FDA đưa ra cảnh báo an toàn mới với các thuốc giảm đau opioid
TS.DS. Võ Thị Hà
Nhóm thuốc opioid được sử dụng rất rộng rãi để giảm đau từ mức độ trung bình tới nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân khi mà các thuốc giảm đau khác kém hiệu quả, góp phần không nhỏ cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân nhưng đồng thời sử dụng nhóm thuốc này cũng đem lại những nguy cơ nghiêm trọng như sử dụng nhầm, lạm dụng, gây nghiện, quá liều, thậm chí là tử vong.
FDA cũng yêu cầu thay đổi một số thông tin về tính an toàn của tất cả các chế phẩm opioid kê đơn để đảm bảo kiểm soát các nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình sử dụng. Về độ an toàn của nhóm thuốc này, FDA đặc biệt nhấn mạnh tới khả năng tương tác của opoid với nhiều loại thuốc khác dẫn tới nguy cơ trên tuyến thượng thận và làm giảm nồng độ hormon sinh dục.
Cụ thể, FDA yêu cầu thay đổi nhãn thuốc của tất cả opioid giảm đau để cảnh báo về nguy cơ này như sau:
- Opioid có thể tương tác với các thuốc trầm cảm và thuốc trị đau nửa đầu dẫn tới các phản ứng nghiêm trọng trên TKTW như hội chứng serotonin.
- Sử dụng opioid có thể dẫn tới tình trạng tuyến thượng thận không sản xuất đủ hormon cortisol trong khi cortisol giúp cơ thể chống đỡ với stress.
- Sử dụng opioid dài ngày có thể làm giảm hormon sinh dục và gây ra các triệu chứng giảm ham muốn, liệt dương và vô sinh.
KHUYẾN CÁO CHO NHÂN VIÊN Y TẾ VÀ BỆNH NHÂN:
1. Hội chứng serotonin:
Bệnh nhân dùng opioid cùng với một thuốc tác động lên hệ tiết serotonin cần phải tới gặp bác sỹ ngay nếu thấy xuất hiện một trong các triệu chứng sau: kích động ảo giác, nhịp tim nhanh, sốt, tăng tiết mồ hôi, run lẩy bẩy, rung/lắc cơ, co rút hoặc co cứng cơ, rối loạn điều hòa vận động; và/hoặc buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Triệu chứng có thể bắt đầu sau vài giờ hoặc vào ngày sử dụng opioid cùng với một thuốc làm tăng tác dụng của serotonin trên não và cũng có thể xảy ra muộn hơn, đặc biệt là khi tăng liều.
Nhân viên y tế nên ngừng sử dụng opioid và/hoặc thuốc khác nếu nghi ngờ xảy ra hội chứng serotonin.
Bảng 1. Những thuốc có nguy cơ gây hội chứng serotonin
Cơ chế | Thuốc liên quan |
Tăng hình thành serotonin | Tryptophan |
Tăng giải phóng serotonin | Levodopa |
Cản trở tái hấp thu từ khe synap vào trong tiền synap của tế bào thần kinh | Tramadol
Pentazocine Ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc: citalopram, escitalopram, fluoxetine, fluvoxamine, paroxetine, sertraline Ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine: desvenlafaxine, duloxetine, milnacipran, venlafaxine. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: amitryline, amoxapine, clomiprame, desipramine, doxepin, imipramine, maprotiline… Metoclopramide Valproate, Carbamazepine, Dextromethorphan |
Ức chế chuyển hóa serotonin | Ức chế monoamine oxidase (MAOI): phenelzine, linezolid, selegiline, methylene blue… |
Đồng vận serotonin trực tiếp | Buspirone
Nhóm triptan: sumatriptan, rizatriptan… Nhóm dẫn chất nấm cựa gà: ergotamine, methylergonovine Fentanyl |
Tăng nhạy cảm receptor hậu synap | Lithium |
2. Thiếu hụt hormon tuyến thượng thận:
Bệnh nhân nên tới gặp bác sỹ khi có triệu chứng thiếu hụt hocmon tuyến thượng thận như buồn nôn, nôn, ăn kém ngon, mệt mỏi, yếu cơ, chóng mặt, tụt huyết áp….
Nhân viên y tế nên cho bệnh nhân xét nghiệm hormon tuyến thượng thận. Nếu có xảy ra thiếu hụt hormon, nên cai opioid và bổ sung thêm corticosteroid nếu cần thiết. Nếu ngừng sử dụng opioid cần liên tục đánh giá chức năng tuyến thượng thận để quyết định thời điểm ngừng corticosteroid cho phù hợp
3. Giảm nồng độ hormon sinh dục:
Bệnh nhân nên thông báo với bác sỹ nếu thấy giảm khả năng tình dục, bất lực, rối loạn cương dương, mất kinh, hoặc vô sinh.
Nhân viên y tế cần tiến hành thăm khám và làm xét nghiệm chuyên khoa cho những bệnh nhân này.
Tài liệu tham khảo: Trung tâm DI&ADR quốc gia.