Sốc phản vệ ở Mỹ: Dịch tễ học và những điểm nổi bật
Dịch: SVD4. Phạm Thị Bích Hiền – ĐHYD Huế
Hiệu đính: ThS.DS Phạm Thị Thùy An – Khoa Dược – Bệnh viện Tai Mũi Họng TW
Nguồn: http://www.aafa.org/media/Anaphylaxis-in-America-JACI-Article-2014.pdf
TÓM TẮT
Thực trạng: Mặc dù sốc phản vệ là một tình trạng đe dọa tính mạng nghiêm trọng, nhưng dữ liệu liên quan tới vấn đề này còn hạn chế cả về số liệu thống kê cũng như những đặc điểm của phản ứng phản vệ xảy ra trong cộng đồng.
Mục tiêu: Chúng tôi tìm cách ước tính tỷ lệ xảy ra cũng như các đặc điểm chung của phản ứng phản vệ.
Phương pháp: Hai cuộc khảo sát cắt ngang ngẫu nhiên được tiến hành với quy mô quốc gia. Cuộc khảo sát cộng đồng bao gồm những người trưởng thành được chọn ngẫu nhiên, trong khi cuộc khảo sát bệnh nhân dựa vào thông tin thu thập từ các thành viên trong gia đình liên quan đến: tiền sử phản ứng với thuốc, thực phẩm, côn trùng đốt, cao su và các phản ứng tự phát trong vòng 10 năm trở lại đây. Trong cả hai cuộc khảo sát, bản câu hỏi tiêu chuẩn tập trung khai thác thông tin về: triệu chứng; điều trị; kiến thức; cũng như tâm lý, thái độ khi xảy ra phản ứng phản vệ.
Kết quả: Cuộc khảo sát cộng đồng được thực hiện với quy mô gồm 1000 người trưởng thành, trong đó 7.7% (95%CI, 5.7%-9.7%) được báo cáo có tiền sử xảy ra phản ứng sốc phản vệ. Sử dụng tiêu chí chặt chẽ hơn, chúng tôi ước tính rằng 5,1% (95% CI, 3,4% đến 6,8%) đối tượng khảo sát có thể có tiền sử sốc phản vệ nhưng chỉ 1,6% (95% CI, 0,8% đến 2,4%) là chắc chắn có tiền sử. Cuộc khảo sát bệnh nhân với cỡ mẫu là 1059 người bệnh, trong đó có 344 người được khảo sát có tiền sử sốc phản vệ. Các tác nhân phổ biến được thống kê bao gồm thuốc (34%), thức ăn (31%), côn trùng đốt (20%). Trong đó, 42% bệnh nhân tìm cách điều trị trong vòng 15 phút sau khi khởi phát, 34% đến bệnh viện, 27% tự điều trị bằng thuốc kháng histamin, 10% gọi cứu thương, 11% tự dùng epinephrine và 6,4% không được điều trị. Mặc dù hầu hết những người được khảo sát có tiền sử sốc phản vệ nhiều hơn 2 lần (thậm chí 19% trong số đó có tiền sử sốc phản vệ >= 5 lần), 52% bệnh nhân chưa từng nhận đơn thuốc epinephrine tự tiêm, và 60% bệnh nhân không có sẵn epinephrine.
Kết luận: Tỉ lệ của sốc phản vệ trong dân số ít nhất là 1.6% và có thể cao hơn. Bệnh nhân không được trang bị đầy đủ để xử lí các triệu chứng sốc phản vệ. Điều này cho thấy sự cần thiết của các sáng kiến về y tế cộng đồng nhằm cải thiện khả năng nhận diện cũng như điều trị sốc phản vệ của người dân.