Nhiễm H. pylori ở trẻ em
Câu hỏi của người nhà bệnh nhân: “Con trai mình năm nay 5 tuổi , thỉnh thoảng cháu kêu đau bụng . Hôm rồi mình cho đi khám Bs xét nghiệm máu bảo cháu nhiễm H pylori. Như vậy liệu có chính xác không và cách điều trị như nào ? Cảm ơn bạn !”
Dược sĩ trả lời:
Trẻ có bị nhiễm H. pylori (HP): Để biết trẻ có nhiễm vi khuẩn H. pylori hay không, có nhiều xét nghiệm giúp chẩn đoán gồm test bằng hơi thở (bệnh nhân sẽ được yêu cầu thở ra vào dụng cụ thử), nội soi (bệnh nhân sẽ được đưa một ống qua đường miệng vào trong dạ dày), test máu và test phân. Nếu để xét nghiệm lần đầu tiên để chẩn đoán, thì có thể dùng test máu. Test máu dương tính thì rất nhiều khả năng là trẻ đã nhiễm H. pylori.
Trẻ có cần điều trị diệt H. pylori hay không ?
Ở Việt Nam, cứ 3 trẻ thì có 1 trẻ bị nhiễm H. pylori. Tuy nhiên, không phải tất cả những trẻ dương tính với H. pylori đều cần điều trị. Cứ 3 trẻ nhiễm H. pylori thì có 1 trẻ không có triệu chứng gì bất thường. Theo khuyến cáo thì chỉ các đối tượng sau cần điều trị diệt H. pylori gồm:
- Xét nghiệm H. pylori dương tính VÀ loét dạ dày – tá tràng thì việc dùng liệu pháp diệt HP là cần thiết.
- Nếu xét nghiệm sinh thiết HP dương tính nhưng không có loét dạ dày thì việc điều trị diệt HP có thể được cân nhắc. Quyết định điều trị hay không phụ thuộc vào cân nhắc yếu tố nguy cơ/lợi ích của từng BN.
- Ở trẻ mà HP dương tính và có người thân là bố mẹ bị ung thư dạ dày, thì điều trị diệt HP cũng cần.
Với trường hợp của trẻ này, thì HP đã dương tính, tuy nhiên cần đến bác sĩ thăm khám để xem trẻ có bị loét dạ dày – tá tràng hay không. Những biểu hiện lâm sàng của viêm loét dạ dày – tá tràng rất phong phú nhưng lại không mang tính đặc hiệu (tức nó có thể là biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau). Các biểu hiện này bao gồm:
- Đau rát ở bụng giữa xương ức và rốn.
- Buồn nôn và nôn.
- Đau ngực
- Sút cân
- Thường xuyên ợ nóng và nấc cục
- Chán ăn
- Khó nuốt
- Nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu, có thể có màu đỏ tối hoặc đen.
Việc chẩn đoán trẻ có bị loét dạ dày chỉ được khẳng định chắc chắn khi nội soi thấy hình ảnh viêm – loét.
Nếu trẻ là đối tượng cần điều trị diệt HP, thì liệu trình điều trị như thế nào ?
Lựa chọn đầu tay là phối hợp 3 thuốc (PPI + amoxicillin + metronidazol/tinidazole) hoặc (PPI + amoxicillin + clarithromycin) hoặc (muối bismuth + amoxicillin + metronidazol/tinidazole), hoặc liệu pháp chuyển tiếp. Liệu pháp 3 thuốc có thể kéo dài 7-14 ngày phụ thuộc vào chi phí, mức độ tuân thủ, tác dụng có hai của thuốc.
Liệu pháp chuyển tiếp gồm 2 thuốc (PPI + amoxicillin) trong 5 ngày, sau đó dùng tiếp 3 thuốc (PPI + clarithromycin + metronidazol/tinidazole) trong 5 ngày.
Dùng xong liệu trình thuốc thì làm gì tiếp theo ?
Sau khi dùng hết thuốc thì nghỉ ngơi 4-8 tuần thì đi tái khám để bác sĩ làm xét nghiệm xem H pylori đã bị tiêu diệt hết chưa. Lưu ý không tự ý dừng uống thuốc cũng như cũng không tự ý lấy đơn cũ mua thêm thuốc để uống.
Dược sĩ tư vấn Võ Thị Hà
Tài liệu tham khảo:
- http://emedicine.medscape.com/article/929452-treatment
- http://suckhoedoisong.vn/loet-da-day-ta-trang-o-tre-em-thuoc-gi-n75972.html
- http://www.hoanmy.com/cuulong/viem-loet-da-day-ta-trang-do-helicobacter-pylori-o-tre-em