Menu

Tư vấn tại quầy thuốc – Mụn rộp (Herpes rộp môi)


Mụn rộp (Herpes rộp môi)
Dịch: DS. Trần Thị Hồng Nhung
Hiệu đính: DS. Võ Thị Hà

Nguồn: Alison Blenkinsopp, Paul Paxton and John Blenkinsopp (2014). Symptoms in the Pharmacy – A Guide to management of common illnesses 7th.

Mụn rộp (herpes rộp môi, tên tiếng Anh là cold sore hay Herpes labialis) gây ra bởi một trong những virus phổ biến nhất gây ảnh hưởng đến con người trên toàn thế giới. Loại virus gây ra bệnh này là virus herpes simplex (HSV), trong đó có hai chủng chính là: HSV1 và HSV2. HSV1 thường gây ra nhiễm xung quanh hoặc trong miệng, trong khi HSV2 gây nhiễm herpes đường sinh dục. Tuy nhiên, đôi khi, tình trạng này bị đảo ngược và HSV2 gây bệnh trên mặt và HSV1 gây bệnh vùng sinh dục.
Bạn cần nắm bắt những điểm chính nào
Độ tuổi
Thời gian phát bệnh
Triệu chứng và biểu hiện
  Đau nhói dây thần kinh
  Đau
Vị trí phát bệnh (hiện tại và trước đó)
Các yếu tố thúc đẩy
  Ánh nắng mặt trời
  Nhiễm trùng
  Stress
Tiền sử bệnh
Thuốc dùng
Ý nghĩa của câu hỏi và trả lời
Độ tuổi
Mặc dù nhiễm trùng đầu tiên, thường là biểu hiện cận lâm sàng và không được chú ý, xảy ra trong suốt thời thơ ấu, mụn rộp thường thấy nhiều nhất ở độ tuổi thiếu niên và người trưởng thành còn trẻ. Sau khi tấn công cơ thể lần đầu tiên, virus thường không bị loại trừ hoàn toàn và chúng ở dạng tiềm tàng ở rễ thần kinh cho đến khi được hoạt hóa trở lại ở giai đoạn sau. Mặc dù nhiễm herpes thường xảy ra trong thời thơ ấu, nhưng không phải tất cả những người bị nhiễm sau này đều biểu hiện mụn rộp miệng, và lý do của việc này vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Mặc dù mụn rộp miệng gặp ở bệnh nhân ở tất cả các độ tuổi, nhưng sự tái phát lại xảy ra ở 25% người trưởng thành và tần suất phát bệnh giảm dần theo tuổi. Tỷ lệ mắc ở nữ cao hơn ở nam giới một chút.
Trong nhiễm trùng herpes ở thời thơ ấu, bệnh cảnh điển hình là trẻ bị sốt kèm với những vết loét miệng rất đau và nổi hạch bạch huyết. Các tổn thương do herpes kéo dài trong vòng 3-6 ngày và có thể gồm cả tổn thương bề mặt ngoài da cũng như tổn thương trong miệng. Những bệnh nhân như vậy nên đi khám bác sĩ. 
Kéo dài
Thời gian kéo dài các triệu chứng là quan trọng vì điều trị bằng acyclovir là có giá trị nhất nếu dùng sớm khi nhiễm virus (pha tiền nhiễm bệnh). Thường nhiễm trùng sẽ hết trong vòng 1-2 tuần. Bất kì tổn thương kéo dài lâu hơn cần đi khám bác sĩ. 
Triệu chứng và biểu hiện
Những triệu chứng như khó chịu, đau nhói dây thần kinh hoặc bị kích ứng (giai đoạn tiền triệu), có thể xuất hiện trên da trong 6-24 giờ trước khi xuất hiện những vết mụn rộp. Mụn rộp miệng xuất hiện cùng với sự hình thành những nốt rộp nhỏ trên vùng da bị viêm, đỏ và nổi lên. Bên trong vết rộp có thể là các chất tiết màu trắng. Các vết rộp bị vỡ ra nhanh chóng để lại vùng da tổn thương kèm tiết dịch và kết vảy vào khoảng ngày thứ 4 kể từ ngày xuất hiện. Khoảng 1 tuần sau đó, hầu hết các tổn thương sẽ lành lại.
Các vết mụn rộp miệng rất đau đớn và đó là một trong những yếu tố chẩn đoán quan trọng. Bệnh ung thư miệng đôi khi có thể xuất hiện với các biểu hiện tương tự như các vết mụn rộp. Tuy nhiên các tổn thương do ung thư thì thường ít đau hơn và thời gian phát bệnh khác so với mụn rộp. Nguyên nhân khác gây ra những vết loét mà không có cảm giác đau đó là nốt săng (loét) giang mai trong miệng (chancre of syphilis). Các nốt săng thường xuất hiện ở bộ phận sinh dục nhưng cũng có thể xuất hiện ở môi. Tỷ lệ mắc giang mai đã tăng từ năm 1997 tại những thành phố lớn của châu Âu, Bắc Mỹ và Australia. Trong đợt bùng phát ở Anh, bệnh đã xuất hiện ở Bristol, London, Manchester, Nottingham và Newcastle.
Khi một nốt mụn rộp miệng xuất hiện lần đầu tiên, nó có thể bị nhầm lẫn với bệnh chốc lở (impetigo). Chốc lở thường lan rộng hơn, không khởi phát kèm theo các nốt rộp và vết chốc lở thường có vảy màu mật ong. Chốc lở có xu hướng lan rộng để tạo thành những nốt mới và chúng không có xu hướng xuất hiện gần môi. Chúng ít phổ biến hơn bệnh rộp miệng và có xu hướng gặp ở trẻ em. Vì chốc lở cần phải điều trị bằng kháng sinh đường uống và thuốc bôi ngoài, vì thế tình trạng bệnh không thể điều trị bởi dược  sĩ. Nếu có bất cứ nghi ngờ gì về nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng này, bệnh nhân nên đến khám bác sĩ.
Vị trí
Rộp miệng thường xuất hiện ở môi hoặc mặt. Các tổn thương bên trong miệng hoặc ảnh hưởng lên mắt cần được tư vấn về y tế.
Các yếu tố thúc đẩy
Ta biết rằng các yếu tố như ánh nắng, gió, sốt (trong khi bị sốt nhiễm khuẩn như cảm và cúm), thời kỳ kinh nguyệt, cơ thể suy nhược và chấn thương tại chỗ ở da là các yếu tố thúc đẩy sự khởi phát các nốt rộp miệng. Stress thể chất và cảm xúc cũng có thể là các yếu tố dẫn đến phát bệnh. Mặc dù thường không thể tránh một cách hoàn toàn các yếu tố trên, nhưng những thông tin này vẫn có ích đối với người bệnh.
Tiền sử bệnh
Thực tế là rộp miệng thường bị tái phát và điều này rất có ích về mặt chẩn đoán. Nếu một vết rộp liên tục xuất hiện một cách tương tự nhau ở cùng một vị trí so với lần trước, nó rất có thể là rộp miệng. Tất cả các bệnh nhân đều bị từ một đến ba đợt tái phát mỗi năm. Rộp miệng có thể bị bất kì thời điểm nào trong năm, và tỷ lệ phát bệnh có cao hơn một chút vào mùa đông. Những thông tin về tần suất và mức độ của các vết rộp miệng rất hữu ích khi bệnh nhân đến tham vấn bác sĩ, mặc dù bệnh thường được điều trị nhờ vào dược sĩ.
Với những bệnh nhân bị chàm da cơ địa (atopic eczema), tình trạng nhiễm herpes có thể trở nặng và lan rộng ra. Những bệnh nhân này nên đến ăm khám bởi bác sĩ điều trị của mình.
Thuốc điều  trị
Sẽ rất có ích nếu tìm hiểu các loại kem bôi và dung dịch dịch bôi đã được sử dụng từ trước đến nay, loại nào đã được dùng trong những lần phát bệnh trước và bất cứ sản phẩm nào hiệu quả với lần gần đây nhất.
Khi nào nên đến bác sĩ
Trẻ mới sinh và trẻ em
Thất bại trong việc xử lý các vết rộp này
Vết rộp nặng hoặc trở nên trầm trọng hơn
Có tiền sử bị tái phát nhiều lần
Nốt rộp kéo dài hơn 2 tuần
Bị rộp nhưng không đau
Bệnh nhân bị chàm da cơ địa
Bệnh xuất hiện ở mắt
Chẩn đoán chưa chính xác
Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch
Ví dụ bệnh nhân suy giảm miễn dịch, bệnh nhân đang điều trị hóa trị, có nguy cơ nhiễm nặng hơn và nên đến tham vấn bác sĩ.
Điều trị
Aciclovir và penciclovir
Aciclovir dạng kem bôi và penciclovir dạng kem bôi là các thuốc kháng virus làm rút ngắn thời gian lành vết thương xuống nửa ngày đến một ngày và làm giảm cảm giác đau ở vết thương. Việc điều trị cần được bắt đầu ngay khi cảm nhận thấy các triệu chứng và trước khi các tổn thương xuất hiện. Một khi các tổn thương xuất hiện, thì hiệu quả điều trị trở nên kém hơn. Do đó, việc điều trị sẽ rất có ích với những bệnh nhân hay bị tái phát biết trước các nốt rộp miệng cũ của mình sẽ xuất hiện lúc nào. Những bệnh nhân như vậy có thể được khuyến cáo rằng họ nên sử dụng các phương pháp điều trị ngay khi họ cảm nhận được cơn đau nhói dây thần kinh hoặc biểu hiện ngứa đặc trưng báo trước sự xuất hiện của các nốt rộp miệng.
Aciclovir dạng kem bôi có thể dùng cho người lớn và trẻ nhỏ và có thể bôi 4 giờ/lần vào ban ngày và tối trước khi ngủ (khoảng 5 lần/ngày) lên vùng bị tổn thương trong khoảng 5 ngày. Nếu vết thương không lành, có thể điều trị tiếp 5 ngày nữa, sau đó nếu vết rộp miệng không lặn mất thì nên tìm sự tư vấn về y tế. Penciclovir kem bôi có thể dùng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên và bôi 2 giờ/lần vào ban ngày và tối trước khi ngủ  (khoảng 8 lần/ngày) trong vòng 4 ngày. Một vài bệnh nhân có biểu hiện như bị kim đâm thoáng qua hoặc cảm giác bỏng rát sau khi bôi kem. Vùng da được bôi kem có thể bị khô và tróc ra.
Các loại kem có tính chất dịu nhẹ
Giữ ẩm vết rộp miệng sẽ bảo vệ các nốt này khỏi bị khô và nứt dẫn đến nhiễm khuẩn thứ phát. Với những bệnh nhân thi thoảng bị rộp, loại kem dịu nhẹ có thể chứa chất khử trùng có thể giúp giảm bớt cảm giác khó chịu.
Miếng dán gel hydrocolloid
Cần dán miếng dán này ngay lập tức khi các triệu chứng xuất hiện và thay miếng dán khi cần thiết. Miếng dán hydrocolloid mỏng được sử dụng vì tác dụng làm lành vết thương của nó. Bằng chứng về hiệu quả của miếng dán đối với rộp miệng vẫn còn hạn chế.
Các trị liệu bổ sung
Sản phẩm dưỡng chiết xuất bạc hà và dầu trà bôi lên các vết thương có thể có hiệu quả đối với cảm giác đau, khô và ngứa. Chưa có đầy đủ bằng chứng để đánh giá hiệu quả của những sản phẩm này trong việc làm lành vết thương, thời gian đóng vảy, mức độ nặng hoặc tỷ lệ tái phát. Ánh sáng năng lượng thấp, không nóng, bước sóng hẹp nằm trong vùng hồng ngoại có thể có tác dụng đối với rộp miệng, mặc dù chưa có đầy đủ bằng chứng.
Các điểm chính khi thực hành điều trị
Tránh nhiễm chéo
Bệnh nhân cần nhận thức được rằng HSV1 có thể truyền nhiễm và lây qua đường tiếp xúc trực tiếp. Bệnh nhân được khuyến cáo rửa tay sau khi bôi thuốc để điều trị rộp miệng. Phụ nữ cần cẩn thận khi trang điểm mắt khi họ đã bị rộp để tránh nhiễm chéo lên mắt. Không dùng chung dao kéo, khăn tắm, bàn chải hoặc khăn mặt đến khi các vết rộp khỏi hẳn. Quan hệ tình dục bằng miệng với người mắc rộp miệng dẫn tới nguy cơ nhiễm herpers sinh dục và cần được tránh cho đến khi bệnh khỏi hẳn.
Dùng kem chống nắng
Kem chống nắng (SPF 15 hoặc hơn) thoa quanh vùng môi khi bệnh nhân tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (ví dụ khi đi trượt tuyết và đi biển) có thể là một biện pháp bảo vệ hữu dụng.
Stress
Có thể xem xét đến nguyên nhân gây stress trong cuộc sống để xem có thay đổi gì xảy ra với bệnh nhân không. Một cuộc nói chuyện với bác sĩ về vấn đề này có thể là hữu ích.
Viêm da dạng herpes (Thủy đậu dạng Kaposi)
Bệnh nhân bị eczema cơ địa rất nhảy cảm với nhiễm trùng do herpes và thể hiện các đáp ứng bất thương với virus kèm theo tổn thương diện rộng và thỉnh thoảng  hệ thần kinh trung ương bị ảnh hưởng. Những bệnh nhân này nên tránh tiếp xúc với ai đang bị rộp miệng.
Chốc lở
 Hiện nay, vài bộ phận các dược sĩ Anh bây giờ sử dụng bản Hướng dẫn về nhóm bệnh nhân (PGD) để đánh giá và điều trị chốc lở. Vết chốc lở khu trú và đóng vảy thường được điều trị bằng acid fusidic dạng bôi. Rửa tay sạch với xà phòng và nước sau khi bôi thuốc và không dùng chung khăn mặt, khăn tắm có thể giúp tránh sự lây lan bệnh.

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.