Táo bón do dùng chế phẩm bổ sung calci
Catherine Duong. What to Do When Calcium Supplements Cause Constipation. PharmacyTimes. Link: http://www.pharmacytimes.com/contributor/catherine-duong-pharmd-candidate/2016/11/what-to-do-when-calcium-supplements-cause-constipation
SVD4. Lê Thị Thùy Dung – HVQY
ThS. Nguyễn Duy Hưng
Một người bình thường đạt khối lượng xương lớn nhất vào khoảng đầu những năm 20 tuổi, sau đó lượng xương bị mất đi nhanh hơn lượng xương tạo thành [1]. Vì vậy khi một người già đi, nguy cơ loãng xương tăng lên. Nếu tuổi tác là một yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được, chúng ta có thể làm gì để ngăn ngừa bệnh loãng xương?
Ngoài các bài tập thể dục gánh sức nặng cơ thể (là những bài tập mà bạn chống lại lực hấp dẫn không nhờ bất cứ trợ giúp nào, ví dụ: chạy bộ, leo núi, cử tạ, khiêu vũ …) hoặc các bài tập tăng cường cơ bắp để xây dựng và duy trì mật độ xương, cần phải bổ sung đủ calci và vitamin D.
Tôi đã cho các bệnh nhân cao tuổi dùng rất nhiều chế phẩm bổ sung calci và vitamin D. Một vài tuần trước, tôi gặp phải một toa thuốc có kê chế phẩm bổ sung calci cùng với thuốc trị táo bón. Một trong những tác dụng phụ của thuốc bổ sung calci là gây táo bón, vì vậy tôi ngay lập tức biết rằng việc bổ sung calci rất có thể sẽ gây ra táo bón.
Trong trường dược, tôi đã được dạy để xác định xem có các triệu chứng trên bệnh nhân có phải là các phản ứng bất lợi của thuốc hay không. Các triệu chứng vẫn sẽ tồn tại nếu không loại bỏ nguyên nhân gây ra nó. Trong tình huống này, tôi không thể loại bỏ nguyên nhân bởi vì nếu tôi yêu cầu bác sĩ dừng kê đơn thuốc bổ sung calci thì bệnh nhân cao tuổi sẽ có nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Do vậy, nếu không thể loại bỏ nguyên nhân thì chúng ta có thể làm gì trong tình huống này?
Mặc dù calci cacbonat là lựa chọn bổ sung calci với giá rẻ nhất nhưng nó cũng là thuốc có khả năng gây táo bón cao nhất [2]. Nếu vấn đề nằm ở chi phí, tôi có thể khuyên bệnh nhân thử một số ít các biệt dược khác nhau. Nếu chi phí không phải là một vấn đề, tôi có thể khuyên bệnh nhân thử một vài loại muối bổ sung calci khác nhau để tìm ra loại nào bệnh nhân dung nạp tốt nhất [2]. Tôi có thể hướng dẫn các bệnh nhân đọc các nhãn thuốc để xác định loại chế phẩm nào hàm lượng calci thấp hơn bởi vì các chế phẩm có hàm lượng calci thấp hơn có khả năng dung nạp cao hơn [3]. Mặc dù điều này nghĩa là có thể phải dùng thuốc nhiều hơn một lần mỗi ngày để đạt được liều lượng chỉ định, việc chia liều dùng thuốc ra nhiều lần trong ngày có thế giúp tăng dung nạp thuốc [4]. Cũng có thể dùng các chế phẩm bổ sung calci cùng với bữa ăn [4]. Nhiều bệnh nhân trên 50 tuổi uống bổ sung calci và có thể đang dùng thuốc ức chế tiết acid như Zantac (ranitidin), Protonix (pantoprazole), hay Prilosec (omeprazole). Những bệnh nhân có acid dạ dày thấp khó hấp thu calci cacbonat vì khả năng hấp thu của thuốc phụ thuộc vào acid dạ dày. Mặc dù không phải là chế phẩm bổ sung calci giá rẻ nhất nhưng calci citrate được khuyến khích sử dụng cho những bệnh nhân đang dùng thuốc kháng acid này.
Bệnh nhân cũng có thể sử dụng những biện pháp không dùng thuốc nhưuống nhiều nước, tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn uống, tăng hoạt động thể chất để giảm thiểu nguy cơ bị táo bón.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Osteoporosis. Mayo Clinic website. mayoclinic.org/diseases-conditions/osteoporosis/symptoms-causes/dxc-20207860. Accessed November 16, 2016.
[2]. Nutrition and healthy eating. Mayo Clinic website. mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/in-depth/calcium-supplements/art-20047097?pg=2. Accessed November 16, 2016.
[3]. All about calcium supplements. New York State Department of Health website. health.ny.gov/publications/1980/index.htm. Accessed November 16, 2016.
[4]. National Institutes of Health. Calcium: dietary supplement fact sheet. NIH website. ods.od.nih.gov/factsheets/Calcium-HealthProfessional. Accessed November 16, 2016.