Tháng chín 27, 2016
Tư vấn tại quầy thuốc: Tôi bị đau họng
8. Tôi bị đau họng
Dịch: Nguyễn Đỗ Quang Trung
Hiệu đính: ThS.Ds Nguyễn Hoàng Phương Khanh
Nguồn: La médication officinale – Conseils et médicaments délivres par le pharmacien à l’officine – Caquet R.
Nên biết về một số loại viêm họng ở người lớn.
Một số đặc điểm lâm sàng
Trừ một số trường hợp cụ thể (khối u tai mũi họng, hóa trị hoặc xạ trị ung thư, nhiễm nấm lan rộng, v.v) thì triệu chứng chứng đau họng là biểu hiện chính của bệnh viêm họng, hay còn gọi là nhiễm khuẩn amidan hầu họng.
Ở người trưởng thành, viêm họng do virus chiếm hơn 80% số trường hợp. Viêm họng do virus không gây sốt cao và cũng không quá đau . Nó cũng không gây ra tình trạng nôn mửa. Đồng thời, nó cũng không cấp tính. Viêm họng xuất hiện cùng hoặc sau khi bị cảm mạo sổ mũi, đôi khi là sau khi bị đau mắt đỏ nhẹ. Nó có thể đi kèm ho, khàn tiếng. Tóm lại, viêm họng không xuất hiện đơn độc, nó là một phần trong tất cả các bệnh lý viêm đường hô hấp trên. Kết quả của xét nghiệm chẩn đoán nhanh viêm họng (TDR) là âm tính (xem “Con tôi bị đau họng”).
Do đó, rất dễ dàng để nhận biết và phân biệt viêm họng virus với viêm họng do liên cầu – thường thấy ở trẻ em, sốt cao, đau nhức, gây nôn, và không đi kèm chảy nước mũi và ho.
Đương nhiên, viêm họng do virus không phải điều trị bằng kháng sinh.
Tuy nhiên, trước khi chẩn đoán viêm họng virus thông thường, bạn hãy chắc chắn rằng:
–
Khi quan sát họng của bệnh nhân trong gương, không ghi nhận thấy:
+ Các điểm trắng: nhiều khả năng viêm họng do liên cầu;
+ Niêm mạc trắng: đây là dấu hiệu của nhiễm trùng tăng bạch cầu mono hoặc đặc biệt là bệnh bạch hầu;
– Hơi thở không hôi: đây là viêm họng thể Vincent đi kèm với hạch lớn ở vùng cổ và vết loét sâu ở amidan;
– Không có hạch, không chảy máu mũi, không có vết bầm tím, không xanh xao (tất cả dấu hiệu gợi ý của bệnh leucemie).
Trong tất cả các trường hợp trên, hãy đề nghị bệnh nhân nên đi khám bác sĩ.
Lời tư vấn của bạn
Với bệnh viêm họng do virus “thông thường” ở người lớn, hãy tư vấn:
– Viên ngậm: Drill® hoặc Humex® trị đau họng mặc dù hiệu quả của chúng chưa được chứng minh;
– Thuốc xịt 6 lần/ngày, dùng xa bữa ăn, kết hợp 1 chất sát trùng với 1 chất gây tê tại chỗ như nước súc miệng Humex Fournier® hoặc Drill® trị đau họng;
– Một thuốc chống viêm nhẹ như alpha amylase: Maxilase® (1 viên hoặc 1 thìa canh siro, 3 lần/ngày);
– Paracetamol (Doliprane®, Efferalgan®)
– Nhưng không nên dùng thuốc chống viêm phi steroid (NSAID) vì chúng làm trầm trọng thêm một số tình trạng viêm họng.