Thông tin liên quan đến vắc xin COVID-19 cho bệnh nhân tim mạch
SVY Nguyễn Hoàng Thông, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
BỆNH NHÂN MẮC BỆNH TIM MẠCH & BỆNH LÝ MẠCH MÁU CÓ NÊN TIÊM VACCINE COVID-19?
Trước hết, các bệnh tim và bệnh lý mạch máu thường gặp có thể kể đến bao gồm rung nhĩ, suy tim, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh cơ tim, bệnh tim bẩm sinh, ghép tim, thuyên tắc phổi (cục máu đông trong phổi), bệnh lý mạch máu ngoại biên (xơ cứng động mạch), đột quỵ hoặc cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (đột quỵ nhỏ). Điều quan trọng là tất cả các bệnh nhân mắc bệnh tim mạch nên được tiêm phòng vaccine COVID – 19 [1].
Vaccine không hẳn ngăn ngừa được hoàn toàn tình trạng nhiễm COVID-19, nhưng nó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, điều này giúp giảm nguy cơ phải nhập và giảm tỷ lệ tử vong. Mặc dù mục tiêu chính của virus SARS-CoV-2 là tấn công vào đường hô hấp của bệnh nhân, tuy nhiên người mắc bệnh tim mạch có nhiều nguy cơ tử vong do COVID – 19 hơn vì tình trạng nhiễm trùng gây ảnh hưởng đến tim thông qua một số cơ chế, bao gồm cả tình trạng nhiễm trùng trực tiếp lên cơ tim. Cụ thể trong một báo cáo trên 799 bệnh nhân COVID – 19 nhập viện ở Vũ Hán, Trung Quốc có bệnh nền suy tim trước đó, 49% trường hợp tử vong, chỉ khoảng 3% trường hợp hồi phục [2]. Cũng trong một nghiên cứu khác, tỷ lệ tử vong trên bệnh nhân COVID – 19 có tăng huyết áp là 6% so với tỷ lệ tử vong chung là 2,3%. [3]
LIỆU VACCINE COVID-19 CÓ AN TOÀN VỚI NGƯỜI BỊ BỆNH TIM MẠCH HOẶC CÓ YẾU TỐ NGUY CƠ TIM MẠCH? [1]
Các thử nghiệm vaccine COVID-19 trên những bệnh nhân mắc bệnh tim không cho thấy bất kỳ ảnh hưởng nghiêm trọng nào của vaccine đối với những bệnh nhân này. Những phàn nàn chính của bệnh nhân sau tiêm vaccine thường là cánh tay bị cứng và có thể đau trong vài ngày. Mệt mỏi, ớn lạnh, đau đầu kèm sốt là các triệu chứng thường gặp cho thấy cơ thể bạn đang tăng cường đáp ứng miễn dịch để tạo kháng thể bảo vệ từ các protein lạ trong vaccine, bạn cũng đừng quá lo lắng vì điều này không có nghĩa là tiêm vaccine sẽ gây nhiễm COVID-19. Trong lần tiêm thứ hai, phản ứng miễn dịch với vaccine có xu hướng rầm rộ hơn, đối với những bệnh nhân mắc bệnh tim nặng có thể sẽ cảm thấy khó thở khi nghỉ ngơi, cảm thấy không khỏe một chút do sốt hoặc do các triệu chứng giống cúm. Tuy nhiên, những triệu chứng này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, chỉ khoảng 24 – 48 giờ sau tiêm, cũng như nhanh chóng biến mất sau khi dùng thuốc hạ sốt và uống đủ nước.
CÁC THUỐC KHÁNG ĐÔNG CÓ ẢNH HƯỞNG TỚI HIỆU QUẢ CỦA VACCINE COVID-19 KHÔNG? [2]
Về cơ bản, thuốc kháng đông (hay thuốc làm loãng máu) sẽ ngăn cản quá trình đông máu diễn ra và nó không ảnh hưởng gì tới hoạt động hệ miễn dịch của bạn. Tuy nhiên, theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) khuyên bạn nên thông báo cho bác sĩ khi đến tiêm vaccine COVID-19. Nếu bạn đang dùng các thuốc kháng đông như Warfarin hay các thuốc chống kết tập tiểu cầu khác như Aspirin, Clopidogrel hay Ticagrelor… thì sau đây là một số lưu ý cho bạn:
- Vết tiêm có nguy cơ bầm tím nhiều hơn
- Dùng tay đè mạnh lên vết tiêm ít nhất 5 phút để giảm bầm tím sau tiêm
- Dùng kim tiêm cỡ nhỏ để hạn chế tối đa việc chảy máu (cỡ 23 hoặc 25)
- Có thể cân nhắc bỏ qua một liều thuốc và nên hỏi trước ý kiến bác sĩ của bạn.
VACCINE ASTRAZENECA CÓ GÂY HÌNH THÀNH CỤC MÁU ĐÔNG?
Kể từ tháng 3 năm 2021, đã có báo cáo từ Vương quốc Anh và quốc tế về một tình trạng cực kỳ hiếm gặp, đặc trưng bởi các biến cố gây huyết khối tắc mạch (cục máu đông) kèm theo tình trạng giảm giảm tiểu cầu sau khi tiêm vaccine AstraZeneca liều đầu tiên và hầu hết các tình trạng nặng được báo cáo đều xảy ra ở phụ nữ dưới 60 tuổi trong vòng 2 tuần sau tiêm[4], [7]. Tuy nhiên, hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy việc tiêm phòng đã gây ra những tình trạng này và những tác dụng phụ này cũng không được liệt kê vào loại vắc xin này [5]. Cụ thể, 20,2 triệu liều vaccine AstraZeneca được tiêm ở Anh cho thấy nguy cơ chung mắc huyết khối với tỷ lệ 4 trên một triệu người tiêm vaccine [6]. Mặc dù khả năng xảy ra trường hợp này là rất thấp, nhưng theo khuyến cáo của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) bạn nên tự nhận biết các dấu hiệu sau về sự hiện diện của huyết khối để đến ngay cơ sở y tế và được thăm khám kịp thời. [7]
- Khó thở
- Đau ngực
- Sưng chân
- Đau bụng dai dẳng
- Đau đầu dữ dội và kéo dài hoặc mờ mắt
- Đốm máu nhỏ dưới da (ngoại trừ vị trí tiêm)
BỆNH NHÂN CÓ THỂ TIÊM VACCINE ASTRAZENECA NẾU TỪNG CÓ TIỀN CĂN HUYẾT KHỐI TRƯỚC ĐÓ? [4]
Điều quan trọng là tiền căn huyết khối không phải là chống chỉ định đối với vaccine này, do đó bạn an tâm rằng mình vẫn có thể tiêm nếu được cung cấp vaccine. Các chống chỉ định với vaccine AstraZeneca bao gồm bệnh nhân có tiền căn giảm tiểu cầu do heparin và huyết khối do heparin (HIT và HIT túyp 2).
Trường hợp xuất hiện huyết khối giảm tiểu cầu sau mũi tiêm AstraZeneca đầu tiên, bệnh nhân cần được trì hoãn việc tiêm tiếp mũi thứ hai. Đồng thời đánh giá cẩn thận tình trạng của bệnh nhân cho tới khi cục huyết khối hoàn toàn ổn định.
Bệnh nhân trên 40 tuổi có tiền căn huyết khối trước đó và được chẩn đoán mắc bệnh lý huyết khối, dù có đang phải dùng thuốc kháng đông trong thời gian dài hay không thì vẫn có nguy cơ cao mắc COVID-19 và nên được tiêm vaccine.
Những bệnh nhân với tiền căn huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi, nhồi máu cơ tim nhưng không kèm giảm tiểu cầu vẫn có thể tiêm vaccine AstraZeneca.
CÓ HAY KHÔNG NGUY CƠ VIÊM CƠ TIM VÀ VIÊM MÀNG NGOÀI TIM DO TIÊM VACCINE COVID-19?
Tính đến ngày 30 tháng 7 năm 2021, Hệ thống Báo cáo Tác dụng phụ của Vắc-xin (VAERS) đã nhận được 1.249 báo cáo về tình trạng viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim ở những người từ 30 tuổi trở xuống được tiêm vắc xin COVID-19. Hầu hết các trường hợp được báo cáo xảy ra sau khi tiêm chủng mRNA COVID-19 (Pfizer-BioNTech hoặc Moderna), đặc biệt là ở nam thanh niên [8]
Các trường hợp xảy ra được ghi nhận bao gồm: [9]
- Chủ yếu ở nam thanh niên và người trẻ từ 16 tuổi trở lên
- Hầu hết các trường hợp xảy ra sau tiêm liều thứ hai
- Thường xuất hiện trong vòng vài ngày sau tiêm vaccine
Tuy nhiên, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa kỳ (CDC) vẫn khuyến cáo nên chủng ngừa COVID-19 cho tất cả những người từ 12 tuổi trở lên. Những lợi ích từ việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 lớn hơn nhiều so với những rủi ro của nó. Theo một phân tích về nguy cơ viêm cơ tiêm do nhiễm COVID-19, kết quả cho thấy rằng nam thanh niên bị nhiễm virus có nguy cơ mắc viêm cơ tim gấp 6 lần so với những người đã được tiêm vaccine [10]
Hầu hết các bệnh nhân có biểu hiện của viêm cơ tim sau khi được tiêm vaccine mRNA COVID-19 đều đáp ứng tốt với điều trị và trở lại các hoạt động hàng ngày sau khi các triệu chứng được cải thiện [9]
Ngoài ra, sau tiêm vaccine bạn cần chú ý theo dõi các triệu chứng dưới đây để tìm đến bác sĩ và được hỗ trợ kịp thời [9]
- Đau ngực
- Khó thở
- Cảm giác như tim đập nhanh, hồi hộp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- European Society of Cardiology (2021). COVID-19 vaccine information for heart patients.
- Chen, Tao et al. “Clinical characteristics of 113 deceased patients with coronavirus disease 2019: retrospective study.” BMJ (Clinical research ed.) vol. 368 m1091. 26 Mar. 2020, doi:10.1136/bmj.m1091.
- Dan, S., Pant, M., & Upadhyay, S. K. (2020). The Case Fatality Rate in COVID-19 Patients With Cardiovascular Disease: Global Health Challenge and Paradigm in the Current Pandemic. Current pharmacology reports. Advance online publication. https://doi.org/10.1007/s40495-020-00239-0.
- Public Health England. Guidance Information for healthcare professionals on blood clotting following COVID-19 vaccination. Updated 8 June 2021.
- European Medicines Agency. COVID-19 Vaccine AstraZeneca: PRAC investigating cases of thromboembolic events – vaccine’s benefits currently still outweigh risks – Update 11 Mar 2021.
- Government UK. MHRA issues new advice, concluding a possible link between COVID-19 Vaccine AstraZeneca and extremely rare, unlikely to occur blood clots. Last updated 7 April 2021.
- European Medicines Agency. AstraZeneca’s COVID-19 vaccine: EMA finds possible link to very rare cases of unusual blood clots with low blood platelets. 07 April 2021.
- Selected Adverse Events Reported after COVID-19 Vaccination. Updated Aug. 2, 2021.
- Myocarditis and Pericarditis Following mRNA COVID-19 Vaccination. Updated June 23, 2021.
- Singer, Mendel E et al. “Risk of Myocarditis from COVID-19 Infection in People Under Age 20: A Population-Based Analysis.” medRxiv : the preprint server for health sciences 07.23.21260998. 27 Jul. 2021, doi:10.1101/2021.07.23.21260998. Preprint.