Tháng Một 12, 2018
Tai nạn nghề nghiệp trong y khoa
(Mình viết bài này nhân một đồng nghiệp gặp tai nạn nghề nghiệp. Và biết đâu đấy, một ngày nào đó, người không may mắn gặp nạn lại là mình)
Hôm qua có trao đổi với lớp dược sĩ CKI về Sai sót trong dùng thuốc, cách phân tích nguyên nhân gốc rễ bằng mô hình xương cá, không đổ lỗi cá nhân, cách đề xuất các giải pháp có tính hệ thống để phòng sai sót.
Hôm nay báo chí đang đưa tin nóng hổi về một sai sót trong dùng thuốc gây một trường hợp tử vong. Mỗi lần có một vụ sai sót nào đó trong lĩnh vực y khoa được báo chí đưa tin cũng là một cơ hội để các bệnh viện, các bộ y tế có động lực để tạo bước ngoặt trong hành nghề của mình….thay đổi tư duy và cách làm việc để phòng những sai sót đáng tiếc đó trong tương lai.
Mọi người đọc về vụ việc sai sót đó sẽ bị sốc. Nhưng mọi người sẽ còn sốc đến bao nhiêu khi biết rằng tử vong do sai sót trong y khoa là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 tại Mỹ, sau bệnh ung thư và tim mạch. Hàng nằm 250.000 người Mỹ tử vong do sai sót trong y khoa. Chắc cũng chẳng có một đất nước nào can đảm như Mỹ, dám tiến hành những nghiên cứu và công bố những con số sốc như vậy. Nhưng mặc kệ những con số đó, Mỹ vẫn là nước có nền y học phát triển nhất thế giới. Nếu cứ có bất kỳ sai sót y khoa nào cũng tìm ngay một cá nhân để đổ lỗi, để trừng phạt, để ngồi tù, thì có nghĩa ở Mỹ sẽ có ít nhất 250.000 cán bộ y tế bị như thế (1).
Tuy nhiên, sự thật thì chỉ một số ít những người bị tổn hại do sai sót y khoa là thưa kiện và hầu hết thưa kiện được giải quyết nội bộ với đơn vị y tế. Như vậy hầy hết các sai sót y khoa không đưa ra tòa (2). Các cân nhắc pháp lý là: bồi thường thiệt hại, khả năng quy kết trách nhiệm và trừng phạt.
Khi đánh giá sự việc thì cần nhìn dưới nhiều gốc độ khác nhau: luật, khoa học, triết lý đạo đức và y khoa. Luật là hệ thống các quy định để quản lý cách con người sống cùng nhau, phát huy hiệu quả bằng cách đe dạo bằng cách trừng phạt. Từ quan điểm tôn giáo và đạo đức, trừng phạt dường như là công bằng với biện luận rằng nó sẽ giúp ngăn chặn sai sót tương tự xảy ra trong tương lai.Tuy nhiên, trong thực tế y khoa, điều này lại không đúng, vì trừng phạt một cá nhân dường như không có khả năng làm giảm sai sót tương tự xảy ra trong tương lại nếu không có các biện pháp thay đổi hệ thống thì sai sót đó vẫn có thể xảy ra với bất kì ai.
Ở Anh năm 1990 có một bác sĩ trẻ thay vì chỉ định tiêm vicristine đường tĩnh mạch thì lại tiêm nội tủy mạc và gây tử vong bệnh nhân, và bác sĩ bị quy tội ngộ sát.
Tuy nhiên, có một số điều người ta rút ra trong nhiều sai sót y khoa là:
1. Sai sót là không cố ý. Hiểu đơn giản là khi một người đang cố gắng làm điều đúng, nhưng thực tế đó lại là điều sai. Ở đây bác sĩ trẻ cứ tưởng là đường dùng vincristine là tiêm nội tủy mạc.
2. Sai sót là không do sự thiếu thận trọng.
3. Trừng phát dường như không làm giảm sai sót. Bác sĩ trẻ ở trên bị trừng phạt nhưng lỗi đó bây giờ lại tăng gấp 15 lần tại Anh.
4. Sai sót có thể xảy ra với bất kì ai, kể cả người trẻ, hay chuyên gia.
5. Hậu quả của sai sót thường phụ thuốc vào nhiều yếu tố, trong đó có may mắn. Trong đó có những yếu tố liên quan đến hệ thống như cơ sở vật chất, văn hóa an toàn người bệnh, giao tiếp, nhân lực….
6. Phản ứng pháp lý đối với sai sót phụ thuộc rất lớn vào hậu quả. Nếu cùng một lỗi sai sót phát thuốc nhầm cho bệnh nhân, nếu sai sót đó không gây hại thì không có bất kì trừng phạt nào, nhưng nếu sai sót đó gây tổn hại nghiệm trọng thì lại có thể bị đưa ra tòa. Trong y khoa, trừng phạt thường được đề xuất nếu xảy ra hậu quả hơn là bởi vì do cán bộ y tế có tội trong việc gây ra lỗi.
7. Phản ứng pháp lý với một sai sót nghiêm trọng thường kéo dài và tốn kém, và thường tập trung vào quy kết trách nhiệm cho cá nhân nào đó. Nhưng, nếu sự việc được xử lý không phải tại tòa, đặc biệt là những vụ việc mà dấu hiệu cố ý gây hại không có, thì sẽ giúp rút ngắn thời gian để các bệnh viện phân tích nguy nhân gốc rễ và phòng các vấn đề tương tự xảy ra trong tương lai.
Hy vọng bệnh viện, cán bộ y tế và gia đình bệnh nhân sẽ cùng bình tĩnh ngồi lại trao đổi, để hiểu kỹ hơn những gì đã xảy ra, để thấu hiểu những nỗ lực và tổn thương về vật chất, tinh thần, tâm lý của nhiều cá nhân liên quan, để thông cảm và cùng hành động thay đổi….
Trong sự việc trên, là do sai sót trong việc phát thuốc nhầm bệnh nhân: có thể do tên bệnh nhân giống nhau hay tương tự nhau. Vì tên của các bệnh nhân trùng nhau là rất cao, và việc có những bệnh nhân trùng tên nằm cùng phòng cũng cao. Do đó, cán bộ y tế khi vào phòng bệnh, nên:
1. Dùng ít nhất 2 thông tin của bệnh nhân để xác định bệnh nhân: ví dụ bác sĩ sẽ hỏi “bệnh nhân Nguyễn Văn A 58 tuổi là ai?”, “bệnh nhân Nguyễn Văn A ở Quảng Điền, Huế” là ai ?”, “bệnh nhân Nguyễn Văn A nhập viện sáng này lúc 8h là ai?”.
2. Khi đã tiếp cận bệnh nhân nên để bệnh nhân tự giới thiệu về mình vì đôi khi khả năng nghe của bệnh nhân không rõ, khi nghe mình gọi 1 lần, họ sẽ nghe nhầm lẫn và tưởng cán bộ y tế gọi tên mình. CBYT có thể yêu cầu bệnh nhân trả lời: “Bác có thể cho cháu biết tên họ đầy đủ của bác ? Bác bao nhiêu tuổi?”….
DS. Võ Thị Hà
TLTK:
1. https://www.npr.org/sections/health-shots/2016/05/03/476636183/death-certificates-undercount-toll-of-medical-errors
2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2711199/