Phản ứng nhạy cảm với ánh sáng khi sử dụng thuốc
Dịch: Phạm Ngọc Anh Quý – SV Dược 5 Trường ĐH Y Dược Huế.
Hiệu đính: DS.Lê Thị Liên – HV lớp Cao học khóa 21 – Đại học Dược Hà Nội.DS. Võ Thị Hà, ĐH Y Dược Huế
Nguồn: Institue for Safe Medication Practices. Link: https://www.ismp.org/newsletters/ambulatory/archives/200704_2.asp
Một bệnh nhân nữ 34 tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng xuất hiện nhiều nốt ban đỏ và bong tróc da mặt, vai và hai cánh tay sau một ngày ở khu chợ ngoài trời. Cô ấy cho biết rằng đó là vết cháy nắng tồi tệ nhất mà cô từng trải qua. Ba tuần trước đó, cô ấy bắt đầu sử dụng RHEUMATREX (methotrexate) để điều trị viêm khớp dạng thấp và phản ứng dị ứng ở da xuất hiện được cho là phản ứng nhạy cảm với ánh sáng khi sử dụng methotrexate. Cô ấy đã không được khuyến cáo rằng liệu trình điều trị thuốc mới này có thể gây ra những phản ứng nguy hại như vậy. Phản ứng nhạy cảm với ánh sáng khi sử dụng một số thuốc thường xảy ra vào mùa hè, do đó đây là một vấn đề cần được quan tâm.
Phản ứng nhạy cảm với ánh sáng khi sử dụng thuốc được chia thành 2 loại:
Phản ứng ngộ độc ánh sáng: Tia cực tím (UV) hoạt hoá các thuốc nhạy cảm với ánh sáng làm tỏa ra năng lượng gây tổn thương các mô da lân cận, kết quả làm nặng nề thêm tình trạng cháy nắng với biểu hiện bong tróc da. Các yếu tố ảnh hưởng đến cường độ và mức độ của ngộ độc ánh sáng do thuốc bao gồm:
1) Nồng độ, sự hấp thu và dược động học của thuốc. Liều cao của những thuốc thân dầu (như amiodarone được ghi nhận gây ra các phản ứng nhạy cảm với tần suất cao hơn)
2) “Cường độ” của ánh sáng mặt trời (cường độ và vùng quang phổ của ánh sáng mặt trời)
Ngộ độc ánh sáng được đặc trưng bởi sự nổi ban đỏ nhanh chóng, đau, ngứa hay cảm giác nóng rát ở vùng da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, triệu chứng đỉnh điểm sau 12-24 giờ tiếp xúc. Dấu hiệu của phản ứng này là sự xuất hiện vết cháy nắng tại vùng da tiếp xúc mạnh nhất với ánh sáng mặt trời. Những phản ứng này không liên quan đến hệ miễn dịch; vì vậy, sự phơi nhiễm trước đó hay sự nhạy cảm đặc biệt với một thuốc không là điều kiện cần thiết để phản ứng này xảy ra.
Phản ứng dị ứng ánh sáng: Dị ứng ánh sáng khi sử dụng thuốc không phổ biến bằng phản ứng ngộ độc ánh sáng, và đòi hỏi thời gian kéo dài hoặc đã sử dụng các thuốc nhạy cảm ánh sáng trước đó. Theo như tên gọi, loại phản ứng này xảy ra qua cơ chế miễn dịch qua trung gian tế bào. Tia cực tím (UV) phản ứng với thuốc tạo ra một bán kháng nguyên hay còn gọi là hapten. Hapten này kết hợp với một kháng nguyên gây ra đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào với biểu hiện là các phản ứng dị ứng trên da. Phản ứng này đòi hỏi giai đoạn tiếp xúc với thuốc để hình thành trí nhớ miễn dịch kể từ lần đầu sử dụng thuốc. Lần sử dụng thuốc kế tiếp có thể gây nên những phản ứng nhanh hơn rất nhiều. Phản ứng dị ứng ánh sáng thì không phụ thuộc vào liều lượng.
Phản ứng dị ứng ánh sáng được đặc trưng bởi sự nổi mề đay được biết như “phát ban do mặt trời” với triệu chứng eczema như viêm da và ban đỏ. Vùng da tiếp xúc với ánh sáng là vùng có phản ứng dị ứng mạnh hơn. Những vết ban này thường biến mất một cách tự nhiên sau khi ngừng sử dụng thuốc.
Bảng dưới đây là danh sách các thuốc được ghi nhận có thể gây ra phản ứng nhạy cảm ánh sáng:
Amiodarone
Furosemide
Nhóm phenothiazine
Amitriptyline
Griseofulvin
promethazine
Nhóm Barbiturate
Haloperidol
quinidine
Carbamazepine
hydrochlorothiazide
spironolactone
Captopril
Isotrentinoin
Nhóm sulfonamide
Nhóm Corticosteroid
Methotrexate
Nhóm sulfonylurea
Nhóm fluoroquinolone (mức độ thay đổi)
Nhóm NSAID (mức độ thay đổi)
Nhóm tetracycline
Khuyến cáo thực hành an toàn: Quản lý và phòng ngừa nhạy cảm ánh sáng do thuốc bao gồm:
· Đối với những bệnh nhân dành phần lớn thời gian trong ngày ngoài trời, nên sử dụng các liệu pháp điều trị thay thế bằng thuốc khác. Nếu buộc phải dùng thuốc đó với liệu trình ngắn có thể đòi hỏi những giới hạn tạm thời trong sinh hoạt, trong khi liệu pháp kéo dài có thể bắt buộc những thay đổi trong lối sống. Dược sỹ nên hỏi về thói quen hàng ngày của bệnh nhân để từ đó cân nhắc liệu pháp điều trị thay thế phù hợp với bệnh nhân nếu cần.
· Sử dụng chiến lược uống thuốc ban đêm, nếu có thể, cho phép tối đa thuốc hấp thu và phân bố vào ban đêm, vì thế giảm thiểu tối đa sự phơi nhiễm với ánh sáng mặt trời.
· Tư vấn cho bệnh nhân và người thân của bệnh nhân về sự nhạy cảm ánh sáng có thể xảy ra đối với một số thuốc kê đơn hay không kê đơn. Đồng thời đưa ra các giải pháp để tối thiểu nguy cơ của những phản ứng này, chẳng hạn:
o Tránh tiếp xúc trực tiếp với tia UV từ ánh mặt trời như tắm nắng. Đặc biệt tránh ánh nắng từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều, khi bầu khí quyển chỉ hấp thu được ít các tia UV gây hại từ mặt Trời.
o Mặc áo chống nắng khi ra ngoài trời. Nếu có thể, mặc áo với cổ cao và ống tay dài, quần dài hay váy dài, mang tất, giày, mũ vành rộng và kính râm.
o Sử dụng kem chống tia UV-A và UV-B với chỉ số SPF ít nhất là 15.
· Giải thích cho bệnh nhân ý nghĩa của các nhãn mác, kí hiệu trên lọ và hộp thuốc. Tư vấn cho bệnh nhân và/hoặc người thân của bệnh nhân để đảm bảo bệnh nhân hiểu rõ nhãn thuốc và những cảnh báo này. Điều này đặc biệt quan trọng khi cha mẹ là người cho con uống thuốc hay sử dụng thuốc ở người già.
· Tư vấn cho bệnh nhân những việc cần làm khi các phản ứng nhẹ xảy ra. Khuyến cáo các biện pháp khắc phục tại chỗ như chườm mát, dùng thuốc trị ngứa, và sử dụng thuốc corticosteroid. Đối với những phản ứng nặng hơn, cần yêu cầu bệnh nhân đến bác sỹ để được thăm khám.
References
1. Koda-Kimble MA, Young LY, Kradjan WA, etal., eds. Applied Therapeutics: The Clinical Use of Drugs, 8th Edition. “Photosensitivity and Burns” Philadelphia: Lippincott Williams & Wilkins. 2005; 41-1 to 41-11.
2. Moore DE. Drug-induced cutaneous photosensitivity: incidence, mechanism, prevention and management. Drug Saf. 2002;25(5):345-72.
3. Lowe NJ. An overview of ultraviolet radiation, sunscreens, and photo-induced dermatoses. Dermatol Clin. 2006 Jan;24(1):9-17.
4. DeBuys HV, Levy SB, et al. Modern approaches to photoprotection. Dermatol Clin. 2000 Oct;18(4):577-90.
5. Moloney FJ, Collins S, Murphy GM. Sunscreens: safety, efficacy and appropriate use. Am J Clin Dermatol. 2002;3(3):185-91