Menu

Tư vấn tại quầy thuốc – Triệu chứng thường gặp trong thời kỳ mang thai

Dịch: Nhóm dịch sách NCDLS

Nguồn: Alison Blenkinsopp, Paul Paxton and John Blenkinsopp (2014). Symptoms in the Pharmacy – A Guide to management of common illnesses 7th

 

Táo bón

Táo bón có thể xảy ra trong thời kì mang thai do sự ảnh hưởng của sự thay đổi hormone. Những thay đổi này làm giảm tính co bóp của ruột, làm chậm lại sự vận chuyển các sản phẩm bài tiết. Điều này làm cho nhiều chất lỏng đi qua thành ruột, dẫn đến làm khô và cứng phân. Một số phụ nữ đang sử dụng các chế phẩm sắt đường uống để điều trị thiếu máu, điều này có thể làm nặng thêm tình trạng táo bón. Cần phải có ý thức cố gắng phòng ngừa vấn đề này bằng cách điều chỉnh chế độ ăn (hoa quả, rau, ngũ cốc nguyên hạt, đậu lăng và đậu) và uống nhiều nước. Nếu táo bón bị trầm trọng hơn do dùng viên nén sắt thì nên thảo luận với bác sĩ gia đình để thay đổi dạng bào chế khác.

Bệnh trĩ

Bệnh trĩ có thể bị làm trầm trọng thêm bởi táo bón, và trong thai kì, sự giãn các cơ trong tĩnh mạch hậu môn có thể dẫn tới giãn và sưng các búi tĩnh mạch (trĩ). Sự giãn các tĩnh mạch ảnh hưởng bởi các hormone thai kì. Giai đoạn cuối thai kì, khi mà đầu đứa bé đẩy xuống xương chậu, áp lực mạnh hơn tác động vào các tĩnh mạch làm trĩ nặng thêm. Trong kiểm soát bệnh trĩ, quan trọng là phải tránh táo bón, tập thể dục thường xuyên để tăng cường tuần hoàn, tránh ngồi lâu và thảo luận với dược sĩ, nữ hộ sinh hoặc bác sĩ gia đình về điều trị bằng thuốc OTC thích hợp.

Đau lưng

Khi trong thời kì mang thai, dây chằng của lưng dưới và xương chậu trở nên mềm hơn và giãn ra. Dáng người cũng thay đổi dẫn đến cột sống thắt lưng (dưới) cong nhiều về phía trước, gọi là tật ưỡn lưng. Sự thay đổi của dây chằng và tật ưỡn lưng có thể dẫn đến chứng đau lưng thấp. Những cách phòng tránh thông thường là tránh nâng các đồ vật nặng, tránh cúi xuống một cách bất tiện và vặn mình , cũng có thể là dùng một tấm nệm tốt. Những sự trợ giúp tốt hơn nữa có thể là vật lý trị liệu sản khoa, chỉnh xương hoặc nắn xương.

Viêm bàng quang

Tăng số lần đi tiểu tiện rất thường gặp trong thời kì mang thai, mặc dù rất bất tiện nhưng nó thường không có ý nghĩa về mặt y khoa. Khi nó có kèm với bất cứ dấu hiệu nào của viêm bàng quang như là tiểu đau, nước tiểu mất màu hoặc có mùi khó chịu, cần phải hỏi ý kiến của bác sĩ gia đình. Khi bị viêm bàng quang ở thời kì mang thai, nhiễm trùng có thể di chuyển từ bàng quang đến thận, gây là nhiễm khuẩn nghiêm trọng hơn. Nếu có bất cứ nghi ngờ gì về viêm bàng quang thì điều quan trọng là phải phân tích nước tiểu.

Đau đầu

Đâu đầu có thể là một vấn đề rất thông thường ở phụ nữ trong thời kì mang thai. Tốt hơn hết là phải có một chế độ tập luyện, nghỉ ngơi và thư giãn cân bằng. Đôi khi vẫn có thể sử dụng paracetamol nhưng tốt hơn hết là tránh sử dụng thuốc trong thời kì mang thai. Thỉnh thoảng gặp đau đầu dai dẳng hoặc nặng có thể là do tăng huyết áp. Cần trao đổi với nữ hộ sinh hoặc bác sĩ gia đình để kiểm tra vấn đề này.

Ợ nóng

Ợ nóng là do sự giãn các cơ thực quản dưới khiến cho acid trào ngược trở lên. Trào ngược acid có thể dẫn đến viêm thực quản và ợ nóng. Nó có thể trầm trọng hơn trong khi mang thai do lực ép từ thai nhi đang phát triển lên dạ dày. Nó có thể giảm bằng cách gối cao đầu, ăn nhiều bữa nhỏ và không ăn trước khi đi ngủ. Một cốc sữa cũng có thể có tác dụng làm giảm điều này. Nếu cần phải điều trị, dược sĩ cần xem xét lượng natri và tránh các thuốc có nồng độ natri cao.

Buồn nôn/nôn (ốm nghén)

Buồn nôn và nôn rất phổ biến, đặc biệt là ở thời kì đầu mang thai: buồn nôn gặp ở 70% và nôn gặp ở 65% phụ nữ có thai. Nó thực sự có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày. Nôn ngừng ở tuần thứ 16 ở 90% phụ nữ mang thai. Nguyên nhân có thể là sự thay đổi trong nồng độ hormone. Điều quan trọng là phải dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thức dậy vào buổi sáng từ từ, uống nhiều nước, tránh thức ăn và các mùi gây buồn nôn/nôn, và ăn thức ăn nhạt. Gừng có thể có hữu ích. Có một số thử nghiệm lâm sàng cho rằng gừng làm giảm nôn và buồn nôn nhưng những thử nghiệm này chỉ có ít người tham gia. Một thử nghiệm chéo đánh giá 27 phụ nữ với chứng buồn nôn nặng trong thai kì. Những người này được đưa 250 mg gừng 4 lần/ngày hoặc placebo trong vòng 4 ngày. Buồn nôn giảm đáng kể ở nhóm dùng gừng so với nhóm placebo. Bằng chứng cho việc bấm huyết P6 vẫn chưa đưa ra được kết luận, với một số thử nghiệm thì đưa ra lợi ích còn một số khác thì cho thấy hiệu quả kém hơn placebo. Một thử nghiệm gần đây cho thấy châm cứu có hiệu quả tuy nhiên số lượng người tham gia quá ít để có một kết luận chắc chắn.

Dịch tiết âm đạo

Dịch tiết âm đạo xảy ra với hầu hết phụ nữ trong thai kì. Nếu dịch tiết này sạch, trắng, không có mùi thì nó là một phản ứng mang thai thông thường. Tuy nhiên nếu mà nó có mùi khó chịu, có màu hoặc đi kèm với một số triệu chứng như đau nhức hoặc khó chịu thì cần phải hỏi nữ hộ sinh hoặc bác sỹ gia đình. Nhiễm trùng thường gặp nhất là nấm và được điều trị bằng các azole ngoài da và âm đạo.

Kích ứng

Kích ứng da nhẹ thường gặp trong thời kì mang thai. Nó gây ra bởi sự tăng lưu lượng máu đến da và căng da bụng. Mặc quần áo rộng hoặc sử dụng một loại kem mềm da hoặc dưỡng ẩm sẽ có ích. Nếu ngứa rất trầm trọng thì có thể do một nguyên nhân nghiêm trọng là ứ mật sản khoa. Tình trạng này có thể đi kèm với vàng da và sẽ gây hại cho thai nhi. Cần phải xem xét các bệnh nhân bị ngứa trầm trọng.

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.