Nalbuphine có thể là lựa chọn điều trị bí tiểu do opioid?
Người dịch: Vũ Mai Anh – ĐH Dược Hà Nội
Hiệu đính: Vũ Tiến Đạt – Công ty cổ phần tập đoàn Merap
Nguồn: https://www.medscape.com/viewarticle/901557
NEW YORK (Reuters Health) – Các tác giả của báo cáo ca cho rằng các nhà lâm sàng nên cân nhắc sử dụng nalbuphine ở bệnh nhân bí tiểu do opioid không đáp ứng với nhóm chẹn α-1 hoặc muốn ngưng đặt ống thông bàng quang.
Nalbuphine là một opioid được phê duyệt bởi FDA Hoa Kỳ cho điều trị đau vừa tới nặng, đau hậu phẫu và đau khi chuyển dạ.
“Nalbuphine khác so với các opioid khác bởi nó giữ được tác dụng giảm đau thông qua hoạt động trên thụ thể ĸ và đảo ngược bí tiểu vì đối vận với thụ thể µ,” TS. Abdisamad Ibrahim của trường Đại học Y Southern Illinois ở Springfield viết cho Reuters Health. “Các nhà lâm sàng nên cân nhắc sử dụng nalbuphine cho bệnh nhân bí tiểu do opioid mà thất bại khi điều trị bảo tồn”.
“Thận trọng đối với những bệnh nhân điều trị opioid dài ngày, vì nalbuphine có thể thúc đẩy hội chứng cai thuốc thông qua các tác dụng đối vận opioid của nó”, ông bổ sung.
Theo báo cáo trực tuyến vào ngày 03/09/2018 trên tờ Annals of Internal Medicince, bệnh nhân là một người đàn ông 59 tuổi với tiền sử xơ gan do rượu, được chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch cửa và ung thư biểu mô tế bào gan. TS. Ibrahim và cộng sự điều trị chứng đau của ông ta bằng hydromorphone, 2 mg tiêm tĩnh mạch mỗi 2 giờ và 4 mg đường uống mỗi 2 giờ bởi vì bệnh gan của ông ta không cho phép sử dụng các thuốc giảm đau khác.
Sau khi bắt đầu điều trị, bệnh nhân này tiến triển bí tiểu không đáp ứng chẹn α-1; cuối cùng, ông ta phải dùng thường xuyên, không liên tục ống thông tiểu. Ống thông khá hữu ích, nhưng bệnh nhân cảm thấy không thuận tiện và từ chối sử dụng ống Foley cố định.
Nhóm đã thử sử dụng nalbuphine tiêm tĩnh mạch 10 mg để thay thế. Bệnh nhân đã bài tiết 850 ml trong 6 giờ đầu tiên từ khi dùng thuốc, và tình trạng đau vẫn được kiểm soát. Ngày tiếp theo, thể tích bàng quang là 77 ml. Không cần sử dụng thêm nalbuphine và bệnh nhân được cho ra khỏi bộ phận chăm sóc đặc biệt ngày kế tiếp.
“Theo hiểu biết của chúng tôi, đây là ca bệnh duy nhất nalbuphine được sử dụng điều trị bí tiểu do opioid”, TS. Ibrahim nói. “Một ca khác đã được báo cáo (theo y văn), có một bệnh nhân hậu phẫu được sử dụng nalbuphine cho kết quả tương tự. (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/12477591).
“Cần phải có các nghiên cứu với cỡ mẫu lớn hơn 2 bệnh nhân để làm nổi bật hơn giá trị của nalbuphine trong đảo ngược bí tiểu do opioid”, ông kết luận
Micheal Weaver, một chuyên gia về nghiện ngập ở trường McGovern Medical tại UTHealth/UT Physicians ở Houston, viết cho Reuters Health, “các tác giả cũng có thể sử dụng các thuốc chủ vận-đối vận opioid hỗn hợp/chủ vận một phần khác như pentazocine, butorphanol, hoặc buprenorphine.”
“Nalbuphine và các thuốc chủ vận-đối vận opioid hỗn hợp/chủ vận một phần khác vẫn có những tác dụng không mong muốn điển hình của nhóm opioid như buồn nôn và an thần mà thay đổi theo liều”, ông bổ sung.
Stephanie Kielb, một chuyên gia phẫu thuật tái tạo vùng chậu và sinh dục ở bệnh viện Northwestern Memorial, Chicago gọi báo cáo ca này là “đầy tranh cãi”
“Báo cáo ca mà được các tác giả trích dẫn là một tình huống khác biệt rõ rệt liên quan đến bí tiểu sau phẫu thuật, thường là đa yếu tố trong bệnh nguyên”, bà viết. “Chắc chắn, cần thêm nhiều nghiên cứu hơn trước khi khuyến nghị sử dụng nalbuphine cho bí tiểu do opiod như một liệu trình thường quy ở bất kỳ quần thể bệnh nhân nào.”
Nguồn báo cáo ca lâm sàng: http://bit.ly/2CfAnYt