Hệ thống đánh giá năng lực dược sĩ
SVD. Tăng Vân Hải, Phan Dương Liên Phương – Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch
Ngày nay, vai trò của dược sĩ đã được thay đổi từ nhà hóa học điều chế, phân phối thuốc thành một trong những nhà quản lý việc trị liệu và vai trò của DS mở rộng từ tiền lâm sàng sang lâm sàng, bao gồm sản xuất, kiểm soát chất lượng, điều trị bằng thuốc, pha chế thuốc sang giáo dục bệnh nhân, tư vấn bệnh nhân, quản trị bệnh viện / nhà thuốc và các dịch vụ cộng đồng.
Để trở thành thành viên của nhóm chăm sóc sức khỏe hiệu quả, người dược sĩ cần có kỹ năng và thái độ cho phép DS đảm nhận nhiều chức năng khác nhau. Khái niệm về dược sĩ bảy sao đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giới thiệu vào tháng 3 năm 2014 và đề cập đến các vai trò sau: chăm sóc bệnh nhân, ra quyết định, giao tiếp, quản lý, đào tạo, lãnh đạo và học tập suốt đời.
A. TIÊU CHUẨN NĂNG LỰC CỦA TỔ CHỨC Y TẾ THẾ GIỚI
1. Chăm sóc bệnh nhân
Dược sĩ phải luôn cung cấp dịch vụ tốt nhất nhằm tối ưu hoá kết quả điều trị của bệnh nhân, đồng thời biết phối hợp với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và chuyên gia y tế khác.
2. Ra quyết định
Ngoài kiến thức trị liệu toàn diện, kỹ năng phán đoán và đưa ra quyết định là điều cần thiết để trở thành người dược sĩ lâm sàng có năng lực.
Dược sĩ lâm sàng phải có khả năng xác định các vấn đề của bệnh nhân, thực hiện và quản lý dược trị liệu, phân phối và quản lý thuốc, tư vấn cho bệnh nhân, theo dõi quá trinh điều trị bằng thuốc và tham khảo ý kiến của các chuyên gia sức khoẻ khác để cải thiện kết quả của bệnh nhân. Phải ưu tiên lợi ích của bệnh nhân, sử dụng nguồn lực phù hợp, an toàn và hiệu quả về chi phí. Dược sĩ cũng phải tham gia trong việc thiết lập chính sách thuốc cả ở cấp địa phương và quốc gia. Do đó, dược sĩ phải có khả năng đánh giá, tổng hợp dữ liệu, thông tin và đưa ra quyết định một cách chính xác nhất.
3. Truyền đạt, kết nối
Dược sĩ chính là người liên kết giữa bác sĩ và bệnh nhân hoặc với những chuyên gia y khoa khác. DS cần có những kiến thức cập nhật mới nhất về thuốc hay những loại dược chất có trong thuốc khi trao đổi với với chuyên gia hoặc những người trong ngành. Khả năng giao tiếp tốt đối với người dược sĩ là vô cùng quan trọng, vì nó có thể giúp DS cung cấp một dịch vụ cao cấp cho bệnh nhân bằng cách xác định rõ vấn đề bệnh nhân đang gặp và tìm ra giải pháp giúp bệnh nhân cải thiện và nâng cao đời sống sức khỏe. Ngoài ra, nó còn có thể giúp thiết lập một mối quan hệ tốt với bệnh nhân và dễ dàng có thể đáp ứng những yêu cầu của bệnh nhân.
4. Quản lí
Dược sĩ cần có trách nhiệm quản lý thông tin nhãn thuốc, đảm bảo chất lượng dược phẩm và duy trì năng lực lâm sàng và chức năng trong các hoạt động chăm sóc bệnh nhân. Xây dựng và duy trì triển khai các chính sách và quy định của các đơn vị, mục tiêu, các chương trình nâng cao chất lượng, an toàn và các tiêu chuẩn kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện.
5. Học tập suốt đời
Không thể nào làm ra một loại thuốc hoàn chỉnh ở một viện nghiên cứu hiện đại mà không có kinh nghiệm cùng với tâm huyết muốn theo đuổi sự nghiệp dược sĩ đến suốt đời. Vì vậy cần nghiêm túc học hỏi ngay từ khi còn là sinh viên và có ý thức cập nhật thông tin y khoa mới nhất để nâng cao kiến thức chuyên môn và kỹ năng lâm sàng. Dược sĩ phải cung cấp dịch vụ chăm sóc dựa trên việc lấy bệnh nhân làm trung tâm; biết phối hợp với các chuyên khoa chăm sóc sức khoẻ khác, thực hành y học dựa trên bằng chứng và tập trung vào cải tiến chất lượng.
6. Đào tạo
Một trong số những trách nhiệm của dược sĩ đó là hỗ trợ giáo dục, đào tạo và rèn luyện các thế hệ dược sĩ tương lai. Tâm điểm của giảng dạy dược không chỉ là truyền đạt kỹ năng và kiến thức cho người khác; nó đồng thời cũng là một cơ hội cho các chuyên gia để có được kiến thức mới và hoàn thiện các kỹ năng hiện có.
7. Leader (lãnh đạo)
Dược sĩ cũng đóng vai trò lãnh đạo trong hệ thống chăm sóc sức khỏe để đưa ra quyết định, giao tiếp và quản lý hiệu quả. Một nhà lãnh đạo là một người có thể đưa ra ý tưởng, tầm nhìn và thúc đẩy các thành viên khác trong nhóm đạt được mục tiêu đã đề ra.
Dựa trên tiêu chuẩn của WHO, các tổ chức y tế và trường đại học trên thế giới cũng thiết lập những chương trình đào tạo riêng nhằm đảm bảo lực lượng dược sĩ lâm sàng có trình độ và kỹ năng thực hành chuyên nghiệp, phù hợp với các chính sách chăm sóc sức khoẻ địa phương. Sau đây là khung tiêu chuẩn năng lực dược sĩ của một vài quốc gia trên thế giới.
B. MỸ
Mục đích của Hội các trường Dược lâm sàng Hoa Kỳ (American College of Clinical Pharmacy-ACCP) là nâng cao sức khỏe của con người bằng cách mở rộng lĩnh vực dược lâm sàng. Để phù hợp với sứ mệnh và các giá trị cốt lõi của việc này, ACCP cam kết đảm bảo rằng các dược sĩ lâm sàng có kiến thức, kỹ năng, thái độ và hành vi cần thiết để cung cấp quản lý thuốc toàn diện trong môi trường chăm sóc bệnh nhân trực tiếp. Các yếu tố này tạo cơ sở cho năng lực cốt lõi của dược sĩ lâm sàng và phản ánh năng lực của các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc bệnh nhân trực tiếp khác. Dược sĩ lâm sàng được kỳ vọng có khả năng trong sáu lĩnh vực thiết yếu: chăm sóc bệnh nhân trực tiếp, kiến thức về dược lý, chăm sóc dựa trên hệ thống và sức khỏe cộng đồng, khả năng giao tiếp, tính chuyên nghiệp và không ngừng phát triển chuyên môn.
C. CHÂU ÂU
Tổ chức Dược sĩ bệnh viện ở Châu Âu (European association of hospital pharmacisrs-EAHP) đã phát triển khung dự thảo của mình thông qua một nhóm lớn gồm các dược sĩ bệnh viện từ khắp châu Âu và đã nỗ lực để đảm bảo rằng hầu hết quy định hiện hành ở các quốc gia khác nhau đều được liệt kê.
Khung dự thảo này đã được xem xét thông qua Tham vấn Delphi trong đó có sự tham gia của một nhóm các bên liên quan bao gồm dược sĩ bệnh viện, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác, bệnh nhân / đại diện của tổ chức dành cho bệnh nhân và các cơ quan quản lý.
D. ÚC
Kiến thức và kỹ năng thực hành chuyên nghiệp của DS cần được thay đổi và phát triển liên tục để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân. Do đó, khung tiêu chuẩn năng lực dành cho DS ở Úc rất linh động và được đánh giá định kỳ, bắt đầu từ năm 2014. Dưới sự bảo trợ của Ủy ban phát triển hành nghề Dược (Pharmacy Practitioner Development Committee-PPDC), các tiêu chuẩn của Khung thực hành dược nâng cao Úc (tháng 10 năm 2012) đã được tích hợp vào Khung tiêu chuẩn năng lực quốc gia năm 2016. Khác với những khung tiêu chuẩn năng lực trước đó, khung 2016 hình thành một hệ thống các tiêu chuẩn áp dụng chung cho tất cả dược sĩ bất kể phạm vi hay lĩnh vực hành nghề của họ.
Bao gồm các tiêu chuẩn:
CHUYÊN NGHIỆP VÀ ĐẠO ĐỨC | |
1.1 | Nâng cao tính chuyên nghiệp trong thực hành |
1.2 | Chú ý và nâng cao đạo đức nghề nghiệp. |
1.3 | Làm việc tuân thủ đúng các trình tự pháp lí và không vi phạm pháp luật. |
1.4 | Duy trì và phát triển năng lực chuyên môn. |
1.5 | Áp dụng kiến thức chuyên môn trong thực hành |
1.6 | Góp phần cải thiện chất lượng và an toàn dược phẩm |
KẾT NỐI VÀ HỢP TÁC | |
2.1 | Tôn trọng cá tính cá nhân và sự đa dạng về văn hóa của bệnh nhân cũng các khách hàng khác. |
2.2 | Hợp tác với các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ khác |
2.3 | Giao tiếp hiệu quả |
2.5 | Áp dụng kĩ năng giao tiếp để giải quyết các vấn đề. |
QUẢN LÝ DƯỢC PHẨM VÀ CHĂM SÓC BỆNH NHÂN | |
3.1 | Phát triển theo phương pháp lấy bệnh nhân làm trung tâm. |
3.2 | Thực hiện chiến lược hoặc kế hoạch quản lý thuốc |
3.3 | Theo dõi và đánh giá quản lý thuốc |
3.4 | Tổng hợp thuốc |
3.5 | Hỗ trợ sử dụng thuốc chất lượng cao |
3.6 | Tăng cường sức khoẻ bệnh nhân |
QUẢN LÝ VÀ LÃNH ĐẠO | |
4.1 | Thể hiện khả năng lãnh đạo cá nhân |
4.2 | Duy trì năng suất, giám sát tiến độ và các vấn đề ưu tiên |
4.3 | Thể hiện khả năng lãnh đạo trong thực hành |
4.4 | Tham gia tổ chức việc lập kế hoạch và đánh giá |
4.5 | Lập kế hoạch, quản lý tài nguyên và tài chính |
4.6 | Lập kế hoạch, quản lý và phát triển nguồn nhân lực |
4.7 | Tham gia quản lý tổ chức |
ĐÀO TẠO VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC | |
5.1 | Giáo dục và đào tạo thế hệ DS trẻ |
5.2 | Tham gia nghiên cứu khoa học |
5.3 | Nghiên cứu, tổng hợp và tích hợp bằng chứng y học vào thực hành |
E. SINGAPORE
Bộ Y tế đã và đang nghiên cứu các sáng kiến để hỗ trợ sự phát triển của dược sĩ từ đầu vào đến cấp độ nâng cao. Năm 2010, các tiêu chuẩn năng lực dành cho thực hành dược lâm sàng ra đời.
Các tiêu chuẩn mô tả mức độ năng lực cần thiết cho dược sĩ để áp dụng trong thực hành, xác định nhu cầu phát triển chuyên môn và có được năng lực mới để tiến hành thực hành một cách có hệ thống.
1 | THỰC HÀNH CHUYÊN MÔN CHUYÊN NGHIỆP |
1.1 | Thể hiện kỹ năng và kiến thức chuyên môn |
1.2 | Có trách nhiệm chăm sóc bệnh nhân, cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp |
1.3 | Thể hiện khả năng lý luận và phán đoán bao gồm kỹ năng phân tích, phán đoán, giao tiếp và đánh giá vấn đề. |
1.4 | Tự quản lý |
2 | XÂY DỰNG MỐI QUAN HỆ HỢP TÁC |
2.1 | Khả năng giao tiếp hiệu quả |
2.2 | Khả năng làm việc nhóm, biết phối hợp với các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ và tư vấn khác |
3 | LÃNH ĐẠO |
3.1 | Có tầm nhìn |
3.2 | Lập chiến lược hoạt động |
3.3 | Đổi mới |
3.4 | Thúc đẩy, tạo động lực cho bản thân và người khác |
4 | QUẢN LÝ |
4.1 | Thực hiện các vấn đề ưu tiên của tổ chức y tế |
4.2 | Tối ưu hoá việc sử dụng tài nguyên |
4.3 | Thiết lập tiêu chuẩn thực hành |
4.4 | Quản lý rủi ro |
4.5 | Quản lý hiệu suất công việc |
4.6 | Quản lý dự án |
4.7 | Quản lý những thay đổi |
5 | GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN |
5.1 | Gương mẫu, tiêu biểu |
5.2 | Kỹ năng cố vấn |
5.3 | Thực hiện giáo dục và đào tạo |
6 | NGHIÊN CỨU VÀ ĐÁNH GIÁ |
6.1 | Tư duy phản biện khi đánh giá tài liệu, phân tích những thiếu hụt trong chứng cứ |
6.2 | Phát triển và đánh giá các đề tài nghiên cứu |
6.3 | Phân tích, gỉải thích và truyền đạt kết quả nghiên cứu |
6.4 | Hướng dẫn người khác thực hiện nghiên cứu |
6.5 | Thiết lập mối quan hệ đối tác nghiên cứu |
Kết luận:
Từ lâu trên thế giới đã tồn tại nhiều hệ thống đánh giá năng lực dược sĩ khác nhau. Tuy nhiên tất cả đều hướng tới mục đích chung nhằm chuẩn bị một lực lượng có khả năng đáp ứng các nhu cầu sức khoẻ cho người bệnh, Vì vậy có một sự tương đồng trong hệ thống giáo dục của Mỹ, Châu Âu, Úc và Singapore. Các yếu tố như chăm sóc bệnh nhân trực tiếp, giao tiếp hiệu quả, khả năng phán đoán,… xuất hiện trong tất cả các khung học tập giáo dục của các nước cũng như tiêu chuẩn dược sĩ 7 sao của Tổ chức Y tế thế giới WHO. Người dược sĩ phải luôn phấn đấu, học hỏi và có ý chí cầu tiến trong công việc. Một dược sĩ giỏi không chỉ đơn giản là thuần thục về mặt kĩ năng hay chuyên môn mà cần có một thái độ làm việc tích cực và chuyên nghiệp.
Tài liệu tham khảo:
- Sam Aaseer Thamby, Parasuraman Subramani (2014). Seven-star pharmacist concept by World Health Organization.Journal of young pharmacists vol 6, issue 2. Link: https://www.jyoungpharm.org/sites/default/files/10.5530_jyp.2014.2.1.pdf
- Australian Association of Consultant Pharmacy et al (2016).
National competency standards framework for pharmacists in Australia. Link:
- American College of Clinical Pharmacy (2008)
Clinical Pharmacist Competencies. Link: https://bit.ly/2T8u3Jo
- Ministry of Health – Singapore (2017).
Competency
standards for pharmacists in advanced practice. Link:
http://www.healthprofessionals.gov.sg/docs/librariesprovider3/forms-publications/competency-standards-for-pharmacists-in-advanced-practice-2017-(web-version).pdf
- The European Association of Hospital Pharmacists (2017).
CTF EAHP Competency Framework. Link: https://bit.ly/2ElOXN7