Menu

Rào cản trong liệu pháp tiêm insulin: Quan điểm của bệnh nhân và người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

DS. Ngô Thị Kim Cúc – ĐH Y Dược Huế 

 

  • Mục tiêu nghiên cứu:

Nhằm so sánh giữa nhận thức của bệnh nhân về các vấn đề liên quan đến việc tiêm insulin với những ước tính của các chuyên gia lâm sàng về các vấn đề này.

  • Phương pháp nghiên cứu:

Thu thập dữ liệu thông qua 2 cuộc điều tra khảo sát trên internet. Một là khảo sát những người lớn tự nhận có sử dụng insulin để điều trị đái tháo đường và cuộc khảo sát thứ hai dành cho những chuyên gia chăm sóc sức khỏe và điều trị cho những bệnh nhân tiêm insulin bao gồm: bác sĩ chăm sóc chính, các nhà nội tiết và các nhà giáo dục về bệnh đái tháo đường.

  • Kết quả:

Đa số các bệnh nhân muốn giảm số lần tiêm mỗi ngày, gần một nửa bệnh nhân được khảo sát nói rằng họ sẽ sử dụng insulin thường xuyên hơn nếu sản phẩm sẵn sàng giúp họ giảm cảm giác đau. Một tỉ lệ ít hơn các bệnh nhân báo cáo về các vấn đề họ gặp phải như: tiêm insulin là một gánh nặng, họ không hài lòng với cách họ dùng insulin, các mũi tiêm làm ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của họ, họ đã bỏ quên một vài mũi tiêm và các vấn đề liên quan đến số lượng mũi tiêm mà họ bằng lòng sử dụng.

Một nửa số bệnh nhân nói rằng họ đã từng đề cập vấn đề liên quan đến việc tiêm insulin với người cung cấp dịch vụ cho họ, tuy nhiên một con số tương tự cũng báo cáo rằng các nhà cung cấp dịch vụ đã không đưa ra các giải pháp liên quan đến tình trạng đau và bầm tím do tiêm thuốc mà họ yêu cầu. Mặc dù, nhận thức về sản phẩm giúp giảm cảm giác đau do tiêm giữa các nhà cung cấp dịch vụ là cao (đặc biệt là các nhà giáo dục về bệnh đái tháo đường), nhưng những thông tin này không được truyền tới bệnh nhân một cách hiệu quả.

  • Kết luận:

Cần khuyến khích bệnh nhân thảo luận về những mối quan tâm liên quan đến việc sử dụng thuốc tiêm insulin, và những nhà cung cấp dịch vụ y tế nên thường xuyên hỏi về các vấn đề liên quan đến việc tiêm thuốc, đồng thời nên cung cấp cho bệnh nhân thông tin về các dụng cụ tiêm, tốt nhất là nên sử dụng dụng cụ có sẵn để minh họa cụ thể, giúp giảm bớt lo lắng cho bệnh nhân khi sử dụng.

Các số liệu thu được từ người tham gia bao gồm:

  • Thông tin cơ bản về bệnh nhân
  • Thông tin về thời gian bị bệnh và thời gian điều trị
  • Đặc điểm thực hành cá nhân
  • Chấp nhận những gánh nặng khi tiêm insulin
  • Ảnh hưởng của việc sử dụng thuốc tiêm đến chất lượng cuộc sống
  • Ảnh hưởng của việc tiêm đến sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân
  • Truyền thông liên quan đến việc tiêm insulin ở bệnh nhân
  • Sự hỗ trợ từ các nhà cung cấp dịch vụ y tế
  • Sự quan tâm và kiến thức về sản phẩm để giảm bớt gánh nặng về việc tiêm cho bệnh nhân.

Các câu trả lời được ghi nhận và mô tả trong các bảng báo cáo.

 

Nguồn tham khảo

Richard R. Rubin, Mark Peyrot, Davida F. Kruger and Luther B. Travis (2009), Barriers to Insulin Injection Therapy: Patient and Health Care Provider Perspectives, The Diabetes Educator, Vol 35, No 6 , pp 1014-1022.

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/19934459

 

 

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.