Điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới do E. coli sinh men ESBL
Bài viết: Kelly E. Martin, PharmD, BCPS. “Treatment of ESBL-producing E coli Lower Urinary Tract Infection”. 2013
Nguồn: Pharmacy Times
Dịch thuật: SV. Phạm Ngọc Trâm Anh – Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Hiệu đính: DS. Hoàng Trà Linh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới do E. coli sinh men ESBL
Ca lâm sàng
Bệnh nhân KS, nữ, 43 tuổi có tiền sử đái tháo đường type 2, nhập viện vì tăng đường huyết, kèm than phiền về tiểu khó và tiểu nhiều lần. Ban đầu bệnh nhân được điều trị viêm bàng quang theo kháng sinh kinh nghiệm với sulfamethoxazole-trimethoprim (SMX-TMP). Kết quả cấy nước tiểu phân lập được chủng vi khuẩn Escherichia coli sinh men beta-lactamase phổ rộng (Extended-Spectrum Beta-Lactamase – ESBL), đề kháng với cả SMX-TMP và ciprofloxacin. Bệnh nhân chuẩn bị xuất viện và dược sĩ lâm sàng được tham vấn về các lựa chọn thuốc điều trị.
Trả lời
Sự gia tăng tác nhân E. coli sinh ESBL (ESBL-producing E. coli – ESBL-EC) trong các nhiễm khuẩn đường tiết niệu (Urinary Tract Infections – UTI) cộng đồng là một mối quan tâm lớn vì các chủng vi khuẩn này đề kháng với nhiều thuốc kháng sinh.1-3 Men ESBL có khả năng thủy phân hầu hết các kháng sinh beta-lactam, bao gồm cả cephalosporin thế hệ thứ ba.1 Ngoài ra, ESBL-EC cũng có thể đề kháng với cả SMX-TMP, fluoroquinolon và aminoglycosid.1,4
Nhìn chung, các kháng sinh carbapenem được coi là lựa chọn trong điều trị các nhiễm khuẩn do ESBL-EC.1,5 Không giống như các carbapenem khác, với thời gian bán hủy 4 giờ, ertapenem có thể là một lựa chọn tốt vì chỉ cần dùng một lần trong ngày.4,6 Ertapenem cũng có thể được tiêm bắp thay cho tiêm tĩnh mạch, cho phép sử dụng ở những bệnh nhân không có đường truyền nội mạch. Tuy nhiên, các carbapenem là kháng sinh phổ rất rộng và đắt tiền. Trong điều trị viêm bàng quang do ESBL-EC, các kháng sinh phổ hẹp hơn cũng nên được cân nhắc.
Một số chủng ESBL-EC được phân lập nhạy cảm trên in vitro với piperacillin/tazobactam. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh này vẫn còn gây tranh cãi. Các nghiên cứu mâu thuẫn nhau về hiệu quả lâm sàng trong điều trị các nhiễm khuẩn do ESBL-EC, đặc biệt là những nhiễm khuẩn nặng như nhiễm khuẩn huyết.1,5 Nếu piperacillin/tazobactam được sử dụng để điều trị các nhiễm khuẩn do ESBL-EC, mức liều cao với 4,5 gram mỗi 6 giờ ở bệnh nhân có chức năng thận bình thường thường được khuyến cáo.7
Có ít sự lựa chọn kháng sinh đường uống trong điều trị viêm bàng quang do ESBL-EC. Fosfomycin là một kháng sinh đường uống có phổ rộng chống lại các tác nhân đa kháng thuốc bao gồm ESBL-EC. Fosfomycin đạt được nồng độ rất cao trong nước tiểu do đó là lựa chọn tốt cho viêm bàng quang, nhưng không nên sử dụng trong viêm bể thận hoặc nhiễm khuẩn huyết do nồng độ trong máu thấp. Mặc dù fosfomycin hiện chỉ được FDA phê duyệt trong điều trị viêm bàng quang không biến chứng ở phụ nữ với liều 3 gram một lần duy nhất, một số nghiên cứu đã cho thấy hiệu quả lâm sàng trong điều trị viêm bàng quang do ESBL-EC khi kéo dài liều 3 gram mỗi 48 đến 72 giờ cho 3 liều.8-10 Một trong những vấn đề chính khi sử dụng fosfomycin là kĩ thuật kháng sinh đồ có thể không thực hiện được ở nhiều cơ sở.
Một lựa chọn đường uống khác có thể được cân nhắc trong điều trị viêm bàng quang do ESBL-EC là nitrofurantoin. Một nghiên cứu chỉ ra tỷ lệ chữa khỏi lâm sàng ở bệnh nhân viêm bàng quang do ESBL-EC là 69%, với tất cả các chủng vi khuẩn phân lập được đề kháng với cả SMX/TMP và ciprofloxacin.11 Nitrofurantoin chỉ nên được sử dụng cho nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới và tránh dùng ở bệnh nhân có độ thanh thải creatinin dưới 60 mL/phút vì chức năng thận giảm dẫn đến giảm lượng thuốc có hoạt tính trong nước tiểu.12 Trong ca lâm sàng của bệnh nhân KS, khi đã có kế hoạch xuất viện, liệu pháp thực tế nhất sẽ là lựa chọn một kháng sinh đường uống, trong trường hợp này sẽ là nitrofurantoin hoặc fosfomycin. Cần theo dõi bệnh nhân để đảm bảo các triệu chứng lâm sàng của viêm bàng quang đã được giải quyết.
Kelly E. Martin, PharmD, BCPS, chuyên gia lâm sàng về các bệnh truyền nhiễm và chương trình quản lí sử dụng kháng sinh tại Trung tâm Y tế Carolinas ở Charlotte, Bắc Carolina.