Sốc phản vệ do Oxaliplatin trong ung thư đại trực tràng di căn
Nguồn: Jui-Ho Wang, Tai-Ming King, Min-Chi Chang, and Chao-Wen Hsu. Oxaliplatin-induced severe anaphylactic reactions in metastatic colorectal cancer: Case series analysis. World J Gastroenterol. 2012 Oct 14; 18(38): 5427–5433. Link
Người dịch: SVD4. Nguyễn Bảo Trâm – Trường ĐH Y Dược Huế
TÓM TẮT
Mục tiêu: Điều tra về tình hình sốc phản vệ nghiêm trọng (severe anaphylactic reactions: SAR) gây ra bởi oxaliplatin ở bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn thông qua phân tích các ca bệnh trước đó và tiến hành tổng quan tài liệu một cách hệ thống.
Phương pháp nghiên cứu: Tiến hành nghiên cứu hồi cứu 412 bệnh nhân tại bệnh viện Kaohsiung Veterans General Hospital điều trị với các phác đồ hóa trị liệu liên quan đến oxaliplatin trong thời gian 6 năm từ năm 2006-2011. Và tổng hợp các nghiên cứu bằng tiếng anh liên quan đến sốc phản vệ đe dọa tính mạng sau khi sử dụng oxaliplatin thông qua công cụ tìm kiếm trên Pubmed và MEDLINE®
Kết quả: 8/412 bệnh nhân (1.9%) được xác nhận có xảy ra sốc phản vệ (SAR), trong đó 7 bệnh nhân được cứu sống mà không để lại di chứng và 1 bệnh nhân tử vong. Chúng tôi tiến hành thay đổi phác đồ hóa trị liệu cho 5 bệnh nhân và sử dụng lại oxaliplatin cho một bệnh nhân. Có 3 nghiên cứu liên quan bằng tiếng anh với 66 bệnh nhân được báo cáo có xuất hiện sốc phản vệ (SAR). Các bệnh nhân điều trị với trung vị là 10 chu kì oxaliplatin (từ 2 đến 29 chu kì). Triệu chứng xảy ra phổ biến nhất là tình trạng suy hô hấp (chiếm 60%), sốt (chiếm 55%) và hạ huyết áp (chiếm 54%). Có 3 trường hợp tử vong được báo cáo (chiếm 4.5%) và có 11/66 bệnh nhân (16%) được tiếp tục sử dụng lại oxaliplatin.
Kết luận: Bệnh nhân khi sử dụng phác đồ hóa trị liệu trong đó có oxaliplatin cần phải chú ý tình trạng sốc phản vệ (SAR), đặc biệt là trên bệnh nhân đã được điều trị liều cao trước đó. Khuyến khích tiến hành các nghiên cứu sâu hơn về cơ chế, tiên lượng, phương pháp dự phòng và quản lí sốc phản vệ (SAR) liên quan đến oxaliplatin.