Điều trị các rối loạn thần kinh ngoại biên bằng Vitamin B
SVD4. Huỳnh Thị Thảo Uyên – ĐH Y Dược Huế
Hiệu đính: DS. Võ Thị Hà
- Bệnh lý thần kinh ngoại biên là gì?
Bệnh lý thần kinh ngoại biên là sự rối loạn của các dây thần kinh ngoại vi, là kết quả của nhiều nguyên nhân khác nhau như đái tháo đường, nghiện rượu; dẫn đến các triệu chứng như đau, yếu hoặc tê mỏi chân tay và các triệu chứng khác.
- Điều trị rối loạn thần kinh ngoại biên bằng Vitamin B1
Vitamin B được sử dụng phổ biến để điều trị các bệnh lý thần kinh ngoại biên nhưng việc nó có thực sự hiệu quả hay không vẫn chưa được rõ ràng. Tổng quan trên 13 nghiên cứu trên các bệnh nhân mắc các bệnh lý thần kinh ngoại biên do đái tháo đường hay nghiện rượu với tổng số 741 người tham gia, chỉ duy nhất một nghiên cứu trong số đó chỉ ra được lợi ích ngắn hạn có thể có khi điều trị bằng benfotiamin (một dẫn xuất của Vitamin B1) trong vòng 8 tuần với một ít chuyển biến tốt trên ngưỡng cảm nhận rung so với các giả dược.
Theo một nghiên cứu khác, việc sử dụng phức hợp Vitamin B ở liều cao trong 4 tuần cũng cho thấy sự hiệu quả hơn khi dùng ở liều thấp trong giảm đau hay điều trị các triệu chứng lâm sàng khác. Trong khi đó, điều trị bằng Vitamin B trong 2 – 8 tuần lại cho thấy kết quả kém hơn so với alpha‐lipoic acid, cilostazol hay cytidine triphosphate trong các cải thiện lâm sàng ngắn hạn và các kết quả kiểm tra thần kinh. Tuy nhiên, tất cả các kết quả này vẫn cần sự xác nhận từ nhiều các nghiên cứu hơn nữa trước khi chúng được chấp nhận chính thức.
Vitamin B nhìn chung dung nạp khá tốt với chỉ một số ít báo cáo về các tác dụng phụ nhẹ có thể có.
Tóm tắt:
Tổng quan: Vitamin B thường được sử dụng trong điều trị các bệnh lý về thần kinh ngoại biên, nhưng hiệu quả của nó vẫn chưa thực sự rõ ràng
Mục tiêu: Mục tiêu của bài tổng quan (review) này nhằm đánh giá hiệu quả của Vitamin B trong điều trị bệnh lý thần kinh ngoại biên tổng quát
Phương pháp tìm kiếm: Tìm kiếm thông tin từ các nguồn Cochrane Neuromuscular Disease Group Trials Register (tìm kiếm vào tháng 8, 2005), MEDLINE (từ tháng 1/1966 đến tháng 9/2005), EMBASE (1/1980 đến 9/2005), các cơ sở dữ liệu từ Philippine (tìm kiếm vào tháng 9/2005) và danh sách các tài liệu tham khảo. Ngoài ra, chúng tôi còn liên lạc với các nhà sản xuất và các nhà nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực này.
Các tiêu chí lựa chọn: Các thử nghiệm ngẫu nhiên và bán ngẫu nghiên so sánh Vitamin B với các giả dược hoặc các phương pháp trị liệu khác trong điều trị bệnh lý thần kinh ngoại biên tổng quát
Thu thập và phân tích dữ liệu: Hai tác giả độc lập đã đánh giá chất lượng thử nghiệm và đưa ra các kết quả dữ liệu. Chúng tôi đã liên lạc với tác giả của các nghiên cứu này về các thông tin thêm cần thiết.
Các kết quả chính: Dựa trên mười ba nghiên cứu với 741 người tham gia có các bệnh lý thần kinh do đái tháo đường và nghiện rượu. Khi so sánh Vitamin B với giả dược, hai thử nghiệm nhỏ đã cho thấy không có tác dụng ngắn hạn đáng kể trong giảm đau, trong khi một thử nghiệm khác lại cho thấy một vài hiệu quả nhẹ trong cảm nhận độ rung khi sử dụng benfotiamin đường uống (một loại dẫn xuất của thiamin). Với hai thử nghiệm lớn hơn so sánh các liều dùng khác nhau của phức hợp vitamin B, đã có một số bằng chứng cho thấy liều cao sẽ đem lại hiệu quả điều trị ngắn hạn trong giảm đau và cải thiện dị cảm, cải thiện các kết hợp của đau, nhiệt độ, độ rung hay các kết hợp đau, tê liệt và dị cảm. Ngoài ra cũng có các bằng chứng cho thấy vitamin B kém hiệu quả hơn alpha‐lipoic acid, cilostazol hay cytidine triphosphate trong các cải thiện lâm sàng ngắn hạn và các kết quả nghiên cứu về dẫn truyền thần kinh, tuy nhiên đây đều chỉ là các kết quả thu được từ những thử nghiệm nhỏ. Bên cạnh đó, cũng chỉ có một số ít các tác dụng phụ nhẹ được ghi nhận.
Kết luận của tác giả: Các dữ liệu về các thử nghiệm ngẫu nhiên đánh giá độ hiệu quả của Vitamin B trong điều trị bệnh lý thần kinh còn khá hạn chế, và các bằng chứng này cũng không đủ để xác định được liệu Vitamin B có lợi hay có hại. Một thử nghiệm nhỏ trên các bệnh nhân bệnh lý thần kinh ngoại biên do nghiện rượu đã cho thấy một vài chuyển biến tốt hơn so với giả dược trên ngưỡng cảm nhận rung khi điều trị bằng benfotiamine đường uống. Trong một nghiên cứu khác, liều cao phức hợp Vitamin B đường uống trong 4 tuần mang lại hiệu quả tốt hơn so với liều thấp trong điều trị các dấu hiệu và triệu chứng. Vitamin B được sử dụng bằng nhiều đường khác nhau trong 2-8 tuần cho các hiệu quả kém hơn alpha‐lipoic acid, cilostazol hay cytidine triphosphate trong các cải thiện lâm sàng ngắn hạn và kết quả nghiên cứu dẫn truyền thần kinh. Vitamin B nhìn chung được dung nạp khá tốt.
Nguồn: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmedhealth/PMH0012879/