Góc chia sẻ: Khái quát về Dược và Đào tạo Dược tại Vương quốc Anh
DS. Trịnh Thu Hà, BV Portsmouth, Anh
Mỗi năm hơn 2500 dược sĩ được cấp phép hành nghề tại Vương quốc Anh (UK). Phần lớn dược sĩ ở Anh (trên 70%) làm việc trong các nhà thuốc cộng đồng, khoảng 25% làm trong các bệnh viện và một số lượng nhỏ làm việc trong các trường đại học, trong ngành công nghiệp dược phẩm hoặc trong các cơ quan quản lý dược. General Pharmaceutical Council hay GPhC là cơ quan quản lý dược sĩ, kĩ thuật viên dược, các nhà thuốc và các chương trình đào tạo dược ở Anh. Ở Anh, dược sĩ là một nghề được pháp luật bảo vệ, chỉ những người có tên trong danh sách được phép hành nghề của GPhC mới được phép gọi mình là dược sĩ. Điều này cũng đúng với kĩ thuật viên dược (pharmacy technicians). Đây là những người được đào tạo ít nhất 2 năm trong các cơ sở dược (phần lớn là hiệu thuốc cộng đồng và bệnh viện) dưới sự giám sát và giúp đỡ của dược sĩ theo các tiêu chuẩn của GPhC.
Để được chính thức hành nghề dược sĩ, sinh viên phải tốt nghiệp một trong 29 trường dược được công nhận ở vương quốc Anh với tấm bằng MPharm (Master of Pharmacy). Chương trình MPharm thường kéo dài trong 4 năm và bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau của ngành dược. Mỗi trường dược có một chương trình đào tạo khác nhau. Một vài trường hiện tại cũng bắt đầu cung cấp chương trình đào tạo 5 năm với 2 kì thực tập 6 tháng ở những năm cuối. Sinh viên tốt nghiệp các khóa học 5 năm này không cần thực tập 1 năm sau khi tốt nghiệp vì chương trình đã bao gồm thời gian thực tập bắt buộc. Thời gian học trên lớp (lectures and seminars) thường chiếm khoảng 1/3 thời gian đào tạo, thay đổi tùy theo quá trình học (thường nhiều ở những năm đầu và ít dần ở năm cuối) và khác nhau giữa các trường. Việc tự học và tự nghiên cứu cũng được đánh giá cao trong công tác đào tạo dược, thường chiếm ít nhất 50% tổng thời gian đào tạo. Các trường dược ở Anh không phân ngành, sinh viên cùng trường sẽ theo học cùng một chương trình với một số môn học bắt buộc và một số môn tự chọn. Điều này nhằm đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có mặt bằng chung tương đương dù làm ở lĩnh vực nào trong ngành dược.
Tuy chương trình đào tạo khác nhau, các giáo trình đào tạo đều bao gồm 4 mảng chính của dược: hóa dược (medicinal chemistry), dược lý (pharmacology), dược bào chế (drug delivery/pharmaceutics/ microbiology) và thực hành dược (pharmacy practice). Vào những năm cuối, sinh viên cần tham gia một đồ án nghiên cứu khoa học và các đề tài thường được phân loại theo 4 mảng chính này. Chương trình học cũng bao gồm các đợt thực tập trong các bệnh viện, nhà thuốc cộng đồng và các công ty dược phẩm. Sinh viên có cơ hội thực tập ngay từ năm 1. Thời gian thực tập tùy thuộc vào sự sắp xếp của các trường, có thể kéo dài từ 1-2 ngày đến vài tuần. Sinh viên một số trường cũng có cơ hội trao đổi ở các trường dược trong khu vực EU, Mĩ, Úc hay châu Á hay thực tập ở các công ty dược ở nước ngoài. Sự khác biệt về chương trình giảng dạy và thực tập tạo nên sự đa dạng cho việc đào tạo dược ở Anh và cũng mang đến cho sinh viên nhiều lựa chọn.
Sau khi tốt nghiệp, hầu hết sinh viên phải hoàn thành chương trình thực tập 1 năm trong các bệnh viện, nhà thuốc hoặc các công ty thuốc lớn với danh nghĩa dược sĩ thực tập (pre-registration pharmacist). Sinh viên tốt nghiệp các khóa học 5 năm như đã đề cập là trường hợp ngoại lệ. Chương trình thực tập này được quản lí một cách chặt chẽ bởi GPhC. Kết thúc ít nhất 52 tuần thực tập là kì thi lấy chứng chỉ hành nghề (registration exam) và nếu vượt qua và hoàn thành các thủ tục đăng kí, tên họ sẽ có trong danh sách những dược sĩ được hành nghề ở Anh. Với một số nhỏ theo học chương trình dược 5 năm, sinh viên sẽ tham dự kì thi lấy chứng chỉ hành nghề vào năm cuối.
Dược sĩ được đào tạo trong khu vực châu Âu (EEA) có thể hành nghề ở UK nếu bằng cấp và trình độ tiếng Anh được xét duyệt và chấp nhận bởi GPhC. Dược sĩ được đào tạo ngoài khu vực EEA, tuy nhiên, nếu muốn hành nghề ở UK cần phải hoàn thành chương trình đào tạo cho dược sĩ nước ngoài (Overseas pharmacists’ assessment program), ít nhất 52 tuần thực tập và vượt qua kì thì lấy chứng chỉ hành nghề, tất cả đều được quản lí bởi GPhC. Mỗi trường hợp sẽ được GPhC xét duyệt riêng dựa trên bằng cấp và kinh nghiệm làm việc.
Như đã đề cập, một dược sĩ chỉ được phép hành nghề khi có tên trong danh sách dược sĩ của GPhC với số chứng chỉ hành nghề riêng (registration number). Danh sách này có thể được truy cập online trên trang web của GPhC. Danh sách này được cập nhật hàng năm để đảm bảo chỉ có những dược sĩ vẫn đang hành nghề là có tên trong danh sách. Hai tiêu chuẩn quan trọng được nhắc đến nhiều nhất khi hành nghề dược sĩ là FtP (fitness to practice) và CPD (continuing professional development). Mục đích của FtP là để đảm bảo chỉ những dược sĩ phù hợp nhất được hành nghề. FtP bao gồm nhiều nội dung trong đó quan trọng nhất là 7 tiêu chuẩn (7 principles of the Standard Codes of Conduct) đề cập đến những phẩm chất đạo đức, hành vi ứng xử, thái độ làm việc và cả khả năng chuyên môn của dược sĩ khi hành nghề. Vi phạm các tiêu chuẩn này, dược sĩ sẽ phải trả lời thẩm vấn trước hội đồng FtP và nếu nặng có thể bị tước bằng. CPD là một tiêu chuẩn khác để duy trì giấy phép hành nghề. Mục đích của CPD là để đảm bảo các dược sĩ luôn cập nhật thông tin, không ngừng học hỏi và tăng cường trình độ chuyên môn. Nội dung của CPD không bị giới hạn và tùy thuộc vào công việc của mỗi dược sĩ. Từ việc học thêm về liều lượng và cách sử dụng một loại thuốc mới được cấp phép đến làm cách nào để tư vấn, thuyết phục một bệnh nhân tuân thủ điều trị, tất cả đều có thể được ghi lại như một CPD với mục đích nâng cao chất lượng công việc của dược sĩ. Mỗi dược sĩ phải hoàn thành ít nhất 9 CPDs mỗi năm và lưu online trên trang web của GPhC.
Thông tin về đào tạo dược, dược sĩ và kĩ thuật viên dược có thế được tham khảo thêm ở trang web của GPhC http://www.pharmacyregulation.org/. Unistats cũng là một trang web hữu ích để so sánh khóa học dược giữa nhiều trường ở Anh http://unistats.direct.gov.uk/. Thông tin cụ thể về từng chương trình đào tạo có thể tìm thêm trên website các trường đại học.
Cảm ơn TS.DS. Nguyễn Thị Liên Hương, ĐH Dược HN và Ths.DS. Nguyễn Như Hồ, ĐH Y Dược Tp. HCM đã đặt câu hỏi, góp ý.