Menu

Làm thế nào để phòng tránh các sai sót về sử dụng thuốc tại bệnh viện

Dịch: SVD4. Phạm Thị Bích Hiền

Hiệu đính: DS. Nguyễn Thị Thảo – Khoa Dược, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa

Nguồn: https://www.healthleadersmedia.com/clinical-care/how-avoid-medication-errors-hospitals

 

Một bộ hướng dẫn mới đưa ra những giải pháp về việc phòng tránh các sai sót về sử dụng thuốc tại bệnh viện, bao gồm quá trình nhập viện, điều trị và xuất viện.

Hiệp hội Dược sĩ Hoa Kỳ (The American Society of Health-System Pharmacists (ASHP)) đã ban hành các hướng dẫn để ngăn ngừa các sai sót về sử dụng thuốc tại bệnh viện.

Các hướng dẫn này có mục tiêu hướng đến hệ thống y tế tại bệnh viện nhằm giúp cho dược sĩ có những nguyên tắc cơ bản và thực hành tốt nhất để nâng cao hiệu quả điều trị và phòng tránh các sai sót về sử dụng thuốc tại bệnh viện.

Một hướng dẫn viết: “Một số sai sót trong việc sử dụng thuốc đã dẫn đến hậu quả bệnh nghiêm trọng hoặc tử vong. Vì vậy, các sai sót trong sử dụng thuốc không được xem nhẹ và các chiến lược nhằm giảm thiểu những rủi ro cần được xây dựng để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu những tác hại cho bệnh nhân.”

Các hướng dẫn này đưa ra các khuyến cáo thực hành tốt trong 11 giai đoạn và quy trình có thể xảy ra sai sót trong sử dụng thuốc:

  • Lập kế hoạch
  • Lựa chọn và mua sắm
  • Bảo quản thuốc
  • Nhập viện
  • Kê đơn, sao chép và đánh giá
  • Chuẩn bị thuốc
  • Cấp phát thuốc
  • Chỉ định sai như sai bệnh nhân hoặc sai thuốc
  • Giám sát tác dụng phụ của thuốc
  • Xuất viện
  • Đánh giá hệ thống và quy trình để tránh sai sót trong sử dụng thuốc

Sai sót có thể phát sinh tại bất kỳ một trong các khâu của những quy trình trênvà dược sĩ cần được trang bị tốt nhất những kiến thức cần thiết để giải quyết vấn đề. “Dược sĩ bệnh viện có trách nhiệm và chuyên môn để quản lý và tham gia vào các tiểu ban đa ngành để kiểm tra và cải thiện chất lượng y tế tại chỗ.”

Nhiều khuyến cáo lấy bệnh nhân làm trung tâm

Có ít nhất bốn khuyến cáo tập trung vào việc tương tác trực tiếp với bệnh nhân hoặc người chăm sóc bệnh nhân, bao gồm: sử dụng thuốc khi nhập viện, chỉ định thuốc, giám sát sử dụng và xuất viện.

  1. Nhập viện:

Một hướng dẫn viết: “Các lỗi kê đơn thường xảy ra trong quá trình nhập viện vì nhiều lý do, và bệnh nhân dùng nhiều thuốc cùng một lúc cũng có nguy cơ cao gây ra các tác dụng không mong muốn bất lợi (ADE), điều này có thể tính là các sai sót trong kê đơn thuốc.”

Giải pháp để phòng tránh ADE tại thời điểm nhập viện là tìm hiểu tiền sử dùng thuốc và chỉ định thuốc phù hợp.

  1. Chỉ định thuốc

Một hướng dẫn cho rằng: “Các sai sót trong chỉ định thuốc thường gặp bao gồm sai bệnh nhân, sai đường dùng thuốc, sai dạng thuốc, sai thời gian dùng thuốc, sai liều dùng hoặc tỷ lệ và sai thuốc. Ngoài ra còn có các sai sót như thiếu thuốc hoặc quên thuốc.”

Các khuyến cáo đề xuất phương án để tránh các sai sót chỉ định như giám sát tình trạng dị ứng của bệnh nhân, sử dụng hai thông tin để xác định bệnh nhân và trao đổi với bệnh nhân về chỉ định thuốc và tác dụng bất lợi của thuốc.

  1. Theo dõi, giám sát

“Ví dụ về việc thất bại trong theo dõi hiệu quả của thuốc như không kiểm tra mức đường huyết theo lịch trình, và có kiểm tra nhưng không xem kết quả. Lỗi phiên giải không chính xác như kiểm tra nồng độ Glucose máu nhưng không điều chỉnh liều lượng insulin cho phù hợp”.

Để tránh những sai sót giám sát này cần hướng dẫn cho nhân viên y tế cách nhận biết những dấu hiệu về thất bại điều trị thường gặp ở bệnh nhân và xây dựng quy trình xử trí những phản ứng bất lợi của thuốc. Ngoài ra, các bác sĩ lâm sàng nên được huấn luyện về giám sát hiệu quả điều trị của thuốc thông qua các phương pháp như kiểm tra những dấu hiệu sinh tồn, đo điện tâm đồ, và đánh giá kết quả cận lâm sàng. Trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với thuốc nên thay đổi liệu pháp điều trị theo hướng dẫn đã được xây dựng.

  1. Xuất viện

Một hướng dẫn cho rằng: “Sự tham gia của dược sĩ trong việc hướng dẫn bệnh nhân trước khi xuất viện là quan trọng để ngăn ngừa các sai sót tiềm ẩn trong sử dụng thuốc. Tài liệu cho thấy rằng các tác dụng không mong muốn là nguyên nhân chính gây ra các sai sót về thuốc có thể phòng tránh được; những tác dụng không mong muốn xảy ra sau khi xuất viện liên quan đến thuốc nhiều hơn là những nguyên nhân khác.”

Đề xuất để phòng tránh các sai sót về sử dụng thuốc trước và sau khi bệnh nhân xuất viện bao gồm trao đổi về thuốc với bệnh nhân bằng những câu hỏi mở, lắng nghe tích cực để chia sẻ thông tin, giáo dục bệnh nhân tập trung vào các loại thuốc như cách sử dụng insullin và chỉ định cho bệnh nhân đơn thuốc chính xác sau khi xuất viện.

Các hướng dẫn cho rằng hệ thống y tế và các bệnh viện có thể giảm đáng kể các sai sót về thuốc.

“Mặc dù các sai sót về sử dụng thuốc không phải lúc nào cũng có thể ngăn chặn được, tuy nhiên có thể giảm thiểu tác hại thông qua việc xây dựng quy trình chuẩn, giúp cán bộ y tế có sự lựa chọn thuốc hiệu quả và hiểu tại sao lại có sự lựa chọn đó. Nếu như các lỗi hệ thống và các sự lựa chọn được sáng tỏ, chúng ta sẽ có thể tìm ra giải pháp để khắc phục chúng.”

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.