Thông tin giành cho bệnh nhân tăng huyết áp
TS.DS.Võ Thị Hà
Giảng viên Dược lâm sàng, Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược Huế
Trong nhiều năm gần đây, tăng huyết áp (THA) đã trở thành một trong những bệnh gây tàn tật và tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Không phải ngoại lệ, Việt nam với tốc độ già hóa dân số nhanh đang và sẽ còn phải đối mặt với những hậu quả ngày càng nặng nề do THA gây ra.
Vì đây là một bệnh mãn tính, nghĩa là người bị THA cần phải theo dõi huyết áp và dùng thuốc trị THA suốt đời, do đó việc người bệnh có hiểu biết đầy đủ về bệnh và thuốc để tuân thủ điều trị và tự quản lý điều trị cho chính mình là vô cùng cần thiết.
Người bệnh có uống thuốc trị THA đều đặn ? Yếu tố nào ảnh hưởng đến việc uống thuốc không đều đặn của người bệnh ?
Việc tuân thủ dùng thuốc của người bệnh được hiểu là việc người bệnh làm đúng theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Việc tuân thủ dùng thuốc vẫn còn thấp cả trên thế giới và trong nước. Tại Việt Nam, đã có nhiều nghiên cứu về mức độ tuân thủ điều trị của người bệnh THA và các yếu tố liên quan đến tuân thủ điều trị. Một nghiên cứu năm 2013 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã cho biết có tới 70% người bệnh bỏ điều trị sau 6 tháng rời bệnh viện. Một nghiên cứu khác tại Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang 2013 cho thấy 73,2% người bệnh bỏ sót uống thuốc.
Các lý do dẫn đến người bệnh không tuân thủ điều trị có thể là: bệnh nhân sợ hạ huyết áp, sợ tác dụng phụ của thuốc, sợ uống nhiều thuốc, không đủ điều kiện kinh tế, quên uống thuốc, không biết cần uống thuốc liên tục, nghĩ đã khỏi bệnh. Phụ nữ ít tuân thủ điều trị hơn nam giới và người trẻ ít tuân thủ điều trị hơn người lớn tuổi.
Vì sao phải tuân thủ dùng thuốc ?
Trong trường hợp đã áp dụng các biện pháp thay đổi lối sống (như ăn nhạt, vận động) mà vẫn không đưa huyết áp về chỉ số bình thường thì việc bác sĩ kê một hay nhiều loại thuốc điều trị THA là cần thiết.
Điều trị THA là nhằm mục tiêu giữ cho chỉ số huyết áp nằm trong khoảng bình thường, để tránh sự thay đổi cấu trúc của mạch máu nuôi tim (mạch vành) và những bệnh liên quan đến THA có nguy cơ tử vong cao như: suy tim; xơ vữa động mạch; đau thắt ngực; nhồi máu cơ tim; loạn nhịp; tai biến mạch máu não; xuất huyết não; suy thận.
Mục tiêu huyết áp cần đạt là bao nhiêu ?
Tăng huyết áp được xem là kiểm soát tốt khi áp lực động mạch tâm thu và áp lực động mạch tâm trương đạt được dưới mục tiêu đã xác định theo từng cá nhân, thông thường là < 140/90 mmHg. Với người cao tuổi trên 60 tuổi có mục tiêu huyết áp ít khắt khe hơn, tức < 150/90 mmHg.
Nên lựa chọn thuốc trị THA nào để dùng ?
Có nhiều loại thuốc trị THA khác nhau như: Nhóm lợi tiểu (như furosemid, hydrochlorothiazid), Nhóm chẹn beta (như atenolol), Nhóm chẹn kênh canxi (như nifedipin), Nhóm sartan (valsartan), Nhóm chẹn alpha (như prazosin), Nhóm ức chế men chuyển (như captopril).
Bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc nào để điều trị THA cho một người bệnh tùy theo mức độ THA, những bệnh mắc kèm hoặc những yếu tố nguy cơ tim mạch (như tuổi, thuốc lá, di truyền, đái tháo đường, rối loạn lipid) và ảnh hưởng lên cơ quan đích (não, tim, thận). Ví dụ: nếu có bệnh đái tháo đường kèm theo thì nhóm ức chế men chuyển và nhóm sartan được ưu tiên vì tác dụng của chúng trong việc bảo vệ các tế bào thận.
Thường bắt đầu điều trị bằng một thuốc hay một thuốc phối hợp cố định ở liều thấp. Theo dõi huyết áp thường xuyên, sau 4 tuần điều trị nếu không có đáp ứng hay có nhiều tác dụng phụ thì cần thiết phải thay đổi liệu pháp: Hoặc là tăng liều, hoặc là thay đổi thuốc, hoặc là kết hợp hai hay ba thuốc trị THA.
Kết hợp các thuốc trị THA cho phép đạt được tác dụng bổ trợ, hiệp đồng, dẫn đến giảm huyết áp mạnh và nhanh hơn đồng thời sẽ giảm bớt những tác dụng phụ. Nếu dùng dạng phối hợp liều cố định chỉ cần dùng một viên nén mỗi ngày. Điều này sẽ giúp cải thiện sự tuân thủ điều trị và sự dung nạp thuốc. Thường bác sĩ phải thử nhiều liệu pháp điều trị THA trước khi tìm ra liệu pháp tốt nhất cho một người bệnh.
Các loại thuốc trị THA | Ví dụ | Lưu ý khi dùng |
Thuốc lợi tiểu | furosemid, hydrochlorothiazid… | · Cần theo dõi điện giải đồ, chức năng thận
· Sử dụng vào buổi sáng để tránh đi tiểu ban đêm, gây mất ngủ |
Thuốc chẹn beta | acebutolol, metoprolol, atenolol…. | · Cần báo cho bác sĩ nếu bị bệnh hen, nhồi máu cơ tim, hạ đường huyết
· Bắt mạch thường xuyên, nếu mạch chậm hơn 60 lần/phút cần báo cho bác sĩ. · Không bao giờ dừng thuốc chẹn beta đột xuất mà phải giảm liều từ từ, lý tưởng nhất là trong vòng 1-2 tuần. |
Thuốc chẹn kênh canxi | amlodipin, felodipin,
nifedipin |
· Một số tác dụng không mong muốn chủ yếu là:
đau đầu, đỏ mặt, phồng nhiệt, chân nặng kèm phù, hạ huyết áp, chậm nhịp tim, rối loạn tiêu hóa |
Thuốc ức chế men chuyển | captopril, enalapril,
lisinopril, ramipril |
· Tác dụng phụ hay gặp: Ho khan |
Nhóm sartan | losartan, valsartan,
irbesartan… |
· Thường dung nạp tốt |
Một vài lời khuyên để tuân thủ dùng thuốc tốt ?
- Theo quy tắc chung, nên sử dụng thuốc điều trị THA vào buổi sáng và cùng một thời điểm trong ngày.
- Sử dụng thuốc đều đặn là cần thiết để đề phòng những cơn THA đột ngột.
- Nếu quên dùng thuốc thì tốt hơn hết nên dùng lại thuốc sớm nhất có thể trong ngày, không dùng liều gấp đôi vào ngày hôm sau.
- Trong trường hợp di chuyển hay du lịch (nhất là ra nước ngoài) cần phải tăng cường theo dõi huyết áp và nghĩ đến việc mang theo thuốc. Một mặt nếu có chênh lệch giờ nhiều thì tốt hơn hết nên tiếp tục dùng thuốc theo giờ của nơi đến (thường buổi sáng), mặt khác tránh quên dùng thuốc vì giá trị huyết áp tăng rất cao trong ngày.
- Không bao giờ dừng điều trị và dự trù đúng lúc việc mua thuốc bổ sung.
- Nên tự đo huyết áp thường xuyên bằng máy đo huyết áp tại nhà để nhằm cải thiện sự tuân thủ điều trị, nhất là những ngày trước khi đi khám bác sĩ.
- Nếu gặp những tác dụng không mong muốn khiến người bệnh không muốn dùng thuốc, cần thông báo cho bác sĩ hay dược sĩ để cân nhắc xử lý và lựa chọn thuốc phù hợp hơn.
Ngoài tuân thủ dùng thuốc, tôi còn phải tuân thủ gì khác?
Ngoài tuân thủ dùng thuốc, người bệnh cần phải tuân thủ chế độ ăn (ăn nhạt tối đa 2g muối/ngày, hạn chế thức ăn chứa cholesterol, acid béo bão hòa), bỏ hút thuốc lá và hạn chế uống rượu, nên vận động nhẹ (ví dụ đi bộ 30-60 phút/ngày).
Cần theo dõi gì và khi nào khi bị THA?
- Trong trường hợp THA được kiểm soát tốt nên theo dõi huyết áp và khám tim mạch 3 đến 6 tháng một lần.
- Xét nghiệm creatinin và ion đồ máu thỉnh thoảng được yêu cầu bổ sung, nhất là khi người bệnh đang được điều trị bằng thuốc lợi tiểu hoặc thuốc ức chế men chuyển.
- Xét nghiệm protein niệu được khuyến cáo 1 lần/mỗi 5 năm.
- Kiểm tra chức năng thận 1 lần/mỗi 1 đến 2 năm.
- Đo đường huyết và mỡ máu 1 lần/ 3 năm.
- Điện tâm đồ được khuyến cáo 1 lần/3 năm.
Tất cả các xét nghiệm có thể được thực hiện thường xuyên trong các trường hợp bệnh lý đi kèm như đái tháo đường, bệnh động mạch vành, suy thận.
Trường hợp nào nên đi khám bác sĩ lại ?
Người bệnh cần đến gặp bác sĩ điều trị khi xuất hiện các triệu chứng sau:
– đau nửa đầu, rối loạn thị giác, chảy máu cam, chảy máu niêm mạc lặp đi lặp lại.
– hạ huyết áp khi đứng dậy đột ngột.
– mệt mỏi quá mức và chóng mặt khi dùng thuốc điều trị THA
– chỉ số huyết áp bất bình thường đột ngột.
Tài liệu tham khảo:
- Bùi Thị Mai Tranh*, Nguyễn Minh Đức**, Nguyễn Đỗ Nguyên***, Sự tuân thủ dùng thuốc hạ áp trên người bệnh cao tuổi tăng huyết áp. Tạp chí Y học Tp. HCM. Năm 2012, Tập 16, Số 4.
- Stéphane Berthélémy. Hypertension, s’assurer de la bonne observance du traitement est essentiel. Actualités pharmaceutiques n° 510 Novembre 2011.
- 2014 Evidence-Based Guideline for the Management of High Blood Pressure in Adults Report From the Panel Members Appointed to the Eighth Joint National Committee (JNC 8). JAMA. 2014;311(5):507-520.