ ăn nào có chứa ít hơn 20 calo và 5g carbohydrat (như là soda ăn kiêng, gelatin không đường, kẹo cao su không đường …) không ảnh hưởng đến cân nặng hoặc khiến người ăn phải tăng liều thuốc điều trị ĐTĐ.