Menu

Hướng tới ngày An toàn người bệnh thế giới 17/09/2022 với chủ đề “MEDICATION WITHOUT HARM”

 

Theo tổ chức Y tế thế giới WHO thì sai sót thuốc và thực hành thuốc không an toàn là nguyên nhân dẫn đầu về các sự cố có thể ngăn ngừa được, thiệt hại 42 tỷ USD mỗi năm, các sai sót này xảy ra ở tất cả các khâu trong hệ thống quản lý sử dụng thuốc từ mua sắm, bảo quản, kê đơn, cấp phát, sử dụng, theo dõi… bao gồm cả yếu tố về việc thiếu nhân lực, trang thiết bị đạt chất lượng, môi tường làm việc ; đó là lý do chương trình sử dụng thuốc không gây hại – “Medication without harm” đã được sử dụng là nội dung cho ngày an toàn bệnh nhân thế giới 2022 (17.9.2022 – Work Safety Day 2022) với mục tiêu giảm 50% hậu quả nghiêm trọng và sai sót có thể phòng tránh được trong 5 năm tới trên toàn cầu.

Trọng tâm của chương trình sử dụng thuốc an toàn lần này tập trung vào các vấn đề cốt lõi sau:

  • Bệnh nhân và cộng đồng: là nhóm người có kiến thức về thuốc ít nhất. Họ thường ở vai trò bị động, thường ít được thông tin và ít được khuyến khích cùng hiểu rõ và tham gia vào quá trình sử dụng thuốc của chính mình
  • Thuốc: đặc thù nhận diện thương hiệu và maketing, thường các thuốc thường có tên dễ nhầm lẫn, hình dạng cách thức đóng gói gần giống nhau. Nhầm lẫn các thuốc nhìn giống nhau đọc giống nhau “look alike – sound alike” thường gây ra sai sót.
  • Nhân viên y tế: khâu kê toa, cấp phát, theo dõi, khai thác lịch sử sử dụng thuốc còn nhiều sai sót.
  • Hệ thống kiểm soát về thực hành thuốc: thường phức tạp và kém hiệu quả, thường do chưa được hiểu rõ và thiết kế tốt.

Trong tất cả những nguyên nhân trên thì vấn đề cung cấp kiến thức, giúp nhận biết rõ quyền và nghĩa vụ của bệnh nhân và cộng đồng về an toàn thuốc rất quan trọng. Mỗi nhân viên y tế nên phát huy vai trò nâng cao nhận thức về an toàn thuốc trong cộng đồng. Bài viết này giúp góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng thuốc an toàn.

HƯỚNG DẪN NGƯỜI BỆNH VÀ GIA ĐÌNH SỬ DỤNG THUỐC AN TOÀN

Thông thường, khi bạn sử dụng thuốc tại cơ sở khám chữa bệnh, bạn đã được nhân viên y tế theo dõi, chăm sóc và thực hiện thuốc. Vai trò của bạn trong việc hợp tác, tham gia trong kế hoạch chăm sóc và điều trị là gì?  Khi bạn bắt đầu dùng thuốc tại nhà, làm thế nào để biết việc sử dụng có an toàn hay không?

Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ, dược sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào để thảo luận về liều lượng, tác dụng phụ và cách dùng đúng. Sau đây là các khuyến cáo giúp bạn sử dụng thuốc an toàn:

  1. Luôn dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Khi được bác sĩ kê đơn và uống đúng cách, thuốc có thể giúp bạn trong quá trình điều trị. Bác sĩ sẽ quyết định loại thuốc kê đơn phù hợp cho bạn dựa trên thăm khám, xét nghiệm, chẩn đoán, tiền sử bệnh của bạn. Đồng thời bạn có quyền được thông tin để hiểu và biết thêm thuốc được sử dụng sẽ có tác dụng gì trong cơ thể bạn để giúp cho việc điều trị, hãy hỏi bác sĩ của bạn trong quá trình thăm khám và tư vấn. Khi bạn hiểu được thuốc sẽ sử dụng, việc phối hợp và hợp tác với bác sĩ trong quá trình điều trị sẽ hiệu quả rất nhiều.

 

  1. Thông báo cho nhân viên y tế về tình trạng, lịch sử dị ứng của bạn. Hãy cởi mở với bác sĩ, dược sĩ của bạn về tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng, ngay cả thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng đang sử dụng. Điều này giúp bạn được tư vấn kịp thời để hạn chế các tác dụng bất lợi khi dùng nhiều thuốc với nhau (tương tác thuốc), hoặc bạn cũng có thể đang dùng hai loại thuốc có cùng thành phần, điều này có thể gây hại nếu dùng quá liều.

 

  1. Thông báo ngay với bác sĩ, dược sĩ hoặc điều dưỡng các tác dụng phụ hoặc các dấu hiệu của phản ứng dị ứng hoặc bất kỳ phản ứng nào của cơ thể bạn nếu cảm thấy bất thường, khó chịu trong quá trình sử dụng thuốc.

 

Khi bạn xuất viện có thuốc về nhà hoặc đang sử dụng thuốc tại nhà, ngoài các nguyên tắc trên bạn cần chú ý thêm

 

  1. Đảm bảo rằng bạn đang dùng đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời gian.

Nhiều thuốc hình dạng, tên gọi thường giống nhau, nên dễ gây nhầm lẫn, cần chú ý kiểm tra lại thuốc trên toa thuốc và thuốc thực tế về tên thuốc, hàm lượng để đảm bảo bạn sử dụng đúng loại thuốc bác sĩ kê toa.

 

Đo lường chính xác thuốc bằng ống tiêm, thìa đong hoặc cốc định lượng.

Một số viên thuốc được sản xuất để có tác dụng lâu dài hoặc làm viên tan trong ruột (để bảo vệ dạ dày hoặc không phải phân hủy trong dạ dày) do đó đừng chia nhỏ các viên thuốc (bẻ, nghiền) trừ khi bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn nói rằng nó an toàn.

 

Việc uống thuốc đúng thời gian rất quan trọng để đảm bảo thuốc có tác dụng tốt nhất và ít tác dụng bất lợi nhất (như dùng thuốc trước hay sau ăn, thuốc uống sáng hay tối), căn cứ tác dụng và đặc điểm của thuốc, bác sĩ sẽ cho hướng dẫn trên toa hoặc dược sĩ tư vấn tại nhà thuốc sẽ tư vấn kỹ khi cấp phát, bạn cũng nên chủ động hỏi các thông tin này để đảm bảo quyền được thông tin đầy đủ và sử dụng thuốc đúng cách.

 

  1. Chú ý phải hiểu rõ cách pha thuốc và sử dụng thuốc đúng, nếu chưa rõ phải hỏi kỹ dược sĩ hoặc bác sĩ. Ví dụ cách pha các thuốc hỗn dịch kháng sinh trẻ em, sử dụng các thuốc có dạng bào chế đặc biệt như thuốc xịt định liều (trên thuốc thường có ghi chữ bình xịt định liều, hay metered dose inhaler – MDI), bút tiêm tiểu đường (insulin flexpen…). Các dược sĩ thường chủ động cung cấp hoặc bạn có thể hỏi các tờ hướng dẫn sử dụng, hình minh họa hoặc đường dẫn trên internet tin cậy về cách dùng thuốc này.

 

  1. Không dùng thuốc của người khác hoặc dùng chung thuốc của bạn với người khác.

 

  1. Nếu có thể, hãy sử dụng cùng một nhà thuốc cho tất cả các đơn thuốc của bạn. Người dược sĩ tư vấn tại đó đã có điều kiện hiểu rõ tiền sử sử dụng thuốc của bạn và có thể giải đáp nhanh chóng các thông tin bạn cần.

 

  1. Biết cách bảo quản thuốc đúng.

Bạn cần chú ý chỗ để thuốc. Để phòng ngừa thuốc giảm tác dụng hay chất lượng, tốt nhất là để nơi có nhiệt độ khoảng 20-25℃ với các thuốc có yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ phòng, không nên để ở chỗ quá 30℃, tránh ánh nắng (không để gần cửa sổ), chỗ quá ẩm (như nhà tắm). Tốt nhất là để vào trong hộc tủ phòng ngủ (thuốc nên để trong hộc tủ và dễ tiện lấy ở nơi cất trữ nhưng cũng đảm bảo được tránh trẻ nhỏ có thể nghịch sử dụng). Đôi khi một số người hay để trong nhà bếp để tiện lấy nước và uống trước, sau hay trong bữa ăn, cần chú ý tránh để gần bếp lửa và bồn rửa chén, tránh để trên hay bên cạnh các vật dụng có thể phát nhiệt như nồi cơm, tủ lạnh, vi sóng, lò nướng.

 

Thuốc nên để trong vĩ, hộp bảo quản sẵn có của nó (bao bì gốc). Một số nhà thuốc thường cho ra lọ hũ riêng, hoặc bịch ziplock để dán nhãn, cách dùng… Điều này không sai nếu ta dùng hết theo toa bác sĩ và tốt nhất nên để vào hộc tủ ở nhà.

 

Nếu thuốc được phân ra hộp chia thuốc ghi sáng, trưa, chiều trong tuần để dễ nhớ uống thuốc thì cũng không nên phân quá 1 tuần và cần bảo quản đúng, nên kiểm tra kỹ cách chia thuốc đã đúng chưa tránh chia sẵn bị nhầm lẫn do nhiều thuốc có hình dạng tương tự nhau.

Việc phân thuốc ra nhiều tuần sẵn sẽ rất dễ làm ẩm thuốc và khó đạt điều kiện bảo quản như thuốc chứa trong bao bì gốc.

Cần hỏi kỹ dược sĩ về cách bảo quản thuốc, đặc biệt là các thuốc cần bảo quản lạnh, một số thuốc có thể thay đổi điều kiện bảo quản sau khi dùng (ví dụ nhiều thuốc insulin khi chưa sử dụng cần bảo quản lạnh 2-8oC, khi sử dụng liều đầu tiên rồi thì phải bảo quản ở nhiệt độ phòng…)

 

Thông thường thuốc đa liều (như thuốc siro, thuốc lọ bột kháng sinh cần pha với nước sử dụng trong nhiều ngày…) có hạn dùng chưa mở nắp (expiry date) được in trên hộp thuốc và hạn dùng sau mở nắp (BUD – Beyond-Use Date) thường ngắn hơn, hỏi kỹ dược sĩ hạn dùng sau mở nắp và điều kiện bảo quản thuốc sau khi pha hoặc mở nắp.

 

  1. Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc là thông tin đã được các cơ quan chuyên môn thẩm định và cấp phép, thường ghi đầy đủ cho nhân viên y tế sử dụng đồng thời bạn cũng có thể đọc để hiểu thêm về loại thuốc mình sẽ sử dụng, hãy yêu cầu nhà thuốc cung cấp tờ hướng dẫn sử dụng này cho bạn khi muốn tìm hiểu thêm về thông tin thuốc.

 

  1. Luôn lưu số điện thoại bác sĩ, dược sĩ hoặc cơ sở y tế tin cậy để kịp thời phản ánh tình trạng bất lợi của thuốc và nhận được lời khuyên, tư vấn kịp thời để xử trí khi cần thiết.

 

  1. Khi uống hết toa thuốc, nên tái khám để có sự hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý tiếp tục mua thuốc uống thêm

 

Để tóm gọn dễ nhớ cho nhân viên y tế và đặc biệt là bệnh nhân, tổ chức y tế thế giới cũng đã soạn poster rất ý nghĩa để nhắc nhở, nâng cao ý thức về sử dụng thuốc. Tương tự như “5 thời điểm rửa tay”, khuyến cáo về “5 thời điểm thực hành thuốc an toàn” sau đây rất ý nghĩa cần thực hiện

Thời điểm 1- Khi bắt đầu kê thuốc: tên thuốc là gì và kê thuốc này để làm gì. Những nguy cơ và tác dụng bất lợi có thể xảy ra?

Thời điểm 2- Khi uống thuốc: Khi nào tôi cần sử dụng và liều lượng như thế nào? Tôi cần làm gì nếu gặp tác dụng bất lợi của thuốc?

Thời điểm 3- Khi thêm hay bổ sung thuốc: Tôi thực sự cần thêm thuốc khác hay không? Thuốc bổ sung thêm có tương tác gì với thuốc đang sử dụng?

Thời điểm 4- Xem xét thuốc: Tôi cần uống thuốc trong bao lâu? Tôi có đang uống loại thuốc nào thực sự chưa cần thiết hay không?

Thời điểm 5- Ngưng thuốc: Khi nào tôi nên ngưng thuốc? Nếu tôi ngưng thuốc do tác dụng không mong muốn, tôi phải thông báo ở đâu?

 

Và để tóm tắt bài này, thông điệp cho người bệnh khi sử dụng thuốc là: Trước khi uống thuốc cần biết rõ về thuốc đang uống, kiểm tra liều lượng và thời gian uống thuốc và hỏi nhân viên y tế nếu chưa rõ.

Thông tin tham khảo:

 

Dược sĩ Nguyễn Văn Tiến Đức – Quản lý khoa Dược – Bệnh viện Quốc Tế Mỹ

 

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.