Tiêu chảy sau khi dùng thuốc kháng sinh
Người dịch: Trịnh Thị Ngọc Phượng – Cựu SV ĐHYD Thái Bình
Hiệu đính: DS. Trịnh Thị Hồng Nhung
Nguồn: https://drive.google.com/open?id=0B_4penUNSSvpb0NtanNDdFZoZW8
Tiền sử
Bệnh nhân nam 68 tuổi nằm viện do tiền sử đột quỵ. Bệnh nhân vừa bắt đầu liệu trình thứ hai sử dụng kháng sinh dạng tiêm để điều trị viêm phổi. Bệnh nhân có các cải thiện lâm sàng rõ rệt, dấu hiệu đông đặc phổi trên phim X quang chụp lồng ngực đang được loại bỏ. Tuy nhiên bệnh nhân có dấu hiệu tăng thân nhiệt và đau bụng. Y tá báo cáo rằng bệnh nhân đã đi ngoài tám lần trong khoảng thời gian ngắn, cho ra một lượng lớn phân lỏng màu xanh lá cây mỗi lần.
Kiểm tra
Ổ bụng của bệnh nhân mềm, có dấu hiệu kích thích nhu động ruột và chướng bụng. Bệnh nhân hơi sốt nhẹ (38°C), nhịp tim 110 lần/ phút và huyết áp 88/44 mmHg. Hình ảnh X- quang ổ bụng như hình 3.1.
Câu hỏi
- Tại sao bệnh nhân lại bị tiêu chảy?
- Phim X-quang cho thấy điều gì?
- Các bước điều trị tiếp theo là gì?
Trả lời
- Bệnh nhân bị tiêu chảy nặng sau khi được điều trị đa kháng sinh trong bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Tiêu chảy có thể liên quan đến việc không dung nạp kháng sinh hoặc do mắc phải nhiễm trùng đường tiêu hóa thông thường. Tuy nhiên trong trường hợp này, các triệu chứng rất đáng lo ngại. Bệnh nhân có các dấu hiệu của nhiễm trùng huyết (sốt, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp) và cho ra 1 lượng lớn phân lỏng, các dấu hiệu này rất có thể liên quan đến bệnh lí viêm đại tràng giả mạc.
Clostridium difficile là vi khuẩn kị khí nằm trong hệ khuẩn ruột của người bình thường, nhưng cũng có thể mắc phải trong bệnh viện hoặc cộng đồng.
Khi hệ khuẩn ruột hoạt động bình thường, C.difficile hiếm khi gây bệnh. Bệnh nhân này đã được điều trị qua nhiều đợt kháng sinh gần đây, việc này đã làm cạn kiệt các vi khuẩn có lợi sống trong ruột. Tuy nhiên C. difficile vẫn sống và nhân lên nhanh chóng, đồng thời giải phóng chất độc gây đau bụng, đầy bụng và tiêu chảy. Điều này dẫn đến các triệu chứng của bệnh viêm đại tràng giả mạc.
- X-quang hiển thị các vòng giãn nở đại tràng rất rõ ràng với hiện tượng phù niêm mạc thể hiện qua các nếp gấp dày dần lên. Các hình ảnh này cho thấy, bệnh nhân có khả năng bị phình đại tràng nhiễm độc.
- Bệnh nhân này cũng có dấu hiệu của sốc nhiễm khuẩn. Bệnh nhân cần được sớm bù nước qua tiêm tĩnh mạch. Nếu tim mạch của bệnh nhân có dấu hiệu không ổn định, cần nhanh chóng liên hệ với bác sĩ có kinh nghiệm.
Khoa vi sinh phải được thông báo về kết quả chẩn đoán sơ bộ và mẫu phân của bệnh nhân phải được gửi đi xét nghiệm tìm độc tố của Clostridium difficile. Nếu tình trạng bệnh nhân ổn định, có thể chỉ cần bổ sung nước qua đường uống. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể cần phải dùng kháng sinh đường uống nhắm vào C. difficile. Nhiễm trùng nhẹ có thể được điều trị bằng metronidazole dạng uống; các trường hợp nhiễm trùng nặng hoặc không đáp ứng với metronidazole có thể được điều trị bằng vancomycin. Thuốc kháng sinh để điều trị viêm đại tràng giả mạc chỉ nên được sử dụng khi đã tham khảo ý kiến của chuyên gia về vi sinh vật học.
Nếu nghi ngờ phình đại tràng nhiễm độc, bệnh nhân có thể có nguy cơ thủng nội tạng. Bệnh nhân được đặt một ống thông từ mũi xuống dạ dày để làm giảm sức ép trong đường ruột, bệnh nhân cũng cần được giữ cho dạ dày rỗng. Ekip phẫu thuật cần phải hội chẩn trong trường hợp này.
Cần tránh sử dụng các thuốc làm chậm nhu động ruột (ví dụ loperamide). Việc này sẽ kéo dài thời gian tiếp xúc với độc tố của C. difficile và khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Có một số bằng chứng cho thấy việc uống probiotic cùng kháng sinh có thể làm giảm nguy cơ nhiễm C. difficile.
Các bào tử của vi khuẩn tồn tại trong phân, vì vậy việc rửa tay và dùng màng chắn là cần thiết để ngăn sự lây lan của C. difficile tới các nhân viên y tế và bệnh nhân khác.
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
- Kháng sinh làm triệt tiêu hệ khuẩn ruột tự nhiên và làm cho bệnh nhân có nguy cơ nhiễm siêu vi khuẩn như Clostridium difficile.
- Nghi ngờ viêm đại tràng giả mạc ở bệnh nhân đã sử dụng kháng sinh, đi ngoài nhiều lần và có các triệu chứng khác ở vùng bụng.
- C. difficile rất dễ xâm nhập vào cơ thể. Cần đảm bảo vệ sinh ăn uống và tay chân.