Menu

Rớt tim khi quan sát tiêm thuốc cho mẹ

Lần đầu tiên biết mình yếu bóng vía thế nào dù là một dược sĩ dược lâm sàng làm trong môi trường y tế. Mẹ bị đau khớp cổ tay, thế là phải vào viện và được bác sĩ chỉ định tiêm thuốc corticoid trực tiếp vào khớp. Mình mua một lọ corticoid và 1 lọ thuốc tê. Nhìn bạn bác sĩ trẻ trực tiếp đeo găng, sát trùng, hút thuốc, hòa tan thuốc, rồi đến cái đoạn gay cấn nhất là chọc kim tiêm vào cổ tay của mẹ mà tim mình thắt lại. Bạn chọc vào thăm dò, rồi tiêm thử, tiêm được chỉ một ít thuốc, có lẽ chưa đúng vị trí, thế là bạn phải dò tìm mũi kim những vị trí khác. Mỗi lần bạn dò tìm là tim mình lại thắt lại, khó chịu. Rồi bỗng mẹ kêu lên một tiếng báo hiệu đau quá. Tim mình lại thắt lại lần nữa. Bạn bác sĩ rút kim ra. Và thử chọc lại một lần khác. Rồi bạn lại chọc dò tìm vị trí thích hợp để tiêm khoảng 5ml dung dịch thuốc. Nhưng lần này mình không thể quan sát được nữa, mình thấy ngạt thở và chóng mặt nên đi ra ngoài ban công. Đầu óc trở nên quay cuồng, còn tim thì cứ ngạt và lơ lửng. Mình thực sự hốt hoảng vì lần đầu tiên trải qua cảm giác choáng như thế. Lúc đó đã tưởng chắc mình chết đến nơi.

Khi ban bác sĩ nói vọng ra là đã tiêm xong rồi. Mình trấn tính đi vào, mặt tái nhợt (chắc thế). Dù việc bạn tiêm thuốc chỉ xảy ra lâu nhất là 5 phút nhưng đối với mình là căng thẳng tột đỉnh, dù chỉ là người chứng kiến. Trong phòng khám lúc đó còn có bác bị hoại tử đen các ngón chân phải, nhìn rất “kinh khủng”.
Là một dược sĩ dược lâm sàng, tiếp xúc với thuốc thì nhiều, cũng tiếp xúc với bệnh nhân thỉnh thoảng. Nhưng trực tiếp chứng kiến những thao tác kĩ thuật tiêm khó như tiêm tủy sống, tiêm thuốc trực tiếp vào khớp thì rất hiếm hoi. Rồi tiếp xúc những bệnh nhân ở tình trạng “kinh khủng” nhất với máu, mủ, hoại tử, áp xe, lở loét, ngạt thở, ngừng tim….thì rất rất hiếm.

Qua ngày hôm nay, tự nhiên sao thấy “thấu cảm” với những vất vả và trách nhiệm của các bác sĩ và điều dưỡng quá. Giá mà một lần được chứng kiến đến rụng tim chỉ một kĩ thuật can thiệp khó của bác sĩ hay một hành động chăm sóc không ngại “bẩn” và “nguy cơ lây nhiễm” của điều dưỡng, thì có lẽ sẽ có nhiều người lên tiếng bảo vệ nhân viên y tế hơn khi họ bị bạo hành hay khi họ vô ý gây ra sai sót và bị “xử phạt”. Làm cái nghề gác cổng “sống-chết” nó đòi hỏi không chỉ đơn thuần là trình độ chuyên môn, mà còn cần bề dày về “triết lý sống”, “đời sống tâm linh vững”, “tâm lý vững” để vượt qua những khó khăn ngày càng chồng chất trong môi trường y tế thay đổi quá chóng mặt như hiện nay.

Hồi lớp 10 đã từng muốn thi y, rồi nghe mẹ dọa là làm bác sĩ “khổ” lắm, tiếp xúc với máu me thường xuyên. Rồi lỡ phẫu thuật xong quên con dao, cái kéo trong bụng bệnh nhân là “treo nghề” và “ngồi tù” như chơi. Thế là trong một buổi chiều, đã đồng ý với mẹ ngay là sẽ thi khối A vào nghề dược chứ không thi khối B vào Y nữa. Giờ mới thấy cảm ơn mẹ rất nhiều vì lời khuyên. Vì mình có lẽ quá yếu bóng vía để mà chọn nghề bác sĩ, mình chỉ có thể là cô dược sĩ dược lâm sàng mơ mộng mà thôi.

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.