Những sự thật về COVID-19: Thuốc và Điều trị
SVD. Lâm Hồng Châu – ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Cập nhật 29/12/2020
Nguồn: University of Maryland Medical System. 2020. Coronavirus Facts: Medicine and Treatment
Ngay từ những ngày đầu của đại dịch, các bác sĩ và nhóm nghiên cứu không ngừng cải tiến phương pháp điều trị nhằm cải thiện kết quả và giảm số ca tử vong do bệnh coronavirus biến chủng mới (COVID-19).
Một số liệu pháp mới đầy hứa hẹn đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để sử dụng khẩn cấp ở những bệnh nhân có thể được hưởng lợi.
Bệnh nhân không nên dùng bất kỳ loại thuốc nào đang được thử nghiệm trừ khi bác sĩ kê đơn cho mình trong quá trình thử nghiệm lâm sàng.
Các loại vắc-xin phòng ngừa COVID
Tin tốt là Cục Quản lý Dược đã phê duyệt một số vắc xin COVID – hiện để cung cấp cho người dân.
Các liệu pháp và phương pháp điều trị COVID
Các nhà nghiên cứu không ngừng nghiên cứu việc lựa chọn thuốc hoạt động tốt nhất theo từng đối tượng bệnh nhân. Liệu pháp kháng thể đơn dòng, chẳng hạn như bamlanivimab và sự kết hợp của casirivimab / imdevimab, là các thuốc thử nghiệm được chấp thuận sử dụng cho bệnh nhân ngoại trú từ 12 tuổi trở lên, đáp ứng các tiêu chí đặc thù trong việc dùng thuốc. Những tiêu chí này bao gồm bệnh nhân có triệu chứng nhẹ đến trung bình và nguy cơ cao phát triển các triệu chứng nghiêm trọng hoặc cần nhập viện, tuy nhiên không chỉ giới hạn ở đối tượng bệnh nhân này.
Những sự thật về điều trị COVID-19
Mặc dù có rất nhiều thông tin chưa được xác thực về COVID-19 nổi lên, xoay quanh việc xác định loại thuốc nào sẽ điều trị được căn bệnh này, tổ chức đã tổng hợp những sự thật dưới đây và sẽ tiếp tục cập nhật các bằng chứng do bác sĩ và nhà nghiên cứu thu thập về những gì hiệu quả nhất để điều trị COVID-19.
- Nếu bạn bị COVID-19, bạn có thể không cần được chữa trị với bất kỳ loại thuốc nào
Đối với các ca bệnh có triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà, bệnh nhân có thể dùng paracetamol để hạ sốt nếu cảm thấy quá khó chịu, nhưng thuốc này không giúp bệnh thuyên giảm hoặc giảm bớt các triệu chứng về đường hô hấp.
Đã có nghi vấn lo ngại rằng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen (Advil) và naproxen (Aleve) có thể làm cho các triệu chứng COVID-19 trở nên tồi tệ hơn. Mặc dù bằng chứng không rõ ràng nhưng NSAID không mang lại bất kỳ lợi ích nào trong việc phục hồi sau COVID-19 và nên tránh dùng cho đến khi được nghiên cứu thêm. Nếu đang dùng ibuprofen hoặc một NSAID khác vì đau mãn tính hoặc bất kỳ lý do nào khác, bệnh nhân nên được tư vấn với bác sĩ, đặc biệt cần thiết nếu nghi ngờ bản thân nhiễm COVID-19.
Đối với những trường hợp nhẹ, các bác sĩ thường chỉ định nghỉ ngơi tại nhà và uống nhiều nước lọc, nước canh và nước trái cây.
- Bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng và/ hoặc khó thở nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế
Vì các loại thuốc không cần đơn thuốc được khuyến cáo không thể điều trị các triệu chứng về đường hô hấp, do đó, những ai cảm thấy khó thở nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế, thay vì cố gắng tự mua thuốc.
Đối với những trường hợp nghiêm trọng cần nhập viện, bác sĩ sẽ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân, phối hợp các liệu pháp hỗ trợ hô hấp và chống nhiễm trùng tiến triển trong khi hệ thống miễn dịch của bệnh nhân chống lại vi-rút.
Có thể không một phương pháp điều trị nào phù hợp cho tất cả bệnh nhân có triệu chứng hô hấp nghiêm trọng, do đó các bác sĩ tại bệnh viện tập trung hơn hết vào việc giúp bệnh nhân duy trì nhịp thở của mình.
- Thuốc kháng sinh sẽ không tiêu diệt vi-rút, nhưng có thể được sử dụng cho các ca nghiêm trọng do COVID-19.
Vi rút tấn công phổi và ngăn không cho phổi hô hấp một cách triệt để, tạo điều kiện cho nhiễm trùng xảy ra, khiến tình trạng người bệnh trở nên tồi tệ hơn. Bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh không nhằm mục đích chữa khỏi COVID-19 mà chủ yếu ngăn chặn nhiễm trùng do vi khuẩn ở bệnh nhân.
- Rượu, clo hoặc chất khử trùng sẽ không giết được vi rút đã có TRONG cơ thể.
Coronavirus xâm nhập vào cơ thể qua miệng, mắt hoặc mũi, sau đó nhanh chóng lây lan vào các tế bào TRONG cơ thể. Nên khi đã vào bên trong tế bào, nó không thể bị tiêu diệt ngoại trừ phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Để bảo vệ bản thân khỏi vi-rút, hãy sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn để tiêu diệt vi-rút và vi khuẩn trên tay bằng cách rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước.
Chất khử trùng, bao gồm rượu và clo, có thể tiêu diệt các phần tử vi-rút trên bề mặt TRƯỚC KHI chúng có thể lây nhiễm cho bạn. Nhưng thuốc tẩy clo rất độc, vì vậy đừng bao giờ cho vào miệng. Nếu sử dụng thuốc tẩy để khử trùng bề mặt, hãy sử dụng 1 phần thuốc tẩy với 10 phần nước.
- Đã xuất hiện tình trạng thiếu thuốc hít salbutamol cho bệnh nhân đang mắc các bệnh hô hấp khác.
Nếu bạn bị hen suyễn hoặc bất kỳ tình trạng hô hấp mãn tính nào, hãy liên hệ với bác sĩ điều trị ngay bây giờ, ngay cả khi bạn không lên cơn bệnh, để đảm bảo đơn thuốc và liều lượng thuốc hít salbutamol của bạn được cập nhật kịp thời và nhận được tư vấn về hướng xử lý nếu các triệu chứng của bạn xấu đi.
- Một bệnh nhân có các triệu chứng của COVID-19 có thể làm lây lan vi-rút nếu sử dụng máy phun sương đặc trị tại nhà.
Máy phun sương là máy nén khí nhỏ mà bệnh nhân hen suyễn hít vào và thở ra để cung cấp một dạng salbutamol lỏng. Một bệnh nhân COVID-19 hít thở qua máy phun sương có thể phun vi-rút vào không khí. Theo các chuyên gia hen suyễn, vi-rút có thể tồn tại trong không khí của căn phòng đến hai giờ. Điều này có khả năng lây nhiễm cho người khác.
Nếu bạn biết hoặc nghi ngờ mình có thể bị COVID-19 và đang sử dụng máy phun sương tại nhà, hãy nói chuyện với bác sĩ của mình và làm theo hướng dẫn của họ về cách sử dụng an toàn.
- Vacxin Cúm và vacxin Phế cầu khuẩn sẽ không bảo vệ khỏi COVID-19.
Đây là hai loại vacxin được khuyến cáo tiêm chủng thường xuyên, nhưng nếu bạn chưa tiêm, bạn có thể ở nhà trong thời gian xảy ra đại dịch để giữ an toàn. Các biện pháp được thực hiện để ngăn ngừa nhiễm coronavirus cũng sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh cúm. Gọi cho bác sĩ để được tư vấn trước khi đi tiêm bất kỳ loại vắc xin nào.
- Các nhà khoa học đang sử dụng kháng thể của những người đã khỏi bệnh để điều trị cho những người bị bệnh.
Một liệu pháp thử nghiệm mà các bác sĩ đang sử dụng là truyền cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng huyết thanh được sản xuất từ máu của những người đã sống sót sau nhiễm COVID-19. Sau khi một người nào đó bị nhiễm vi rút, họ có kháng thể chống lại vi rút trong máu. Các kháng thể này cũng giúp chống lại vi-rút nếu họ bị phơi nhiễm trở lại, dẫn đến không bị bệnh hoặc bệnh nhẹ.
Đưa huyết thanh từ người người sống sót sau khi nhiễm COVID-19 cho người bị bệnh nặng cho phép các kháng thể này giúp hệ thống miễn dịch của bệnh nhân chống lại chính căn bệnh đó.
Phương pháp điều trị này đã được sử dụng từ đầu những năm 1900 để điều trị bệnh bại liệt, bệnh sởi, quai bị và cúm. Gần đây hơn, nó đã được sử dụng vào năm 2009 cho các bệnh nhân mắc bệnh cúm A H1N1 và vào năm 2013 để điều trị bệnh do vi rút Ebola. Cách làm này có thể hữu ích nhưng tiềm ẩn những tác dụng phụ nghiêm trọng và lợi ích chưa được hiểu rõ.
- Remdesivir là một loại thuốc kháng vi-rút thử nghiệm đang được nghiên cứu nhằm điều trị COVID-19.
Một nghiên cứu báo cáo rằng 36 trong số 53 bệnh nhân (68%) được sử dụng thuốc Remdesivir trong thời gian nhập viện cho thấy sự cải thiện về mặt lâm sàng. Nhà sản xuất đã tài trợ cho nghiên cứu đó, được xuất bản trực tuyến ngày 10 tháng 4 năm 2020, trên Tạp chí Y học New England.
Do thuốc này có nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng (bao gồm suy gan) nên cần được nghiên cứu nhiều hơn.
- Kẽm có thể giúp rút ngắn thời gian bị bệnh nếu bị nhiễm COVID-19.
Kẽm là một thành phần trong nhiều biện pháp chữa cảm lạnh “tự nhiên” và các nghiên cứu chỉ ra rằng kẽm có thể rút ngắn thời gian bị cảm lạnh thông thường. Vi-rút coronavirus chủng mới thuộc nhóm lớn coronavirus bao gồm vi-rút gây cảm lạnh thông thường.
- Không có bằng chứng nào cho thấy tỏi sẽ chống lại coronavirus.
Mặc dù tỏi là một loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe và đã được chứng minh là có một số tác dụng kháng khuẩn, nhưng điều quan trọng là phải đảm bảo bác sĩ của bạn biết liệu bạn có đang dùng thuốc hoặc viên nang tỏi hay không.
Tỏi và các chất làm loãng máu tự nhiên khác được dùng ở dạng viên nén hoặc viên nang có thể làm tăng nguy cơ chảy máu trong quá trình làm thủ thuật y tế nếu bạn cần nhập viện. Các thực phẩm được biết có tác dụng làm loãng máu tương tự bao gồm gừng, bạch quả, chiết xuất hạt nho, nghệ và quế.
- Thường xuyên rửa mũi và xoang bằng nước muối chưa được chứng minh là có thể ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp.
Có rất ít bằng chứng cho thấy thường xuyên rửa mũi và xoang bằng nước muối, hoặc xông mũi, có thể giúp mọi người phục hồi nhanh hơn sau cảm lạnh thông thường. Nhưng vẫn chưa có bằng chứng về bất kỳ tác dụng nào của việc rửa mũi đối với việc phục hồi sau COVID-19.
Nếu bạn sử dụng cách súc miệng như vậy để giảm bớt các triệu chứng về mũi và xoang, hãy đảm bảo mọi thứ được làm sạch kỹ lưỡng để tránh lây truyền coronavirus trong gia đình. Ví dụ: không dùng chung chai xịt nước muối với bất kỳ ai khác. Chỉ sử dụng nước đun sôi để nguội hoặc nước đóng chai để pha dung dịch muối sinh lý nhằm tránh nhiễm trùng vi khuẩn trong xoang dẫn đến tình trạng nguy hiểm.