Menu

Điều trị một số vấn đề về tiêu hóa khi mang thai

Lê Thị Duyên, DS. Nguyễn Thị Quỳnh Trang

 

TỔNG QUAN

Các rối loạn đường tiêu hóa là một trong những than phiền thường gặp nhất trong thời kì mang thai. Các rối loạn này chỉ xuất hiện trong thai kỳ ở một số phụ nữ nhưng thậm chí có thể trở thành mạn tính đòi hỏi cần phải cân nhắc đặc biệt trong suốt thời gian mang thai. Nắm được biểu hiện cũng như mức độ phổ biến của các rối loại tiêu hóa sẽ giúp tối ưu hóa việc chăm sóc sức khỏe cho những bệnh nhân này. Bài viết này tập trung vào các triệu chứng đường tiêu hóa phổ biến trong thai kì cũng như các thách thức khi điều trị các rối loạn này.

 

BỆNH TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN (GERD)

Triệu chứng ợ nóng trong bệnh GERD xuất hiện phổ biến ở phụ nữ có thai, ở 45-80% PNMT. Trong đó, 52% PNMT xuất hiện triệu chứng này ở 3 tháng đầu thai kì, 24-40% xuất hiện trong 3 tháng tiếp theo, và 9% xuất hiện ở 3 tháng cuối thai kì.

Các yếu tố cơ học và các yếu tố thuộc về nội tại đường tiêu hóa đều liên quan đến chứng ợ nóng này. Bất thường nhu động thực quản, giảm trương lực cơ vòng thực quản dưới và tăng áp lực ở dạ dày đều góp phần dẫn đến triệu chứng ợ nóng ở thời kỳ mang thai. Sự gia tăng áp lực trong ổ bụng vì tử cung mang thai và sự di chuyển của cơ vòng thực quản dưới cũng là các yếu tố nguy cơ.

Thay đổi lối sống và sử dụng thuốc

Thay đổi lối sống là biện pháp đầu tiên để kiểm soát GERD ở phụ nữ có thai. Thai phụ nên nằm kê cao đầu, tránh cúi thấp hoặc gập người, ăn chia thành các bữa ăn nhỏ trong ngày, cố gắng không ăn (trừ chất lỏng) trong vòng 3h trước khi đi ngủ.

Các thuốc kháng acid, sucralfat an toàn đối với phụ nữ có thai do đặc tính không hấp thu vào tuần hoàn chung. Tuy nhiên, lưu ý rằng thuốc kháng acid có thể gây cản trở hấp thu sắt.

Các thuốc ức chế histamin H2 thường sử dụng nhiều hơn các thuốc ức chế bơm proton (PPIs), vì có nhiều dữ liệu an toàn khi sử dụng ở phụ nữ có thai hơn. Tuy nhiên, một nghiên cứu thuần tập được công bố gần đây đã chỉ ra rằng, sử dụng PPIs trong 3 tháng đầu thời kì mang thai không liên quan đến nguy cơ dị tật bẩm sinh. Cimetidin, rantidin, famotidin có thể được sử dụng đối với phụ nữ có thai (phân loại mức an toàn B theo thang phân loại của FDA) nhưng các thuốc này có thể qua được hàng rào nhau thai. Lansoprazol là thuốc được ưa dùng trong nhóm ức chế bơm proton đối với phụ nữ có thai (nhóm B).

 

SỎI MẬT

PNMT có nguy cơ gia tăng hình thành sỏi mật. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng gây viêm tụy thời kỳ mang thai. Cắt túi mật là phẫu thuật phổ biến đứng hàng thứ 2 trong phẫu thuật cấp cứu không phải sản khoa trong thai kỳ, sau cắt bỏ ruột thừa.

Cơ chế chính xác của sự hình thành sỏi mật trong thai kỳ chưa rõ ràng, tuy nhiên có 31% phụ nữ xuất hiện tình trạng cặn bùn mật (biliary sludge) trong thời kỳ mang thai, 2% phát triển sỏi mật mới. Các nguy cơ thường hay xảy ra ở 3 tháng giữa, 3 tháng cuối thời kỳ mang thai và thời kỳ hậu sản. Các yếu tố có thể đóng góp đó là tăng bão hòa cholesterol ở mật (lithogenicity), tăng ứ mật và giảm quá trình làm rỗng túi mật.

PNMT bị sỏi mật có biểu hiện đau ở góc phần tư bên phải phía trên hoặc đau vùng thượng vị, sốt, nôn, vàng da, đau ở hạ sườn phải. Điều này gây ra khó khăn trong việc chẩn đoán phân biệt bởi vì những biểu hiện này thường nghĩ đến nguyên nhân do tử cung mở rộng (enlarged uterus) hoặc viêm tụy.

Điều trị bằng thuốc và phẫu thuật

Cơn đau quặn mật nặng có thể điều trị bảo tồn bằng cách bù dịch, thuốc ngủ, kháng sinh, thay đổi khẩu phần ăn. Nội soi mật tụy ngược dòng có thể được sử dụng trong trường hợp viêm đường mật, tắc mật hoặc viêm tụy.

Cắt tuyến mật được chỉ định khi các triệu chứng kéo dài hoặc tái phát, rối loạn dinh dưỡng nghiêm trọng và giảm cân. Phương pháp này chỉ định với tỉ lệ 0,1% các trường hợp xảy ra. Ba tháng giữa thai kì là thời điểm tốt nhất để phẫu thuật.

 

LOÉT DẠ DÀY

Loét dạ dày xảy ra không phổ biến ở phụ nữ mang thai, với tỷ lệ mắc khoảng 0,005%. Tuy nhiên, tỉ lệ này có thể được đánh giá và báo cáo không đúng mức. Loét dạ dày được cho là sẽ cải thiện trong thời kì mang thai do giảm tiết của acid dạ dày. Yếu tố nguy cơ ở phụ nữ mang thai bao gồm: hút thuốc, uống rượu, stress, điều kiện kinh tế, có tiền sử bị loét dạ dày trước đây hoặc viêm dạ dày do Helicobacter pylori. Các thuốc NSAID không phải là yếu tố nguy cơ phổ biến gây Loét dạ dày ở PNMT.

Triệu chứng lâm sàng của loét dạ dày ở PNMT giống với người không mang thai. Triệu chứng xuất hiện thường là khó tiêu, đau vùng thượng vị, nôn, ợ nóng. Chảy máu hoặc thủng đường tiêu hóa là biến chứng hiếm gặp. Loét dạ dày không làm tăng nguy cơ tử vong mẹ hay sảy thai.

Sử dụng thuốc

Các thuốc kháng receptor-H2 (cimetidin, rantidin, famotidin) là lựa chọn đầu tay trong điều trị loét dạ dày. Việc điều trị viêm dạ dày do Helicobacter pylori nên được bắt đầu sau khi kết thúc thời kì mang thai hoặc cho con bú bởi vì một số thuốc được khuyến cáo là chống chỉ định trong thai kì. Lansoprazol được báo cáo là an toàn trong thời kỳ mang thai.

TIÊU CHẢY

Tiêu chảy chiếm tới 34% ở PNMT, nguyên nhân xảy ra giống với những người không mang thai, với các tác nhân gây nhiễm khuẩn phổ biến (Salmonella, Shigella, Campylopacter species; Escherichia coli ; vi sinh vật đơn bào; virus). Ngộ độc thực phẩm, thuốc, hoặc hội chứng ruột kích thích là các nguyên nhân không phổ biến khác. Các đợt cấp của viêm đại tràng cũng có thể xảy ra ở thời kỳ mang thai.

Chẩn đoán và điều trị

Tiến hành các xét nghiệm bao gồm nuôi cấy vi khuẩn, ký sinh trùng, bạch cầu trong phân và xét nghiệm phân đối với nhiễm khuẩn Clostridium dificile. Đối với tiêu chảy kéo dài, soi đại tràng sigma linh hoạt (flexible sigmoidoscopy) có thể được thực hiện vì thủ thuật này an toàn đối với phụ nữ có thai.

Điều trị bảo tồn là phương pháp điều trị chính ở phụ nữ có thai. Chỉ định bù dịch, sử dụng thuốc có thể được sử dụng nếu cần. Thuốc có tác dụng tại chỗ mà không hấp thu vào hệ thống tuần hoàn chung được sử dụng ưu tiên. Bên cạnh có cũng cần điều trị nguyên nhân gây bệnh.

Điều trị tiêu chảy ở bệnh nhân có hội chứng ruột kích thích bao gồm khuyến cáo chế độ ăn nhiều chất xơ và chỉ định các thuốc tăng thể tích phân hay còn gọi là thuốc nhuận tràng tạo khối. Tránh sử dụng thuốc chống trầm cảm. Các thuốc kháng cholinergic, thuốc chống co thắt không được khuyến cáo.

 

Nguồn: Praveen K Roy. Gastrointestinal Disease and Pregnancy. Medscape. January 05 2016. Link

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.