Menu

Hội chứng cai thuốc của miếng dán scopolamine

Người dịch: SV. Đoàn Thị Hoài Phương – Trường Đại học Y Dược Huế.

Hiệu đính: DS. Lê Thị Quỳnh

Nguồn: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3971103/

 

Miếng dán scopolamine, biệt dược Transderm Scop, của Công ty Novartis và tiếp thị bởi Baxter Healthcare, được chỉ định trong chống nôn sau phẫu thuậtchống nôn do say tàu xe. Mỗi miếng dán chứa 1,5 mg scopolamine được thiết kế để giải phóng 1mg dược chất qua da trong 3 ngày thông qua lớp màng kiểm soát tốc độ giải phóng. Đối với dự phòng và điều trị nôn sau phẫu thuật, miếng dán được dùng trong 24 giờ. Và để kiểm soát tình trạng say tàu xe, phải thay đổi miếng dán mỗi 72 giờ và lấy ra khỏi da sau khi tình trạng say tàu xe đã qua. Hội chứng cai thuốc của miếng dán Scopolamine chưa được công nhận và chưa được đánh giá đúng mức. Có rất ít thông tin về tác dụng phụ liên quan đến việc ngừng scopolamine. Scopolamine thường được cho là thuốc hiệu quả nhất để kiểm soát say tàu xe, với tác dụng giảm 75% tình trạng buồn nôn và nôn do di chuyển, một số ý kiến tranh cãi khác lại cho rằng hiệu quả của nó không vượt trội hơn so với các kháng histamin như meclizine. Không khuyến cáo sử dụng miếng dán Scopolamine cho trẻ em hoặc người già vì độc tính. Chúng tôi đã nhận được một số khiếu nại của bệnh nhân về  hội chứng cai thuốc mà họ mắc phải sau khi dung miếng dán scopolamine để kiểm soát tình trạng say tàu xe trong các kỳ nghỉ. Các triệu chứng liên quan được mô tả là rất suy nhược, triệu chứng tương tự như say tàu xe kèm theo đau đầu dữ dội. Hội chứng này ảnh hưởng đến phần lớn bệnh nhân sử dụng miếng dán trong 3 ngày trở lên, mặc dù có ít nhất một trường hợp mắc hội chứng chỉ sau 24 giờ sử dụng miếng dán này. Thông thường, các triệu chứng xuất hiện trong vòng 18 đến 72 giờ sau khi loại bỏ miếng dán và có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Các triệu chứng thường gặp bao gồm buồn nôn, đau đầu và mờ mắt. Những triệu chứng này phù hợp với hiện tượng hồi ứng của hệ cholinergic, bao gồm chóng mặt, buồn nôn, nôn, dị cảm bàn tay và bàn chân, khó chịu, và hạ huyết áp.

Cơ chế

Scopolamine tác động lên hệ thần kinh trung ương (CNS) bằng cách ức chế cạnh tranh dẫn truyền và các vị trí receptor cholinergic từ trung tâm tiền đình đến các trung tâm cao hơn trong hệ TKTW và từ thể lưới đến trung tâm nôn, đây là cơ chế đề xuất của miếng dán scopolamine thấm qua da trong phòng ngừa say tàu xe. Với scopolamine, các vị trí receptor được kích thích theo thời gian và dẫn truyền thần kinh cholinergic được tích lũy, kết quả tạo hiệu ứng ngược khi ngừng scopolamine, gây ra sự kích thích quá mức của trung tâm tiền đình và thể lưới của trung tâm nôn và do đó  gây ra cảm giác say tàu xe. Thử nghiệm trên mô hình động vật cho thấy miếng dán sử dụng càng dài thì hiệu ứng ngược càng nghiêm trọng. Thời gian bán hủy của scopolamin trong cơ thể là khoảng 9 giờ, nhưng tác dụng nhạy cảm ở trung tâm tiền đình có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần .

Nghiên cứu tình huống (Case studies)

Một người đàn ông sử dụng một miếng dán scopolamine để chống say trong chuyến du lịch của mình, miếng dán được dán ngay phía sau tai trái vào 4 giờ trước khi bắt đầu chuyến đi. Sau 2 ngày, miếng dán bị lỏng ra nhưng anh ấy vẫn để miếng dán đến khoảng 5 đến 6 ngày, vì miếng dán vẫn còn dính vào da. Miếng dán đã hoàn toàn rơi ra vào ngày thứ 6. Anh ấy vẫn khỏe mạnh cho đến ngày 10 khi đặt một miếng dán mới khác vì đoán rằng trên đường về nhà tàu sẽ phải đi qua một vùng nước nhấp nhô hơn. Anh ấy đã lấy miếng dán sau khi dán 24 giờ vào đêm trước khi con tàu cập cảng. 48 giờ sau khi lấy miếng dán cuối cùng ra, anh ấy có cảm giác say tàu xe với các triệu chứng buồn nôn và không có khả năng đứng thẳng lâu nhưng không đau đầu. Anh ấy không thể làm việc trong 2 ngày. Anh ấy từ từ phục hồi mà không có bất kỳ sự can thiệp nào sau ngày thứ 3 và hoàn toàn bình phục trong khoảng một tuần.

Một phụ nữ 30 tuổi đã sử dụng miếng dán scopolamine trong 10 ngày cho một kỳ nghỉ. Cô ấy đã trải qua các triệu chứng cai thuốc nghiêm trọng bắt đầu từ 24 giờ sau khi miếng dán được lấy ra và các triệu chứng này đã kéo dài vài ngày. Cô ấy có cảm giác buồn nôn nghiêm trọng và khó chịu dù không di chuyển bằng tàu xe. Nằm nghỉ khiến cô thấy thoải mái hơn, trong khi đứng hay đi bộ làm cô thấy buồn nôn. Sau 3 ngày, cô bắt đầu dùng meclizine 25 mg mỗi 12 giờ và các triệu chứng trên đã thuyên giảm sau 1 ngày.

Một phụ nữ đã được dùng một miếng dán scopolamine để chống nôn sau phẫu thuật trong 4 ngày. Cô ấy bắt đầu bị buồn nôn và chóng mặt đáng kể và mất khả năng hoạt động sau 48 giờ miếng dán được lấy ra. Các triệu chứng hết khi cô dán miếng dán mới và xuất hiện trở lại sau khi cô lấy miếng dán ra. Phải mất 4 tuần để giải quyết các triệu chứng của cô ấy.

Một phụ nữ sử dụng một miếng dán scopolamine cho một hành trình 7 ngày theo chỉ dẫn, miếng dán mới được đổi mỗi 72 giờ. Cô ấy tiếp tục dung miếng dán trong 7 ngày sau khi hành trình kết thúc theo như chỉ dẫn của bác sĩ. 24 giờ sau khi tháo miếng dán, cô bị đau đầu nghiêm trọng, buồn nôn và chóng mặt. Các triệu chứng được giải quyết trong vòng vài giờ sau khi cô dùng miếng dán mới.

Một bác sĩ phẫu thuật nữ đã sử dụng một miếng dán scopolamine trong 5 tuần trong một kỳ nghỉ và 17 giờ sau khi tháo miếng dán cô bị buồn nôn và nôn nghiêm trọng. Sau 2 ngày suy nhược nằm trên giường, cô ấy bắt đầu dùng meclizine liều cao, 50 mg mỗi 6 giờ trong 3 ngày. Cô bắt đầu giảm liều đến 25 mg mỗi 8 giờ trong 3 ngày khác và hoàn toàn ngưng dùng sau 5 ngày mà không có bất kỳ triệu chứng nào khác.

Một người đàn ông đã dùng một miếng dán scopolamine trong 10 ngày cho một kỳ nghỉ du lịch và trong vòng 24 giờ sau khi bỏ miếng dán, anh ta đã trải qua cơn đau đầu nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, và mất phương hướng. 4 ngày đầu tiên đặc biệt suy yếu. Anh ta đã bình phục trở lại trạng thái bình thường sau 9 ngày.

Tỷ lệ mới mắc

Không có dữ liệu sẵn có về tỷ lệ mắc hội chứng cai thuốc miếng dán scopolamine. Baxter Healthcare, công ty tiếp thị của Novartis cho sản phẩm Transderm Scop, cho biết rằng công ty vẫn theo dõi tác dụng phụ này nhưng không thể chia sẻ các trường hợp đó với chúng tôi. Công ty không thể thống kê tỷ lệ mắc bệnh, bởi vì không thể xác định được số lượng người dùng miếng dán scopolamine.

Chúng tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát hồi cứu qua điện thoại tại Bệnh viện Seton Northwest ở Austin, Texas, trên tất cả bệnh nhân đã sử dụng miếng dán scopolamine trong 45 ngày gần đây nhất để đánh giá cả hiệu quả và tác dụng phụ của thuốc. Đã có 25 bệnh nhân sử dụng các miếng dán scopolamine trong suốt thời gian khảo sát đó. Chúng tôi không thể liên lạc với 7 bệnh nhân qua điện thoại nhiều lần; một bệnh nhân đã bị loại trừ vì bệnh dạ dày nghiêm trọng, làm cho việc xác định các tác động của miếng dán trở nên khó khăn. Trong số 17 bệnh nhân còn lại, tất cả đều sử dụng miếng dán để kiểm soát buồn nôn sau phẫu thuật vì những kinh nghiệm khó khăn trước đó. Các miếng dán đã được áp dụng trong 4 đến 72 giờ, với thời gian trung bình là 42 giờ. Tất cả những bệnh nhân này đều cho rằng rằng các miếng dán scopolamine rất hiệu quả và họ không bị buồn nôn hoặc nôn mửa so với những lần phẫu thuật trước đó của họ. Không ai trong số những bệnh nhân này trải qua bất kỳ dấu hiệu nào của hội chứng cai thuốc sau khi ngưng dùng miếng dán.

Điều trị

Meclizine, một dẫn xuất piperazine – chất đối kháng thụ thể H1, có hoạt tính kháng cholinergic và cũng có hiệu quả trong điều trị say tàu xe. Mặc dù cơ chế tác dụng của meclizine vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng, người ta cho rằng meclizine có tác dụng kháng cholinergic trung ương. Thuốc ảnh hưởng lên vùng kích thích receptor hóa học tủy xương và giảm kích thích mê đạo và tiền đình.

Meclizine đã được sử dụng thành công để điều trị hội chứng cai thuốc của miếng dán scopolamine. Phác đồ meclizine được đề nghị để điều trị hội chứng cai thuốc scopolamine là uống liều 50 mg mỗi 6 đến 8 giờ trước hoặc vào lúc khởi phát triệu chứng cai thuốc trong 2 đến 3 ngày, giảm dần dần đến liều 25 mg mỗi 8 giờ và cuối cùng ngưng dùng sau một tuần. Meclizine liều cao có thể có tác dụng an thần đáng kể khác nhau tùy theo từng bệnh nhân. Thận trọng với liều 50 mg.

Ngoài ra, một số bệnh nhân đã được điều trị thành công bằng cách dùng miếng dán scopolamine cuối cùng trong một tuần liên tục không gián đoạn, bổ sung với meclizine 25 mg uống mỗi 8 đến 12 giờ vào ngày thứ 5 và lâu hơn khi cần thiết. Vào 72 giờ cuối, mỗi miếng dán scopolamine vẫn chứa 0,5 mg dược  chất trong miếng dán. Cả Baxter Healthcare và Novartis đều không thể cung cấp dữ liệu dược động học của miếng dán khi sử dụng hơn 72 giờ.

Bàn luận

Các báo cáo trường hợp của hội chứng cai thuốc của miếng dán scopolamine xuất hiện trong tài liệu sớm nhất là năm 1990. Nhiều báo cáo nhỏ lẻ về trường hợp này xuất hiện online, trong khi những trường hợp khác đã được quan sát trong thực tế. Hội chứng này, trong khi suy nhược, là tự giới hạn trong hầu hết các trường hợp. Theo hiểu biết của chúng tôi, mặc dù có một số trường hợp phải đến phòng cấp cứu, không có trường hợp tử vong nào được cho là do hội chứng cai thuốc. Có rất ít khuyến khích để làm sáng tỏ cơ chế, nhưng nó có thể liên quan đến sự tăng cường điều chỉnh của các thụ thể cholinergic trong hệ thống tiền đình hoặc sự giải phóng quá mức của acetylcholine sau khi ngừng dùng miếng dán. Sử dụng miếng dán càng lâu, tỷ lệ xuất hiện triệu chứng cai thuốc càng cao. Trong nghiên cứu của chúng tôi, chúng tôi không nhận thấy triệu chứng cai thuốc nếu miếng dán scopolamine được sử dụng ít hơn 72 giờ; vẫn chưa biết được tỷ lệ mới mắc nếu sử dụng kéo dài. Các nghiên cứu tiếp theo với cỡ mẫu dân số nghiên cứu lớn hơn có thể giúp cải thiện kết quả này. Những bệnh nhân phải sử dụng miếng dán scopolamine trong thời gian dài cần được biết về hội chứng cai thuốc này. Không tìm  thấy báo cáo khoa học về khả năng gây ra hội chứng cai thuốc của meclizine khi được dùng để dự phòng say tàu xe. Meclizine có thể là lựa chọn đầu tay dự phòng say tàu xe cho những bệnh nhân đã từng mắc hội chứng cai thuốc scopolamine trước đây hoặc cho những bệnh nhân cần phòng chống say tàu xe trong thời gian dài. Tuy nhiên, nếu không thích hợp để sử dụng meclizine, các biện pháp quản lý hội chứng cai đã đề cập ở trên có thể giúp ích cho bệnh nhân. Cần có những nghiên cứu thêm về tỷ lệ mới mắc, cơ chế cũng như cách điều trị hội chứng này.

Tài liệu tham khảo

  1. Transderm Scop[package insert] Baxter Healthcare Corporation; August2010
  2. Golding JF, Gresty MA. Motion sickness. Curr Opin Neurol. 2005;18:29–34 [PubMed]
  3. Case studies. www.medhelp.org/posts/ear-nose-throat/scopolamine-withdrawal/show/391762. [Accessed Jan;2008 through Sep;2013 ];
  4. Friedman MJ, Jaffe JH, Sharpless SK. Central nervous system supersensitivity to pilocarpine after withdrawal of scopolamine. J Pharmacol Exp Ther. 1969:167(1):.45–55 [PubMed]
  5. Patel PN, Ezzo DC. Withdrawal symptoms after discontinuation of transdermal scopolamine therapy: Treatment with meclizine. Am J Health Syst Pharm. 2009;66(22):2024–2026 [PubMed]
  6. Meclizine adult monograph Clinical Pharmacology. http://www.clinicalpharmacology-ip.com/Forms/Monograph/monograph.aspx?cpnum=367&sec=monmech&t=0Accessed September15, 2013
  7. Saxena K, Saxena S. Scopolamine withdrawal syndrome. Postgrad Med. 1990;87(1):63–66 [PubMed]

 

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.