Thuốc tiêm đa liều và đơn liều
Thuốc tiêm đa liều và thuốc tiêm đơn liều: tính kinh tế và an toàn
11/ 11/ 2009
Nguồn: Keith W. Trettin. Drug delivery systems: Multiple- vs. single-dose.
Dịch: SVD4. Nguyễn Thị Hiền. Hiệu đính: DS. Võ Thị Hà, ĐH Y Dược Huế
Tất cả các bệnh viện và các hệ thống y tế phải quyết định xem nên sử dụng thuốc tiêm đa liều (multiple-dose vial – MDV) hay thuốc tiêm đơn liều (single-dose vial – SDV), quyết định này thường dựa trên 2 cân nhắc: giảm chi phí điều trị và an toàn người bệnh.
Tính kinh tế: so sánh giữa thuốc tiêm đa liều hay thuốc tiêm đơn liều
Các cơ sở y tế thường biện minh cho việc sử dụng các loại thuốc tiêm chứa trong các chai lọ đa liều vì mục đích kinh tế; chi phí mỗi liều thuốc và chi phí bảo quản của thuốc tiêm đa liều thường thấp hơn so với thuốc tiêm đơn liều. Tuy nhiên, tổng chi phí cho việc dùng thuốc tiêm thì khó ước lượng hơn nhiều, bởi vì nó có thể bao gồm chi phí điều trị cho các bệnh nhân bị nhiễm khuẩn chéo hoặc các bệnh nhân bị nhiễm trùng bệnh viện thứ phát do sử dụng và lãng phí thuốc tiêm đa liều.
Năm 1996, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (the Centers for Disease Control and Prevention – CDC) đã ước tính nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện do các thuốc tiêm đa liều bị tạp nhiễm bên ngoài chiếm một tỷ lệ nhỏ: 0,5 trên 1.000 lọ thuốc1.
Năm 2008, Bộ Cựu chiến binh Mỹ ( the U.S Department of Veterans Affairs – VA) đã dự đoán sử dụng hơn 4.000.000 lọ thuốc tiêm đa liều và cho thấy khả năng xảy ra 2.000 ca nhiễm trùng bệnh viện mới có liên quan đến thuốc tiêm đa liều. Chi phí điều trị các ca này là đáng kể. Press Ganey đã báo cáo rằng chi phí trung bình để điều trị một ca nhiễm khuẩn bệnh viện là $13.973.2 Sử dụng các thuốc tiêm đa liều tiềm ẩn nguy cơ làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe hàng năm xấp xỉ $28 triệu.
Thêm một yếu tố liên quan đến chi phí đó là sự lãng phí thuốc. Trong một nghiên cứu của Sheth và cộng sự, 90% lọ thuốc tiêm đa liều chỉ được sử dụng không quá 25% thể tích ban đầu trước ngày hết hạn của lọ thuốc.3 Bao gồm cả chi phí lãng phí thuốc, chi phí mỗi liều thuốc là cao hơn 86% so với chi phí thuốc tiêm đơn liều.
Khi sự nhiễm chéo và lãng phí được cân nhắc, một thuốc tiêm đơn liều có thể là sự thay thế hiệu quả nhất về mặt chi phí.
Về tính an toàn: so sánh giữa thuốc tiêm đa liều hay thuốc tiêm đơn liều?
Sau đây là các quan niệm sai lầm phổ biến về thuốc tiêm đa liều và thuốc tiêm đơn liều:
1. Thuốc tiêm đa liều khác thuốc tiêm đơn liều bởi vì thuốc tiêm đa liều được tiệt khuẩn bằng khí trơ chứa trong mỗi lọ thuốc.
SAI.
Dược điển Mỹ (The United States Pharmacopeia – USP) đã định nghĩa thế nào là một thuốc tiêm đa liều và một thuốc tiêm đơn liều và hạn sử dụng của thuốc sau khi mở nắp (beyond – use date).
USP định nghĩa: thuốc tiêm đa liều là một vật chứa đa đơn vị (ví dụ như chai lọ) chế phẩm thuốc chỉ dùng theo đường tiêm và thường chứa chất bảo quản chống vi sinh vật. Bình chứa thuốc đa liều được thiết kế để có thể rút thuốc nhiều lần khác nhau nhờ chúng có chứa chất bảo quản chống vi sinh vật.
USP định nghĩa: thuốc tiêm đơn liều là vật chứa một đơn vị chế phẩm thuốc dùng theo đường tiêm, được thiết kế để chỉ dùng 1 lần. Ví dụ bình chứa thuốc tiêm đơn liều: bút tiêm đóng sẵn thuốc tiêm 1 lần. USP lưu ý rằng: “các vật chứa thuốc tiêm đơn liều đã được mở ra hoặc chọc kim tiêm như ống tiêm, túi, chai lọ, xi ranh và các lọ chứa sản phẩm vô khuẩn…nên được sử dụng trong vòng 1 giờ nếu chúng được mở ra trong điều kiện chất lượng môi trường thấp hơn tiêu chuẩn ISO cấp 5 (phòng dược pha chế thuốc IV) và phần thuốc còn dư phải bỏ đi. Các ống tiêm đơn liều đã mở không nên bảo quản trong bất kì khoảng thời gian nào”.4
2. Nếu bạn cẩn thận dùng kĩ thuật vô khuẩn để rút thuốc từ lọ thuốc đa liều, hạn sử dụng của nhà sản xuất là ngày cuối cùng mà lọ thuốc có thể được sử dụng ?
SAI.
Nếu không có hướng dẫn đặc biệt của nhà sản xuất (ghi rõ hạn sử dụng sau khi mở nắp là bao nhiêu) thì USP định nghĩa hạn sử dụng của thuốc sau khi mở nắp là 28 ngày kể từ ngày vật chứa thuốc tiêm đa liều lần đầu tiên được mở (ví dụ như chọc kim tiêm). Mọi thuốc tiêm đa liều nên được dán nhãn với ngày hết hạn của nó. (Cần lưu ý phân biệt giữa hạn sử dụng của thuốc khi còn nguyên và hạn sử dụng sau khi mở nắp).
3. Thuốc tiêm đa liều an toàn để sử dụng, thậm chí khi bị nhiễm bẩn nhẹ, bởi vì chúng đã có chứa chất bảo quản ?
SAI.
Các chất bảo quản kháng khuẩn có sẵn trong thuốc tiêm đa liều cần một khoảng thời gian để tiệt trùng chai lọ đã bị tạp nhiễm bên ngoài, vì vậy nhiễm chéo vẫn có thể xảy ra khi dung thuốc đa liều. Nguy cơ cao nhất là trong vòng 16 giờ đầu sau khi tạp nhiễm. Hơn nữa, khó có thể biết khi nào thì một lọ thuốc đa liều đã bị tạp nhiễm. Điều này có thể dẫn đến nhiễm khuẩn cho nhiều bệnh nhân trước khi vấn đề được phát hiện ra. Một số nghiên cứu cho thấy tỉ lệ tạp nhiễm của thuốc tiêm đa liều là 1-2,8%.3 CDC ước tính nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện do tạp nhiễm bên ngoài là 0,5/ 1000 lọ thuốc. Vì vậy, CDC khuyến cáo hãy sử dụng thuốc tiêm đơn liều bất cứ khi nào có thể.
4. Tất cả các thuốc tiêm đa liều nên được bảo quản lạnh sau khi mở ?
SAI.
Thuốc đa liều sau khi được dùng, trong thực hành thường được bảo quản trong tủ lạnh với giả định rằng nhiệt độ thấp ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu của Lehmann cho thấy thực tế bảo quản lạnh lại làm chậm khả năng diệt khuẩn của chất bảo quản; vì vậy, bảo quản lạnh có thể phản tác dụng.5 Tốt nhất là làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất trong việc bảo quản một thuốc tiêm đa liều sau khi mở.
5. Tất cả các lọ thuốc có dung tích nhỏ hơn hoặc bằng 10ml là thuốc tiêm đơn liều ?
SAI.
Dung tích của lọ thuốc không quyết định thuốc đó là thuốc tiêm đơn liều hay thuốc tiêm đa liều. Ví dụ, thuốc tiêm lidocaine.HCl có sẵn ở dạng thuốc tiêm đơn liều 2ml, 5 ml và 30ml và dạng thuốc tiêm đa liều 10ml hoặc 50ml. Một số chế phẩm, ví dụ thuốc tiêm gentamicin có sẵn ở dạng thuốc đa liều hoặc đơn liều với cùng dung tích 2ml. Việc xác định một thuốc là đơn liều hay đa liều dựa vào thể tích có thể gây sai sót. Cách tốt nhất là đọc nhãn thuốc. Không may là nhãn thuốc thường ghi với cỡ chữ rất nhỏ, gây khó khăn khi đọc.
6. Tất cả các thuốc đều có sẵn ở dạng đa liều và đơn liều?
SAI.
Không phải tất cả các chế phẩm đều có sẵn ở cả dạng đa liều và đơn liều. Trong một bài tổng quan gần đây về các thuốc tiêm (chiếm 50% tổng chi phí thuốc tiêm sử dụng cho VA, chỉ một chế phẩm (Procrit) có sẵn ở dạng đa liều.
Các khuyến cáo:
Cần làm gì để việc dùng thuốc tiêm an toàn hơn?
· Để giảm tối thiểu nguy cơ nhiễm chéo giữa các bệnh nhân, các thuốc tiêm đơn liều dùng 1 lần nên được sử dụng bất cứ khi nào có thể.
· Nếu thuốc chỉ có sẵn ở dạng thuốc tiêm đa liều, loại có dung tích nhỏ nhất nên được cung cấp, nó sẽ cho phép rút một liều đơn.
· Không dùng lọ thuốc, dù là thuốc tiêm đa liều hay đơn liều cho nhiều hơn một bệnh nhân. Các lọ thuốc không có nắp an toàn bằng nhựa của nhà sản xuất ở trên đỉnh lọ nên được loại bỏ. (Các ngoại lệ có thể bao gồm các dịch chiết dị nguyên, insulin và vắc xin, được chỉ định bởi một hội đồng thuốc và điều trị và được thông báo cho đội ngũ nhân viên thích hợp).
· Kỹ thuật vô khuẩn luôn luôn được sử dụng khi chuẩn bị thuốc tiêm. Trước khi sử dụng, cần kiểm tra độ vô khuẩn và màu sắc của thuốc.
· Các thuốc không nên sử dụng cho nhiều hơn một bệnh nhân từ một xi lanh chung, thậm chí khi thay đổi kim tiêm. Sử dụng lại các xi lanh là vi phạm các hướng dẫn của CDC. Tất cả các xi lanh chứa thuốc từ thuốc tiêm đa liều hay đơn liều và chưa sử dụng ngay phải được dán nhãn đầy đủ.
Kết luận
Chúng ta nên cải thiện an toàn dùng thuốc cho bệnh nhân thông qua lựa chọn dạng chứa thuốc phù hợp (đơn liều hay đa liều).
Tài liệu tham khảo:
1. Centers for Disease Control and Prevention. Guideline for prevention of intravascular device-related infections. Part I. Intravascular device-related infections: An overview. The Hospital Infection Control Practices Advisory Committee. Am J Infect Control. 1996;24:262-277.
2. Press Ganey. Press Ganey knowledge summary: The cost of nosocomial infections.http://www.pressganey.com/files/nosocomial_infections_cost.pdf. Accessed October 8, 2009.
3. Sheth, NK, Post, GT, Wisnieski, TR, Uttech, BV. Multidose vials versus single-dose vials: A study in sterility and cost effectiveness. J Clin Microbiol. 1983;17: 377-379.
4. U.S. Pharmacopeia. http://www.usp797.org/index.html. Accessed October 8, 2009.
5. Lehmann C, Reed B. Refrigeration of used multidose vials. Am J Hosp Pharm. 1993;50:1138.
Cảm ơn tác giả về bài viết. Vậy khi trên nhãn không có thông tin rõ ràng là đơn liều hay đa liều thì làm sao để biết được ạ?